Hiệu Ứng Bàng Quan – The Bystander Effect
Thuật ngữ hiệu ứng bàng quan được đề ra bởi hai nhà tâm lý học là John Darley và Bibb Latane khi họ đang giảng dạy ở New York vào những năm 1960, thời điểm vụ sát hại Kitty Genovese diễn ra.
Có lẽ bạn đã nghe đến dụ ngôn trong Kinh Thánh về Người Samaria Nhân lành: Một người đàn ông từ xứ Samaria cổ xưa bỗng thấy một người khác đang nằm lăn lóc trên đường (T/N: người đó bị cướp trên đường đi từ Jerusalem đến Jericho, bị bọn cướp đánh đập dã man và lột hết quần áo). Thay vì để mặc người đó dở sống dở chết như những kẻ khác, người Samaria đã dừng lại để giúp người đàn ông bị nạn kia.
Anh ta tuân theo Điều Luật Vàng: “Hãy đối xử với người khác theo cách mình muốn được người ta đối xử.” Hai thiên niên kỉ sau đó, Chính phủ các quốc gia như Úc, Canada, Israel, Hoa Kì và một số các quốc gia khác đã áp dụng bộ luật nhằm bảo vệ người dân nước mình dựa theo câu chuyện về Người Samaria Nhân lành năm xưa: giúp đỡ con người trong cơn hoạn nạn, trong thương tật, trong đau ốm, trong phút giây bất lực nhất.
Bộ luật ấy được đề ra nhằm giảm thiểu sự đắn đo trước tình huống xấu của các nhân chứng do nỗi sợ bị kiện hay xét xử bởi những thương vong không đáng có.
Ở một thế giới hoàn hảo khác, có lẽ chúng ta sẽ luôn sẵn lòng giúp đỡ nhau trong phút hoạn nạn. Trong thâm tâm của mỗi con người luôn hiện hữu ý nghĩ rằng: “Tôi sẽ làm như vậy bởi sẽ có một ngày tôi cần sự giúp đỡ và tôi hi vọng sẽ có ai đó cùng tôi san sẻ việc ấy.”
Đó chính là nguyên lí của Lòng vị tha Tương hỗ: làm việc tốt lúc này khắc nhận lại việc tốt lúc kia. Nhưng khuôn vàng thước ngọc ấy thường xuyên bị thách thức theo từng ngày. Những người gặp nạn ngoài kia lại thường không nhận được sự hỗ trợ mà họ cần.
Thay vào đó, họ nhận lại những cái liếc mắt, những cái đầu quay ngoắt đi và những bước chân thoăn thoắt khỏi hiện trường. Hiện tượng nói trên được gọi là Hiệu ứng Bàng Quan hay Hiệu ứng Người Qua Đường.
Thuật ngữ trên được đề ra bởi hai nhà tâm lý học là John Darley và Bibb Latane khi họ đang giảng dạy ở New York vào những năm 1960, thời điểm vụ sát hại Kitty Genovese diễn ra. Mặc cho những tiếng hét thất thanh cầu cứu của cô gái nhằm chống trả kẻ tấn công, không một ai trong số những cư dân ở khu căn hộ cô sống chịu đến cứu cô.
Liệu bạn có giúp?
Chúng ta đều muốn nghĩ rằng khi có chuyện gì xấu xảy ra – một người bị thương trong một vụ tai nạn hay ai đó bị tấn công – chúng ta sẽ nhảy vào cuộc để giúp đỡ người bị nạn.
Nhưng trên thực tế, phần lớn những người trong số chúng ta lại không làm thế; bởi làm thế không tiện, và ta cũng không muốn dính líu đến chuyện ấy, và có khi một người nào đó khác sẽ đến giúp. Và mặc dù nhiều người không dám bước lên phía trước để giúp đỡ người bị nạn kia, họ lại hồn nhiên chụp ảnh hay quay phim lại hiện trường để đăng lên mạng.
Đáng ngạc nhiên hơn, các nghiên cứu trong vòng 45 năm qua cho thấy càng nhiều người chứng kiến một sự việc nào đó thì lại càng ít người tham gia giúp đỡ.
Vì sao lại như vậy? Điều gì đã xảy ra với Điều Luật Vàng? Và chúng ta có thể làm gì để cải thiện tình thế trên?
Vì sao ta dửng dưng?
