Skip to main content

Thẻ: millennial

Conscious Consumer là gì? Nhóm người tiêu dùng này muốn gì từ thương hiệu

Nếu bạn muốn phát triển doanh nghiệp của mình một cách bền vững, việc có được sự ủng hộ của các conscious consumer nên là ưu tiên hàng đầu. Vậy conscious consumer là gì, consumer là gì hay họ là?

conscious consumer là gì
Conscious Consumer là gì? Nhóm người tiêu dùng này muốn gì từ thương hiệu

Hầu hết các thương hiệu chỉ muốn bán hàng. Họ muốn lợi nhuận, danh tiếng thương hiệu và nhiều chỉ số kinh doanh khác, nhưng họ quên đi điều quan trọng nhất: họ cần có mục đích rõ ràng để tạo ra sức ảnh hưởng.

Conscious consumer là gì?

Conscious consumer hay người tiêu dùng có ý thức là những người tiêu dùng theo chủ nghĩa tiêu dùng có ý thức. Nhóm người này không phải là một xu hướng mà là một cách thức mới để mọi người tiêu thụ các sản phẩm và dịch vụ.

Khái niệm conscious consumer thường gắn liền với Gen Y (Millennials) – những người vốn rất khắt khe trong việc đưa ra sự lựa chọn về các nhãn hiệu mà họ cần để sử dụng hoặc mang vào ngôi nhà của họ.

Millennials rất tin tưởng vào sức mạnh cá nhân của họ trong việc thúc đẩy sự thay đổi, và theo một cuộc khảo sát từ Deloitte, hơn 44% trong số họ đã đưa ra lựa chọn của bản thân về công việc dựa trên đạo đức cá nhân.

Người tiêu dùng có ý thức sẵn sàng từ chối hoặc tỏ ra khá thoải mái nếu phải nói không tới một lời mời công việc nào đó, họ nói không với việc mua hàng giảm giá vào ngày “Thứ Sáu Đen Tối” hoặc đơn giản là sẽ không theo dõi một thương hiệu nếu thương hiệu đó không phù hợp với giá trị đạo đức của riêng họ.

Họ nghiên cứu rất kỹ trước khi mua bất cứ thứ gì và sẵn sàng chờ đợi, hoặc thậm chí trả thêm tiền tới những sản phẩm hay thương hiệu mà họ nghĩ rằng họ có thể thúc đẩy sự thay đổi khi sử dụng chúng.

Consumer là gì hay họ là ai?

Consumer trong tiếng Việt có nghĩa là người tiêu dùng, khái niệm thường được sử dụng trong các ngành hàng như bán lẻ (Retail) và hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) đề cập đến những người tham gia vào việc tiêu thụ (Consume) một sản phẩm hay hàng hoá nào đó.

Ví dụ khi bạn ra siêu thị và mua một số mặt hàng như quần áo, dầu gội hay thực phẩm, khi này bạn chính là một người tiêu dùng hay Consumer.

Thuật ngữ Consumer theo đó gắn liền với người tiêu dùng (tiêu thụ) sản phẩm hơn là người đi mua hàng (Buyer) hay người người ra quyết định mua hàng (Decision Maker).

Trong các ngành khác như công nghệ, internet hay mạng xã hội, người sử dụng các sản phẩm, dịch vụ hay nền tảng được gọi là người dùng (user) thay vì là người tiêu dùng.

Tiêu dùng bền vững là tương lai.

Trong vài năm vừa qua, tiêu dùng bền vững thực sự là một khái niệm nhận được rất nhiều sự quan tâm, người tiêu dùng ngày càng quan tâm nhiều hơn đến khía cạnh xã hội của một sản phẩm hay thương hiệu cụ thể.

Tuy nhiên, khi nói đến việc xây dựng và áp dụng chiến lược bền vững cho doanh nghiệp, bạn cần hiểu đến tính xác thực, người tiêu dùng không đơn thuần nghe và tin về những gì mà thương hiệu tuyên bố, họ muốn nhìn thấy điều gì đang thực sự diễn ra đằng sau.

