Skip to main content

Deflation (Giảm phát) là gì? Tổng quan về Deflation trong Kinh tế

24 Tháng Tám, 2022

Cùng tìm hiểu các lý thuyết xoay quanh thuật ngữ Deflation (Giảm phát) trong kinh tế như: Deflation là gì, công thức tính toán Deflation như thế nào, những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến Deflation là gì và hơn thế nữa.

deflation là gì
Deflation là gì? Tìm hiểu về Deflation (Giảm phát) trong Kinh tế

Từ góc nhìn của nền kinh tế vĩ mô, Deflation (Giảm phát) và Inflation (Lạm phát) là những sự kiện mang tính chu kỳ trong bất kỳ nền kinh tế hay quốc gia nào. Mặc dù mức độ ảnh hưởng và thời gian kéo dài của các đợt Giảm phát hay Deflation là khác nhau, hậu quả để lại nhìn chung đều rất tiêu cực.

Các nội dung sẽ được MarketingTrips phân tích trong bài bao gồm:

  • Deflation là gì?
  • Deflation Rate là gì?
  • Một vài điểm cần chú ý với thuật ngữ Deflation.
  • Dept Deflation là gì?
  • Thấu hiểu khái niệm Deflation.
  • Những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng Deflation là gì?
  • Một số chỉ số giá (Price Index) chính được đề cập trong bối cảnh Deflation.
  • Công thức đo lường Deflation.
  • Sự khác nhau giữa Deflation và Disinflation là gì?
  • Tại sao Deflation còn nguy hại hơn cả Inflation (Lạm phát).
  • Một số thuận lợi và bất lợi khi Deflation xảy ra là gì?
  • Một số chiến lược có thể sử dụng để kiểm soát hay kiềm chế Deflation.
  • Một số câu hỏi thường gặp xoay quanh thuật ngữ Deflation.

Bên dưới là nội dung chi tiết.

Deflation là gì?

Deflation trong tiếng Việt có nghĩa là Giảm phát, khái niệm dùng để chỉ sự sụt giảm của giá cả (Price), tức đồng tiền có giá trị hơn và sức mua tăng cao hơn theo thời gian.

Trái ngược lại với lạm phát, chủ yếu do chính phủ các nước “bơm” quá nhiều tiền và tín dụng vào nền kinh tế, Giảm phát liên quan chặt chẽ đến lượng nguồn cung tiền và tín dụng bị hạn chế, hay nói cách khác, nguồn tiền đẩy vào thị trường bị sụt giảm.

Tốc độ tăng sức mua có thể được phản ánh trong mức giảm giá trung bình của một nhóm hàng hóa và dịch vụ trong một khoảng thời gian nào đó.

Sự sụt giảm về giá của hàng hoá và dịch vụ thường được biểu thị bằng tỷ lệ phần trăm, điều này có nghĩa là cùng một đơn vị tiền tệ nhưng người tiêu dùng lại có thể mua được nhiều hàng hơn so với cùng kỳ.

Để có thể hiểu rõ hơn về thuật ngữ Deflation, bạn cứ hình dung thế này, ví dụ, vào năm 2021, bạn uống một cốc cafe với giá 20.000 đồng, tuy nhiên, vì Deflation tăng cao vào năm 2022 nên cũng cốc cafe đó nhưng bạn chỉ cần trả đến 15.000 đồng.

Deflation Rate là gì?

Deflation Rate có nghĩa là tỷ lệ giảm phát, công thức tính sẽ được đề cập đến ở các phần nội dung bên dưới. Hiểu một cách đơn giản, Deflation Rate chính là những con số phần trăm, ví dụ Deflation Rate trung bình của Việt Nam là khoảng 1%-2%.

Một vài điểm cần chú ý với thuật ngữ Deflation.

  • Deflation là sự suy giảm nói chung của mức giá cả của các hàng hóa và dịch vụ.
  • Deflation thường liên quan đến sự giảm cung tiền và tín dụng vào lưu thông hay nền kinh tế, tuy nhiên, giá cả cũng có thể giảm xuống do năng suất tăng lên và các công nghệ được cải tiến nhiều hơn.
  • Cho dù nền kinh tế đang ở điều kiện nào, mức giá thay đổi ra sao và nguồn cung tiền giảm hoặc tăng cũng sẽ làm thay đổi sự hấp dẫn của các lựa chọn đầu tư khác nhau.

Thấu hiểu khái niệm Deflation.

