Skip to main content

Thẻ: Kakao

Kakao và Naver thay đổi cơ chế làm việc để giữ chân nhân viên

Kakao và Naver, hai hãng công nghệ thông tin hàng đầu Hàn Quốc, giới thiệu hệ thống làm việc linh hoạt hơn, bắt đầu từ tháng sau để giữ chân nhân tài.  

Từ ngày 4/7, nhân viên Kakao có thể làm việc 4 ngày/tuần, nghỉ thứ Sáu mỗi hai tuần và làm việc từ bất kỳ nơi nào. Trong khi đó, nhân viên Naver lựa chọn giữa hai chế độ: Làm việc từ xa hoàn toàn hoặc làm việc tại văn phòng 3 ngày/tuần.

Kakao sẽ thí điểm chính sách mới từ tuần đầu tháng 7. Công ty khuyến nghị nhân viên gặp mặt tuần một lần và giao tiếp trực tiếp để giải quyết các vấn đề không xử lý được bằng các hình thức trực tuyến.

Với những người đã làm cho Kakao 3 năm trở lên, chế độ làm việc hiện hành – trong đó nhân viên có tối đa 30 ngày nghỉ phép mỗi năm – sẽ tiếp tục.

Một nhân viên họ Kang cho biết, chính sách vẫn còn mới mẻ và mọi người chỉ mới làm quen với nó. “Tôi không biết mọi người có hài lòng không nhưng chắc chắn sẽ vui mừng vì được nghỉ thêm một ngày”.

Naver cũng áp dụng chế độ làm việc linh hoạt “Connected Work” từ thứ Hai, 4/7. Họ đưa vào hai hệ thống – Type O và Type R – để nhân viên lựa chọn. Mỗi 6 tháng, nhân viên có thể chuyển đổi hệ thống tùy thuộc vào nhu cầu của mình.

Những người chọn Type R sẽ làm việc từ xa hoàn toàn, còn Type O làm việc tại văn phòng 3 ngày/tuần.

Những người chọn Type O có thể chọn ngày nào làm việc trên văn phòng, còn người chọn Type R có thể thi thoảng đến văn phòng nếu cần và ngồi tại một không gian chia sẻ.

Naver còn phát triển một chương trình xổ số, trong đó 10 nhân viên được lựa chọn ngẫu nhiên mỗi tuần để làm việc từ xa tại các văn phòng ở Chuncheon, Gangwon và Tokyo trong tối đa 5 ngày.

Một nhân viên họ Suh bày tỏ hài lòng với hệ thống mới của Naver. “Một số nhân viên sống cách xa trụ sở, thời gian đi làm mất hơn 1 tiếng. Làm việc tại nhà sẽ tiết kiệm nhiều thời gian và mọi người tập trung hơn tại những nơi họ thấy thoải mái”.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Du Lam (Theo Korea Times) | ICT News

“Cha đẻ” ứng dụng nhắn tin Kakao Talk trở thành người giàu nhất Hàn Quốc

Brian Kim, nhà sáng lập của công ty ứng dụng tin nhắn Kakao Corp, trở thành người giàu nhất ở Hàn Quốc sau khi khối tài sản ròng cá nhân tăng hơn 6 tỷ USD từ đầu năm…

Brian Kim, founder and chairman of Kakao Corp

Theo dữ liệu từ xếp hạng tỷ phú Bloomberg Billionaires Index, ông Kim hiện sở hữu khối tài sản 13,4 tỷ USD, nhờ cổ phiếu Kakao tăng 91% trong gần 7 tháng qua.

Người thừa kế của tập đoàn Samsung, ông Jay Y. Lee, tụt xuống vị trí thứ hai, với khối tài sản 12,1 tỷ USD.

Ông Kim được xem là một ví dụ điển hình về sự đi lên của các doanh nhân công nghệ tự thân trong xếp hạng giàu ở Hàn Quốc, vượt qua thành viên của các gia tộc kiểm soát những tập đoàn khổng lồ (cheabol) lâu năm ở nước này.

Sự thăng hạng của các tỷ phú tự thân Hàn Quốc cũng cho thấy sức mạnh của các cuộc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO): cổ phiếu Kakao không ngừng tăng khi các công ty con chào bán hoặc có kế hoạch chào bán cổ phiếu.

“Kỳ vọng gia tăng trước các cuộc chào sàn của những công ty con chủ chốt trong Kakao”, nhà phân tích Hyunyong Kim thuộc Hyundai Motor Secutities nhận định.

“Chiến lược của Kakao là mở rộng nhanh chóng hoạt động kinh doanh thông qua thu hút quyết liệt vốn đầu tư. IPO là cách êm ái và chắc chắn nhất để làm việc đó”.

Công ty cho vay trực tuyến KakaoBank, trong đó Kakao Corp nắm cổ phần 32%, sẽ lên sàn chứng khoán vào tháng tới. Công ty này dự kiến huy động 2,6 nghìn tỷ Won, tương đương 2,3 tỷ USD, trong vụ phát hành.

Tháng 9 năm ngoái, Kakao Games, công ty con về trò chơi trực tuyến, huy động 384 tỷ Won từ IPO.

Kakao Pay, dịch vụ thanh toán online lớn nhất Hàn Quốc, lẽ ra sẽ chào sàn vào ngày 12/8, nhưng việc niêm yết bị hoãn lại do cơ quan chức năng yêu cầu điều chỉnh hồ sơ IPO.

Ông Kim lập nên Iwilab, công ty tiền thân của Kakao, vào năm 2006, và ra mắt ứng dụng KakaoTalk 4 năm sau đó. Dịch vụ nhắn tin này hiện có khoảng 53 triệu người dùng trên toàn cầu, trong đó 88% ở Hàn Quốc.

