Canada yêu cầu đóng cửa TikTok
Chính phủ Canada vừa yêu cầu ứng dụng video TikTok, thuộc sở hữu của một tập đoàn công nghệ Trung Quốc, đóng cửa văn phòng tại nước này do lo ngại về an ninh quốc gia, theo New York Times.
Theo Bộ trưởng Bộ Đổi mới François-Philippe Champagne, người dùng Canada vẫn có thể tiếp tục sử dụng ứng dụng TikTok. Quyết định này được đưa ra dựa trên khuyến nghị từ cộng đồng an ninh và tình báo của Canada, nhằm đối phó với các rủi ro do ByteDance – công ty mẹ của TikTok gây ra.
Ông Champagne cho biết luật pháp Canada yêu cầu phải có giám sát chặt chẽ với các khoản đầu tư nước ngoài có nguy cơ đe dọa đến an ninh quốc gia. TikTok cho biết sẽ kháng nghị quyết định này ra tòa.
“Đóng cửa các văn phòng của TikTok tại Canada và xóa bỏ hàng trăm công việc có thu nhập cao là không có lợi cho bất kỳ ai, và quyết định hôm nay sẽ tạo ra hậu quả như vậy,” đại diện TikTok cho biết.
Theo các thông tin đăng tải trên LinkedIn và các trang mạng khác, các văn phòng TikTok tại Toronto và Vancouver chủ yếu phụ trách mảng bán quảng cáo và phát triển ứng dụng.
Tại Mỹ, TikTok đang đối mặt với lệnh cấm toàn diện, dự kiến áp dụng từ tháng 1 năm sau, do lo ngại về an ninh, quyền riêng tư dữ liệu và tin giả.
Với sự ảnh hưởng sâu rộng của TikTok trong giới trẻ, các nhà lập pháp Mỹ đã bày tỏ lo ngại rằng Trung Quốc có thể sử dụng ứng dụng này để lan truyền tin giả và thu thập dữ liệu nhạy cảm như vị trí và lịch sử truy cập của người dùng.
Các mối lo ngại này đã khiến nhiều chính phủ trên thế giới tăng cường kiểm soát mạng xã hội TikTok. Chính phủ Anh, Australia, Pháp, Đài Loan, Ủy ban châu Âu và Quốc hội New Zealand đã cấm ứng dụng này trên các thiết bị công.
Tại Ấn Độ, quốc gia từng có lượng người dùng TikTok lớn nhất thế giới, ứng dụng này đã bị cấm từ năm 2020. Canada cũng đã cấm TikTok trên các thiết bị công từ năm ngoái, nhưng ứng dụng này vẫn rất phổ biến với khoảng 700.000 lượt tải mỗi tháng gần đây, theo dữ liệu của công ty theo dõi lưu lượng truy cập SimilarWeb.
Trong một bài viết trên blog, giáo sư luật Michael Geist từ Đại học Ottawa cho rằng việc buộc TikTok đóng cửa văn phòng thay vì cấm hoàn toàn ứng dụng có thể làm giảm khả năng giải quyết các lo ngại của chính phủ. “Các rủi ro liên quan đến ứng dụng này vẫn còn, nhưng khả năng buộc công ty chịu trách nhiệm sẽ bị suy yếu,” ông Geist nhận định.