Deflation khiến chi phí danh nghĩa (nominal costs) của nguồn vốn, nhân sự, hàng hóa và dịch vụ giảm xuống, mặc dù giá cả (price) tương đối của chúng có thể không thay đổi.

Deflation đã là một mối quan tâm phổ biến của các nhà kinh tế trong nhiều thập kỷ. Về bản chất, Deflation có lợi cho người tiêu dùng vì họ có thể mua nhiều hàng hóa và dịch vụ hơn với chi phí thấp hơn trong cùng một mức thu nhập danh nghĩa (nominal income).

Tuy nhiên, không phải ai cũng hưởng lợi từ bối cảnh kinh tế này và các nhà kinh tế thường lo ngại về hậu quả của việc giảm giá đối với các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế, đặc biệt là trong các vấn đề tài chính.

Cụ thể, Deflation có thể gây hại cho những người đi vay, những người có thể bị ràng buộc phải trả các khoản nợ của họ bằng số tiền có giá trị hơn nhiều so với số tiền mà họ đã vay trước đó (khi chưa xảy ra Deflation).

Ngoài ra, Deflation cũng là bất lợi cho bất kỳ ai tham gia vào thị trường tài chính với mục tiêu đầu tư hoặc đầu cơ vào viễn cảnh giá cả tăng.

Những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng Deflation là gì?

Những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng Deflation là gì?
Những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng Deflation là gì?

Đến đây, khi bạn đã có thể hiểu được Deflation có nghĩa là gì, bạn thấy rằng nguyên nhân chính và lớn nhất dẫn đến Deflation là do tình trạng giảm cung tiền hoặc các công cụ tài chính có thể quy đổi được bằng tiền vào nền kinh tế.

Trong một số trường hợp, ngay cả khi chính phủ các nước có hành động “bơm” tiền vào nền kinh tế nhưng vì tiền vẫn cứ “chạy lòng vòng” quanh các hệ thống tài chính và không ra được thị trường, Deflation vẫn xảy ra.

Trong thời kỳ hiện đại, nguồn cung tiền chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ ​​hệ thống các ngân hàng trung ương, hay chẳng hạn như Cục Dự trữ Liên bang (FED) của Mỹ mà bạn vẫn thường hay nghe nhắc đến.

Khi nguồn cung tiền và tín dụng giảm mà không có sự giảm tương ứng của sản lượng kinh tế, thì giá cả của tất cả các hàng hoá đều có xu hướng giảm, Deflation là kết quả được dự báo là sẽ xảy ra sau đó.

Vào năm 2021, Việt Nam rơi vào trình trạng Deflation khi trong tổng số hơn 600.000 doanh nghiệp đã có gần 82.000 doanh nghiệp giải thể, hơn 16.000 doanh nghiệp đăng ký dừng hoạt động. Riêng 4 tháng đầu năm 2012 đã có gần 18.000 doanh nghiệp phá sản, tăng gần 9,5% so với cùng kỳ 2011.

Một nguyên nhân khác cũng có thể khiến giá cả hàng hoá giảm và tiến đến Deflation đó là tổng cầu giảm (tổng cầu hàng hóa và dịch vụ giảm) trong khi năng suất lao động lại tăng.

Tổng cầu giảm (cung tăng) thường dẫn đến việc giá cả sau đó sẽ thấp hơn. Nguyên nhân của sự thay đổi này thường bao gồm hành động giảm chi tiêu của chính phủ, sự thất bại của thị trường chứng khoán, nhu cầu tiết kiệm của người tiêu dùng tăng hay các chính sách tiền tệ bị thắt chặt hơn (lãi suất cao hơn).

Tiếp nữa, giá cả giảm cũng có thể xảy ra một cách tự nhiên khi sản lượng của nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn lượng cung tiền và tín dụng cho lưu thông (đưa vào thị trường).

Điều này thường xảy ra khi các yếu tố như công nghệ đã giúp nâng cao năng suất của một ngành nghề nào đó, hay những hàng hóa và ngành công nghiệp được hưởng lợi từ những cải tiến công nghệ.

Kết quả của những cải tiến này là chi phí sản xuất giảm và do đó sản phẩm được chuyển đến người tiêu dùng cuối cũng sẽ có giá thấp hơn, Deflation lại xảy ra.

Công thức đo lường Deflation.

Deflation được đo lường bằng cách sử dụng các chỉ số kinh tế như Chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Chỉ số CPI theo dõi giá của một nhóm hàng hóa và dịch vụ thường được mua và công bố các thay đổi diễn ra hàng tháng.

