Skip to main content

WSJ: Cuộc khủng hoảng lạm phát dường như đang tiến đến hồi kết

19 Tháng Mười Một, 2023

Lạm phát đang giảm nhanh hơn dự kiến ở các nền kinh tế phát triển, đánh dấu bước ngoặt lớn trong cuộc chiến chống giá cả cao dai dẳng trong hai năm qua của các ngân hàng trung ương.

Cuộc khủng hoảng lạm phát đang tiến đến hồi kết
Cuộc khủng hoảng lạm phát đang tiến đến hồi kết

Giá cả hạ nhiệt nhanh.

Các dữ liệu mới nhất cho thấy, trong tháng 10, tăng trưởng giá tiêu dùng giảm xuống còn 4,6% ở Anh, 3,2 % ở Mỹ và 2,9% ở khu vực đồng sử dụng đồng euro (eurozone). Các mức tăng trưởng giá cả này đều chậm lại rõ rệt cho với tháng 9, làm tăng kỳ vọng rằng các ngân hàng trung ương có thể “nghỉ ngơi” và chuyển sang cắt giảm lãi suất vào năm tới.

Kịch bản đó giải tỏa áp lực đáng kể cho nền kinh tế toàn cầu đang gặp khó khăn bên ngoài nước Mỹ, làm tăng triển vọng hạ cánh mềm (kinh tế tăng trưởng chậm lại nhưng không rơi vào suy thoái) sau một loạt đợt tăng lãi suất lịch sử mà không khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh.

Lợi suất nợ chính phủ ở châu Âu và Mỹ đã sụt giảm khi các nhà đầu tư bắt đầu định giá trước khả năng các ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất vào năm tới.

Trong nhiều tháng của năm nay, các nhà kinh tế bối rối vì không hiểu tại sao tăng trưởng và lạm phát không chậm lại như mong đợi dù lãi suất liên tục tăng. Hiện nay, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy, chi phí vay cao hơn đang gây khó khăn cho các hoạt động kinh tế.

“Đây chắc chắn là một bước ngoặt đối với lạm phát. Các nhà đầu tư có thể ngạc nhiên về tốc độ cắt giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương trong năm tới, có thể lên đến 1,5 điểm phần trăm”, Stefan Gerlach, cựu phó thống đốc Ngân hàng trung ương Ireland, bình luận.

Lạm phát giảm mạnh trên khắp các châu lục cho thấy các vấn đề chung đã đẩy giá cả tăng, bao gồm đại dịch Covid-19 và cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Chuỗi cung ứng toàn cầu bị thắt chặt do các sự kiện này đã làm giảm số lượng người trong lực lượng lao động và khiến giá năng lượng tăng cao, đặc biệt là ở châu Âu. Khi các vấn đề chuỗi cung ứng dịu lại, áp lực giá cả sẽ giảm bớt một cách tự nhiên.

Lạm phát cũng được thúc đẩy bởi các yếu tố bên cầu, chẳng hạn như hàng nghìn tỉ đô la chi tiêu kích thích của chính phủ ở Mỹ, cũng như nhu cầu bị dồn nén và tiền tiết kiệm của người tiêu dùng tích lũy trong đại dịch. Các nhà kinh tế cho rằng, đó là lý do tại sao lạm phát cơ bản vẫn ở mức cao gần 4 năm sau khi đại dịch ập đến.

Gerlach cho rằng, lạm phát hạ nhiệt cho thấy tác động của quy mô tăng lãi suất lên đến 4 hoặc 5 điểm phần trăm ở thế giới phương Tây.

Ngay cả những nước mà lạm phát dai dẳng nhất, chẳng hạn như Anh, cũng đã bắt đầu cho thấy sự tiến bộ. Dữ liệu công bố hôm 15-11 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Anh tăng 4,6% trong tháng 10 so với 12 tháng trước, giảm so với mức tăng 6,7% được ghi nhận vào tháng 9 và đánh dấu mức tăng chậm nhất kể từ tháng 10-2021.

“Anh không còn bị coi là ngoại lệ lớn nữa khi nói đến lạm phát”, Bruna Skarica, chuyên gia kinh tế của ngân hàng Morgan Stanley, nói.

Trước đó một ngày, Mỹ báo cáo chỉ số CPI tăng chậm lại, chỉ còn 3,2% trong tháng 10. Khu vực eurzone cũng ghi nhận lạm phát giảm xuống 2,9% trong tháng 10 từ mức 4,3% trong tháng 9. Riêng ở Bỉ và Hà Lan, chỉ số CPI trong tháng 10 thấp hơn một năm trước.

Giới đầu tư đặt cược lãi suất giảm vào năm tới.

Đà suy giảm rõ rệt của giá cả tiêu dùng đã thuyết phục một số nhà hoạch định chính sách châu Âu tin rằng cuộc chiến kiềm chế lạm phát đã giành chiến thắng trong một khoảng thời gian ngắn hơn so với thập niên 1970, khi giá cả tăng vọt ở mức tương đương.

