Skip to main content

Mạng xã hội là gì? Lợi ích và đặc điểm của mạng xã hội

3 Tháng Mười, 2022

Cùng tìm hiểu về một trong những thuật ngữ phổ biến nhất trong thế giới internet đó là mạng xã hội (Tiếng Anh có nghĩa là Social Network): mạng xã hội là gì, Tác hại, mục đích và lợi ích khi sử dụng mạng xã hội, tổng quan về các nền tảng mạng xã hội phổ biến tại Việt Nam và trên thế giới, và nhiều nội dung khác.

mạng xã hội là gì
Mạng xã hội là gì? Lợi ích và tác hại khi sử dụng Mạng xã hội

Trong thế giới internet ngày nay, thuật ngữ “Mạng xã hội” vốn đã rất quen thuộc với phần đông mọi người. Từ việc sử dụng Mạng xã hội để giải trí và tìm kiếm thông tin, để kết nối với bạn bè, đến các hoạt động mua sắm và hơn thế nữa. Bên cạnh nhiều lợi ích, mạng xã hội cũng đi kèm với nhiều tác hại nếu không sử dụng đúng cách. Vậy thực chất thì Mạng xã hội là gì và nên sử dụng Mạng xã hội như thế nào.

Các nội dung sẽ được MarketingTrips phân tích trong bài:

  • Mạng xã hội là gì?
  • Mạng xã hội hoạt động như thế nào.
  • Một số điểm chính cần lưu ý khi tìm hiểu về mạng xã hội là gì?
  • Lịch sử hình thành mạng xã hội.
  • Mạng xã hội được phân loại như thế nào hay những kiểu mạng xã hội chính hiện có là gì?
  • Những cột mốc phát triển đáng chú ý nhất trong không gian mạng xã hội.
  • Vai trò của các nền tảng mạng xã hội đối với xã hội con người nói chung là gì?
  • Các nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất trên thế giới.
  • Những yếu tố chính quyết định sự thành công của các nền tảng mạng xã hội là gì?
  • FAQs – Những câu hỏi thường gặp xoay quanh chủ đề mạng xã hội.

Bên dưới là nội dung chi tiết.

Mạng xã hội là gì?

Mạng xã hội là khái niệm đề cập đến việc người dùng sử dụng các nền tảng truyền thông xã hội (Social Media Platform) để kết nối với bạn bè, gia đình, thương hiệu và hơn thế nữa.

Tuỳ vào từng bối cảnh cụ thể, mạng xã hội có thể được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau như để kết nối, để giải trí, để tìm kiếm thông tin, để kinh doanh, để xây dựng thương hiệu và nhiều mục đích khác.

Trong thế giới ngay nay, mạng xã hội còn là công cụ của những người làm Marketing để tương tác với khách hàng, tìm kiếm khách hàng tiềm năng hay bán hàng.

Tính đến năm 2022, Facebook (thuộc Meta) là nền tảng mạng xã hội lớn nhất và phổ biến nhất toàn cầu với gần 3 tỷ người dùng. Bên cạnh Facebook, một số nền tảng mạng xã hội lớn khác có thể kể đến như Instagram, YouTube, LinkedIn, TikTok, Pinterest hay Twitter.

Tổng số lượng người dùng mạng xã hội toàn cầu hiện là khoảng hơn 5 tỷ người.

Mạng xã hội trong tiếng Anh có nghĩa là Social Network (Social Networks).

Mạng xã hội hoạt động như thế nào.

Đúng với bản chất tên gọi của nó, mạng xã hội hoạt động dựa trên mô hình “mạng” (chính là Network hay Networking), tức nó được liên kết theo hình thức “mạng nhện”, mọi thứ được liên kết hay kết nối chặt chẽ với nhau.

Mạng xã hội liên quan đến việc xây dựng, phát triển và duy trì các mối quan hệ giữa các cá nhân với nhau, giữa cá nhân với tổ chức hoặc cũng có thể là giữa các tổ chức với nhau.

Bản chất đằng sau của các nền tảng mạng xã hội và cũng là yếu tố quyết định liệu một mạng xã hội nào đó có tồn tại được hay không đó là lượng người dùng sử dụng.