Nếu bạn không có một chiến lược marketing bền vững chắc chắn, tốt nhất bạn không nên vội truyền tải nó đến người tiêu dùng của mình.

Conscious consumer hay người tiêu dùng có ý thức thực sự muốn gì.

Đối với những người tiêu dùng có ý thức hay những người thuộc Gen Y này, họ sẽ cảm thấy vô cùng mệt mỏi và thậm chí là phớt lờ với những thông điệp chỉ muốn bán hàng từ các thương hiệu.

Bởi vì họ biết rất rõ những gì họ muốn. Họ không cần các thương hiệu nói với họ rằng “cuộc sống của họ sẽ trở nên tẻ nhạt đến như thế nào nếu thiếu đi sản phẩm…”, hay nói một cách dễ hiểu hơn, đừng cố gắng “dạy đời họ”.

Nhiều người tiêu dùng có ý thức vốn là những người có đầu óc, có tư tưởng cởi mở và là những người có học thức, họ sẵn sàng tìm kiếm thứ gì đó khi họ cần.

Họ tìm kiếm các giải pháp để giúp bản thân duy trì sự cân bằng, tập trung và cảm thấy hoàn thiện, nhưng điều đó không có nghĩa là họ cảm thấy bản thân họ không hoàn thiện.

Khi họ tìm kiếm một thương hiệu và các giá trị của thương hiệu khớp với giá trị cá nhân của họ, họ sẽ sớm hình thành mối quan hệ với thương hiệu và dĩ nhiên, họ sẵn sàng mua hàng khi cần thiết hay có nhu cầu.

Những người tiêu dùng này tin rằng, khi họ đồng hành với một thương hiệu, kết quả họ nhận được là một thứ gì đó tốt đẹp hơn, không chỉ tốt đẹp cho cả hai bên mà còn cho cả xã hội nói chung.

Người tiêu dùng có ý thức cũng sẵn sàng chia sẻ với bạn bè và gia đình, và trong nhiều trường hợp, họ còn tuyên truyền về cách tiêu dùng có ý thức của mình bởi vì họ tin rằng cách tiêu dùng đó là động lực của sự thay đổi.

Dưới đây là những gì người tiêu dùng có ý thức hay conscious consumer thực sự muốn.

Tính minh bạch.

Như đã phân tích, người tiêu dùng có ý thức muốn sự thật, họ muốn nhìn thấy những sự thay đổi hay tác động cụ thể, họ muốn các thương hiệu thể hiện bằng hành động rõ ràng thay vì chỉ là tuyên bố hời hợt và sáo rỗng.

Thương hiệu đã tạo ra những sự thay đổi gì đến khách hàng và xã hội, họ đang đối xử với nhân viên của họ như thế nào, người tiêu dùng đang cảm thấy ra sao khi sử dụng các sản phẩm của họ, hay các nguồn nguyên vật liệu của doanh nghiệp có được đảm bảo về chất lượng hay không.

Những người tiêu dùng có ý thức luôn đặt những câu hỏi tới thương hiệu và họ muốn các thương hiệu thể hiện sự minh bạch trong các câu trả lời.

Họ hiểu rằng theo đuổi sự bền vững không phải là một con đường dễ dàng và thương hiệu không nhất thiết phải là một cái tên hoàn hảo. Họ chỉ muốn biết liệu thương hiệu có trung thực và sẵn sàng cải thiện để thúc đẩy sự thay đổi hay không.

Cam kết tới giá trị thương hiệu.

Giá trị của thương hiệu là linh hồn của doanh nghiệp. Những người tiêu dùng có ý thức muốn thúc đẩy sự thay đổi thông qua cuộc sống của họ, vì vậy khi họ nhận thấy một thương hiệu nào đó đang mâu thuẫn với các giá trị mà họ đang theo đuổi, họ sẽ nhanh chóng rời bỏ thương hiệu đó.

