Một vài chiến lược Marketing cho doanh nghiệp thương mại điện tử (P1)
Nếu bạn đang phụ trách các công việc liên quan đến thương mại điện tử, những chiến lược Marketing được MarketingTrips đề cập trong bài sẽ rất hữu ích.
Với giá trị dự kiến đạt hơn 7000 tỷ USD vào năm 2025, thương mại điện tử được xem là nền kinh tế mũi nhọn của các quốc gia và doanh nghiệp, để có thể tận dụng tốt các cơ hội mới, những chiến lược marketing phù hợp với doanh nghiệp là một trong những ưu tiên hàng đầu.
Trong khi tuỳ thuộc vào từng mục tiêu khác nhau, các doanh nghiệp có thể cần những chiến lược tiếp cận khác nhau, dưới đây là một số chiến lược marketing dành riêng cho các doanh nghiệp thương mại điện tử.
Làm thế nào để bạn biết được chiến lược nào là tốt nhất cho doanh nghiệp của mình.
Như đã đề cập ở trên, không chỉ áp dụng với các doanh nghiệp thương mại điện tử mà với bất kì doanh nghiệp nào, các chiến lược nói chung và chiến lược marketing nói riêng về cơ bản sẽ khác nhau.
Tuy nhiên, dưới đây là 3 cân nhắc quan trọng nhất bạn cần phân tích để từ đó có thể tìm ra được chiến lược marketing phù hợp nhất cho doanh nghiệp thương mại điện tử của mình.
Xác định chân dung khách hàng lý tưởng.
Trong khi có hàng tỷ người dùng trực tuyến có thể trở thành khách hàng của thương hiệu, tức họ sẽ mua hàng từ thương hiệu, chỉ có một nhóm ít khách hàng lý tưởng nhất định bao gồm những người có thể mua và mua nhiều nhất (quy luật 20/80).
Việc xác định chân dung những người mua lý tưởng về cơ bản sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hầu hết các quyết định marketing hay thậm chí là kinh doanh của doanh nghiệp.
Bạn có thể xác định những người này thông qua các dữ liệu như:
- Tên
- Giới tính
- Tuổi tác
- Thu nhập
- Các kênh marketing hay nền tảng họ yêu thích
- Địa điểm sinh sống
- Nỗi đau
- Khao khát
- Sở thích
- …
Để có thể nhắm mục tiêu chính xác thông qua các chiến dịch quảng cáo, bạn cần nắm rõ các thông tin cơ bản nói trên.
Mục tiêu Marketing.
Mặc dù mục tiêu chung của doanh nghiệp thường là có được nhiều khách hàng và doanh số, tuy nhiên, với tư cách là những marketer chuyên nghiệp, bạn cũng cần xác định rõ các mục tiêu cụ thể hơn (cho từng chiến dịch).
Các mục tiêu marketing có thể có trong các chiến lược marketing của doanh nghiệp thương mại điện tử là:
- Nhận biết thương hiệu (Brand Awareness).
- Khách hàng tiềm năng (Lead).
- Khách hàng (mua sản phẩm).
- Duy trì khách hàng.
Về bản chất, các mục tiêu marketing đóng vai trò như những kim chỉ nam mang tính định hướng các nhiệm vụ hay sứ mệnh của marketing.
Ngân sách Marketing.
Nếu bạn có một khoản ngân sách lớn, rõ ràng bạn sẽ có một bản kế hoạch chiến lược rộng hơn và bao hàm nhiều thứ hơn (chẳng hạn như kênh).
Căn cứ vào mức ngân sách được phép chi tiêu, bạn cần đưa ra các định hướng chiến lược hành động gắn liền với từng khoản ngân sách nhỏ nhất định.
Một khi bạn đã xác định được tất cả các yếu tố nói trên, về khách hàng lý tưởng, về mục tiêu và ngân sách marketing, bạn đã có thể sẵn sàng bắt tay xây dựng ngay các chiến lược của riêng mình.
Các chiến lược Marketing tốt nhất cho các doanh nghiệp thương mại điện tử.
Mặc dù tuỳ thuộc vào mục tiêu hiện tại của bạn là gì bạn có thể lựa chọn các chiến lược khác nhau, dưới đây là một chiến lược bạn có thể tham khảo.
SEO thương mại điện tử (eCommerce SEO).
Cũng tương tự như các khách hàng ở những ngành hàng khác, họ thường ra quyết định mua hàng sau nhiều nghiên cứu trên nhiều nền tảng khác nhau.