Vì là “mạng” nên nếu một nền tảng nào đó sau khi được ra mắt một thời gian nhất định mà có rất ít người dùng sử dụng, các nền tảng này hoặc là thúc đẩy thật nhanh (scale) lượng người dùng sử dụng nền tảng (Active) hoặc là chọn cách “rời bỏ cuộc chơi”.

Trợ thủ đắc lực cho các mạng xã hội là nền tảng công nghệ, những công nghệ như AI (trí tuệ nhân tạo), Big Data hay Machine Learning (ML) là yếu tố mang tính sống còn hay bắt buộc quyết định sự tồn tại của bất cứ mạng xã hội nào.

Cuối cùng, hầu hết các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok hay Instagram hoạt động dựa trên cơ chế lan truyền (Viral).

Nghĩa là, một khi một người dùng nào đó gia nhập vào các nền tảng mạng xã hội, các công nghệ đằng sau các nền tảng này có nhiệm vụ đề xuất, hướng dẫn, thúc đẩy họ “hoạt động” nhiều hơn trên nền tảng, đề xuất bạn bè mới để họ có thể kết nối (Add, Connections) là một ví dụ điển hình cho điều này.

Mục tiêu cuối cùng là “mọi thứ cứ thế được lây lan và không ngừng mở rộng.”

Một số điểm chính cần lưu ý khi tìm hiểu về mạng xã hội là gì?

Một số điểm chính cần lưu ý khi tìm hiểu về mạng xã hội là gì?
Một số điểm chính cần lưu ý khi tìm hiểu về mạng xã hội là gì?
  • Mạng xã hội đề cập đến việc sử dụng các nền tảng truyền thông xã hội (Social Media Platforms/sites) dựa trên internet để có thể kết nối. Không có internet thì không có mạng xã hội.
  • Theo số liệu từ Statista, Facebook, YouTube và Instagram là 3 nền tảng mạng xã hội lớn nhất toàn cầu tính đến năm 2022.
  • Những người dùng bình thường sử dụng mạng xã hội để kết nối với bạn bè, người thân, hay với các thương hiệu họ yêu thích.
  • Trong khi các nhà marketer sử dụng mạng xã hội để xây dựng thương hiệu, kết nối với khách hàng tiềm năng bán hàng và hơn thế nữa.
  • Tuỳ vào từng nhu cầu hay đối tượng khác nhau, các nền tảng mạng xã hội sẽ được sử dụng theo những cách khác nhau.
  • Một nền tảng mạng xã hội sẽ không tồn tại nếu nó chỉ có một số lượng ít người dùng.
  • Mạng xã hội có thể mang lại nhiều lợi ích hay cả những bất cập tuỳ thuộc vào cách các nền tảng được xây dựng và cách những người dùng sử dụng nó.

Lịch sử hình thành mạng xã hội.

Theo Wikipedia, dưới đây là sơ lược về lịch sử hình thành của khái niệm mạng xã hội, là những gì mà thuật ngữ này từng trải qua.

Vào cuối những năm 1890, Émile Durkheim và Ferdinand Tönnies là 2 người đầu tiên đã tiên đoán về ý tưởng của mạng xã hội trong các lý thuyết và nghiên cứu của họ về các nhóm xã hội (social groups).

Tönnies lập luận rằng các nhóm xã hội này có thể tồn tại dưới dạng các mối quan hệ xã hội trực tiếp và cá nhân, liên kết các cá nhân muốn chia sẻ các giá trị và niềm tin với nhau, hoặc các liên kết xã hội (social links) và phi cá nhân.

Durkheim tiếp đó lại đưa ra một cách giải thích phi cá nhân về các dữ kiện xã hội, lập luận rằng các hiện tượng xã hội (social phenomena) nảy sinh khi các cá nhân tương tác với nhau tạo thành một thực tại không còn có thể được giải thích về mặt thuộc tính thông qua các chủ thể cá nhân riêng lẻ.

Những phát triển lớn nhất với mạng xã hội được hình thành vào những năm 1930 bởi một số nhóm làm việc trong lĩnh vực tâm lý học, nhân chủng học và toán học.

Về tâm lý học, vào những năm 1930, Jacob L. Moreno bắt đầu ghi chép và phân tích có hệ thống về các tương tác xã hội (social interaction) trong các nhóm nhỏ, đặc biệt là lớp học và đội nhóm làm việc.

Trong bối cảnh nhân học, nền tảng cho các lý thuyết về mạng xã hội là công trình lý thuyết và dân tộc học của Bronislaw Malinowski, Alfred Radcliffe-Brown, và Claude Lévi-Strauss.

