Doanh nghiệp tái tạo: Xu hướng tương lai của các doanh nghiệp
43% doanh nghiệp Châu Á Thái Bình Dương (APAC) đã triển khai hiệu quả cái gọi là “văn hóa tái tạo” hay “kinh doanh tái tạo” và 46% đang vận hành chuỗi cung ứng tái tạo rất hiệu quả.
Các phân tích từ công ty tư vấn toàn cầu Kearney đã phát hiện ra rằng gần một nửa (48%) giám đốc điều hành hoặc các vị cấp cao (C-suite) khác cho biết những chuyển đổi kinh doanh hiện tại của họ không mang lại hiệu quả.
Mặc dù các doanh nghiệp đang chuyển từ tập trung vào khả năng phục hồi trong suốt thời kỳ diễn ra COVID-19 sang quan điểm mới gọi là ‘tái tạo’ (regenerative business), nhưng hiện chỉ có 51% doanh nghiệp vận hành hiệu quả theo cách này.
“Doanh nghiệp tái tạo” là gì?
Trong bối cảnh kinh doanh mới, việc tích hợp các mô hình kỹ thuật số mới và phân tích nâng cao, đồng thời tạo ra các chuỗi cung ứng và mô hình bền vững cho doanh nghiệp và xã hội hiện là nhiệm vụ hết sức quan trọng.
Các doanh nghiệp mong muốn thực hiện những cam kết này sẽ cần một cách thức tiếp cận lâu dài để có thể trở nên thực sự ‘tái tạo’ (tái sinh).
Điều này có nghĩa là, ngoài việc phục hồi và mục tiêu lợi nhuận, doanh nghiệp cần chủ động xác định xem những giá trị nào có thể được thêm ngược trở lại cho xã hội. Trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội (CSR) đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Thay vì chỉ tập trung tối ưu hóa hiệu quả hay hiệu suất kinh doanh, thế hệ doanh nghiệp tiếp theo sẽ cần phải tái tạo tốc độ, sử dụng dữ liệu bên ngoài cộng với công nghệ AI để tìm hiểu chính xác những gì đang xảy ra bên ngoài doanh nghiệp một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Bằng cách tái tạo toàn bộ hệ thống kinh doanh, từ chuỗi cung ứng đến trải nghiệm khách hàng và văn hóa tổ chức, doanh nghiệp có thể đảm bảo rằng các đội ngũ của họ có thể tiếp cận và duy trì toàn bộ tiềm năng vốn có.
Doanh nghiệp tái tạo còn được gọi là Kinh doanh tái tạo.
Góc nhìn từ C-Suite với khái niệm doanh nghiệp tái tạo (regenerative business).
Báo cáo nghiên cứu mới của Kearney từ hơn 800 lãnh đạo doanh nghiệp (C-Suite) trên toàn cầu (bao gồm 159 người ở khu vực APAC) cho thấy rằng có đến 99% lãnh đạo doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng của việc trở thành một doanh nghiệp tái tạo.
Ngoài ra, trong nghiên cứu, hơn một nửa (51%) lãnh đạo APAC báo cáo rằng doanh nghiệp của họ đã vận hành theo cách tái tạo một cách hiệu quả. Mặc dù con số này cao hơn mức trung bình toàn cầu là 44%, nhưng vẫn còn nhiều cơ hội nữa để tiếp tục cải thiện và theo đuổi.
Tương tự, 43% doanh nghiệp APAC cho biết họ đã triển khai hiệu quả văn hóa tái tạo và 46% cho biết họ đang vận hành chuỗi cung ứng tái tạo rất hiệu quả.
Thái độ của C-Suite cũng rất khác nhau. Hơn một nửa (55%) CEO khu vực APAC cho biết hoạt động kinh doanh của họ rất hiệu quả trong việc tái tạo, với 41% cho biết họ vẫn còn nhiều tiến bộ cần đạt được.
Nghiên cứu cho thấy hầu hết C-Suite ở APAC đang áp dụng các phong cách lãnh đạo mới, thứ có thể hỗ trợ doanh nghiệp tái tạo. Họ tập trung vào hành động và trao quyền cho người khác để tạo ra nhiều sự tích cực và thay đổi. 49% CEO cho biết họ hiện đang sử dụng phong cách lãnh đạo tái tạo (regenerative leadership) rất hiệu quả.
Arjun Sethi, Đối tác và Chủ tịch khu vực APAC tại Kearney nhận xét:
“Kết quả khảo sát của chúng tôi cho thấy rõ rằng các doanh nghiệp trong khu vực muốn chuyển từ một chiến lược đơn thuần là có khả năng phục hồi sang một chiến lược mới có khả năng tái tạo hoàn toàn, mang tính chuyển đổi giá trị cốt lõi cao hơn. Một môi trường làm việc đa dạng và bền vững là những ưu tiên khác.
Trong bối cảnh mới, một mô hình kinh doanh tái tạo sẽ mang lại nhiều lợi thế cạnh tranh hơn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho những chuyển đổi mang tính cốt lõi và hơn thế nữa.
Các doanh nghiệp giờ đây phải lùi lại một bước, xem xét mô hình kinh doanh cũng như đánh giá lại các sản phẩm hoặc dịch vụ của mình. Mang lại giá trị tối đa cho tất cả các bên liên quan và phục vụ cho một hệ sinh thái rộng lớn hơn là mục tiêu hàng đầu.”
Chủ tịch Arjun Sethi cho biết thêm:
“Nghiên cứu của chúng tôi cũng cho thấy rằng các doanh nghiệp ở Châu Á Thái Bình Dương đang đi đúng hướng tới các mô hình tái tạo và họ đang vận hành theo hướng tái tạo hiệu quả hơn so với các doanh nghiệp khác trên toàn cầu.”
Trở thành một doanh nghiệp tái tạo không chỉ là việc tái cơ cấu và giải quyết những điểm yếu hiện có của doanh nghiệp. Điều quan trọng là bất kỳ kế hoạch hay chiến lược nào cũng phải đặt ra mục tiêu bền vững và không ngừng tăng thêm giá trị cho thế giới mà họ đang hoạt động.
“Các doanh nghiệp phải phát huy thế mạnh của mình đồng thời tìm cách xác định các cơ hội mới để phát triển bền vững hơn trong tương lai. “Tái tạo” sẽ là từ khoá mà doanh nghiệp cần phải theo đuổi.”
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Hà Anh | MarketingTrips