Cách Epic Games “đốt tiền” để thâu tóm thị trường
Tặng game miễn phí, phát hành độc quyền nhiều trò chơi và ưu đãi cho nhà phát triển, Epic Games Stores đang thách thức thế thống trị của Steam trên thị trường.
15 năm kể từ khi ra mắt, Steam đã xây dựng được cộng đồng bền vững và rộng lớn.
Với lợi thế tồn tại và phát triển trong khoảng thời gian dài, cửa hàng game trực tuyến này có nhiều tính năng thu hút người chơi như thư viện nội dung khổng lồ, chế độ Big Picture thiết kế đặc biệt cho TV, tay cầm và nhiều công cụ đề xuất trò chơi.
Dù vậy, nền tảng của Valve có nguy cơ bị Epic Games Store (EGS) soán ngôi. Với chiến lược tặng game miễn phí và độc quyền phát hành nhiều trò chơi, dịch vụ của Epic Games đang trên đà phát triển mạnh, thách thức “triều đại” hơn thập kỷ của Steam.
Bên cạnh đó, EGS còn phát triển các mảng khác như stream, cung cấp phim và nhiều loại phần mềm, thu hút lượng lớn khách hàng khác ngoài game thủ.
Tiếp đến, nhờ vào sự thành công của Fortnite và hai ông lớn Tencent, Sony đứng sau, Epic Games nhanh chóng thu được lợi nhuận và danh tiếng mà Valve phải mất hơn một thập kỷ để gầy dựng.
Cũng nhờ nguồn tiền dồi dào, công ty sẵn sàng chịu lỗ để tăng ưu thế cạnh tranh.
Epic còn là cha đẻ của bộ công cụ làm game Unreal Engine phổ biến. Do đó, các nhà phát triển game dùng công cụ này được hưởng nhiều ưu đãi từ EGS. Đây được xem là con át chủ bài khiến nhiều nhà phát triển quan tâm đến cửa hàng của Epic hơn Steam.
Ngoài ra, so với mức phí dịch vụ 30% của Steam, Epic chỉ thu 12% – con số chênh lệch đủ lớn để các nhà phát triển phải đắn đo.
Thông thường, những nhà làm game chỉ thu được 30% lợi nhuận trên mỗi sản phẩm. “Các cửa hàng trực tuyến của Valve, Apple và Google thu lợi từ game còn nhiều hơn người tạo ra chúng”, chủ sở hữu Epic Games đánh giá.
Không như Steam, Epic không có DRM (Digital Rights Management – biện pháp quản lý bản quyền nội dung số). DRM giúp ngăn chặn việc sao chép bất hợp pháp dữ liệu tải về từ Internet, góp phần ngăn chặn nạn đĩa lậu, game bị bẻ khóa. Chỉ những người có giấy phép hoặc phần mềm phù hợp mới dùng được.
Tuy nhiên, biện pháp này gây bất tiện cho game thủ vì những thủ tục rắc rối, phiền phức. Bên cạnh đó, nếu nền tảng ngừng hoạt động, game thủ cũng khó chơi được dù đã tải về do bị DRM ngăn chặn.
Để thu hút người chơi, Epic còn liên tục tung ra nhiều game miễn phí và mua độc quyền hàng loạt trò chơi nổi tiếng như Assassin’s Creed: Odyssey, Hitman 3, World War Z…
Với tất cả yếu tố trên nên dù chỉ mới ra mắt được 3 năm với giao diện đơn giản, EGS gần như là đối thủ duy nhất của Steam hiện tại.
Theo thống kê của Business Insider, khách hàng của EGS trong năm 2020 đã tăng hơn 52 triệu người so với 2019. Với đà phát triển đều đặn, EGS được dự đoán sẽ còn lớn mạnh hơn nữa trong tương lai, đồng nghĩa, vị thế của Steam chắc chắn sẽ bị lung lay.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Hà Anh | MarketingTrips