Bạn không thể trở thành một nhà lãnh đạo giỏi nếu thiếu đi chuyên môn cứng
Rất nhiều người cho rằng những kỹ năng bạn cần để trở thành một nhà lãnh đạo ít nhiều có thể chuyển giao được. Nếu bạn có thể truyền cảm hứng và động lực cho mọi người, bạn có khả năng trở thành một nhà lãnh đạo tuyệt vời. Nhưng những nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng đó là một quan điểm sai lầm.
Các nghiên cứu cho rằng những nhà lãnh đạo giỏi biết rất nhiều về lĩnh vực mà họ đang lãnh đạo và một phần thiết yếu của điều khiến họ thành công trong vai trò của mình là chuyên môn cứng hay năng lực kỹ thuật (Technical Expertise).
Ví dụ, những bệnh viện do bác sĩ quản lý hoạt động tốt hơn bệnh viện do những người có một chuyên môn khác quản lý. Và có rất nhiều ví dụ khác về những người đã điều hành một doanh nghiệp một cách hiệu quả nhưng lại gặp khó khăn khi chuyển giao các kỹ năng của họ sang một tổ chức mới.
Khi các nhà nghiên cứu làm việc với một nhóm tại Đại học Texas để xem việc giáo dục về kiến thức lãnh đạo hiện đang được thể hiện như thế nào đối với các sinh viên.
Có một sự đồng thuận rộng rãi giữa nhiều trường chuyên về đào tạo tư duy lãnh đạo về các yếu tố cốt lõi của những gì mà một nhà lãnh đạo cần biết.
Những yếu tố này bao gồm: Khả năng thúc đẩy bản thân và người khác, kỹ năng giao tiếp và viết hiệu quả, kỹ năng tư duy phản biện, khả năng giải quyết vấn đề, kỹ năng làm việc theo nhóm và giao nhiệm vụ cho người khác.
Nhìn thoáng qua, đây có vẻ là một danh sách gồm các yêu cầu rất hợp lý. Những nhà lãnh đạo giỏi thường có những khả năng này và nếu bạn muốn tạo ra những nhà lãnh đạo tương lai tương tự, việc đảm bảo rằng họ có những kỹ năng này là một lựa chọn tốt.
Họ cần có khả năng tiếp nhận một khối lượng lớn thông tin và chắt lọc nó thành những yếu tố cần thiết để xác định rõ vấn đề cốt lõi cần giải quyết.
Họ cũng cần tổ chức các đội nhóm để giải quyết những vấn đề này và truyền đạt cho các đồng đội của họ về lý do tại sao họ nên chia sẻ một tầm nhìn chung.
Họ cần thiết lập niềm tin với một đội nhóm và sau đó sử dụng niềm tin đó để cho phép đội nhóm hoàn thành nhiều hơn những gì mà họ có thể.
Tuy nhiên, chỉ riêng những kỹ năng này sẽ không giúp tạo nên một nhà lãnh đạo giỏi vì để thực sự vượt trội trong danh sách các kỹ năng này trong thực tế, bạn cũng cần có nhiều kiến thức chuyên môn cứng trong một hoặc nhiều các lĩnh vực cụ thể khác.
Ví dụ, hãy thử đặt mình vào một tình huống cụ thể và cố gắng suy nghĩ để tìm ra bản chất của vấn đề. Để làm tốt điều đó, bạn không thể không cần các chuyên môn cứng.
Những thông tin quan trọng mà một bác sĩ cần để chẩn đoán bệnh nhân khác với những kiến thức chuyên môn được sử dụng để xử lý các tình huống liên quan đến chính trị và cả hai hướng chuyên môn này là khác nhau so với những gì cần thiết để thương lượng được một thỏa thuận kinh doanh tốt.
Tiếp dó, ngay cả việc giao tiếp hiệu quả cũng khác nhau giữa các ngành khác nhau.
Các bác sĩ truyền đạt thông tin đến các bệnh nhân khác với cách các chính trị gia phản ứng lại với một thảm họa tự nhiên hoặc một giám đốc điều hành phản ứng trước một tranh chấp liên quan đến lao động.
Khi bạn bắt đầu xem xét bất kỳ kỹ năng cốt lõi nào mà các nhà lãnh đạo có, bạn sẽ nhanh chóng nhận ra rằng kiến thức chuyên môn theo các lĩnh vực cụ thể là điều luôn gắn liền với họ. Và các kiến thức chuyên môn được yêu cầu đó cũng rất cụ thể (không phải kỹ năng).
Tới đây, một số nhà lãnh đạo nói rằng họ sẽ bao quanh mình những người giỏi, những người có chuyên môn cao để giúp họ đưa ra những quyết định đúng đắn.
Nhưng vấn đề là nếu họ không có chuyên môn thực tế, làm sao họ biết được liệu họ đã tìm đúng người giỏi để giúp họ?
Nếu một nhà lãnh đạo không thể đánh giá mức độ chính xác về những thông tin mà họ nhận được từ những người xung quanh họ (cứ cho là các nhà lãnh đạo đang nghĩ rằng những người đó rất giỏi về chuyên môn), thì họ không thể lãnh đạo một cách hiệu quả.
Cách suy nghĩ này về một lãnh đạo có hai ý nghĩa quan trọng. Trước tiên, khi dạy mọi người về khả năng lãnh đạo, mọi người cần phải hiểu rằng, kỹ năng chỉ là thứ yếu, và họ cần phải có chuyên môn sâu mới có thể trở thành một nhà lãnh đạo giỏi.
Thứ hai, khi đào tạo mọi người để đảm nhận vai trò lãnh đạo, họ cần thực hành giải quyết các vấn đề cụ thể liên quan đến ngành hay chuyên môn của họ để họ có thể chuẩn bị những kiến thức cần thiết trong lĩnh vực mà họ đang được yêu cầu lãnh đạo.
Vấn đề này càng trở nên quan trọng hơn trong một môi trường làm việc hiện đại, khi mà mọi thứ thay đổi quá nhanh và thậm chí là các nhà lãnh đạo phải sẵn sàng để học những kiến thức chuyên môn mới.
Sự dịch chuyển này có nghĩa là nhiều nhân viên trẻ hơn có thể không có được nhiều kiến thức chuyên môn đáng kể trong ngành mà họ hiện đang làm việc, do đó họ sẽ ít cơ hội hơn để lãnh đạo một cách hiệu quả.
Các doanh nghiệp cần xác định các nhà lãnh đạo tương lai tiềm năng và khuyến khích họ phát triển các kỹ năng và chuyên môn cụ thể từ rất sớm, điều sẽ tạo điều kiện thuận cho họ về sau này khi họ được cân nhắc lên các vai trò lãnh đạo.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Hà Anh