Với tư cách là những người làm thương hiệu hay marketing, bạn hãy tập trung vào việc xác định những giá trị cốt lõi mà bạn muốn cam kết, những thứ sẽ xác định cá tính và thể hiện sự minh bạch cho thương hiệu của bạn.

Khi nói đến tính minh bạch, hãy nhớ rằng, khách hàng muốn biết bạn đang làm gì để cải thiện mọi thứ, để thúc đẩy sự thay đổi.

Conscious consumer chỉ muốn tiêu thụ những gì họ cần.

Những người tiêu dùng Gen Y này không cần thương hiệu phải nói cho họ biết họ nên cần và tiêu thụ những gì. Họ cần hiểu sản phẩm hoặc dịch vụ của thương hiệu có thể làm tăng giá trị gì cho cuộc sống của họ và cho xã hội.

Hều hết các conscious consumer không muốn sở hữu quá nhiều thứ, họ cũng không quan tâm nhiều đến các định kiến sẵn có, họ thậm chí còn sẵn sàng thử những thứ mới nếu nó phù hợp với giá trị của họ.

Với những đặc điểm này, việc giành được sự tin tưởng và ủng hộ của những người tiêu dùng có ý thức đòi hỏi người làm marketing cần thực sự hiểu biết sâu sắc về yếu tố con người và lý do tại sao họ nên quan tâm đến các thương hiệu.

Họ cần thương hiệu lắng nghe họ.

Nếu bạn là người làm kinh doanh, mục tiêu cuối cùng của bạn dĩ nhiên là tiền và lợi nhuận. Tuy nhiên, để có được điều này, trước tiên bạn cần học cách lắng nghe những gì người tiêu dùng có ý thức thực sự muốn.

Với Gen Y bạn không nhất thiết phải bán hàng giá rẻ và cái bạn cần là hãy kể những câu chuyện khiến cho sản phẩm hay dịch vụ của bạn có giá trị cao hơn.

Hãy thiết kế thông điệp content marketing xoay quanh câu hỏi “tại sao”.

Mục đích của doanh nghiệp là lý do thương hiệu cần bắt đầu và phát triển. Các thương hiệu cần đảm bảo rằng các thông điệp tiếp thị của họ là rõ ràng và ngắn gọn trên tất cả các kênh truyền thông.

Hãy tập trung vào việc quảng bá có chủ đích và giáo dục người tiêu dùng cần có ý thức nhiều hơn về việc mua hàng của họ, cách giảm thói quen tiêu thụ không cần thiết và cách xây dựng mối quan hệ đáng tin cậy lâu dài với thương hiệu của bạn.

Họ đơn giản là chỉ cần cảm thấy tốt hơn về bản thân.

Đừng bao giờ ngừng kể câu chuyện hoặc về hành trình của thương hiệu.

Bạn càng thể hiện rõ câu chuyện hay tính cách của thương hiệu, thể hiện những chiến thắng, thất bại, sai lầm và học hỏi, bạn càng có thể tạo dựng được niềm tin đối với những người tiêu dùng có ý thức.

Bạn có thể kể về những gì bạn đã đạt được, những gì khách hàng của bạn hay xã hội đã đạt được và đừng bao giờ quên đi mục đích chính của thương hiệu.

Những câu chuyện được kể một cách chân thực nhất sẽ cho phép bạn kết nối ở cấp độ sâu hơn với đối tượng mục tiêu của mình.

Nó sẽ cho thấy rằng bạn không chỉ quan tâm đến khía cạnh bán hàng hay tiền bạc, mà đó còn là về việc bạn đang thúc đẩy sự thay đổi cuộc sống của mọi người nói chung.

Những câu hỏi thường gặp liên quan đến thuật ngữ Consumer.

  • Consumer Goods là gì?

Thường được gọi tắt là CPG (Consumer Packaged Goods), Consumer Goods có nghĩa là hàng hoá tiêu dùng, đó là những sản phẩm thông thường được tiêu thụ hằng ngày như nước mắm, bánh kẹo hay đồ uống.

  • Consumer khác gì so với Customer?

