Skip to main content

Nghiên cứu: Điều gì khiến một công việc trở nên có ý nghĩa

4 Tháng Chín, 2023

Bằng cách nào và điều gì khiến công việc của bạn có nhiều ý nghĩa hơn? Trong khi một số nghiên cứu trước đây từng chứng minh rằng việc được tự chủ hay chịu trách nhiệm với bản thân có thể hữu ích, các nghiên cứu mới gần đây cho rằng điều này là chưa đủ.

Nghiên cứu: Điều gì khiến công việc bạn làm trở nên có ý nghĩa
Nghiên cứu: Điều gì khiến công việc bạn làm trở nên có ý nghĩa

Nói về “ý nghĩa” hay hạnh phúc, hẳn là hầu hết mọi người đều tìm kiếm nó, có người thì có thể tìm thấy nó trong cuộc sống hằng ngày, nhưng cũng có người chỉ tìm thấy chúng thông qua công việc của họ.

Trên thực tế, các nghiên cứu cho thấy rằng ‘ý nghĩa’ là thứ quan trọng hơn bất kỳ khía cạnh nào khác trong công việc của con người — bao gồm cả tiền lương, phần thưởng, cơ hội thăng tiến hay các điều kiện làm việc khác.

Khi bạn cảm thấy công việc của mình thực sự có ý nghĩa, bạn sẽ bắt đầu gắn bó, cam kết và hài lòng nhiều hơn.

Ngược lại, nếu không thể tìm thấy thứ gọi là ý nghĩa này, bạn sẽ sẵn sàng bỏ việc nhiều hơn, điều này đặc biệt đúng đối với những người lao động trẻ tuổi chẳng hạn như Gen Z.

Điều gì góp phần tạo nên thứ gọi là ý nghĩa trong công việc?

Về tổng thể, các nghiên cứu trước đây đã từng chỉ ra rằng, một người sẽ cảm thấy công việc của họ có nhiều ý nghĩa hơn nếu họ có quyền tự chủ, tức là thay vì họ bị ép làm những thứ mà họ được giao hay họ được giao việc mà không có quyền phản hồi hay góp ý, họ có quyền được làm những thứ mà họ cho rằng là phù hợp (và hiển nhiên họ sẽ chịu trách nhiệm với những gì họ làm).

Tuy nhiên, thực tế chỉ ra rằng, điều này có thể có ý nghĩa với cá nhân nhưng lại không phù hợp với doanh nghiệp.

Ví dụ, nếu bạn là một người mới bắt đầu sự nghiệp, chưa có kiến thức và hiểu biết đủ sâu về những gì bạn làm, bạn không thể bỏ hết những thứ mà bạn cho rằng là không hiệu quả hay không mang lại ý nghĩa với bạn.

Để có thể tìm ra một giải pháp mới, vừa khiến công việc của nhân viên trở nên có ý nghĩa vừa phù hợp với bối cảnh kinh doanh của doanh nghiệp (công việc vừa có ý nghĩa vừa mang lại giá trị cho doanh nghiệp), các nhà nghiên cứu đã bắt đầu đào sâu tìm hiểu.

Sau quá trình chạy các thử nghiệm thực tế và giả thuyết khác nhau, các nhà nghiên cứu rút ra 2 kết luận:

  1. Một người càng nhận thức rõ hơn về công việc của họ, họ càng cảm thấy công việc của họ có ý nghĩa hơn.
  2. Con người càng ý thức, họ càng linh hoạt trong lối suy nghĩ, điều này dẫn đến mỗi công việc họ làm, dù ở bất cứ thời điểm nào đều có ý nghĩa hơn.

Nghiên cứu chỉ ra rằng việc ở trong trạng thái tỉnh táo (awareness) đã giúp mọi người trải nghiệm công việc của họ theo cách có nhiều ý nghĩa hơn.

Tại nơi làm việc, khi mọi người nhận thức được các hành động, phản ứng và suy nghĩ của họ một cách có chủ ý, họ sẽ chú ý nhiều hơn đến yếu tố môi trường, nơi mà họ đang thực hiện nhiệm vụ.

Họ từ đó trở nên hòa hợp hơn với đồng nghiệp và các tương tác hàng ngày của họ, họ là người lắng nghe tích cực, người giao tiếp hiệu quả, và họ cũng hiểu rõ hơn các yếu tố bối cảnh đằng sau từng lời nói và hành động của mọi người (bao gồm cả của chính họ).