Về mặt xã hội học, công trình đầu tiên (được công bố vào những năm 1930) của Talcott Parsons đã tạo tiền đề cho việc áp dụng cách tiếp cận theo kiểu mối quan hệ để hiểu về cấu trúc xã hội (social structure).

Bắt đầu từ cuối những năm 1990, các phân tích mạng xã hội do các nhà xã hội học, nhà khoa học chính trị và vật lý học như Duncan J. Watts, Albert-László Barabási, Peter Bearman, Nicholas A. Christakis, James H. Fowler, và những người khác thực hiện.

Mục tiêu chính là phát triển và áp dụng các mô hình cũng như phương pháp mới đối với những dữ liệu mới nổi có sẵn về mạng xã hội trực tuyến và các “dấu vết kỹ thuật số” đầu tiên liên quan đến khái niệm mạng trực tiếp (face-to-face networks).

Mạng xã hội được phân loại như thế nào hay những kiểu mạng xã hội chính hiện có là gì?

Trong phạm vi không gian mạng xã hội, các nền tảng cũng có thể được phân loại thành các kiểu khác nhau bao gồm:

  • Mạng xã hội về video như YouTube và TikTok.
  • Mạng xã hội (đa năng) như Facebook.
  • Mạng xã hội hình ảnh như Instagram hay Pinterest.
  • Mạng xã hội theo hình thức đăng các nội dung ngắn (miniblog) như Twitter.
  • Mạng xã hội việc làm như LinkedIn.

Những cột mốc phát triển đáng chú ý nhất trong không gian mạng xã hội.

Kể từ lúc ra đời và phát triển đến hiện tại, mạng xã hội cũng như các nền tảng (Socia Media Platforms) đi cùng với nó đã trải qua một chặng đường khá dài, dưới đây là những gì bạn có thể tham khảo.

  • Vào năm 1997, các trang mạng xã hội (social media site) đầu tiên trên thế giới ra đời với tên gọi là SixDegrees.comnền tảng cho phép người dùng tạo hồ sơ, tạo kết nối, nhắn tin…với những người khác trong mạng lưới (networks).
  • Vào năm 2003, mạng xã hội Myspace ra đời. Myspace là một trang mạng xã hội cung cấp mạng lưới thông tin tương tác giữa người dùng với bạn bè của họ, cho phép người dùng tạo hồ sơ cá nhân, viết blog, lập nhóm, tải hình ảnh lên hay lưu trữ nhạc. Nền tảng đạt hơn 25 triệu người dùng vào năm 2005.
  • Cũng vào năm 2003, tiền thân của mạng xã hội lớn nhất thế giới ngày nay là Facebook chính thức ra đời với tên gọi FaceMash và sau đó đổi tên thành TheFacebook vào 2004. Mạng xã hội chuyên nghiệp LinkedIn cũng ra đời vào năm này.
  • Vào năm 2005, mạng xã hội video YouTube thuộc Google (Alphabet) ra đời.
  • Vào năm 2006, mạng xã hội Twitter ra đời. Mặc dù được khai sinh vào 2004, nhưng 2006 mới là năm chính thức Twitter công bố ra mắt.
  • Vào năm 2010, mạng xã hội chia sẻ hình ảnh Instagram và Pinterest chính thức ra mắt.
  • Vào năm 2016, mạng xã hội video ngắn đầu tiên trên thế giới ra đời với tên gọi là TikTok thuộc công ty mẹ ByteDance.

Vai trò của các nền tảng mạng xã hội đối với xã hội con người nói chung là gì?

Vai trò của các nền tảng mạng xã hội đối với xã hội con người nói chung là gì?
Vai trò của các nền tảng mạng xã hội đối với xã hội con người nói chung là gì?

Đến đây, hẳn là bạn đã có được những góc nhìn tổng quan nhất về khái niệm mạng xã hội, hiểu mạng xã hội là gì và nó được hình thành như thế nào.

Dưới đây là một số vai trò hay lợi ích mà các nền tảng mạng xã hội nói chung có thể mang lại cho xã hội nói chung và người dùng nói riêng.

  • Công cụ kết nối và giao tiếp tức thời.