Khi CPI trong một thời kỳ thấp hơn so với thời kỳ trước đó, nền kinh tế đang trải qua Deflation. Ngược lại, khi giá cả tăng lên, nền kinh tế thoát ra khỏi tình trạng Deflation và có thể tiến đến Inflation (Lạm phát) (nếu có).

Sự khác nhau giữa Deflation và Disinflation là gì?

Sự khác nhau giữa Deflation và Disinflation là gì?
Sự khác nhau giữa Deflation và Disinflation là gì?

Trong khi cả 2 thuật ngữ Deflation và Disinflation đều đề cập đến tình trạng giá cả của các hàng hoá sụt giảm, nó lại mang những ý nghĩa kinh tế khác nhau.

Deflation như đã phân tích ở trên xảy ra khi giá cả của các mặt hàng sụt giảm (so với mức trung bình), ngược lại, Disinflation tức giá cũng giảm nhưng chỉ giảm so với thời kỳ trước đó (vẫn cao so với mức trung bình của nền kinh tế).

Ví dụ, khi tỷ lệ lạm phát (Inflation Rate) thay đổi từ mức 4% giảm xuống còn 2% (Disinflation), điều này có nghĩa là một mặt hàng từng có giá 10 USD nay chỉ được bán với giá 10.20 USD, thay vì 10.40 USD như dự kiến.

Mặt khác, nếu Deflation xảy ra và với mức 2%, một hàng hóa từng có giá 10 USD nay sẽ có giá 9.80 USD.

Tại sao Deflation còn nguy hại hơn cả Inflation.

Vào năm 2021 và 2022, cả thế giới tràn ngập tiền với các gói kích thích tiền tệ lớn chưa từng có, cùng với đó là một cuộc đại phong toả toàn cầu làm sụp đổ toàn diện các chuỗi cung ứng. Khi quá nhiều tiền chạy theo quá ít hàng hoá, các lý thuyết kinh tế dự báo Lạm phát cao sẽ quay trở lại.

Tuy nhiên, bằng chứng thực tế từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 cho đến nay chưa cho thấy điều này.

Thậm chí, ngược lại là xuất hiện Deflation ở các nước phát triển, bất chấp việc các ngân hàng trung ương đã bơm hàng chục ngàn tỷ USD vào nền kinh tế, vậy mà, lượng tiền vẫn cứ chạy lòng vòng trong hệ thống tài chính, mà không thể thoát được ra nền kinh tế thực.

Đại dịch Covid-19 càng khiến cho giá cả hàng hoá thế giới lao dốc, giá dầu rơi vào ngưỡng âm, tình trạng thất nghiệp hàng loạt khiến cho tiền lương sụt giảm mạnh, cầu hàng hoá, dịch vụ rơi thẳng đứng.

Ông Blanchard, nguyên Kinh tế gia trưởng Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) còn phân tích thêm, với cuộc đại phong toả vĩ đại này, lần đầu tiên, các nhà kinh tế sẽ còn chứng kiến sự gia tăng ở quy mô lớn chưa từng có của 2 loại tiết kiệm, đó là tiết kiệm do người dân hạn chế mua sắm vì các lệnh giãn cách xã hội, nỗi lo sợ virus Corona và tiết kiệm phòng ngừa những bất định trong tương lai.

Tất cả những điều này tích hợp lại đủ sức để tạo ra một kỳ kỷ băng hà kéo dài trong kinh tế toàn cầu, dẫn đến tình trạng suy thoái (Recession) và Deflation kéo dài.

Ngoài ra, khi việc giá giảm trên diện rộng của một loạt hàng hoá, dịch vụ diễn ra trong thời gian dài, các hoạt động kinh tế sẽ gần như ngừng trệ, sẽ ngày càng có nhiều người mua nghĩ rằng họ sẽ được lợi nếu cứ tiếp tục chờ đợi thêm để hàng hoá rẻ hơn.

Theo cách này, họ sẽ càng không mua bất cứ thứ gì, ngoại trừ thực phẩm và một số ít hàng hoá thiết yếu, vòng xoáy Giảm phát tiếp tục kéo dài.

Nói tóm tại, so với Inflation, Deflation có nguy cơ khiến nền kinh tế trở nên suy thoái và khủng hoảng nhiều hơn.

Một số thuận lợi và bất lợi khi Deflation xảy ra là gì?