Chính các nhận thức này đã làm tăng thêm sự rõ ràng và tích cực cho trải nghiệm của họ, cho phép họ thấy được giá trị và mục đích thực sự đằng sau các nhiệm vụ họ làm.

Nếu một nhân viên cảm thấy rằng công việc của họ không được công nhận hoặc mọi người không đánh giá đúng năng lực của họ, rõ ràng là họ sẽ không thể cảm thấy được cái gọi là ý nghĩa.

Cuối cùng, nếu một người càng nhận thức một cách rõ ràng thì họ càng linh hoạt hơn trong cách suy nghĩ. Điều này giúp họ tìm ra những cách thức mới và sáng tạo để đối phó với các tình huống khó khăn, điều này một lần nữa lại tiếp tục khiến công việc của họ có nhiều ý nghĩa hơn.

Yếu tố Nhận thức (Awareness) tác động như thế nào đến yếu tố Ý nghĩa (Meaningfulness).

Điều gì khiến một công việc trở nên có ý nghĩa
Điều gì khiến một công việc trở nên có ý nghĩa

với những gì bạn có thể thấy, ‘nhận thức’ là nguồn gốc của ‘ý nghĩa’, tuy nhiên nếu chỉ dừng lại ở đây, bạn khó có thể biết được rằng thực chất chúng tác động đến nhau như thế nào, vì suy cho cùng nếu bạn không biết cách chúng có tác động lẫn nhau, bạn không thể ứng dụng nó vào công việc thực tế.

Để làm sáng tỏ điều này, các nhà nghiên cứu đã yêu cầu 45 nhân viên (số lượng nam và nữ bằng nhau trong độ tuổi từ 33 đến 55) từ 3 doanh nghiệp khác nhau, đưa ra bất kỳ sự kiện công việc nào được cho là có ý nghĩa — cũng như về những suy nghĩ, cảm xúc và trải nghiệm đi kèm với những sự kiện này.

Họ được yêu cầu viết ra những suy nghĩ này trong một file Word mỗi tuần và gửi lại cho các nhà nghiê cứu vào cuối mỗi tuần. Mục tiêu của nghiên cứu là đưa những người tham gia nghiên cứu vào trạng thái nhận thức tập trung trong một khoảng thời gian nhất định.

Nghiên cứu phát hiện ra rằng khi những người tham gia ở trạng thái nhận thức tập trung, họ chú ý nhiều hơn đến các mối quan hệ của họ với đồng nghiệp.

Mối quan hệ với đồng nghiệp (giữa nhân viên với nhau, với sếp, với khách hàng…) càng tốt thì mọi người càng cảm thấy công việc có ý nghĩa hơn vì họ cảm thấy họ thực sự có giá trị (mang lại giá trị).

Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng, khi mọi người chú ý đến yếu tố môi trường làm việc — ví dụ như cách người quản lý cung cấp phản hồi tới nhân viên hoặc cách một đồng nghiệp yêu cầu một đồng nghiệp khác giúp đỡ, họ có thể trải nghiệm nhiều thứ ý nghĩa hơn.

Ý nghĩa trong công việc không chỉ đến từ những cảm xúc tích cực, ví dụ như khi nhân viên hoàn thành xuất sắc một dự án nào đó, mà nó cũng đến từ những cảm xúc tiêu cực, ví dụ khi một nhân viên cảm thấy lo lắng vì họ không thể tự tin về những kết quả tốt đẹp mà họ có thể đạt được.

Sự thật ở đây là, ngay cả khi mọi người có những cảm xúc lẫn lộn, họ vẫn có thể trải nghiệm được sự ý nghĩa nếu họ có nhận thức về những gì đang diễn ra.

Dưới đây là một số loại cảm giác giúp tạo ra ý nghĩa:

  • Cảm giác về giá trị: Mọi người cảm thấy công việc có ý nghĩa khi họ được đánh giá cao và công nhận.
  • Cảm giác về sự quan tâm: Mọi người cảm thấy công việc có ý nghĩa khi họ nhận được sự hỗ trợ hay giúp đỡ, đặc biệt là trong các tình huống công việc căng thẳng.
  • Cảm giác về sự an toàn: Mọi người cũng cảm thấy công việc của họ có nhiều ý nghĩa hơn trong một môi trường làm việc cởi mở, họ được lên tiếng về một vấn đề mà họ cảm thấy tiềm ẩn nhiều lo ngại.

