Skip to main content

Lạm phát là gì? Lý thuyết về Lạm phát trong Kinh tế

26 Tháng Tám, 2022

Trong phạm vi bài viết này, hãy cùng MarketingTrips tìm hiểu tất cả các khung lý thuyết về thuật ngữ Lạm phát (Tiếng Anh có nghĩa là Inflation) như: Lạm phát là gì, một vài điểm chú ý cần hiểu về lạm phát, ví dụ về lạm phát, các loại lạm phát, nguyên nhân và tác hại của lạm phát trong kinh tế và hơn thế nữa.

lạm phát là gì
Lạm phát là gì? Lý thuyết về Lạm phát trong Kinh tế

Từ góc nhìn của nền kinh tế vĩ mô, Lạm phát (Inflation) là những sự kiện mang tính chu kỳ trong bất kỳ nền kinh tế hay quốc gia nào. Mặc dù mức độ ảnh hưởng và thời gian kéo dài của các đợt Lạm phát là khác nhau, các nguyên nhân dẫn đến lạm phát cũng khác nhau, hậu quả để lại nhìn chung đều rất tiêu cực.

Các nội dung sẽ được MarketingTrips phân tích trong bài bao gồm:

  • Lạm phát là gì?
  • Tỷ lệ lạm phát là gì?
  • Một vài điểm cần chú ý với thuật ngữ Lạm phát.
  • Thấu hiểu khái niệm Lạm phát.
  • Những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng Lạm phát trong Kinh tế là gì?
  • Lạm phát do cầu kéo là gì?
  • Lạm phát do chi phí đẩy là gì?
  • Lạm phát tích hợp (hợp nhất) là gì?
  • Một số chỉ số giá (Price Index) chính được đề cập trong bối cảnh Lạm phát.
  • Công thức đo lường hay cách tính Lạm phát (Inflation).
  • Một số thuận lợi và bất lợi khi Lạm phát xảy ra là gì?
  • Một số câu hỏi thường gặp xoay quanh thuật ngữ Lạm phát trong phạm vi nền Kinh tế Vĩ mô.

Bên dưới là tất cả những nội dung bạn cần biết về lạm phát.

1. Lạm phát là gì?

Lạm phát (Inflation) là khái niệm dùng để chỉ sự tăng lên về giá cả (Price), tức đồng tiền mất giá và giảm sức mua theo thời gian.

Khi lạm phát xảy ra, tốc độ giảm sức mua có thể được phản ánh trong mức tăng giá trung bình của một nhóm hàng hóa và dịch vụ trong một khoảng thời gian nào đó.

Sự tăng lên về giá thường được biểu thị bằng tỷ lệ phần trăm, điều này có nghĩa là cùng một đơn vị tiền tệ nhưng người tiêu dùng lại có thể mua ít hàng hơn so với cùng kỳ.

Khái niệm đối lập với Lạm phát là Giảm phát (Deflation), sự kiện xảy ra khi giá cả của hàng hoá giảm và sức mua tăng lên.

Để có thể hiểu rõ hơn về thuật ngữ Lạm phát, bạn cứ hình dung thế này, ví dụ, vào năm 2020, bạn uống một cốc cafe với giá 20.000 đồng, tuy nhiên, vì lạm phát tăng cao vào năm 2021 nên cũng cốc cafe đó nhưng bạn phải trả đến 25.000 đồng.

Bên dưới là video bạn có thể xem để hiểu thực sự về Lạm phát có nghĩa là gì.

Lạm phát trong tiếng Anh có nghĩa là Inflation.

2. Tỷ lệ lạm phát là gì?

Tỷ lệ lạm phát trong tiếng Anh có nghĩa là Inflation Rate, công thức tính sẽ được đề cập đến ở các phần nội dung bên dưới. Hiểu một cách đơn giản, tỷ lệ lạm phát chính là những con số phần trăm, ví dụ tỷ lệ lạm phát trung bình của Việt Nam là khoảng 2%-3%.