Trong khi Customer có nghĩa là khách hàng bao gồm người đi mua hàng, người sử dụng hay tiêu dùng sản phẩm hay các đối tượng có ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định mua hàng khác, thuật ngữ Consumer dùng để chỉ những người trực tiếp tiêu dùng các sản phẩm. Customer theo đó bao hàm luôn cả Consumer.

  • Consume là gì?

Consume hay Consumption có nghĩa là tiêu thụ, chính là quá trình người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm mà họ đã mua được.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Tra Nguyen | MarketingTrips

Phụ nữ Gen Y muốn làm việc từ xa nhưng lại sợ mất cơ hội nếu không ngồi ở văn phòng

Theo một cuộc khảo sát gần đây của TheSkimm, khi các doanh nghiệp bắt đầu vạch ra kế hoạch quay trở lại văn phòng làm việc, nhiều phụ nữ thuộc thế hệ trẻ đang cảm thấy sẽ tiện lợi hơn nếu làm việc từ xa.

Phụ nữ Gen Y muốn làm việc từ xa nhưng lại sợ mất cơ hội nếu không ngồi ở văn phòng

Trong số hơn 1.600 người tham gia cuộc khảo sát, theSkimm phát hiện ra rằng gần 2/3 phụ nữ thuộc thế hệ Millennial (Gen Y) coi làm việc từ xa là ưu tiên hàng đầu, bao gồm 43% cho rằng làm từ xa là rất quan trọng hoặc cực kỳ quan trọng trong tương lai và 22% nói rằng họ sẽ không muốn làm việc nếu doanh nghiệp không có phương án này.

TheSkimm xác định những phụ nữ Gen Y là ở độ tuổi từ 25 đến 40.

Theo dữ liệu từ McKinsey & Company, mặc dù làm việc từ xa không phải là lựa chọn cho tất cả nhân viên, nhưng ước tính khoảng 20-25% lực lượng lao động có thể làm việc tại nhà từ 3 đến 5 ngày mỗi tuần mà không hề bị giảm năng suất.

Khi nhìn vào những người lao động có thể làm việc tại nhà ít nhất 1 ngày mỗi tuần, con số này có thể tăng lên đến 40%.

Theo CEO Carly Zakin của TheSkimm (trao đổi với CNBC):

“Lợi ích rõ ràng nhất của các phương án làm việc từ xa đó là tính linh hoạt. Làm việc từ xa có vẻ là giải pháp thay thế tốt hơn vì nó cho phép các phụ nữ và bà mẹ Gen Y tạo ra một lịch trình phù hợp nhất cho họ và gia đình của họ.”

Bà nói tiếp: “Đại dịch đã đã chỉ ra rằng văn hoá làm việc kiểu truyền thống 9-5 thực sự không còn tồn tại, đặc biệt là đối với những phụ nữ đi làm, những người đang làm phần lớn công việc gia đình trong khi vẫn phải phát triển sự nghiệp của họ.”

Theo một báo cáo năm 2020 từ Lean In và McKinsey & Company, khi nói về sự cân bằng giữa việc chăm sóc con cái và công việc, các bà mẹ đang phải chịu trách nhiệm về nội trợ và chăm sóc con cái nhiều hơn gấp ba lần so với những ông bố.

Nhưng ngay cả với tất cả những lợi ích mà những công việc từ xa có thể mang lại, TheSkimm nhận thấy rằng 2/3 phụ nữ Gen Y cũng tin rằng họ sẽ có thể bỏ lỡ các cơ hội nghề nghiệp nếu họ không có mặt tại văn phòng.

Bà Zakin nói: “Chúng tôi đã suy nghĩ rất nhiều về những gì mà các nhà lãnh đạo doanh nghiệp có thể làm để đảm bảo rằng tất cả mọi người đều được bình đẳng. Có rất nhiều thứ, không có gì rõ ràng cả, và nó ngày càng trở nên phức tạp hơn.”

