Skip to main content

Year in Review: Nhìn lại những vụ sụp đổ ngân hàng lớn nhất thế giới năm 2023

27 Tháng Mười Hai, 2023

Trong năm 2023, 5 ngân hàng khu vực tại Mỹ đã sụp đổ, trong khi một nhà băng khác tự thanh lý tài sản. Ở bên kia Đại Tây Dương, Credit Suisse – ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sỹ – phải bán mình cho đối thủ.

Year in Review: Nhìn lại những vụ sụp đổ ngân hàng lớn nhất thế giới năm 2023
Year in Review: Nhìn lại những vụ sụp đổ ngân hàng lớn nhất thế giới năm 2023

Trước khi Silicon Valley Bank (SVB) bị Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) kiểm soát vào tháng 3/2023, chưa có ngân hàng nào tại nền kinh tế lớn nhất thế giới sụp đổ trong hơn hai năm qua. Dấu chấm hết của SVB đánh dấu một năm kỷ lục đáng buồn với ngành ngân hàng Mỹ cũng như thế giới.

Tổng tài sản của các ngân hàng sụp đổ tại Mỹ trong năm 2023 là 548,7 tỷ USD – mức cao nhất từng ghi nhận trọng lịch sử. Nếu tính thêm trường hợp Credit Sussie của Thụy Sỹ (bị UBS mua lại) thì tổng tài sản các ngân hàng lớn ra đi trong năm nay vượt quá 1.000 tỷ USD.

Nhìn từ biểu đồ bên dưới, chúng ta có thể thấy trong năm 2021 và 2022, không có bất cứ ngân hàng nào tại Mỹ sụp đổ. Ngoài ra, trong giai đoạn 2018 – 2022, không nhà băng nào có tổng tài sản quá 1 tỷ USD phải đặt dấu chấm hết.

Silicon Valley Bank (SVB)

Số phận: Sụp đổ vào ngày 10/3

Tổng tài sản: 209 tỷ USD tại ngày 31/12/2022

SVB là cái tên đầu tiên trong những ngân hàng khu vực Mỹ (hay các nhà băng có tổng tài sản dưới 250 tỷ USD) sụp đổ trong năm nay. Trong thời kỳ lãi suất thấp, SVB đã xây dựng danh mục trái phiếu chính phủ trị giá 117 tỷ USD. Dù trái phiếu chính phủ Mỹ là một trong những tài sản an toàn nhất thế giới, SVB vẫn phải chịu rủi ro mất giá nếu bán trước khi đáo hạn.

Khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu nâng lãi suất, số trái phiếu trong tay SVB giảm giá và tạo ra khoản lỗ chưa thực hiện.

Vào ngày 8/3, ngân hàng này cho biết họ sẽ chịu thiệu hại 1,8 tỷ USD khi bán một phần trái phiếu để đáp ứng nhu cầu thanh khoản và có kế hoạch huy động thêm 2,3 tỷ USD.

Người gửi tiền, bao gồm nhiều công ty công nghệ và đầu tư mạo hiểm, đã lo lắng và nhanh chóng rút tiền khỏi SVB. Đến ngày 10/3, các nhà chức trách đã cho đóng cửa ngân hàng này với lý do thiếu thanh khoản và vỡ nợ. Thiệt hại do sự sụp đổ của SVB gây ra cho Quỹ Bảo hiểm Tiền gửi (DIF) là 16,1 tỷ USD.

Signature Bank

Số phận: Sụp đổ vào ngày 12/3

Tổng tài sản: 110,4 tỷ USD tại ngày 31/12/2022.

Signature Bank ra đi chỉ hai ngày sau khi SVB sụp đổ. Và cũng tương tự như SVB, Signature Bank rơi vào khủng hoảng khi bị rút tiền hàng loạt.