Hiểu được điều này, sau khi đã xác định các điểm chạm (brand touchpoint) mà thương hiệu sẽ cần phải tiếp xúc với khách hàng, bạn cần chủ động tiếp cận họ trên từng điểm.
eCommerce SEO là quá trình tối ưu hóa các website hay ứng dụng của bạn để xếp hạng cao hơn cho các từ khóa kinh doanh thiết yếu. Dưới đây là một số nhiệm vụ bạn cần làm khi thực hiện SEO cho thương mại điện tử:
- Tiếp thị nội dung (Content Marketing): sẽ không có bất cứ trang nào có thể xếp hạng tốt (bền vững) trên các công cụ tìm kiếm mà không có các nội dung (chất lượng). Trong khi có không ít người làm SEO sử dụng các kỹ thuật gian lận (Black Hat SEO) hay thậm chí là các phần mềm spam SEO tự động để tăng thứ hạng, những nội dung có giá trị là chiến lược bền vững nhất cho cả thương hiệu và người truy cập. Bằng cách dự báo hay xác định các ý niệm của khách hàng với mỗi từ khoá, thương hiệu có thể chủ động xây dựng các nội dung với giá trị tương ứng.
- SEO kỹ thuật: Một trong những mục tiêu lớn nhất của việc tối ưu SEO kỹ thuật đó là làm cho trải nghiệm của khách hàng trở nên mượt hơn kể từ lúc nhấp chuột cho đến khi rời trang. Bằng cách tăng tốc độ tải trang, tối ưu các hành động điều hướng trang hay đơn giản là giúp website thân thiện với thiết bị di động, thương hiệu có thể giữ chân khách hàng được lâu hơn.
- SEO trên trang (On-Page SEO) : Phần chiếm nhiều thời gian nhất của hoạt động SEO trên trang là tối ưu nội dung của các bài viết cho các từ khoá tương ứng. Từ thẻ tiêu đề, nội dung chính, liên kết nội bộ, các thẻ hình ảnh đến các thẻ tiêu đề phụ.
- SEO ngoài trang (Off-Page SEO) : trong khi bạn có thể cải thiện SEO cho website thương mại điện tử của mình thông qua nhiều hành động trên trang, bạn cũng có thể thực hiện các bước tương tự bên ngoài trang. Một trong những chiến thuật SEO off-page được nhiều SEOer sử dụng nhất là xây dựng các liên kết (backlinks). Khi website của bạn được liên kết với nhiều bên khác uy tín hơn, các công cụ tìm kiếm xem đây là một dấu hiệu để ưu tiên xếp hạng trên các trang kết quả của mình.
Quảng cáo trả phí cho mỗi lần nhấp chuột.
Ngoài các chiến lược khai thác từ lượng truy cập tự nhiên, các chiến lược quảng cáo có trả phí từ công cụ tìm kiếm hay trên các nền tảng mạng xã hội là không thể bỏ qua.
Đối với các quảng cáo trên Google (Google Ads), bạn phải thực hiện các bước cần thiết để nâng cao cơ hội thành công của chiến dịch bao gồm:
- Tiến hành nghiên cứu từ khóa: người mua tiềm năng của bạn đang tìm kiếm điều gì? nó có phù hợp với mục tiêu bán hàng của bạn không? Bạn có thể tìm các từ khóa tốt nhất thông qua các công cụ như Google Keyword planner.
- Điều chỉnh giá thầu theo mục tiêu: Quảng cáo của bạn có hiển thị với các từ khóa bạn mong muốn không? Tình trạng cạnh tranh như thế nào? Bạn có thể đạt được hiệu suất quảng cáo tốt hơn với việc đặt giá thầu nếu bạn tăng điểm chất lượng của quảng cáo thông qua các quảng cáo có liên quan cao và tỷ lệ nhấp chuột (CTR) cao.
- Xây dựng các trang đích (Landing Page) có liên quan: Để có thể có được chuyển đổi tốt nhất với chi phí tối ưu nhất, nội dung quảng cáo của bạn phải phù hợp với nội dung của trang đích.
- Sử dụng quảng cáo mua sắm của Google: Những quảng cáo này thường được xây dựng riêng cho các từ khóa mang tính chuyển đổi hay bán hàng cao (transactional keywords). Khi ai đó tìm kiếm các sản phẩm liên quan, sản phẩm của bạn với mức giá tương ứng sẽ được hiển thị.
- Sử dụng quảng cáo nhắm mục tiêu lại: nếu ai đó đã truy cập hay từng tương tác với các nền tảng của bạn, bạn có thể gửi lại cho họ những nội dung quảng cáo liên quan nhất. Ví dụ: nếu ai đó từng xem nội dung “áo thun nam” trên trang của bạn, bạn có thể nhắm mục tiêu lại đến họ với các sản phẩm tương ứng.
Hy vọng sau khi thực hiện các chiến thuật nói trên, bạn có thể cải thiện hiệu suất quảng cáo hay marketing của mình, giúp doanh nghiệp tiếp cận được nhiều khách hàng tiềm năng hơn và bán được nhiều hàng hơn.
Hết phần 1!
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Nam Nguyen