Trong khi tất cả các doanh nghiệp đều khác nhau về quy mô, phong cách lãnh đạo và mục tiêu kinh doanh, Bà Zakin nói rằng điểm khởi đầu tốt nhất để xây dựng một sân chơi bình đẳng cho tất cả nhân viên đó là các nhà lãnh đạo phải tạo ra “một mô hình xác định và đánh giá công việc bằng hiệu suất, bất kể họ có ở văn phòng hay không.”

Tiến sỹ Tara Van Bommel, giám đốc thống kê tại Catalyst, nhấn mạnh rằng bất kể doanh nghiệp đang hoạt động theo mô hình từ xa hoàn toàn hay mô hình làm việc kết hợp, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nên luôn áp dụng phương pháp làm việc từ xa khi điều hành một tổ chức để mọi người đều có các cơ hội như nhau.

Khi người sử dụng lao động và nhân viên tiếp tục suy nghĩ về tương lai của thế giới làm việc, Bà Danielle Weisberg, co-CEO của TheSkimm nói rằng một trong những cách tốt nhất để nhân viên có đủ các cơ hôi khi làm việc từ xa đó là chứng minh được giá trị cho cả họ lẫn doanh nghiệp khi áp dụng phương pháp đó.

77% phụ nữ Gen Y được khảo sát bởi TheSkimm nói rằng làm việc từ xa quan trọng đối với họ vì họ sẽ không phải mất thời gian di chuyển và những thứ khác, 53% nói rằng điều đó quan trọng vì họ có thể làm việc hiệu quả hơn khi ở nhà.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh

Lợi thế cạnh tranh lớn nhất của doanh nghiệp trong việc thu hút tài năng trẻ

Cung cấp sự linh hoạt và năng động cho nhân viên đã được chứng minh là sẽ giúp nâng cao tinh thần và cải thiện sự hài lòng tại nơi làm việc.

Lợi thế cạnh tranh lớn nhất của doanh nghiệp trong việc thu hút nhân tài trẻ

Khi nói đến lợi ích của doanh nghiệp, tính linh hoạt được xếp hạng cao đối với Gen Y (millennial) và Gen Z – và đôi khi thậm chí còn cao hơn cả tiền lương.

Các thế hệ trẻ ngày nay đặc biệt coi trọng quyền tự chủ trong công việc và sẽ không có gì làm lạ khi họ sẵn sàng rời bỏ một công việc nếu họ cảm thấy mình đang bị quản lý một cách vi mô.

Các công ty khởi nghiệp thành công nhận thức được tâm lý này và đã thay đổi một cách nghiêm túc văn hóa công ty của họ để cung cấp cho những người trẻ sự linh hoạt.

Và kết quả là, họ đã gặt hái được những thành quả xứng đáng khi họ đã tạo ra được một môi trường với những nhân viên hạnh phúc.

Cung cấp sự linh hoạt đã được chứng minh là sẽ nâng cao tinh thần và cải thiện sự hài lòng của nhân viên tại nơi làm việc.

Theo một cuộc khảo sát của Harvard Business Review trước đại dịch, có 96% các chuyên gia cho biết họ mong muốn được linh hoạt hơn trong công việc.

Để cạnh tranh và có được những tài năng trẻ hàng đầu, điều quan trọng là doanh nghiệp phải xem xét đến những khía cạnh khác nhau của sự linh hoạt trong tổ chức, cho dù đó chỉ là thay đổi môt phần hay toàn diện.

Khai thác những gì quan trọng nhất.

Trước khi bạn bắt đầu thực hiện các thay đổi, hãy dành một chút thời gian để hiểu rõ hơn về những người trẻ đầy năng động ngày nay.

Nếu đội ngũ quản lý và nhân sự của công ty bạn toàn là những ‘người gạo cội’, có thể bạn chưa quen hay để ý đến những gì khiến giới trẻ thích thú.

Một gợi ý dành cho bạn là, họ sẽ không thích ngồi quá nhiều trong văn phòng.

Hãy làm nghiên cứu của bạn. Bắt đầu từ bên trong tổ chức của riêng bạn, kết nối với các đồng nghiệp hoặc nhân viên trẻ hơn và tìm hiểu về những điều thực sự đang thúc đẩy họ.