3. Một vài điểm cần chú ý với thuật ngữ lạm phát.

  • Lạm phát (Inflation) là khái niệm đề cập đến tốc độ tăng giá của hàng hóa và dịch vụ.
  • Lạm phát có thể được phân chia thành 3 kiểu chính: lạm phát do cầu kéo (Demand-pull inflation), lạm phát do chi phí đẩy (Cost-push inflation) và lạm phát tích hợp (Built-in inflation).
  • Các chỉ số lạm phát (inflation indexes) thường được sử dụng nhiều nhất là Chỉ số giá tiêu dùng (CPI – Consumer Price Index) và Chỉ số giá sỉ (WPI – Wholesale Price Index).
  • Lạm phát có thể được nhìn nhận theo góc nhìn tích cực hoặc tiêu cực tùy thuộc vào quan điểm và tốc độ thay đổi của từng cá nhân hay tổ chức trong từng thời kì nhất định.
  • Những người sở hữu các tài sản hữu hình như bất động sản, vàng hoặc hàng hóa dự trữ, có thể muốn thấy lạm phát (ở một mức độ phù hợp nhất định) vì nó làm tăng giá trị tài sản của họ.

4. Thấu hiểu khái niệm lạm phát.

Mặc dù có thể dễ dàng đo lường sự thay đổi về giá bán của các sản phẩm riêng lẻ theo thời gian, nhưng nhu cầu của con người thường không chỉ dừng lại ở một hoặc hai sản phẩm.

Người tiêu dùng nói chung cần một bộ sản phẩm lớn và đa dạng hơn, cũng như một loạt các dịch vụ khác để cuộc sống của họ có thể thoải mái hơn.

Thuật ngữ Lạm phát hướng tới việc đo lường tác động tổng thể của sự thay đổi về giá đối với một bộ các sản phẩm và dịch vụ đa dạng.

Điều này làm cho quá trình phân tích sự tăng lên về giá của các sản phẩm và dịch vụ của một nền kinh tế trong một thời kỳ sẽ mang tính đại diện nhiều nhất.

Giá cả tăng, có nghĩa là cùng một đơn vị tiền tệ, người tiêu dùng mua được ít hàng hóa và dịch vụ hơn. Chính sự mất giá này đã ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi mua sắm của phần đông công chúng, dẫn đến tốc độ tăng trưởng kinh tế sụt giảm.

Theo quan điểm của các nhà kinh tế, tình hình lạm phát kéo dài sẽ xảy ra khi lượng tiện được in ra (đẩy vào thị trường) của một quốc gia vượt xa tốc độ tăng trưởng kinh tế của quốc gia đó.

Để chống lại điều này, các cơ quan hay tổ chức quản lý tiền tệ (chẳng hạn như ngân hàng nhà nước) sẽ thực hiện các bước cần thiết để quản lý lượng cung tiền và tín dụng với mục tiêu là giữ cho lạm phát (Inflation) được xảy ra trong một giới hạn cho phép.

Về mặt lý thuyết, khái niệm lạm dụng tiền tệ (Monetarism) là một lý thuyết phổ biến giải thích mối quan hệ giữa lạm phát và cung tiền trong một nền kinh tế.

Trong khi lạm phát được đo lường theo nhiều cách khác nhau tùy thuộc vào từng loại hàng hóa và dịch vụ. Lạm phát mang ý nghĩa ngược lại với Giảm phát, sự kiện xảy ra khi giá bán của hàng hoá giảm xuống và tỷ lệ lạm phát rơi xuống dưới mức 0%.

5. Những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng lạm phát là gì?

Những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng Lạm phát là gì?
Những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng Lạm phát là gì?

Mặc dù, tuỳ từng nền kinh tế khác nhau, lạm phát có thể bắt đầu và kết thúc theo những cách khác nhau, sự gia tăng về nguồn cung tiền là căn nguyên của lạm phát.

Các tổ chức chính phủ hay cơ quan quản lý tiền tệ có thể tăng nguồn cung tiền (money supply) của một quốc gia bằng cách:

  • In và “bơm” nhiều tiền hơn vào thị trường.
  • Phá giá hợp pháp (làm giảm giá trị của đồng tiền một cách hợp pháp.)
  • Cho vay tiền dưới dạng tín dụng dự trữ thông qua hệ thống ngân hàng bằng cách mua trái phiếu chính phủ từ các ngân hàng trên thị trường thứ cấp.

Trong tất cả những trường hợp nói trên, tiền cuối cùng sẽ mất đi sức mua hay giá trị nội tại của nó. Các cơ chế thúc đẩy lạm phát có thể được phân thành 3 loại: lạm phát do cầu kéo, lạm phát do chi phí đẩy và lạm phát tích hợp (hợp nhất).

Lạm phát do cầu kéo.