Một số thuận lợi và bất lợi khi Deflation xảy ra là gì?

Nếu đánh giá thoáng qua, nhiều người sẽ không tránh khỏi việc tin rằng Deflation sẽ tốt hơn Lạm phát (inflation) khi người tiêu dùng được hưởng lợi trước bối cảnh giá cả của hàng hoá sụt giảm, tuy nhiên sự thật lại diễn ra theo cách ngược lại.

Dưới đây là một số bất lợi hay hậu quả mà Deflation có thể gây ra:

  • Nạn thất nghiệp. Khi Deflation khiến giá giảm, lợi nhuận của doanh nghiệp theo đó cũng sẽ sụt giảm, và một số doanh nghiệp thậm chí còn không có nổi lợi nhuận và đành phải cắt giảm nhân sự để duy trì doanh nghiệp. Nạn thất nghiệp xảy ra.
  • Nợ nần. Khi lãi suất thường có xu hướng tăng trong thời kỳ Deflation, điều này làm cho các khoản nợ của các nhân và tổ chức ngày càng “phình to” hơn. Do đó, người tiêu dùng và doanh nghiệp thường cắt giảm chi tiêu trong thời kỳ này.
  • Vòng xoắn giảm phát (Deflationary spiral). Đây được xem là hiệu ứng domino gây ra bởi từng đợt Deflation chồng chéo lên nhau. Giá giảm có thể dẫn đến sản xuất ít hơn. Sản xuất ít hơn có thể dẫn đến việc trả lương thấp hơn. Trả lương thấp hơn có thể dẫn đến nhu cầu giảm đi. Và nhu cầu giảm đi có thể khiến giá cả ngày càng thấp hơn. Và cứ như vậy, điều này có thể khiến tình hình kinh tế ngày càng trở nên tồi tệ hơn.

Một số chiến lược có thể sử dụng để kiểm soát hay kiềm chế Deflation.

Như đã phân tích ở trên, xử lý tình trạng lạm phát hay giảm phát là bài toán của chính phủ các nước, dưới đây là một số chiến lược mà các quốc gia thường sử dụng:

  • Tăng cung tiền. Khi chính phủ tăng lượng tiền vào nền kinh tế và lưu thông, điều này có tác dụng khuyến khích mọi người chi tiêu nhiều hơn và giá cả hàng hoá sẽ tăng lên.
  • Đơn giản hoá các thủ tục vay vốn. Ngân hàng trung ương hay các tổ chức tín dụng có thể giảm lãi suất và đơn giản hoá thủ tục vay vốn để mọi người có thể vay nhiều hơn.
  • Quản lý chính sách tài khóa (Fiscal Policy). Nếu chính phủ tăng chi tiêu công và cắt giảm thuế, điều này có thể thúc đẩy cả tổng cầu và thu nhập khả dụng (thực tế), kết quả là người tiêu dùng sẽ chi tiêu nhiều hơn và giá cả hàng hoá sẽ cao hơn.

Một số câu hỏi thường gặp xoay quanh thuật ngữ Deflation.

  • Dept Deflation là gì?

Dept Deflation trong tiếng Việt có nghĩa là Giảm phát nợ, một lý thuyết kinh tế cho rằng sự suy thoái chung của nền kinh tế có thể xảy ra khi giá cả (Price) giảm và giá trị tiền tệ (Value of Currency) tăng lên, khiến giá trị thực của nợ cũng tăng lên.

Kết luận.

Với tư cách là những người làm marketing và kinh doanh, rõ ràng là tuỳ vào từng bối cảnh kinh tế (vĩ mô và vi mô) khác nhau mà người tiêu dùng có những hành vi hay động thái chi tiêu khác nhau. Chính điều này khiến các doanh nghiệp cũng phải thay đổi chiến lược để có thể thích ứng và phát triển.

Khi có thể hiểu được deflation là gì, nó ảnh hưởng như thế nào đến tâm lý mua hàng của người tiêu dùng và hơn thế nữa, bạn có thể chủ động hơn với các quyết định của mình trong từng tình huống cụ thể tương ứng.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Nam Nguyen | MarketingTrips

Bài viết liên quan

Nổi bật


Đọc nhiều

Ứng dụng video Bigo Live bị xoá khỏi App Store

10 Tháng Tư, 2023
Bigo Live, ứng dụng chuyên về livestream phổ biến tại Việt Nam, không còn xuất hiện trên kho ứng …