“Chúng ta đang trong quá trình thoát khỏi cuộc khủng hoảng lạm phát. Trong vòng chưa đầy hai năm nữa, châu Âu sẽ kiểm soát được lạm phát”, Bộ trưởng Kinh tế và tài chính Pháp, Bruno Le Maire nói trước cuộc họp với các Bộ trưởng Tài chính của Liên minh châu Âu hồi tuần trước.

Giới đầu tư cũng lạc quan hơn. Theo dữ liệu của Refinitiv, họ tăng xác suất Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) bắt đầu giảm lãi suất vào đầu năm tới. Họ cũng cho rằng Ngân hàng trung ương Anh (BoE) có thể giảm lãi suất vào mùa hè năm sau. Dữ liệu về các hợp đồng lãi suất tương lại cho thấy, xác suất cắt giảm lãi suất của Fed vào tháng 5-2024 đã tăng từ 23% vào hôm 13-11, lên 86% vào cuối ngày 14-11.

Nhưng các ngân hàng trung ương vẫn tỏ ra thận trọng sau khi bị bất ngờ vào năm ngoái trước tình trạng lạm phát dai dẳng.

Tháng trước, BoE cho biết còn quá sớm để nghĩ đến việc cắt giảm lãi suất, vì ngân hàng này dự báo lạm phát chỉ đạt mục tiêu 2% vào cuối năm 2025. Các ngân hàng trung ương cũng chỉ ra rằng lương vẫn tăng nhanh và nguy cơ giá năng lượng tăngcao hơn giá nếu xung đột giữa Israel và Hamas lan sang các khu vực khác ở Trung Đông.

Các nhà kinh tế của Morgan Stanley kỳ vọng BoE sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất bắt đầu từ tháng 5-2024, tiếp theo, Fed và ECB sẽ hành động tương tự vào tháng 6.

“Chúng tôi dự đoán lạm phát và lãi suất sẽ giảm trên diện rộng vào năm 2024 ở các nền kinh tế phát triển”, Michael Saunders, cựu thành viên Ủy ban chính sách tiền tệ của BOE, hiện là cố vấn kinh tế cấp cao của Oxford Economics, viết trong một báo cáo gửi khách hàng.

Kinh tế châu Âu khó khăn hơn.

Nếu kịch bản dự báo trên xảy ra, câu hỏi đặt ra là liệu các ngân hàng trung ương có tăng lãi suất quá mức cần thiết hay không, đặc biệt là ở châu Âu.

Các nhà phân tích cho rằng những đợt tăng lãi suất mạnh mẽ đang ảnh hưởng đến nền kinh tế, gây áp lực lên hoạt động cho vay và chi tiêu. Quá trình tạo việc làm đang chậm lại và tỷ lệ thất nghiệp đang tăng cao ở cả hai bờ Đại Tây Dương, hạn chế tăng trưởng tiền lương. Điều đó sẽ gây áp lực lên triển vọng tăng trưởng trong những tháng tới.

Hôm 15-11, Bộ Thương mại Mỹ cho biết doanh số bán lẻ của nền kinh tế lớn nhất thế giới giảm 0,1% trong tháng 10 so với một tháng trước đó. Đó là mức giảm đầu tiên kể từ tháng 3 và xuất hiện sau mức tăng 0,9% trong tháng 9. Tại khu vực eurozone, sản lượng công nghiệp trong tháng 9 giảm 1,1% so với tháng trước.

Tại Mỹ, lạm phát đang giảm do thị trường lao động và chi tiêu tiêu dùng giảm nhiệt nhưng vẫn ổn định. Diễn biến đó củng cố dự báo rằng áp lực giá cả sẽ tiếp tục dịu lại mà không gây suy thoái kinh tế.

Ở châu Âu, bối cảnh kinh tế khó khăn hơn. Châu lục này đang đứng trước những cơn gió ngược đối với tăng trưởng, từ thương mại toàn cầu chậm lại và tăng trưởng chậm chạp ở Trung Quốc, một thị trường xuất khẩu quan trọng, cho đến nỗ lực của các chính phủ nhằm giảm chi tiêu.

Các hộ gia đình châu Âu cũng chi tiêu thận trọng hơn so với các hộ gia đình ở Mỹ. Tất cả những điều đó có thể dẫn đến tăng trưởng suy giảm sâu hơn và lạm phát giảm mạnh hơn ở châu Âu, khiến ECB phải giảm lãi suất sớm hơn Fed.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Bài viết liên quan

Nổi bật


Đọc nhiều

Ứng dụng video Bigo Live bị xoá khỏi App Store

10 Tháng Tư, 2023
Bigo Live, ứng dụng chuyên về livestream phổ biến tại Việt Nam, không còn xuất hiện trên kho ứng …