Khi nói đến vai trò của các nền tảng mạng xã hội như Facebook hay Instagram, khả năng giao tiếp tức thời (và cũng miễn phí) là lợi ích đầu tiên phải kể đến.

Bạn thử hình dung lại thời điểm trước khi các nền tảng mạng xã hội ra đời, khi bạn phải liên hệ với nhau qua điện thoại và hiện tại, bạn hình dung ngay ra điều này.

Chỉ cần có kết nối internet, giờ đây bạn có thể trò chuyện cùng bạn bè, gia đình, đồng nghiệp hay bất cứ ai ở bất cứ lúc nào với mạng xã hội, qua cả âm thanh lẫn video trực tiếp.

  • Mạng xã hội là công cụ đắc lực để tìm kiếm thông tin.

Nếu như trước đây, bạn có thường sử dụng các công cụ tìm kiếm như Google hay Yahoo để tìm kiếm thông tin, bạn hoàn toàn có thể làm điều này trên các nền tảng mạng xã hội. Facebook, YouTube hay TikTok là những nơi mà bạn có thể tìm kiếm bất cứ thứ gì bạn muốn.

  • Mạng xã hội cũng là nơi bạn có thể tương tác với các thương hiệu hay những người có ảnh hưởng (Influencer) mà bạn thích. 

Ngoài việc được sử dụng để giao tiếp và kết nối cá nhân, mạng xã hội cũng là nơi bạn có thể chọn để tương tác với các thương hiệu hay doanh nghiệp mà mình yêu thích. Với những người có ảnh hưởng cũng vậy, bạn hoàn toàn có thể theo dõi họ từ đây.

  • Mạng xã hội trong hoạt động kinh doanh và Marketing.

Cuối cùng, một trong những vai trò không thể thiếu của các nền tảng mạng xã hội đó là được các doanh nghiệp hay người làm marketing sử dụng để tiếp cận khách hàng tiềm năng, xây dựng thương hiệu và bán hàng.

Với hơn 5 tỷ người dùng (DAU) hoạt động toàn cầu tính đến năm 2022, mạng xã hội thực sự mang đến cho các thương hiệu những cơ hội khổng lồ để bán hàng, kinh doanh và hơn thế nữa.

Các nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất trên thế giới.

Tính đến năm 2022, dưới đây là một số nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất toàn cầu.

  • Mạng xã hội Facebook – gần 3 tỷ người dùng.
  • Mạng xã hội chia sẻ video YouTube – hơn 2.5 tỷ người dùng.
  • Mạng giao tiếp xã hội WhatsApp – hơn 2 tỷ người dùng.
  • Mạng xã hội chia sẻ hình ảnh Instagram – gần 1.5 tỷ người dùng.
  • Mạng xã hội video ngắn TikTok – hơn 1 tỷ người dùng.
  • Mạng xã hội chuyên nghiệp LinkedIn – gần 800 triệu người dùng.
  • Mạng xã hội Snapchat – hơn 500 triệu người dùng.
  • Mạng xã hội chia sẻ hình ảnh Pinterest – gần 500 triệu người dùng.
  • Mạng xã hội theo kiểu miniblog Twitter – hơn 400 triệu người dùng.

Những yếu tố chính quyết định sự thành công của một nền tảng mạng xã hội là gì?

Những yếu tố chính quyết định sự thành công của một nền tảng mạng xã hội là gì?

Trong khi mạng xã hội là “miếng bánh” mà hầu hết các công ty công nghệ đều “thèm khát” vì những những gì mà nó có thể mang lại, chỉ một số rất ít các doanh nghiệp dám theo đuổi con đường này.

Vậy lý do chính ở đây là gì? Câu trả lời là, để có thể xây dựng nên một nền tảng mạng xã hội thành công, doanh nghiệp cần rất rất nhiều nguồn lực, dưới đây là một số yếu tố quyết định chính mà doanh nghiệp cần có.

  • Nguồn lực mạnh về tài chính và con người.

Bởi độ lớn về người dùng mà các nền tảng mạng xã hội cần để tồn tại, hệ thống của họ phải có khả năng xử lý hàng trăm triệu hay hàng tỷ người dùng khác nhau (thậm chí là trong cùng một thời điểm), cũng tương tự nhưng lớn hơn rất nhiều lần so với các nền tảng thương mại điện tử, doanh nghiệp cần rất nhiều tiền để xây dựng nền tảng công nghệ, tuyển dụng nhân tài và cả thu hút một lượng lớn người dùng mới.