Sau khi hai nhà băng với tổng tài sản hơn 300 tỷ USD ra đi, các nhà quản lý đã phải đưa ra một ngoại lệ đặc biệt và bảo đảm cho toàn bộ tiền gửi tại SVB và Signature Bank, bất kể quy mô lớn đến đâu. Thông thường, FDIC chỉ bảo hiểm toàn bộ cho các khoản tiền gửi dưới 250.000 USD.

Ngoài ra, nhà chức trách cũng tạo ra một kênh để các ngân hàng vay thanh khoản bằng cách thế chấp các trái phiếu chính phủ đang bị mất giá. FDIC ước tính thiệt hại từ sự sụp đổ của Signature Bank là 2,4 tỷ USD.

Theo báo cáo của FDIC, việc Signature Bank có mối quan hệ mật thiết với ngành công nghiệp tiền mã hóa đã đẩy ngân hàng rơi vào tình cảnh điêu đứng. Trong năm 2022 và đầu 2023, nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành công nghiệp này, chẳng hạn như FTX, Celcius hay Terraform Labs, đã phá sản.

Ngoài ra, báo cáo từ Văn phòng Tổng Thanh tra (OIG) cho thấy các lãnh đạo Signature Bank đã ưu tiên tăng trưởng nhanh thay vì áp dụng các biện pháp quản lý rủi ro thích hợp. Đồng thời, ngân hàng này cũng không chuẩn bị đầy đủ cho tình huống rút tiền hàng loạt.

First Republic Bank

Số phận: Sụp đổ vào ngày 5/1

Tổng tài sản: 232,9 tỷ USD tại ngày 31/3/2023.

First Republic Bank là ngân hàng thương mại lớn thứ hai từng sụp đổ tại Mỹ. Trong khi SVB và Signature ra đi trong chóng vánh thì cái kết của First Republic Bank diễn ra rất từ từ. Khoảng 4 ngày sau khi Signature Bank sụp đổ, 11 nhà băng lớn nhất của Mỹ đã cam kết hỗ trợ First Republic với khoản tiền gửi trị giá 30 tỷ USD. Tuy nhiên, kế hoạch này cuối cùng đã thất bại.

Đến này 1/5, FDIC tiếp quản First Republic Bank và JPMorgan Chase sau đó đồng ý mua lại nhà băng này. Ước tính thiệt hại cho DIF là 15,6 tỷ USD.

Khác với SVB hay Signature Bank, First Republic Bank không có liên hệ mật thiết với ngành công nghiệp tiền mã hóa hay nắm giữ nhiều trái phiếu chính phủ. Nguyên nhân khiến First Republic Bank gặp khó khăn chính là danh mục cho vay của ngân hàng này.

First Republic tập trung cấp tín dụng thương mại và cho các cá nhân giàu có vay vốn với lãi suất thấp. Khi Fed tăng lãi suất, giá trị thị trường của các khoản vay này bị ảnh hưởng, tương tự như những gì từng xảy ra với SVB.  Ngoài ra, First Republic Bank cũng phục vụ nhiều khách hàng giàu có, với tiền gửi vượt mức giới hạn bảo hiểm của FDIC.

Hai ngân hàng không “sụp đổ” nhưng vẫn biến mất

Ngoài những cái tên kể trên, năm 2023 còn ghi nhận sự ra đi của hai ngân hàng nhỏ tại Mỹ là Heartland Tri-State Bank và Citizen Bank (of Iowa).

Đồng thời, hai nhà băng khác, một tại Thụy Sỹ và một tại Mỹ, cũng đã tìm cánh tự thanh lý hoặc bán mình cho đối thủ trước khi “sụp đổ”.

