Skip to main content

Gen Z, smartphone và những định kiến thế hệ

21 Tháng Mười Hai, 2021

Tự cao, thờ ơ, thu mình vào điện thoại là những định kiến về gen Z. Thật ra, có một chân dung khác về thế hệ này.

Gen Z lớn lên cùng sự phát triển của công nghệ.

“Digital natives” – những cư dân bản địa kỹ thuật số – là thuật ngữ xuất hiện lần đầu trong bài nghiên cứu của nhà tư vấn giáo dục Marc Prensky, dùng để chỉ những người sinh ra và lớn lên trong thế hệ kỹ thuật số. Họ sử dụng máy tính và các thiết bị sớm, do đó làm chủ công nghệ hơn thế hệ khác.

Thuật ngữ này một lần nữa được cây bút Alex Williams của New York Times nhắc lại khi miêu tả về gen Z: “Sinh ra trong thời đại smartphone, gen Z là những người bản địa kỹ thuật số (digital natives) thực thụ”. Họ là những người trẻ thành thạo công nghệ, thích khẳng định cái tôi và mang đến thị trường lao động những hình thái công việc mới.

Được xác định là những người trẻ sinh từ năm 1996, thế hệ Z lớn lên cùng smartphone, Internet, thung lũng Silicon và những phát triển vượt bậc trong cách con người tiêu dùng, giao tiếp, trao đổi thông tin.

Điều này góp phần khiến gen Z sớm biết cách thể hiện tiếng nói cá nhân hay quan điểm, góc nhìn. Cũng chính đặc tính này, gen Z thường chịu định kiến “quá tự tin” từ thế hệ trước, theo báo cáo của McKinsey công bố năm 2018.

“Thờ ơ” và “dành quá nhiều thời gian cho smartphone” cũng là những định kiến mà gen Z đối mặt, theo Dazed và The Guardian. Thế hệ Y (những người sinh năm 1981-1995) cũng cho rằng người trẻ gen Z mất khả năng giao tiếp trực tiếp do quen với việc tương tác qua điện thoại.

Ngược lại, nhiều nghiên cứu đã “thanh minh” cho thế hệ trẻ. “Người trẻ không nghiện smartphone. Họ dùng chúng để lên tiếng, làm việc, và mở rộng thế giới quan”, theo bà MaryLeigh Bliss, Giám đốc phát triển nội dung của Ypulse, công ty nghiên cứu và tư vấn về gen Z và gen Y.

Cách gen Z dành thời gian cho smartphone cũng giống như cách thế hệ Y dành cả thanh xuân cho Harry Porter, máy nghe nhạc Walkman, hay trò rắn săn mồi.

Cũng theo nghiên cứu của Ypulse, gen Z ý thức được việc giới hạn thời gian sử dụng smartphone để tập trung cho công việc. “Nhiều bạn trẻ tham gia cuộc nghiên cứu cho biết họ xoá những ứng dụng tiêu tốn quỹ thời gian của mình.

Chúng tôi gọi đây là hành động “rút phích cắm”. Ngày càng nhiều bạn trẻ “rút phích cắm” những ứng dụng không thực sự hữu ích để chú tâm cho mục tiêu cuộc sống”, bà Bliss chia sẻ.

Trả lời nhận định cho rằng gen Z “quá tự tin” và “thờ ơ với cuộc sống”, Giáo sư Pat Bullen của Đại học Auckland (New Zealand) cho rằng: “Thế hệ trẻ đang thực sự quan tâm đến một thế giới với tương lai tốt đẹp hơn.

Chúng ta chứng kiến những nhà hoạt động môi trường chưa tốt nghiệp trung học, những nhà hoạt động nhân quyền chưa tốt nghiệp đại học và nhiều bạn trẻ khắp thế giới đang nói tiếng nói của thế hệ mình”.

Greta Thunberg, nhà hoạt động môi trường người Thụy Điển, là một ví dụ về cách người trẻ lên tiếng. Với ngôn từ đanh thép, biểu cảm dứt khoát, cô bé Greta, một nữ sinh lớp 9, từng gióng hồi chuông cảnh tỉnh về vấn đề nóng lên toàn cầu tại Hội nghị về khí hậu của Liên hợp quốc năm 2019. Cô bé hiện vẫn theo đuổi hoạt động vì môi trường và tham gia COP26 với tư cách khách mời trong đối thoại bên lề hội nghị vào tháng 11 vừa qua.

Greta Thunberg (giữa) trong phiên thảo luận bên lề tại COP26. Ảnh: Craig Gibson, The New York Times.

“Thế hệ Z ngày càng có khả năng đưa ra quyết định, vạch ra hướng đi cho mình trong tương lai, và lên kế hoạch để hiện thực hóa mục tiêu”, giáo sư Bullen chia sẻ.

Vượt qua những định kiến về thế hệ mình, cùng smartphone, thiết bị công nghệ, và cá tính đặc thù, gen Z có cách riêng để thể hiện cái tôi và kiến tạo thế giới theo cách chưa từng có.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh | Theo Zing

Bài viết liên quan

Nổi bật


Đọc nhiều

Ứng dụng video Bigo Live bị xoá khỏi App Store

10 Tháng Tư, 2023
Bigo Live, ứng dụng chuyên về livestream phổ biến tại Việt Nam, không còn xuất hiện trên kho ứng …