Một trong những nhân tố đóng góp vào hiện trạng trên chính là khi gặp phải một tình huống không rõ ràng, ta thường có xu hướng kiếm tìm những manh mối để làm rõ tình thế đang xảy ra.
Sau đó ta mới đưa ra quyết định theo những gì mình tìm thấy, đôi khi thật sai lầm, dựa theo phản ứng của những cá nhân khác hay sự thiếu quyết đoán trong hành động của người xung quanh.
Hiện tượng trên còn được gọi là Sự vô tri đa nguyên – xảy ra khi đa số trong thâm tâm bác bỏ một chuẩn mực nào đó, nhưng lại tự cho rằng đa số chấp nhận tiêu chuẩn này.
Ví dụ trong trường hợp ta đi ngang qua một vụ tai nạn xe hơi, ta tự động cho rằng một người nào đó khác sẽ gọi 911 hoặc dừng lại để giúp đỡ. Sự vô tri đa nguyên còn xảy ra trong đa dạng các tình huống khác nữa.
Trong “Why Don’t We Help? Less Is More, at Least When It Comes to Bystanders” (tạm dịch: “Vì sao ta dửng dung – Vẻ đẹp của sự Tối giản đối với những Kẻ ngoài cuộc”) của mình, Melissa Burkley đã nêu ra ví dụ sau đây:
“Sự vô tri đa nguyên giải thích được vì sao những sinh viên chưa tốt nghiệp của tôi thường gặp khó khăn trong việc đặt câu hỏi với giảng viên.
Hãy giả dụ một sinh viên của tôi đang gặp rắc rối với một vấn đề nào đó mà tôi vừa mới giảng qua và muốn tôi giải thích thêm về vấn đề ấy.
Trước khi cô ấy dám giơ tay phát biểu, nhiều khả năng cô ấy sẽ nhìn quanh phòng để xem các bạn học của mình có ai gặp rắc rối giống mình không và có ai chịu giơ tay không.
Nếu không có ai trông có vẻ bối rối, cô ấy sẽ đi đến kết luận rằng mình là người duy nhất không hiểu vấn đề. Để tránh bị cho là ngốc nghếch, cô ấy sẽ không giơ tay để có cơ hội đặt vấn đề với tôi.
Nhưng trên cương vị giảng viên, tôi biết được rằng khi một sinh viên không hiểu một vấn đề nào đó, nhiều khả năng đa số các sinh viên còn lại cũng rơi vào tình trạng như vậy.
Như vậy, trong trường hợp này, các sinh viên của tôi đang trải qua ‘Sự vô tri đa nguyên’ bởi mỗi người trong số họ đều tin rằng mình là người duy nhất chưa hiểu bài, trong khi thực ra tất cả các sinh viên khác đều bị làm cho bối rối, và tất cả đều đang mù quáng cho rằng mình là người duy nhất.
Quy trình nói trên cũng có thể xảy ra khi ta đứng trước một tình huống khẩn cấp không rõ ràng. Dễ là tất cả các nhân chứng có mặt sẽ quay sang nhìn nhau để có thể phán đoán liệu mình có đang chứng kiến một tội ác diễn ra hay không, và nếu không ai phản ứng gì, thì tất cả sẽ đều tin rằng đây không phải trường hợp khẩn cấp và sẽ chẳng ai tiến tới đề nghị giúp đỡ cả.”
Sự khuếch tán trách nhiệm.
Theo một số nghiên cứu thực hiện bởi Darley và Latane, khái niệm Khuếch Tán Trách Nhiệm chính là nhân tố quan trọng thứ hai trong Hiệu ứng Bàng Quan.
Sau nhiều năm nghiên cứu, họ đã đi đến một nghịch lí: Càng nhiều nhân chứng thì càng ít sự giúp đỡ. Hệ quả là nếu tất cả mọi người cùng cho rằng sẽ có người nào đó khác đến đề nghị giúp đỡ thì sẽ chẳng có ai dám tiến tới cả.
Khi phỏng vấn những đối tượng nghiên cứu, Darley và Latane đã khám phá ra rằng mặc dù những người qua đường không có ý vô tâm trước tình thế, nhưng bản thân mỗi người họ thấy trách nhiệm đặt trên mình không đủ nặng để họ phải hành động.
Những đối tượng nghiên cứu trên không cho rằng mình bị ảnh hưởng bởi người khác trong việc quyết định có hay không, do đó đây là minh chứng cho sự không ý thức được tầm ảnh hưởng của người khác lên phán quyết của mỗi cá nhân.
