Skip to main content

Các nhà phát triển ứng dụng có quyền bỏ qua hệ thống thanh toán của Apple

13 Tháng Chín, 2021

Thời gian tới, các nhà phát triển ứng dụng có quyền bỏ qua hệ thống thanh toán của Apple trên App Store và hướng người dùng đến phương thức thanh toán khác.

Theo Bloomberg, ngày 10/9, thẩm phán Mỹ Yvonne Gonzalez Rogers ra phán quyết yêu cầu Apple tạo điều kiện cho cộng đồng phát triển ứng dụng áp dụng những hình thức thanh toán khác.

Quyết định được đưa ra sau cuộc chiến pháp lý giữa Apple và Epic Games, công ty sở hữu tựa game đình đám Fortnite.

Advertisement

Điều này đồng nghĩa nhà phát triển có quyền bỏ qua hệ thống thanh toán của Apple trên App Store (vốn đang có mức cắt hoa hồng lên tới 30%).

Đây là lần thay đổi quan trọng nhất với thương hiệu này kể từ khi ra mắt App Store vào năm 2008. Một số chuyên gia tài chính nhận định phán quyết này có thể khiến Apple mất vài tỷ USD doanh thu mỗi năm.

Ngay sau thông tin, giá cổ phiếu của Apple đã giảm 3,3% xuống ngưỡng 148,97 USD, mức giảm tồi tệ nhất kể từ tháng 5.

Tuy nhiên, Bloomberg cho rằng Apple đã thoát khỏi nguy cơ bị liệt vào danh sách công ty có hành vi kinh doanh độc quyền theo luật liên bang và tiểu bang.

Advertisement

Trong năm 2020, tính riêng tại thị trường Mỹ, Apple thu về khoảng 6,3 tỷ USD phí hoa hồng đến từ hoạt động mua hàng trên App Store.

Phán quyết của tòa án áp dụng cho mọi danh mục ứng dụng, đặc biệt là lĩnh vực trò chơi.

Các ứng dụng trò chơi hiện chiếm 70% tổng doanh thu của App Store, nhưng chỉ đến từ 10% người dùng. Hơn 80% người dùng sử dụng App Store tạo ra doanh thu không đáng kể.

Theo dữ liệu của Sensor Tower, Apple đã kiếm khoảng 3,8 tỷ USD từ ứng dụng trò chơi vào năm 2020. Phần lớn doanh thu này đến từ hoạt động mua hàng trên ứng dụng.

Advertisement

Theo Gene Munster, giám đốc Công ty đầu tư mạo hiểm Loup Venture, tùy thuộc vào số lượng nhà phát triển tận dụng chính sách mới, việc chấm dứt phương thức thanh toán độc quyền có thể khiến Apple mất từ 1-4 tỷ USD.

Nhưng ngay cả khi mất vài tỷ USD mỗi năm, hoa hồng từ việc kinh doanh ứng dụng chỉ đóng một phần nhỏ trong tổng doanh thu của Apple.

Riêng trong năm tài chính 2021, Apple ước tính thu về 360 tỷ USD. Do đó, thiệt hại dự kiến không đủ phá vỡ hiệu suất tài chính của công ty.

Advertisement

Thẩm phán không bắt buộc Apple thay đổi phí thu hoa hồng hoặc để các cửa hàng của bên thứ thứ 3 trên App Store. Ngoài ra, phán quyết chỉ có hiệu lực tại thị trường Mỹ, mặc dù mô hình hoạt động hiện nay của hãng đang áp dụng trên toàn cầu.

Epic Games cho rằng thẩm phán đang đứng về phía “Táo khuyết”. Trên mạng xã hội Twitter, Tim Sweeney – CEO của Epic – khẳng định phán quyết này không phải là chiến thắng cho nhà phát triển và người dùng.

Sau gần một năm bị xóa khỏi App Store vì sử dụng phương thức thanh toán riêng, trò chơi Fornite của Epic đã có thể trở lại.

Sweeney tuyên bố Epic sẽ chỉ khôi phục Fortnite trên App Store “khi nào và ở nơi Epic có thể cung cấp thanh toán trong ứng dụng cạnh tranh công bằng với thanh toán trong ứng dụng của Apple, giúp người dùng tiết kiệm chi tiêu.”

Advertisement

Phán quyết này sẽ cho phép người dùng mua trò chơi Fornite trên website của hãng thay vì thông qua App Store. Tuy nhiên, Epic cần phải xây dựng một trang web cho phép người dùng mua hàng và tích hợp liên kết đến website đó trong trò chơi.

Sweeney khẳng định sẽ tiếp tục “đấu tranh để cạnh tranh để đòi công bằng giữa các phương thức thanh toán trong ứng dụng và cửa hàng ứng dụng cho một tỷ người dùng”.

Song, Epic vẫn phải trả Apple 3,7 triệu USD vì cho phép người dùng mua hàng ngoài App Store từ tháng 8 đến tháng 10/2020. Thẩm phán cũng yêu cầu Epic thanh toán hoa hồng 30% các giao dịch thực hiện từ tháng 11 năm 2020 cho đến khi có phán quyết.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Advertisement

Nam Nguyen

Bài viết liên quan

Nổi bật

Mới nhất

Các siêu ứng dụng có thể không còn là lợi thế của các nền tảng

22 Tháng Mười Một, 2024
Câu chuyện về siêu ứng dụng tại Đông Nam Á từng là giấc mơ của nhiều startup công nghệ. Với 17 tỷ…

Đọc nhiều

McKinsey: Các xu hướng tiêu dùng chính tại Việt Nam năm 2024

28 Tháng Mười Hai, 2023
Từ sự gia tăng trải nghiệm đa kênh cho đến các hoạt động bền vững, là những bước phát triển quan …
Advertisement