Kakao đã mở rộng hoạt động khỏi lĩnh vực nhắn tin di động, nhảy vào những lĩnh vực từ thanh toán, ngân hàng trực tuyến, trò chơi, cho tới gọi xe. Hiện Kakao là công ty niêm yết lớn thứ tư ở Hàn Quốc, với giá trị vốn hoá thị trường đạt khoảng 58 tỷ USD.

Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy nhu cầu sử dụng các dịch vụ trên nền tảng di động của Kakao, do mọi người giảm tương tác trực tiếp. Trong quý 1/2021, lợi nhuận của Kakao tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt 209 triệu USD.

Giới phân tích kỳ vọng sẽ có thêm các kế hoạch IPO từ các công ty con khác của Kakao, gồm ứng dụng gọi xe, giải trí, và công ty con ở Nhật Bản.

Ông Kim, 55 tuổi, có xuất thân khiêm tốn, từng sống chung trong một phòng với 7 người thân trong gia đình.

Ông là người đầu tiên trong số các anh chị em của mình được học đại học, theo học tại Đại học Quốc gia Seoul danh giá. Trong thời gian đi học, ông làm gia sư để tự trang trải học phí.

Hồi tháng 3 năm nay, ông Kim gia nhập The Giving Pledge, sáng kiến khởi xướng bởi các tỷ phú Warren Buffett, Bill Gates và Melinda French Gates nhằm kêu gọi những người giàu nhất thế giới cho đi phần lớn tài sản trong lúc còn sống để giải quyết các vấn đề xã hội.

“Lớn lên trong cảnh nghèo, cho đến ngoài 30 tuổi, tôi vẫn xem việc trở nên giàu có là thước đo duy nhất về một cuộc đời thành công”, ông Kim viết trong tuyên bố gia nhập The Giving Pledge. “Tuy nhiên, sau khi đạt được sự giàu có như mong đợi, tôi lại cảm thấy không còn động lực và mất phương hướng”.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

 

Đan Linh

Từ hai bàn tay trắng, nhà sáng lập Kakao trở thành người giàu nhất Hàn Quốc

Giá trị cổ phiếu tăng vọt giúp Kim Beom-su, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Kakao trở thành người giàu nhất Hàn Quốc, qua mặt cả thái tử Samsung Lee Jae-yong.

Tính đến ngày 22/6, cổ phiếu công ty công nghệ Kakao đã tăng hơn 110% trong năm 2021, giúp tài sản của nhà sáng lập Kim Beom-su tăng thêm 5,6 tỷ USD.

Nhờ đó, theo tính toán độc lập của cả tạp chí Forbes và tờ Bloomberg, Kim Beom-su đã trở thành người giàu nhất Hàn Quốc với khối tài sản khoảng 16,3 tỷ USD.

Xếp sau Kim Beom-su là Seo Jung-jin (13,2 tỷ USD), đồng sáng lập hãng dược phẩm Celltrion và thái tử Lee Jae-yong (12,2 tỷ USD), người thừa kế đời thứ ba của tập đoàn Samsung.

Ông Kim Beom-su, 55 tuổi, là con thứ ba trong một gia đình nghèo năm anh em, có bố làm công nhân và mẹ là phục vụ khách sạn.

Thời trẻ, ông có 5 năm làm việc ở bộ phận IT của Samsung trước khi lập ra Hangame, một nhà phát triển game nổi tiếng mà sau đó sáp nhập với ‘gã khổng lồ’ tìm kiếm Naver.

Năm 2010, ở tuổi 44, Kim Beom-su lập ra Kakao và ứng dụng nhắn tin KakaoTalk đã nhanh chóng vươn mình trở thành nền tảng dịch vụ di động số một Hàn Quốc.

Điều này biến Kakao trở thành tập đoàn lớn mạnh sáng ngang với các chaebol như Samsung, Hyundai, SK hay LG, tức những tập đoàn gia đình khổng lồ của Hàn Quốc.

Mảng kinh doanh số của Kakao đã rất thuận lợi trước khi Covid-19 bùng phát và càng thuận lợi hơn trong mùa dịch. Dịch vụ KakaoTalk hiện có 45 triệu người dùng và chiếm 95% thị phần ở Hàn Quốc, theo Counterpoint Research.

kakao talk

Kakao hiện còn đang kinh doanh quảng cáo, thương mại điện tử, bản đồ trực tuyến, game và dịch vụ tài chính. Công ty còn có thêm webtoon, một dạng truyện tranh cuốn chiếu xuất bản trên mạng rất được ưa chuộng không chỉ ở Hàn Quốc mà còn trên thế giới.

Mở rộng sang mảng tài chính, Kakao Pay hiện đang hợp tác với Ant Group của Alibaba để cải tiến công nghệ QR, nhận dạng khuôn mặt và nền tảng thanh toán.

Một mảng kinh doanh khác là Kakao Games đã gọi được vốn 320 triệu USD sau khi lên sàn vào tháng 9/2020. Tháng tới, Kakao tiếp tục kỳ vọng thu về 1,8 tỷ USD khi Kakao Bank mở bán cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO).

Mảnh đất tiếp theo mà Kakao nhắm tới là B2B2C (doanh nghiệp tới doanh nghiệp tới khách hàng) như dịch vụ đám mây của Amazon hay Microsoft.

Công ty cũng có ý định mở rộng sang lĩnh vực giải trí với Kakao Entertainment và vận tải với Kakao Mobility. Cả hai dự kiến IPO vào năm sau.

Mục đích cuối cùng của Kakao sau khi thâu tóm và sáp nhập hơn 100 công ty khác nhau chính là tạo ra một hệ sinh thái, siêu ứng dụng giống như WeChat.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Giang Nguyễn | MarketingTrips