Skip to main content

Từ chối bán ý tưởng cho ông chủ SoftBank với giá 2,8 triệu USD, một doanh nhân sắp trở thành tỷ phú

10 Tháng Sáu, 2020

Ở tuổi 23, Shunji Sugaya có được điều mà anh gọi là “giai đoạn thay đổi cuộc sống”.

Ảnh: Bloomberg

Tháng 3 năm 2000, Sugaya giành được giải thưởng trong một cuộc thi kinh doanh nơi tỷ phú Masayoshi Son – nhà sáng lập SoftBank – đảm nhận vai trò giám khảo. Sugaya gửi cho ông Son một email cảm ơn, sau đó 2 người gặp nhau và ông chủ SoftBank đề nghị mua lại ý tưởng của anh với giá 2,8 triệu USD hoặc mời Sugaya về làm việc kèm theo quyền mua cổ phiếu.

Nhưng Sugaya đã từ chối đề nghị của một trong những tỷ phú giàu nhất Nhật Bản.

“Điều đó cho tôi sự tự tin khi còn là một sinh viên. Tôi cũng rất vui và biết ơn lời đề nghị đó nhưng tôi quyết định từ chối một cách lịch sự và tự mình thực hiện”, Sugaya chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn.

Anh bắt đầu khởi nghiệp và đặt tên công ty là Optim – hiện cung cấp các nền tảng quản lý doanh nghiệp bằng cách sử dụng trí tuệ nhân tạo và công nghệ IoT. Cú đặt cược đó đã mang lại trái ngọt khi Sugaya đang tiến gần đến bảng xếp hạng tỷ phú, sánh ngang cùng Masayoshi Son.

Cổ phiếu Optim đã tăng 66% từ đầu năm, ngay cả khi toàn thị trường giảm, do việc kinh doanh từ xa trở nên cần thiết trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lan rộng ra nhiều quốc gia. Theo tính toán của Bloomberg Billionaires Index, khối tài sản của Sugaya – phần lớn từ 64% cổ phần anh nắm giữ ở công ty – đã tăng lên 918 triệu USD.

Theo Sugaya – Chủ tịch Optim, virus corona đã đẩy nhanh sự chuyển đổi từ hình thức truyền thống sang kinh doanh kỹ thuật số ở nhiều công ty Nhật Bản.

“Sự kỹ thuật số hóa đã phát triển với tốc độ chóng mặt trong 3 tháng qua, cảm giác như một cơn gió mạnh vậy”, anh nói.

Sugaya, hiện 43 tuổi, biết lập trình máy tính từ thời tiểu học. Anh còn tự tạo ra các game và bán chúng cho bạn bè với giá vài trăm yên.

Optim, được thành lập năm 2000, khởi đầu với việc cung cấp dịch vụ quảng cáo video trên internet. Công ty bắt đầu sử dụng AI và IoT khi hợp tác với tập đoàn viễn thông Nippon Telegraph & Telephone để tạo ra một dịch vụ kết nối internet. Công ty tạo ra phần mềm để người đăng ký có thể tự thiết lập kết nối và sau đó phát triển các dịch vụ hỗ trợ từ xa.

Từ đó, Optim mở rộng các công nghệ điều khiển từ xa. Optimal Biz – nền tảng quản lý của công ty cho nhiều thiết bị bao gồm cả điện thoại thông minh và máy tính bảng, giúp các doanh nghiệp kiểm soát và bảo mật thiết bị di động của nhân viên, với các chức năng như khóa từ xa và và có thể xóa những thiết bị mất hay bị ăn trộm để tránh bị mất dữ liệu.

Theo Optim, những sản phẩm này chiếm khoảng 40% thị trường quản lý thiết bị di động Nhật Bản.

Ảnh: Bloomberg

Các công nghệ Optim hiện được sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp như xây dựng, chăm sóc sức khỏe, bán lẻ và tài chính. Các đối tác kinh doanh của công ty bao gồm SoftBank, KDDI và Komatsu. Optim cũng tham gia vào khu vực Đông Nam Á, khởi đầu là Việt Nam và đang bắt đầu mở rộng sang Bắc Mỹ và châu Âu.

Công ty cũng cung cấp máy bay không người lái cho lĩnh vực nông nghiệp được trang bị khả năng phân tích hình ảnh dựa trên AI. Người dùng có thể nhận ra côn trùng, sâu bệnh hại và chỉ phun hóa chất nông nghiệp lên các khu vực bị ảnh hưởng, giảm nhân công và lượng hóa chất sử dụng.

Năm ngoái, Optim công bố đạt doanh thu 62,3 triệu USD cùng mức lợi nhuận 1,1 triệu USD. Vốn hóa thị trường hiện ở mức 1,5 tỷ USD.

“Tôi thực sự không quan tâm đến vấn đề tiền bạc. Trong suốt 20 năm, tôi muốn chúng tôi trở thành một công ty mà mọi người có thể nhìn vào đó và nói: Optim đã thay đổi tất cả các ngành công nghiệp bằng AI và IoT”, Sugaya nói.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Theo Hà Anh | MarketingTrips  via NDH

Bài viết liên quan

Nổi bật


Đọc nhiều

Ứng dụng video Bigo Live bị xoá khỏi App Store

10 Tháng Tư, 2023
Bigo Live, ứng dụng chuyên về livestream phổ biến tại Việt Nam, không còn xuất hiện trên kho ứng …