Credit Suisse

Số phận: Bị UBS mua lại vào ngày 19/3

Tổng tài sản: 531 tỷ CHF (khoảng 573 tỷ USD) tại ngày 31/12/2022

Credit Suisse có thể được coi như một nạn nhân gián tiếp của cuộc khủng hoảng ngân hàng ở bên kia Đại Tây Dương. Tuy nhiên, sự ra đi của nhà băng lớn thứ hai Thụy Sỹ chủ yếu đến từ những khoản thua lỗ và bê bối trong suốt nhiều năm qua. Theo thống kê của Violation Tracker, từ năm 2012 đến 2022, Credit Suisse đã chịu các án phạt trị giá 10,57 tỷ USD.

Một loạt bê bối đã khiến công chúng, thị trường, cơ quan xếp hạng và nhà quản lý mất dần niềm tin vào Credit Suisse. Kết quả là, khách hàng liên tục rút tiền gửi khỏi ngân hàng này kể từ giữa năm 2021.

Tháng 10/2022, Credit Suisse phải đối mặt với một đợt rút tiền hàng loạt khi khách hàng lo sợ về sức khỏe tài chính của nhà băng này. Tuy nhiên, nhờ bộ đệm thanh khoản dồi dào do các quy định của Thụy Sỹ, Credit Suisse có thể tạm thoát hiểm.

Tuy nhiên, đến tháng 3/2023, cuộc khủng hoảng ngân hàng tại Mỹ lại khiến niềm tin của khách hàng chạm đáy. Hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) cho thấy thị trường gần như không còn niềm tin vào khả năng Credit Suisse sẽ tái cấu trúc thành công.

Credit Suisse tiếp tục đối mặt với đợt rút tiền hàng loạt lần thứ hai và lượng thanh khoản còn lại của ngân hàng không còn đủ. Ngân hàng trung ương Thụy Sỹ phải hỗ trợ thanh khoản cho Credit Suisse và cuối cùng vào ngày 19/3 thì trở thành trung gian để UBS thâu tóm ngân hàng này với giá 3 tỷ CHF.

Silvergate Bank

Số phận: Tự thanh lý tài sản, giải thể vào ngày 3/8

Tổng tài sản: 11,4 tỷ USD tại ngày 31/12/2022

Silvergate Bank từng là một trong những ngân hàng “thân thiện nhất” với ngành công nghiệp tiền mã hóa. Tuy nhiên, sau sự sụp đổ của sàn giao dịch FTX, một lượng lớn tiền gửi đã bị rút khỏi nhà băng này.

Ngày 1/3, Silvergate cảnh báo về khả năng hoạt động của mình. Một tuần sau, ngân hàng tuyên bố sẽ kết thúc hoạt động và thanh lý tài sản. Silvergate Bank không thực sự “sụp đổ” theo nghĩa đen. Thay vào đó, ngân hàng này tự động giải thể và không được FDIC liệt kê trong danh sách những nhà băng đã sụp đổ của năm 2023.

Báo cáo từ OIG cho rằng sự sụp đổ của Silvergate đến từ việc ngân hàng nhận lượng lớn tiền gửi bằng tiền mã hóa, tăng trưởng như vũ bão, cũng như những điểm yếu trong quản trị doanh nghiệp và quản trị rủi ro.

OIG cho biết: “Bắt đầu từ năm 2013, ban lãnh đạo cấp cao của Silvergate đã thay đổi chiến lược để tập trung vào khách hàng trong lĩnh vực tiền mã hóa. Silvergate tăng trưởng theo cấp số nhân trong khoảng thời gian 5 năm, tổng tài sản từ dưới 1 tỷ USD vào năm 2017 lên hơn 16 tỷ USD vào cuối năm 2021”.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin tức trực tuyến về Marketing, Digital Marketing, Thương hiệu, Quảng cáo và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Theo Doanh Nghiệp & Kinh Doanh

Bài viết liên quan

Nổi bật


Đọc nhiều

Ứng dụng video Bigo Live bị xoá khỏi App Store

10 Tháng Tư, 2023
Bigo Live, ứng dụng chuyên về livestream phổ biến tại Việt Nam, không còn xuất hiện trên kho ứng …