Lạm phát do cầu kéo xảy ra khi lượng cung tiền và tín dụng tăng lên khiến cho tổng cầu về hàng hóa và dịch vụ tăng nhanh hơn so với khả năng sản xuất bình thường của nền kinh tế. Điều này làm tăng nhu cầu và dẫn đến tăng giá.

Về bản chất, khi mọi người có nhiều tiền hơn sẽ dẫn đến tâm lý tiêu dùng tích cực hơn, mua sắm nhiều hơn hay nói một cách dễ hiểu là bạo chi hơn.

Tất cả những điều này tạo ra khoảng cách cung cầu với nhu cầu cao hơn và nguồn cung đáp ứng kém hơn, dẫn đến giá cả của các mặt hàng cao hơn.

Lạm phát do chi phí đẩy.

Lạm phát cho chi phí đẩy là kết quả của sự gia tăng giá của các yếu tố đầu vào trong quá trình sản xuất hàng hoá và dịch vụ.

Khi nguồn cung tiền và tín dụng chảy vào thị trường hàng hóa hoặc tài sản khác, chi phí cho tất cả các loại hàng hóa trung gian sẽ mặc định tăng lên. Điều này dẫn đến chi phí cho thành phẩm (giá thành) của hàng hoá tăng lên và làm tăng giá tiêu dùng.

Ví dụ thế này, để sản xuất ra một hộp sữa tươi, bạn cần “đầu vào” là những chú Bò sữa và thức ăn cho Bò (chẳng hạn như cỏ khô), khi các thức ăn cho Bò tăng lên, chi phí mà doanh nghiệp cần phải bỏ ra để có được 1 hộp sữa sẽ mặc nhiên tăng lên, từ đây, để đáp ứng được các khoản thu chi, doanh nghiệp cũng cần tăng giá bán của một hộp sữa lên.

Lạm phát tích hợp.

Built-in inflation hay Lạm phát tích hợp (lạm phát hợp nhất hoặc lạm phát có sẵn) là gì?
Built-in inflation hay Lạm phát tích hợp (lạm phát hợp nhất hoặc lạm phát có sẵn) là gì?

Lạm phát tích hợp (Built-in Inflation) là thuật ngữ có liên quan đến những kỳ vọng thích ứng hoặc ý tưởng rằng mọi người kỳ vọng tỷ lệ lạm phát hiện tại sẽ tiếp tục diễn ra trong tương lai.

Khi giá hàng hóa và dịch vụ tăng lên, mọi người cũng có thể mong đợi sự gia tăng liên tục trong tương lai với tốc độ tương tự.

Từ góc nhìn này, người lao động có thể đòi hỏi nhiều khoản phụ cấp hoặc tiền lương cao hơn để duy trì mức sống của họ.

Tiền lương của họ tăng lên dẫn đến chi phí hàng hóa và dịch vụ cũng sẽ cao hơn, và vòng xoáy giá bán – tiền lương này sẽ tiếp tục diễn ra theo cách một yếu tố này xảy ra có thể kích thích hay khiến yếu tố kia cũng phải xảy ra.

Kết quả cuối cùng là khiến cho tình hình lạm phát sẽ tiếp tục kéo dài.

6. Công thức đo lường lạm phát – Cách tính lạm phát.

Thông qua các phân tích ở trên, đến đây chắc hẳn bạn đã có thể hiểu Lạm phát là gì rồi, vậy Lạm phát được tính toán như thế nào?

Mặc dù có rất nhiều công cụ tính toán lạm phát hiện có sẵn trên nhiều website và ứng dụng tài chính khác nhau, điều quan trọng là bạn nên hiểu về phương pháp luận cơ bản để tính toán lạm phát.

Về mặt toán học, Tỷ lệ lạm phát phần trăm = (Giá trị chỉ số CPI cuối cùng / Giá trị CPI ban đầu) x 100.

Giả sử bạn muốn biết sức mua của 10.000 USD đã thay đổi như thế nào trong khoảng thời gian từ tháng 9 năm 1975 đến tháng 9 năm 2018.

Đối với tháng 9 năm 1975, CPI là 54,6 (giá trị CPI ban đầu) và vào tháng 9 năm 2018, nó là 252,439 (giá trị CPI cuối cùng).

Đưa các chỉ số này vào công thức nói trên bạn sẽ có số liệu như bên dưới:

Tỷ lệ phần trăm lạm phát = (252.439 / 54.6) x 100 = (4.6234) x 100 = 462.34%.

