Động thái mới đây của Warren Buffett có thể báo hiệu sức khoẻ của kinh tế Mỹ
Tập đoàn Berkshire Hathaway của Warren Buffett đã bán ròng 8 tỷ USD cổ phiếu trong quý II năm nay. Động thái của nhà đầu tư huyền thoại đang làm dấy lên những lo ngại về sức khoẻ của nền kinh tế Mỹ.
Tập đoàn của Warren Buffett đã bán ròng 8 tỷ USD cổ phiếu trong quý II năm nay. Đây có thể là một tín hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn chưa thoát khỏi tình trạng ảm đạm, dù lạm phát đang tiếp tục hạ nhiệt.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính mới của Berkshire Hathaway, trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6 vừa qua, tập đoàn đã bán ra hơn 12 tỷ USD và mua vào gần 5 tỷ USD cổ phiếu.
Ngoài ra, Berkshire chỉ chi khoảng 1,4 tỷ USD để mua cổ phiếu quỹ – ít hơn nhiều so với con số 4 tỷ USD trong quý đầu năm.Tại thời điểm cuối quý II, tập đoàn của “nhà hiền triết xứ Omaha” đang ngồi trên khối tiền mặt trị giá 147 tỷ USD.
Vì Warren Buffett được coi là một trong những nhà đầu tư vĩ đại nhất mọi thời đại, đồng thời là một nhà tiên tri có tiếng trên thị trường tài chính, bất kỳ động thái nào của ông cũng được nhà đầu tư phân tích kỹ càng.
Hơn nữa, các công ty con của Berkshire hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực và có mối liên hệ mật thiết với nền kinh tế. Vì vậy, các động thái của tập đoàn thường trở thành một dấu hiệu báo trước cho nền kinh tế.
Khi Berkshire bán ra 13,3 tỷ USD cổ phiếu trong quý I, các nhà đầu tư từng lo ngại rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ rơi vào suy thoái.
Chia sẻ với tờ Newsweek, ông Steve H. Hanke, giáo sư kinh tế học tại Đại học Johns Hopkins, nhận xét: “Khi suy thoái kinh tế cận kề, Buffett biết rõ tiền mặt là vua, đặc biệt là khi ông có thể kiếm được lợi nhuận kha khá từ khối tiền mặt”.
Giáo sư Hanke, cựu quan chức trong Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Tổng thống Ronald Reagan, nhấn mạnh: “Rõ ràng, Buffett nghĩ rằng nền kinh tế sẽ gặp khó khăn. Tôi nghĩ ông ấy đúng”.
“Cung tiền là nhiên liệu cho nền kinh tế và nó đã thu hẹp trong một năm qua. Hiện tại, tốc độ thu hẹp của cung tiền là -3,6% mỗi năm, đây là điều chúng ta chưa từng thấy kể từ năm 1938”, ông Hanke nói.
“Sau những biến động lớn trong cung tiền, nền kinh tế thường thay đổi hướng đi trong 6 đến 18 tháng sau. Hiện nay, nền kinh tế của chúng ta đang cạn kiệt nhiên liệu và suy thoái vào năm tới là không thể tránh khỏi”, ông cảnh báo.
Một số chuyên gia khác cũng bày tỏ mối lo ngại tương tự.
Chia sẻ trên một chương trình của Fox Business, ông Robert Kiyosaki, tác giả cuốn “Cha giàu cha nghèo”, cho hay: “Buffett đang đứng bên lề thị trường với 147 tỷ USD, tiền của ông ấy nằm trong trái phiếu Kho bạc ngắn hạn”.
“Michael Burry của The Big Short hiện đang chống lại thị trường chứng khoán Mỹ”, ông Kiyosaki nói thêm. “Tôi đang quan sát các nhà đầu tư nổi tiếng này chờ ngày thị trường sụp đổ rồi quay trở lại [để gom món hời]”.
Trong quý II, quỹ đầu cơ Scion Asset Management của Michael Burry đã mua các quyền chọn chống lại hai quỹ ETF mô phỏng chỉ số S&P 500 và Nasdaq 100 với tổng giá trị lên đến 1,6 tỷ USD.
Tuy nhiên, khả năng nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái trong năm nay đã giảm dần trong những tuần gần đây. Kinh tế trưởng Mark Zandi của Moody’s Analytics nói với CNN rằng xác suất Mỹ suy thoái là hơn 30%.
Trong khi đó, vào đầu tháng 8, JPMorgan Chase cho biết họ không còn dự đoán Mỹ sẽ suy thoái, bởi nền kinh tế đang tăng trưởng với “tốc độ lành mạnh”.
Vậy có điều gì mà Warren Buffett thấy đang đe doạ nền kinh tế lớn nhất thế giới trong khi những khác không thấy?
Vào tháng 5, ông David Nicholas, nhà sáng lập của Nicholas Wealth Management, cho biết “ba rủi ro lớn nhất với Warren Buffett là Trung Quốc, lĩnh vực ngân hàng và bất động sản thương mại Mỹ”.
Theo vị chuyên gia, “đây là những rủi ro thực đối với triển vọng kinh tế và chỉ một cái thôi cũng đủ làm chệch hướng tăng trưởng…”
Hiện tại, ba rủi ro trên vẫn còn hiện hữu. Nền kinh tế Trung Quốc đang ngày càng mất đà khi bất ổn gia tăng, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên cao kỷ lục và hai trụ cột chính là bất động sản và xuất khẩu cùng suy yếu.
Năm ngoái, Trung Quốc chỉ tăng trưởng 3%, thấp hơn nhiều mục tiêu 5,5% mà Bắc Kinh đề ra. Sau quý I/2023 khởi sắc, tăng trưởng GDP quý II chỉ đạt 6,3% so với cùng kỳ, thấp hơn ước tính của các chuyên gia.
Tỷ lệ thất nghiệp của những người trong độ tuổi từ 16 đến 24 vọt lên 21,3% vào tháng 6, mức cao nhất từ trước đến nay. Xuất khẩu tháng 7 sụt 14,5% so với cùng kỳ, vượt dự đoán của các nhà kinh tế.
Lĩnh vực bất động sản đang lần nữa chìm vào khủng hoảng khi Country Garden, một trong những tập đoàn địa ốc lớn nhất Trung Quốc, trễ hạn thanh toán lãi trái phiếu và có nguy cơ vỡ nợ.
Nền kinh tế Mỹ cũng đang tiếp tục chậm lại bất chấp tiến triển trên một số phương diện như lạm phát.
Các ngân hàng Mỹ cũng không hoàn toàn yên ổn sau những biến động xảy ra vào tháng 3, khi Silicon Valley Bank và loạt nhà băng khu vực sụp đổ.
Tuần trước, Moody’s đã hạ xếp hạng tín nhiệm của 10 ngân hàng vừa và nhỏ, đồng thời cảnh báo rằng họ có thể điều chỉnh đánh giá đối với 17 nhà băng lớn như Truist và U.S. Bank.
Sau đó, vào đầu tuần này, Fitch Ratings cho biết hãng có thể hạ xếp hạng của hàng chục ngân hàng Mỹ, bao gồm cả những ông lớn như JPMorgan Chase và Bank of America.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Hà Anh | MarketingTrips