Trang thương mại điện tử đang trở thành mạng xã hội
Để giữ chân người dùng lâu hơn, tăng tính tương tác trên ứng dụng, các nền tảng thương mại điện tử lớn tại Việt Nam đang tích hợp tính năng mạng xã hội vào ứng dụng của họ.
Facebook đã, đang tận dụng lượng người dùng đông đảo để biến nền tảng này thành một xã hội thu nhỏ, trong đó việc buôn bán kiếm tiền là tính năng không thể thiếu.
Ngược lại, các trang thương mại điện tử tại Việt Nam cũng sao chép mô hình của Facebook để giữ chân người dùng lâu hơn, bán được nhiều hàng hoá hơn.
Nếu mở ứng dụng Shopee ở mục Shopee Feed, nhìn qua giao diện dễ nghĩ ngay đến Facebook. Lazada cũng có tính năng Feed khá giống mạng xã hội lớn nhất hành tinh. Ngoài ra, Tiki vừa ra tính năng “Lướt” vào ngày 11/11, với chức năng tương tự.
Trên Shopee Feed, người dùng có thể tự đăng bài viết với nội dung bất kỳ. Họ có thể “thả tim”, bình luận trên những bài viết khác, vốn chủ yếu là bài viết bán hàng.
Ngoài ra, nhiều video hiển thị dạng story như Facebook được đặt ở vị trí tốt nhất trên tính năng Feed.
Tính năng Feed của Lazada hay “Lướt” của Tiki cũng tương tự. Giao diện gồm các bài đăng của các nhà bán hàng, khách có thể “thích”, bình luận, chia sẻ, chọn theo dõi nhà bán hàng.
Tuy nhiên, trên hai nền tảng này chỉ nhà bán hàng mới được đăng bài viết, khách hàng bình thường dường như không được tự tạo bài viết.
Tất cả các nền tảng đều có tính năng “Live”, phát video trực tuyến, dành cho những nhà bán hàng rao sản phẩm.
Lazada Feed đã được giới thiệu từ cuối năm 2018, Shopee Feed được nhắc đến sau đó khoảng một năm.
Cả hai nền tảng đã áp dụng tính năng Feed trên ứng dụng của hầu hết các nước Đông Nam Á mà họ có mặt. Trong khi đó, Tiki – startup Việt Nam – vừa giới thiệu tính năng tương tự vào ngày 11/11 mới đây.
Theo Tiki, tính năng “Lướt” được cá nhân hóa cho từng khách hàng, giúp người tiêu dùng có thể theo dõi thông tin về sản phẩm, dịch vụ, nội dung đánh giá sản phẩm mà họ quan tâm, đồng thời có thể thực hiện mua sắm ngay trên tính năng này.
Startup thương mại điện tử Việt khẳng định đã đầu tư nghiêm túc về cả tài chính, nhân sự, công nghệ cho tính năng mới, nhằm đẩy mạnh chiến lược phát triển Social Commerce – thương mại trên mạng xã hội.
Theo Statista, Facebook hiện có khoảng 2,7 tỷ người dùng hàng tháng, tăng trưởng đều đặn mỗi năm. Mỗi người dành thời gian trung bình 1 giờ 15 phút trên nền tảng này hàng ngày. Riêng tính năng xem video (story), hiện có khoảng 300 triệu người xem hàng ngày.
Điều này cho thấy những nội dung mang tính giải trí và tương tác sẽ giữ chân người dùng trên một nền tảng lâu hơn.
Facebook đã mở tính năng bán hàng ngay trên từng bài viết cho người dùng, và từ lâu đã có chợ (Marketplace) chuyên nghiệp dành cho người bán. Đó là chưa kể việc mua bán diễn ra trong các hội nhóm Facebook khác.
Tiki cho rằng các nội dung giải trí kết hợp cùng hoạt động mua sắm sẽ mang đến trải nghiệm trọn vẹn hơn cho người tiêu dùng, đồng thời thúc đẩy kinh doanh cho các đối tác nhãn hàng và nhà bán trên sàn.
Chẳng hạn, nền tảng này tạo một đêm trình diễn âm nhạc vào tối 10/11. Chỉ trong 30 giây đầu tiên của livestream, tất cả các chương trình khuyến mại và phiếu mua hàng được tung ra trong sô diễn đã hoàn toàn “cháy” hàng.
Trong lễ hội mua sắm kéo dài từ 1-11/11, lượt xem livestream trên LazLive của Lazada tăng gấp 20 lần năm trước. Một sô diễn tối ngày 10/11 đã thu hút gần 10 triệu lượt xem. Tổng số đơn hàng thành công qua hoạt động livestream tăng 70 lần so với năm ngoái. Số thương hiệu và nhà bán hàng tham gia livestream tăng 120%.
Dịp 11/11, trên 7 nước Đông Nam Á, Shopee ghi nhận hơn 20 triệu giờ xem các hoạt động livestream.
Có thể nói các nền tảng thương mại điện tử hoạt động tại Việt Nam đang muốn kết nối với người dùng nhiều hơn, khiến họ dành nhiều thời gian trên ứng dụng hơn, qua đó thực hiện nhiều giao dịch mua sắm hơn.
Với mục tiêu đó, tích hợp các tính năng mạng xã hội vào trong ứng dụng là một cách mà kết quả đã được chứng minh.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Hà Anh | MarketingTrips
Theo ICTNews