Trên thực tế, chúng ta không ý thức được một chuẩn mực xã hội, một điều luật bất thành văn ngấm ngầm len lói trong những tình huống tương tự như trên: Không Làm Gì Cả.
Darley và Latane cho rằng mức độ trách nhiệm mà mỗi cá nhân cảm thấy phụ thuộc vào ba điều:
- Người gặp nạn có cần sự trợ giúp đến vậy không?
- Tính ‘cạnh tranh’ giữa những người ngoài cuộc với nhau.
- Mối quan hệ giữa người ngoài cuộc và người bị nạn.
Chúng ta có thể làm gì?
Nếu bạn và những người qua đường khác bắt gặp một tình huống khẩn cấp, hãy nhớ đến bản năng của mình – và bản năng của những người xung quanh nữa – có thể không phải để đề nghị giúp đỡ.
Nhận thức được sự Khuếch Tán Trách Nhiệm và cách vận hành của nó, [các] bạn sẽ dám tiến thêm một bước và làm gì đó có ích, bởi chúng ta đều có trách nhiệm với nạn nhân.
Chỉ cần có một người dám làm, thì chỉ vài giây sau những người khác cũng sẽ hùa theo, bởi một chuẩn mực mới đã hình thành: Phải Làm Gì Đó Có Ích. Đó chính là sức mạnh của một cá nhân.
Còn nếu bạn rơi vào trường hợp cần sự hỗ trợ từ người khác, hãy nhìn một người qua đường nào đó thật lâu, thật sâu và yêu cầu sự giúp đỡ từ họ. Bằng cách hướng tới một đối tượng cụ thể nào đó, người đó sẽ thấy cần phải chịu trách nhiệm với sự việc trước mắt và nhiều khả năng họ sẽ hành động.
Ta cũng có thể tự mình chèo lái tình thế và thực hiện những gì trong phạm vi khả năng của mình nhằm giảm thiểu sự Khuếch Tán Trách Nhiệm.
Điều này vẫn đúng kể cả khi ta là nạn nhân, thay vì hét lên cầu cứu, ta có thể yêu cầu một đối tượng cụ thể để làm một nhiệm vụ cụ thể. Ví dụ, hãy nói với người qua đường áo xanh kia dựng mình dậy, và người phụ nữ đang bế chú chó của mình gọi 911.
Dự án “Heroic Imagination”
(T/N: Đây là dự án thiện nguyện mà tác giả bài viết gốc đề cập đến. Tôn trọng bài viết gốc, mình để nguyên phần này tại đây, và nếu có hứng thú, các bạn có thể xem qua đường link phía dưới.)
Tôi sáng lập dự án Heroic Imagination (HIP) nhằm nâng cao kĩ năng và khả năng phán đoán của mỗi cá nhân, điều vô cùng cần thiết giúp chúng ta đưa ra những quyết định đúng đắn trong những trương hợp khẩn cấp.
Mỗi người chúng ta đều là những người hùng đang chờ cơ hội tỏa sáng và học những kĩ năng cơ bản để trở thành anh hùng tập sự.
Chúng tôi đã thiết kế và phát triển nhiều chương trình hữu ích giúp mọi người có cái nhìn sâu xa hơn và cung cấp những phương pháp để biến tình huống xấu thành những phát kiến tích cực, sáng tạo.
Chúng tôi dạy mọi người cách tự mình đứng lên và trở thành một người hùng dân sự, giúp họ nói lên suy nghĩ của mình và hành động một cách đúng đắn và khôn ngoan. Để tìm hiểu thêm về Hiệu ứng Bàng quan cũng như các biện pháp đối phó với nó, các bạn có thể tham khảo đường link dưới đây: www.heroicimagination.com.
Trong mỗi người chúng ta đếu hiện hữu một đấng anh hùng sẵn sàng hành động trong trường hợp xấu nhất. Ngay cả khi chỉ có một phần trăm khả năng rằng có ai đó cần giúp đỡ, hãy hành động. Bạn có thể cứu một mạng người.
Bạn có thể trở thành dị bản hiện đại của Người Samaria Nhân lành trong dụ ngôn năm xưa, biến thế giới này thành một nơi tốt đẹp hơn cho tất cả chúng ta.
Xin chào tạm biệt!
Phil Zimbardo.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Hà Anh
Nguồn bài viết: The Bystander Effect
Theo whypsy.com