Stress có thể là một điều tốt nếu bạn biết cách sử dụng nó
Với tất cả những thông tin mà bạn có được, bạn có thể xem stress là một điều gì đó xấu và có tác động tiêu cực đến sức khỏe, nhưng theo các nghiên cứu gần đây, bạn nên suy nghĩ lại về vấn đề này.
Theo đó, các nhà nghiên cứu tâm lý học đến từ trường Đại học Stanford đang có một góc nhìn khác về stress hay những sự căng thẳng.
Họ tin rằng theo đuổi một cuộc sống “không có căng thẳng” thường gây ra nhiều căng thẳng hơn – do chúng ta không đối mặt với các vấn đề phức tạp và những thử thách khốc liệt nhất của mình, chúng ta thường không biết cách vượt qua chúng.
Hãy nghĩ về những khoảng thời gian bạn đã trải qua sự phát triển đáng kể về mặt cá nhân hoặc nghề nghiệp, hoặc những thời điểm bạn đạt được các thành tích cao nhất, chẳng hạn như hoàn thành cuộc đua, xây dựng doanh nghiệp hoặc nuôi dạy tốt một đứa trẻ.
Điều gì đã thúc đẩy bạn phát triển, học hỏi, cải thiện mình và vượt qua mọi vấn đề trong thời gian này? Có phải thời gian này bạn không có bất cứ stress nào không?
Nếu bạn suy nghĩ kỹ thì điều ngược lại đang xảy ra, chính những sự căng thẳng, những sự đấu tranh từ trong chính bản thân chúng ta là động lực lớn nhất giúp chúng ta vươn lên.
Stress hay căng thẳng có nhiều thuộc tính rất tuyệt vời. Nó nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta quan tâm đến nó; nó kết nối chúng ta trực tiếp với những khía cạnh đầy thách thức và quan trọng nhất trong cuộc sống của chúng ta.
Các nhà nghiên cứu lưu ý thêm rằng căng thẳng kéo dài không phải không gây ảnh hưởng gì, nhưng chúng ta cần hiểu rằng nó có thể mang lại những lợi ích bất ngờ, dưới hình thức phát triển cá nhân.
Thông qua nhiều nghiên cứu kết hợp về tâm lý, lãnh đạo, thiền…, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng những cá nhân áp dụng tư duy “căng thẳng là để phát triển bản thân” trong cuộc sống của họ cho thấy hiệu quả công việc cao hơn và ít có các triệu chứng tiêu cực hơn về sức khỏe so với những người luôn xem “căng thẳng là sự suy nhược”.
Dựa trên các công trình nghiên cứu với các giám đốc điều hành, sinh viên và các vận động viên chuyên nghiệp…, các nhà nghiên cứu đã đưa ra phương pháp tiếp cận 3 bước để thích ứng và xem stress như là một động lực.
Bước 1: Nhận ra sự căng thẳng.
Bước đầu tiên để chuyển đổi các phản ứng của bạn tới sự căng thẳng là “nhìn thấy” nó.
Thay vì phủ nhận hoặc cố chấp, các nhà nghiên cứu khuyên bạn nên đặt tên hoặc gắn nhãn cho những căng thẳng mà bạn đang phải đối mặt.
Ví dụ: bạn có thể chỉ nói với chính mình: “Tôi rất căng thẳng về việc con trai tôi trượt đại học” hoặc “Tôi đang rất căng thẳng về những chỉ số kinh doanh cuối năm của công ty” hoặc “Tôi rất căng thẳng khi nhận được kết quả chẩn đoán sức khỏe gần đây của tôi.”
Nghiên cứu khoa học thần kinh của Ông Matt Lieberman đến từ Đại học California cho thấy rằng chỉ cần thừa nhận căng thẳng, bạn có thể di chuyển phản ứng trong não bộ của bạn từ ‘trung tâm phản ứng và tự động’ sang ‘trung tâm có ý thức và có chủ ý hơn’.
Trong một nghiên cứu, những người tham gia thử nghiệm được hiển thị những hình ảnh mang cảm xúc tiêu cực. Khi được yêu cầu gắn nhãn cảm xúc mà hình ảnh gợi ra, các hoạt động thần kinh đã di chuyển từ vùng chứa cảm xúc đến vỏ não trước trán, là vùng não mà chúng ta thực hiện suy nghĩ một cách có chủ định và có ý thức.
Nói cách khác, thừa nhận căng thẳng một cách có chủ đích cho phép bạn tạm dừng các phản ứng bản năng tự nhiên và cho phép bạn chọn ra những phản ứng nâng cao hơn.
Ở một khía cạnh khác, việc trốn tránh sự căng thẳng thường mang lại các tác dụng không mong muốn ở chiều ngược lại.
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người xem căng thẳng là suy nhược thường có xu hướng chống đối với căng thẳng trong khi những người có tư duy căng thẳng là để phát triển bản thân sẵn sàng tìm kiếm những phản ứng cởi mở hơn, điều này có thể giúp họ học hỏi và phát triển lâu dài hơn.