Vì bạn muốn biết 10.000 USD từ tháng 9 năm 1975 sẽ có giá trị bao nhiêu vào tháng 9 năm 2018, hãy nhân tỷ lệ lạm phát với số tiền để nhận được giá trị đã thay đổi:

Thay đổi giá trị (USD) = 4.6234 x 10.000 (USD) = 46.234,25 USD.

Điều này có nghĩa là 10.000 USD vào tháng 9 năm 1975 sẽ có giá trị là 46.234,25 USD.

Về bản chất, nếu bạn mua một sản phẩm hay dịch vụ nào đó trị giá 10.000 USD vào năm 1975, thì cũng cùng sản phẩm đó nhưng bạn phải bỏ ra đến 46.234,25 USD vào tháng 9 năm 2018 để sở hữu được nó.

7. Một số câu hỏi thường gặp xoay quanh thuật ngữ lạm phát.

  • Kiềm chế Lạm phát là gì?

Kiềm chế lạm phát (Inflation Curbing), thuật ngữ dùng để chỉ tất cả các hoạt động (thường là từ chính phủ của các quốc gia) được thực hiện với mục tiêu là kiểm soát và hạn tế tình trạng lạm phát.

Hành động bạn có thể thường thấy đó là các chính phủ sẽ tăng lãi suất để giảm lượng cung tiền ra thị trường.

  • Kiểm soát Lạm phát là gì?

Về bản chất, Kiểm soát Lạm phát (Inflation Control) cũng mang ý nghĩa tương tự như Kiềm chế Lạm phát, khái niệm đề cập đến các hoạt động của chính phủ nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, giữ các chỉ số lạm phát trong mức có thể quản lý.

Ví dụ, trong năm 2022, để kiểm soát tình hình lạm phát, chính phủ Mỹ đã ra một đạo luật có tên là Inflation Reduction Act (IRA), với mục tiêu giảm giá một số loại hàng hoá như thuốc kê đơn, giá xăng dầu, và đầu tư mạnh hơn vào năng lượng sạch nội địa.

  • Lạm phát nhẹ là gì?

Lạm phát nhẹ hoặc lạm phát vừa phải là khái niệm đề cập đến việc giá cả của hàng hoá sẽ tăng chậm, có thể dự đoán được và thường ở mức một con số một năm.

  • Lạm phát phi mã là gì?

Lạm phát phi mã (Galloping Inflation), dùng để chỉ giá cả tăng nhanh, ở mức hai hoặc ba con số một năm. Lạm phát phi mã nếu kéo dài sẽ gây ra những biến dạng kinh tế nghiêm trọng làm triệt tiêu các động lực phát triển kinh tế.

  • Siêu lạm phát là gì?

Siêu lạm phát (Hyperinflation) dùng để chỉ giá cả tăng rất nhanh, mức lạm phát từ 50% một tháng trở lên (khoảng trên 13000% một năm). Siêu lạm phát có thể phá hủy một nền kinh tế, gây bất ổn tình hình an ninh và nhiều thứ khác.

  • Lạm phát bù đắp rủi ro là gì?

Lạm phát bù đắp rủi ro hay Inflation Premium là một thành phần của lợi tức bắt buộc thể hiện sự bù đắp cho rủi ro lạm phát. Đó chính là phần lãi suất mà các nhà đầu tư yêu cầu bên cạnh phần lãi suất phi rủi ro thực tế do rủi ro của việc giảm sức mua của đồng tiền.

  • Lạm phát cơ bản là gì?

Lạm phát cơ bản (Core Inflation) là chỉ số đo mức độ lạm phát loại trừ một số mặt hàng dễ thay đổi giá như lương thực và năng lượng.

Hiện nay trên thế giới đã có một số nước dùng Lạm phát cơ bản để làm tỷ số lạm phát chính thức khi công bố với dân chúng. Ở Việt Nam thì hiện vẫn đang dùng chỉ số lạm phát thông thường.

  • Thuế lạm phát là gì?

Thuế lạm phát là một loại thuế ngầm đánh vào tài sản danh nghĩa, chẳng hạn như tiền mặt, trái phiếu và tài khoản tiết kiệm. Vì Lạm phát làm giảm giá trị của đồng tiền và do đó làm giảm thu nhập thực tế của các hộ gia đình.

  • Vòng xoáy lạm phát là gì?