Một sự thật là, sự cân bằng giữa một công việc mơ ước và một cuộc sống hạnh phúc là ưu tiên hàng đầu đối với phần đông trong số họ.

Khi nói đến công việc và cuộc sống, họ cần được tự chủ và sự linh hoạt. Thay vì giữ cho cả hai mục tiêu này hoàn toàn tách biệt nhau, sự cân bằng là điều cần thiết nhất, chúng nên được gắn liền với nhau.

Trọng tâm của sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống là sự linh hoạt trong thời gian và địa điểm làm việc, đó có thể là sự linh hoạt trong thời gian làm việc mỗi ngày hay phương án làm việc từ xa cho phép nhân viên làm việc ngoài văn phòng vài ngày mỗi tuần.

Kiểm soát sự hỗn loạn.

Trái ngược với văn hóa công sở truyền thống, môi trường làm việc linh hoạt vận hành trên một loạt các kỳ vọng và biện pháp giải trình trách nhiệm hoàn toàn riêng biệt.

Thay vì cho rằng thời gian ngồi trên ghế tương đương với năng suất, các nhà quản lý tại các doanh nghiệp vận dụng sự linh hoạt hiểu rằng công việc linh hoạt thực sự có thể tạo ra năng suất cao hơn và kết quả dự án tốt hơn.

Một trong những thách thức lớn nhất mà các nhà tuyển dụng truyền thống phải vượt qua đó là xu hướng quản lý vi mô và giám sát nhân viên của họ.

Việc đánh mất quyền kiểm soát có thể khiến bạn cảm thấy như rơi vào sự hỗn loạn, nhưng với sự lãnh đạo và cách tiếp cận đúng đắn, sự hỗn loạn đó có thể nhanh chóng biến thành sự đổi mới.

Để giúp doanh nghiệp của bạn thích nghi với sự thay đổi mang tính cách mạng này trong phong cách quản lý, môt công cụ quản lý và phối hợp công việc như Slack là điều mà bạn không thể bỏ qua.

Ngày nay, một phần đáng kể công việc đang diễn ra trên các ‘đám mây’. Vậy nên không có lý do gì để không thể quản lý con người thông qua môi trường trực tuyến.

Mô hình quản lý dựa trên chất lượng công việc đầu ra này mang lại cho nhân viên của bạn sự độc lập, khả năng sáng tạo và minh bạch hơn trong việc giải trình trách nhiệm.

‘Bộ mặt mới’ của nơi làm việc.

Trước đại dịch, khái niệm về công việc hay môi trường linh hoạt nghe có vẻ hơi rủi ro đối với nhiều nhà tuyển dụng, nhưng trong và sau đại dịch thì mọi thứ dường như đã khác.

Các doanh nghiệp buộc phải vận hành và quản lý từ xa.

Khi mọi thứ trở lại bình thường và các lệnh giãn cách dần bị gỡ bỏ, đó là thời điểm tuyệt vời để khám phá một mô hình làm việc kết hợp giữa trong văn phòng và ngoài văn phòng – theo cách riêng của từng doanh nghiệp.

Nếu suy nghĩ về việc giải phóng lực lượng lao động của bạn vào một nền văn hóa làm việc linh hoạt vĩnh viễn khiến bạn có phần lo lắng, hãy nhớ rằng các nhân sự và tài năng trẻ rất coi trọng lối sống cân bằng.

Khi doanh nghiệp của bạn đã sẵn sàng tiếp nhận một nền văn hóa linh hoạt hơn, bạn sẽ có thể cải thiện việc thu hút các thế hệ trẻ sáng giá nhất hiện nay.

Với ý thức thực sự về tầm quan trọng của sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, các tài năng trẻ sẽ phát huy tốt nhất vai trò của họ và phát triển cùng với doanh nghiệp của bạn.

Điều đó thực sự có lợi cho tất cả mọi người trong tổ chức.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh | MarketingTrips