Skip to main content

Việt Nam là thị trường có tốc độ tăng trưởng cao của dịch vụ giao đồ ăn trong 2022

10 Tháng Hai, 2023

Cùng với Philippines và Malaysia, Việt Nam đang dẫn đầu khu vực về mức độ tăng trưởng của dịch vụ giao đồ ăn trong năm 2022.

Việt Nam là thị trường có tốc độ tăng trưởng cao của dịch vụ giao đồ ăn trong 2022
Việt Nam là thị trường có tốc độ tăng trưởng cao của dịch vụ giao đồ ăn trong 2022

Theo báo cáo “Nền tảng giao đồ ăn ở Đông Nam Á” thực hiện bởi Momentum Works, tổng chi tiêu cho dịch vụ giao đồ ăn trong năm 2022 tại các nước Đông Nam Á lên đến 16,3 tỷ USD, tăng 5% sau 2 năm bùng nổ giao hàng do Covid-19.

Đặc biệt, đây cũng là lần đầu tiên sau 3 năm, sự tăng trưởng chủ yếu được thúc đẩy bởi các thị trường như: Philippines, Malaysia và Việt Nam. Các thị trường dẫn đầu như: Singapore, Thái Lan và Indonesia ghi nhận sự sụt giảm đáng kể.

Theo Momentum Works, tính đến cuối năm 2022, Grab hiện chiếm 54% tổng GMV trong dịch vụ giao đồ ăn trong khu vực. Foodpanda ước tính chiếm 19% GMV của khu vực. Theo sau là Line Man, Gojek và ShopeeFood.

Ông Jianggan Li, Giám đốc điều hành Momentum Works đánh giá, tình hình cạnh tranh thị trường năm 2022 đã trở nên im ắng hơn rất nhiều so với năm 2021.

Những công ty mới tham gia như Shopee và AirAsia đã quay trở lại tập trung vào các lĩnh vực cốt lõi của họ, trong khi những công ty hiện tại áp dụng chiến lược mở rộng thận trọng hơn nhiều.

Vị chuyên gia cho rằng, với việc đặt tăng trưởng lợi nhuận là trọng tâm hàng đầu hiện nay, các nhà cung cấp dịch vụ giao đồ ăn đang thử nghiệm nhiều chiến lược khác nhau để cải thiện tỷ suất lợi nhuận giao hàng, củng cố niềm tin của người tiêu dùng thông qua quảng cáo, chương trình đăng ký hội viên…

Cũng theo báo cáo của Momentum Works, các nhà cung cấp dịch vụ giao đồ ăn đang dần rút lui khỏi các thị trường và doanh nghiệp không sinh lời, như kho thực hiện đơn hàng (dark store) để giao thực phẩm và bếp trên mây để giao đồ ăn.

Xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục đến năm 2023, với việc Shopee có kế hoạch tái tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi là thương mại điện tử (eCommerce) và DeliveryHero được đồn đoán sẽ rút vốn khỏi hoạt động tại một số quốc gia Đông Nam Á.

Bên cạnh đó, nhiều nhà cung cấp dịch vụ giao đồ ăn đã tham gia vào quan hệ đối tác chiến lược hoặc mua lại các nhà cung cấp giải pháp quản lý nhà hàng và điểm bán hàng vào năm 2022.

Những động thái này dự kiến sẽ tăng cường khả năng giữ chân người bán và cho phép nhà cung cấp mang đến dịch vụ khác biệt nhiều hơn, tốt hơn cho người bán bằng cách khai thác dữ liệu bán hàng trực tuyến và ngoại tuyến. Đây là một chiến lược đã được thử nghiệm bởi những người nhà cung cấp Trung Quốc như Meituan.

Ngoài ra, các nhà cung cấp dịch vụ giao đồ ăn lớn đã bắt đầu xây dựng các sản phẩm quảng cáo để thu hút nhiều khoản đầu tư của người bán hơn.

Nhiều nhà cung cấp dịch vụ cũng đang thử nghiệm các chương trình đăng ký hội viên như một công cụ để cải thiện khả năng giữ chân người tiêu dùng và khuyến khích đặt hàng với giá trị lớn hơn.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Hà Anh  | MarketingTrips   

Bài viết liên quan

Nổi bật


Đọc nhiều

Ứng dụng video Bigo Live bị xoá khỏi App Store

10 Tháng Tư, 2023
Bigo Live, ứng dụng chuyên về livestream phổ biến tại Việt Nam, không còn xuất hiện trên kho ứng …