Từng hành động nhỏ có thể giúp nuôi dưỡng ý nghĩa mỗi ngày.

Một khi đã hiểu được điều này, dù với tư cách là cá nhân hay tổ chức (nhà lãnh đạo doanh nghiệp), bạn vẫn hoàn toàn có thể tìm thấy các cách để có được cái gọi là ý nghĩa trong công việc hay những thứ có thể khiến công việc bạn đang làm trở nên có ý nghĩa hơn.

Dưới đây là một cách phương pháp bạn có thể tham khảo:

  • Thực tập chánh niệm (Mindfulness).

Là một cá nhân, bạn hãy bắt đầu bằng cách thực hành chánh niệm. Chánh niệm giúp bạn học cách nhận ra và thừa nhận những gì đang diễn ra trong tâm trí, từng khoảnh khắc, từ đó giúp nâng cao nhận thức và giảm bớt các suy nghĩ vu vơ. Chánh niệm cũng thúc đẩy sự linh hoạt trong nhận thức, tất cả đều dẫn đến việc tạo ra nhiều ý nghĩa hơn.

Để làm điều này, bạn không nhất thiết phải tham gia vào các khóa đào tạo về chánh niệm, việc chủ động tìm hiểu về chánh niệm và thực hành các bài tập chánh niệm hoàn toàn có thể thay đổi cách bạn phản ứng với môi trường làm việc và cách bạn cảm nhận thứ gọi là ý nghĩa trong công việc.

  • Kích thích nhận thức một cách có chủ ý.

Viết nhật ký hay vạch ra các mục tiêu rõ ràng là một cách tuyệt vời để xây dựng nhận thức về cuộc sống và công việc hàng ngày. Dù ở bất cứ thời điểm hay khoảnh khắc nào, bạn cũng có thể tự hỏi những gì bạn đang làm có ý nghĩa như thế nào hay bạn đã tìm thấy những ý nghĩa gì từ công việc bạn làm.

  • Thúc đẩy các mối quan hệ có ý nghĩa, nơi mà yếu tố giá trị, sự quan tâm và an toàn gắn chặt và tương hỗ lẫn nhau.

Thay vì mất thời gian hay sự tập trung vào những thứ hay mối quan hệ không có ý nghĩa hay thậm chí là độc hại, bạn hãy đầu tư nhiều hơn vào các mối quan hệ thực sự tạo ra giá trị, ở đó sự quan tâm lẫn nhau và an toàn được đặt lên hàng đầu.

Nếu đồng nghiệp hay nhân viên của bạn làm điều gì đó tốt đẹp, hãy nêu tên họ trong các buổi họp liên quan. Nếu ai đó sẵn sàng hỗ trợ đồng nghiệp trong những tình huống khẩn cấp, hãy tán dương họ.

  • Kích thích và điều chỉnh các vòng phản hồi và thảo luận có ý nghĩa.

Như bạn có thể thấy, khi mọi người được công nhận thường xuyên hơn, họ có thể thấy công việc họ đang làm có ý nghĩa hơn.

Sự công nhận là một cách thức hiệu quả để một cá nhân được báo hiệu rằng những gì họ làm là thực sự quan trọng và tạo ra sức ảnh hưởng (hay giá trị).

Một trong những cách đơn giản để thực hành điều này là đưa nó vào các vòng phản hồi, vòng ghi nhận ý kiến hay cách nhân viên báo cáo tiến độ công việc của họ.

Một khi các hành động này được triển khai và lặp lại, bạn sẽ chứng kiến một tổ chức nơi mà ai ai cũng chủ động làm việc và phản hồi, họ làm việc không phải đơn giản là vì họ được giao việc hay trả lương mà vì nó mang lại ý nghĩa và giá trị cho cả chính họ và tổ chức họ đang làm việc.

Suy cho cùng, ý nghĩa là thứ quan trọng hơn bất cứ thứ gì khác, dù đó là tiền lương hay các khoản thưởng. Một khi con người cảm thấy không có ý nghĩa, mọi thứ khác đều vô giá trị.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Hà Anh  | MarketingTrips   

Bài viết liên quan

Nổi bật


Đọc nhiều

Ứng dụng video Bigo Live bị xoá khỏi App Store

10 Tháng Tư, 2023
Bigo Live, ứng dụng chuyên về livestream phổ biến tại Việt Nam, không còn xuất hiện trên kho ứng …