Vòng xoáy lạm phát là khái niệm mô tả các tác động qua lại của cung và cầu lên giá cả. Những người kiếm được nhiều tiền hơn chi phí sinh hoạt sẽ chọn cách phân bổ kết hợp giữa tiết kiệm và chi tiêu tiêu dùng. Khi tiền lương tăng lên, xu hướng tiết kiệm và tiêu dùng của người tiêu dùng cũng tăng theo.

  • Lạm phát tiền lương là gì?

Lạm phát tiền lương (hay lạm phát do tiền lương đẩy) là sự gia tăng tổng thể của chi phí hàng hóa và dịch vụ do sự tăng lên của tiền lương.

Để duy trì lợi nhuận doanh nghiệp sau khi tăng lương, người sử dụng lao động hay doanh nghiệp phải tăng giá họ tính cho hàng hóa và dịch vụ mà họ cung cấp.

  • Kỳ vọng lạm phát.

Kỳ vọng lạm phát là mức độ lạm phát hay tỷ lệ lạm phát được kỳ vọng sẽ xảy ra tại một quốc gia trong một thời kỳ cụ thể. Ví dụ trong năm 2022, Việt Nam kỳ vọng mức lạm phát sẽ được giữ dưới mức 4%.

  • Lạm phát dựa trên mô hình là gì?

Lạm phát dựa trên mô hình (Model-based Inflation) là cách thức các quốc gia sử dụng để tính toán và đo lường lạm phát nhằm mục tiêu loại bỏ các thiếu sót của các phương pháp truyền thống.

  • Lạm phát giá tiêu dùng là gì?

Lạm phát giá tiêu dùng là lạm phát do sự gia tăng về giá cả của những hàng hoá trong một khoảng thời gian cụ thể. Các nhà kinh tế có thể sử dụng chỉ số lạm phát này để xác nhận các kỳ vọng của họ và giúp dự báo các xu hướng lạm phát do giá tiêu dùng.

  • Lạm phát nhập khẩu là gì?

Lạm phát nhập khẩu xảy ra khi giá nhập khẩu (giá mua hàng từ nước ngoài) và tỉ giá đồng thời tăng hoặc chỉ một yếu tố tăng mạnh.

Khi này, giá thành của các sản phẩm nhập khẩu tăng cao. Lạm phát nhập khẩu còn được gọi là lạm phát chi phí.

Bán nhiều tiền của quốc gia hơn để mua hàng có nghĩa là giá trị tiền tệ của quốc gia đó đang đi xuống. Đồng tiền có giá trị thấp hơn cũng làm cho hàng hóa của quốc gia này rẻ hơn đối với người mua nước ngoài, điều này buộc một quốc gia cụ thể cần tăng xuất khẩu nhiều hơn và giảm tỷ trọng nhập khẩu.

  • Lạm phát âm là gì?

Là một cách gọi khác của khái niệm Giảm phát. Thuật ngữ được dùng để chỉ sự sụt giảm của giá cả (Price), tức đồng tiền có giá trị hơn và sức mua tăng cao hơn theo thời gian.

  • Lạm phát 1 con số là gì?

Lạm phát 1 (một) con số đơn giản là mức lạm phát dưới 10%.

Kết luận.

Thông qua các phân tích tương đối gần gũi ở trên của MarketingTrips, hy vọng bạn đã có được những kiến thức kinh tế cơ bản về lạm phát (inflation), hiểu lạm phát là gì, bản chất của nó ra sao, hay lạm phát ảnh hưởng như thế nào đến bối cảnh kinh tế chung.

Với tư cách là những người làm marketing, khi các bối cảnh kinh tế thay đổi khiến hành vi và tâm lý tiêu dùng của người tiêu dùng cũng thay đổi, nhiệm vụ của bạn là hiểu, đồng cảm và đưa ra những chiến lược phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

 

Nam Nguyen | MarketingTrips

Bài viết liên quan

Nổi bật

Mới nhất

Meta ra mắt Edits và muốn thay thế CapCut của TikTok

20 Tháng Một, 2025
Meta vừa chính thức trình làng công cụ chỉnh sửa video mới Edits trong bối cảnh mạng xã hội TikTo…

Đọc nhiều

Top 10+ xu hướng Marketing sẽ thống trị trong năm 2025 (từ Kantar)

18 Tháng Một, 2025
Theo báo cáo từ Kantar Media (một công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu thị trường,…