  • Để mạng xã hội có thể tồn tại được, nó cần phải có một lượng lớn người dùng.

Trong trường hợp doanh nghiệp của bạn có rất nhiều vốn và cũng đã thu hút được rất nhiều nhân tài, tất cả những điều này sẽ không có ý nghĩa gì nếu nền tảng bạn xây dựng không thể thu hút và giữ chân được một lượng lớn (rất lớn) người dùng tham gia.

Như đã phân tích trong các phần ở trên, bởi bản chất vốn có của mạng xã hội là tính có mạng lưới (networks), điều này có nghĩa là nó chỉ có ý nghĩa khi mỗi người tham gia dù là cá nhân hay doanh nghiệp, họ phải có thể xây dựng được một mạng lưới cho riêng họ.

Bạn cứ thử hình dung thế này, một mạng xã hội A nào đó ra đời và bạn tò mò nên đã đăng ký dùng thử, sau đó bạn phát hiện ra rằng xung quanh bạn, từ bạn bè, đồng nghiệp hay cả các thương hiệu bạn yêu thích đều không có ở trên nền tảng đó, điều gì sẽ xảy ra?

Hiển nhiên là, bạn cũng sẽ dần “lãng quên” mạng xã hội đó.

Ngược lại, nếu mạng xã hội có thể thu hút được tất cả các bên này tham gia, như một vòng xoáy liên tục, “mạng” liên tục được xây dựng, kết nối và phát triển, “mạng xã hội” dần dần hình thành.

Điều này cũng giải thích lý do tại sao một số mạng xã hội tại Việt Nam như Lotus (VCCorp) hay Gapo (Gapo) dần biến mất khi nó chỉ có thể thu hút được một lượng nhỏ người dùng.

Mặc dù không có một con số cụ thể để quyết định một nền tảng mạng xã hội có thể “trụ” được, nhưng ít nhất con số đó phải là hàng trăm triệu người dùng trở lên.

Gapo hay Lotus có khoảng dưới 10 triệu người dùng (chỉ bằng 1/10 dân số Việt Nam) nên việc các nền tảng này khó duy trì được cũng là điều dễ hiểu.

  • Nền tảng công nghệ (sản phẩm) cũng là điều kiện mang tính sống còn với các nền tảng mạng xã hội.

Tới đây, bạn lại tiếp tục cứ giả sử rằng, doanh nghiệp của bạn có vốn khá mạnh, bên cạnh đó, vì các chương trình marketing đang tỏ ra rất hiệu quả, bạn lôi kéo rất nhiều người có ảnh hưởng (Influencer) tham gia vào nền tảng nên từ đó bạn cũng có một lượng người dùng khá lớn (giả sử đủ để bạn có thể đi tiếp).

Khi tất cả mọi người dùng đã gia nhập, hiển nhiên, họ sẽ bắt đầu trải nghiệm, “lướt” và tương tác với những người khác (giả sử bạn bè của họ cũng đang có mặt trên nền tảng), với các thương hiệu mà họ yêu thích (giả sử các thương hiệu cũng đã nhanh chóng gia nhập), cũng như bắt đầu trải nghiệm những thứ nâng cao khác (chẳng hạn như tìm kiếm).

Như là điều tất yếu, sau một quá trình trải nghiệm, nếu các tính năng, giao diện, hay những thứ nâng cao như thuật toán không thể làm hài lòng được họ, họ sẽ chọn cách rời đi và tìm kiếm sang một nền tảng khác. Mạng xã hội có thể rơi vào thất bại.

Để có thể tiếp tục hình dung điều này một cách rõ hơn, bạn lại hình dung thế này, bạn gia nhập một mạng xã hội nào đó nhưng nền tảng lại “không thể hiểu” bạn thích hay muốn gì, thậm chí bạn chủ động tìm kiếm cũng không thể thấy, liệu bạn có tiếp tục “lướt” nó.

Hay chuyện gì sẽ xảy ra nếu cứ mỗi lần mở ứng dụng, hàng loạt tin rác ập đến bạn, quảng cáo ngổn ngang không thể kiểm soát…bạn lại chọn cách rời đi.