Bước 2: Sở hữu nó.
Chìa khóa để “sở hữu” sự căng thẳng của bạn là nhận ra rằng chúng ta thường có xu hướng căng thẳng nhiều hơn và dữ dội hơn về những điều quan trọng hơn đối với chúng ta. Căng thẳng cho chúng ta thấy rằng chúng ta đang quan tâm đến nó; rằng nó rất quan trọng.
Việc sở hữu nhận thức này sẽ giúp bạn giải phóng những động lực tích cực – bởi vì trong sâu thẳm, chúng ta rõ ràng là biết rằng những điều quan trọng không phải lúc nào cũng trở nên dễ dàng và dễ đạt được.
Một phép ẩn dụ mà các nhà nghiên cứu thường sử dụng để mô tả trạng thái này là “Đó chỉ là một đêm tối lạnh lẽo bên sườn đỉnh Everest.” Nếu bạn đang leo lên Everest, bạn có thể tưởng tượng rằng sẽ có một số đêm tối lạnh giá trên suốt hành trình của bạn.
Nhưng bạn đã mong đợi điều gì – leo lên Everest sẽ giúp bạn có được điều gì? Bạn có thực sự mong đợi rằng việc nuôi dạy một đứa trẻ hay điều hành một công việc kinh doanh sẽ trở nên dễ dàng không?
Việc sở hữu những sự căng thẳng không nhất thiết sẽ khiến những đêm tối lạnh lẽo đó biến mất nhưng chúng có thể sẽ dễ chịu hơn khi bạn khám phá ra những động lực và ý nghĩa thực sự đằng sau của những thử thách đó.
Bước 3: Sử dụng nó.
Trái ngược với những gì bạn có thể đang suy nghĩ, những phản ứng căng thẳng của cơ thể không được thiết kế để làm hại chúng ta. Trên thực tế, mục tiêu tiến hóa của các phản ứng tới sự căng thẳng là để giúp thúc đẩy cơ thể và tâm trí của chúng ta được hoạt động tốt hơn, giúp chúng ta phát triển và đáp ứng những yêu cầu mà chúng ta phải đối mặt.
Khi cơ thể gặp căng thẳng, nó sẽ bơm các hormone như adrenaline và dopamine, cung cấp thêm máu và oxy cho não và cơ thể, một phản ứng sẽ đẩy bản thân chúng ta vào trạng thái tăng cường năng lượng, tăng cường sự tỉnh táo và thu hẹp sự tập trung.
Mặc dù những phản ứng căng thẳng đôi khi có thể gây bất lợi, nhưng trong nhiều trường hợp, các hormone căng thẳng thực sự có thể kích thích sự phát triển và giải phóng các chất hóa học vào cơ thể để xây dựng lại tế bào, tổng hợp protein và tăng cường khả năng miễn dịch, khiến cơ thể thậm chí còn mạnh mẽ và khỏe mạnh hơn trước.
Các nhà nghiên cứu gọi đây là hiệu ứng phát triển sinh lý phát mạnh, và bất kỳ ai đang đối mặt với sự căng thẳng cũng cần biết các phần thưởng tương ứng của nó.
Cuối cùng, vấn đề không nằm ở bản thân các phản ứng căng thẳng mà nằm ở cách chúng ta nhận diện và sử dụng nó. Đơn giản chỉ cần điều chỉnh các phản ứng của bạn tới sự căng thẳng như một điều gì đó có lợi.
Nhà nghiên cứu Jeremy Jamieson đã chứng minh rằng các sinh viên được yêu cầu kiềm chế sự lo lắng trước khi kiểm tra sẽ có các kết quả tốt hơn trong các kỳ thi.
Giáo sư Alison Wood Brooks của Trường Kinh doanh Harvard cũng đã chỉ ra rằng khi bạn kiềm chế sự lo lắng và chuyển nó thành sự phấn khích có thể cải thiện hiệu suất trong các nhiệm vụ như đàm phán và đưa ra các quyết định quan trọng.
Tuy nhiên, đôi khi nhiều người không rõ cách tốt nhất để sử dụng căng thẳng, đặc biệt là với những tình huống dài hạn hoặc phức tạp hơn.
Chìa khóa trong những trường hợp này chỉ đơn giản là cởi mở với các cơ hội và học tập vốn có trong các căng thẳng.
Trong xã hội, phần lớn chúng ta không coi căng thẳng là khả năng hay yếu tố có lợi và thường bỏ lỡ các cơ hội để học hỏi và phát triển từ những khoảnh khắc căng thẳng đó.
Điều đó không có nghĩa là chúng ta ủng hộ việc coi tất cả các yếu tố gây căng thẳng là một điều tích cực; nhưng chúng ta nên ủng hộ rằng khi chúng ta chấp nhận các phản ứng căng thẳng của mình như một công cụ mạnh mẽ để để vượt qua những thử thách không thể tránh khỏi trong cuộc sống, chúng ta sẽ trưởng thành nhanh hơn, thành công hơn.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Hà Anh