5 thành phần trọng yếu của một doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng
Cho dù doanh nghiệp của bạn đang kinh doanh trong ngành hàng gì và ở quy mô bao nhiêu, dưới đây là 5 thành phần quan trọng hàng đầu giúp doanh nghiệp của bạn tăng trưởng.
Tất cả mọi chủ doanh nghiệp đều muốn đạt được một mục tiêu chung – thúc đẩy tăng trưởng. Đặc biệt ở các giại đoạn đầu tiên của quá trình thành lập và phát triển, sự tăng trưởng nhanh của doanh nghiệp còn có thể giúp họ thoát khỏi 2 số liệu thống kê “không mấy vui vẻ” dưới đây:
- Hơn 1/2 số doanh nghiệp mới không tồn tại qua mốc 5 năm.
- Chỉ 1/3 số doanh nghiệp tiếp tục hoạt động kinh doanh vào năm thứ 10.
Nếu bạn không muốn doanh nghiệp của mình rơi vào những tình huống nói trên, việc xây dựng một nền tảng vững chắc với đầy đủ các yếu tố cần thiết để tăng trưởng (nhanh và bền) là yếu tố sống còn. Và dưới đây là 5 cách để bạn làm điều đó.
1. Xác định đâu là thứ làm bạn khác biệt so với đối thủ cạnh tranh (USP).
Bằng cách phân tích từ các yếu tố môi trường bên ngoài đến nội bộ doanh nghiệp, bạn cần tìm ra những điều đặc biệt khiến bạn trở nên khác biệt so với đối thủ cạnh tranh và sau đó sử dụng những lợi thế đó làm bàn đạp cho sự tăng trưởng.
Tuỳ vào từng quy mô hay mô hình kinh doanh của doanh nghiệp, bạn có thể lựa chọn các mô hình phân tích khác nhau để tìm ra được các nhân tố nói trên. Ma trận SWOT là một gợi ý mà bạn có thể tham khảo.
2. Xác định đúng tệp khách hàng lý tưởng.
Trong khi sản phẩm hay dịch vụ của bạn có thể bán cho nhiều nhóm đối tượng hay nhiều người ở các phân khúc thị trường khác nhau, khái niệm khách hàng lý tưởng đề cập đến một khía cạnh hoàn toàn khác.
Một khách hàng (tệp khách hàng) được cho là lý tưởng hay nhóm khách hàng mục tiêu chính (key/target customer) là những người có khả năng mua cao nhất các sản phẩm hay dịch vụ của doanh nghiệp.
Ví dụ nếu bạn là chủ doanh nghiệp và đang bán sản phẩm hàng xa xỉ chẳng hạn, rõ ràng là có rất nhiều người muốn và có thể sử dụng nó, tuy nhiên những người có đủ khả năng chi trả và sẵn sàng mua thì là một câu chuyện khác. Có thể khách hàng lý tưởng của bạn là những người có thu nhập cao, sống ở thành thị và giao tiếp nhiều chẳng hạn.
Nếu bạn không thực sự hiểu khách hàng lý tưởng của mình là ai, bạn có thể nghiên cứu các khách hàng của các đối thủ cùng phân khúc hoặc hỏi chính các khách hàng đã từng mua các sản phẩm bạn.
Bạn cũng cần hiểu thêm rằng, với từng nhóm khách hàng với các chân dung khác nhau họ cần những giải pháp khác nhau (ngay cả cùng sử dụng một sản phẩm), do đó sau khi đã xác định các nhóm khách hàng lý tưởng và các nhóm khách hàng khác, bạn có thể cần thiết kế các chiến lược marketing khác nhau để tiếp cận họ.
3. Thấu hiểu các chỉ số hiệu suất chính (KPIs/OKRs).
Để tăng trưởng, bạn cần hiểu điều gì đang hiệu quả và điều gì không, điều gì có thể thúc đẩy các mục tiêu chính của doanh nghiệp và điều gì đang kìm hãm nó.
Mỗi doanh nghiệp về cơ bản sẽ có những bộ chỉ số đo lường hiệu quả khác nhau và nếu bạn không thể xác định chính xác những chỉ số đó là gì, đo lường và tối ưu hóa nó, mục tiêu tăng trưởng hay mở rộng quy mô của bạn vẫn sẽ là thứ gì đó rất xa vời.
Có một sai lầm thường gặp đối với không ít các doanh nghiệp khi xác định các chỉ số (KPIs/OKR) này là trong khi các mục tiêu đặt ra (Os) đã quá rõ ràng (chẳng hạn như doanh số bao nhiêu, thị phần bao nhiêu…) thì các chỉ số hiệu suất chính (KRs) lại rất mơ hồ và hầu như không liên quan đến các mục tiêu.
Bạn cần hiểu rằng khi bạn đạt được các KRs thì Os cũng phải đạt, ngược lại, nếu KRs đạt mà Os vẫn chưa thì bạn cần xem xét lại các KRs của mình.
4. Thấu hiểu bức tranh tài chính của doanh nghiệp.
Nếu bạn không thể hiểu rõ những con số của mình, việc bạn đạt được mục tiêu có thể khiến bạn mất đi nhiều thứ hơn bạn nghĩ, hoặc bạn không thể đạt được các mục tiêu đề ra vì thiếu nguồn lực.
Có thể sau khi tìm hiểu, bạn sẽ cần cắt bỏ ngân sách ở một số khâu nhất định và thêm ngân sách ở các phạm vi quan trọng hơn, vì tăng trưởng là câu chuyện của dài hạn, bức tranh tài chính của bạn cũng cần được đánh giá và nhìn nhận theo góc nhìn đó.
Thiếu vốn là một trong những nguyên chính dẫn đến thất bại của các công ty khởi nghiệp trước khi họ bắt đầu bán được hàng và tăng trưởng.
5. Tìm kiếm và đầu tư vào nhóm nhân tài.
Cho dù doanh nghiệp của bạn có nguồn lực tài chính mạnh đến đâu, hệ thống sản phẩm tốt đến mức nào, mọi mục tiêu tăng trưởng sẽ không bao giờ được hoàn thành nếu doanh nghiệp thiếu đi các nhóm nhân tài.
Khi toàn cầu đang phải chứng kiến những “cuộc di cư vĩ đại” trong ngành nhân sự, quá trình tìm kiếm và giữ chân nhân viên sẽ ngày càng trở nên khó khăn hơn.
Ngoài việc đáp ứng các mục tiêu về lương thưởng hay mô hình làm việc kết hợp (hybrid workplace), doanh nghiệp của bạn còn cần phải khiến cho nhân viên có cảm giác thuộc về, quan tâm đến đời sống tinh thần của họ (ngay cả ngoài giờ làm việc) và giúp họ hoàn thành các mục tiêu phát triển bản thân trong chính doanh nghiệp.
Đặc biệt, nếu bạn là một công ty khởi nghiệp, khi lương thưởng là một điều hết sức khó khăn, việc tạo ra một nền văn hóa doanh nghiệp có tầm nhìn và sứ mệnh rõ ràng, hướng tới cộng đồng là một phần giá trị to lớn ảnh hưởng đến các quyết định của ứng viên.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Giang Nguyễn