Nếu bạn tìm hiểu, bạn sẽ thấy rằng, một trong những điểm cốt lõi quyết định sự thành công của các nền tảng mạng xã hội như Facebook hay TikTok là thuật toán, mà cụ thể đằng sau nó là AI (trí tuệ nhân tạo), Machine Learning (công nghệ máy học), Big Data (dữ liệu lớn) và hơn thế nữa.

Không có thuật toán tốt (“chiều” người dùng) thì không có mạng xã hội.

Khi nói đến các thuật toán của mạng xã hội, thuật toán của TikTok là một trong những thứ đáng tham khảo nhất, nó cũng là thứ giúp TikTok có hơn 1 tỷ người dùng nhanh nhất trong không gian các nền tảng mạng xã hội.

FAQs – Những câu hỏi thường gặp xoay quanh chủ đề mạng xã hội.

  • Nền tảng mạng xã hội là gì?

Là khái niệm đề cập đến các nền tảng (Platforms, sites) cụ thể, nơi mà người dùng có thể truy cập và tương tác với nhiều các mục đích khác nhau. Các nền tảng mạng xã hội phổ biến có thể kể đến như Facebook hay Instagram.

  • Mạng xã hội trong tiếng Anh có nghĩa là gì?

Trong tiếng Anh, mạng xã hội có nghĩa là Social Networks, khái niệm đề cập đến cách thức tương tác xã hội (là social và networks) hơn là các nền tảng hay yếu tố công nghệ (là platforms hay technology).

  • Mạng xã hội được sử dụng để làm gì?

Như đã phân tích ở đầu bài, tuỳ vào từng đối tượng cụ thể, mạng xã hội có thể được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau như để giao tiếp, tìm kiếm thông tin hay bán hàng.

  • Sự khác biệt giữa khái niệm mạng xã hội và phương tiện truyền thông mạng xã hội (social media) là gì?

Trong khi vẫn thường được sử dụng với tên gọi chung là “mạng xã hội” hay nền tảng mạng xã hội, social network và social media là hai khái niệm khác nhau.

Social Network đề cập đến yếu tố môi trường (mạng lưới – network), tức cách mà người dùng tương tác với nhau, còn Social Media lại đề cập đến nền tảng hay phương tiện (về mặt công nghệ), là nơi cho phép các mạng lưới được hình hành và kết nối.

  • Phân tích mạng xã hội là gì?

Là hoạt động tìm kiếm thông tin và thu thập dữ liệu để phục vụ cho các mục tiêu khác nhau, có thể là để kinh doanh, nghiên cứu hay vì bất cứ mục đích gì khác.

  • Lạm dụng mạng xã hội là gì?

Lạm dụng mạng xã hội có thể được hiểu là cách mà cá nhân hay tổ chức nào đó sử dụng mạng xã hội với mục đích sai trái, hoặc khái niệm lạm dụng mạng xã hội cũng có thể được dùng để chỉ một cá nhân nào đó sử dụng mạng xã hội nhiều quá mức.

Kết luận.

Trên đây là toàn bộ những gì bạn cần biết về Mạng xã hội, từ khái niệm, các nền tảng mạng xã hội phổ biến, cách sử dụng mạng xã hội đến những tác hại và lợi ích mà mạng xã hội có thể mang lại.

Dù với tư cách là người dùng sử dụng mạng xã hội với mục tiêu giao tiếp hay tìm kiếm thông tin, hay với tư cách là những người làm marketing và kinh doanh, sử dụng mạng xã hội để tương tác với khách hàng tiềm năng, việc hiểu bản chất của các nền tảng mạng xã hội là điều hết sức cần thiết.

Bằng cách hiểu bản chất của mạng xã hội là gì và tất cả những lợi ích mà nó có thể mang lại, bạn đang giúp chính bản thân mình có nhiều cơ hội hơn để phát triển bản thân, phát triển sự nghiệp và trên nữa là phát triển doanh nghiệp của mình.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Nam Nguyen | MarketingTrips

Bài viết liên quan

Nổi bật

Mới nhất

Meta ra mắt Edits và muốn thay thế CapCut của TikTok

20 Tháng Một, 2025
Meta vừa chính thức trình làng công cụ chỉnh sửa video mới Edits trong bối cảnh mạng xã hội TikTo…

Đọc nhiều

Top 10+ xu hướng Marketing sẽ thống trị trong năm 2025 (từ Kantar)

18 Tháng Một, 2025
Theo báo cáo từ Kantar Media (một công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu thị trường,…