Skip to main content

Thẻ: Naver

HyperCLOVA X: Gã khổng lồ internet của Hàn Quốc Naver ra mắt AI mới

Theo CNBC, “gã khổng lồ” internet Hàn Quốc Naver vừa tung ra chatbot CLOVA X, chính thức gia nhập cuộc đua trí tuệ nhân tạo (Generative AI).

Naver cho biết mô hình ngôn ngữ lớn (LLMs) HyperCLOVA X sẽ giúp cải thiện trải nghiệm tìm kiếm, marketing và mua sắm cho các nhà quảng cáo lẫn người dùng.

Bên cạnh đó, HyperCLOVA X còn hỗ trợ sản phẩm tìm kiếm và chatbot CLOVA X.

Naver ra mắt phiên bản HyperCLOVA đầu tiên vào năm 2021, đây là một trong số ít LLM trên thế giới vượt qua 100 tỉ tham số, đồng thời cũng là mô hình đầu tiên được đào tạo bằng tiếng Hàn.

Giám đốc điều hành Naver Cloud Kim Yuwon nói rằng CLOVA X sẽ giúp người dùng tăng năng suất làm việc, tiết kiệm 10 – 50% thời gian bằng cách tóm tắt tài liệu, dịch ngôn ngữ, soạn thảo email và bài đăng trên blog.

“Ông lớn” công nghệ Hàn Quốc xem ChatGPT là một đối thủ đáng gờm và đang nỗ lực để đuổi kịp chatbot này. Kim cho biết khả năng thông thạo tiếng Hàn là lợi thế của HyperCLOVA, nhưng công ty cần cải thiện các ngôn ngữ khác nhau như tiếng Anh để cạnh tranh với những công cụ hàng đầu khác.

Giám đốc điều hành Naver Choi Soo-yeo cho biết công ty đã đầu tư tổng cộng 756,8 triệu USD trong 3 – 4 năm qua cho việc nghiên cứu và phát triển AI.

Naver muốn tìm cách phát triển công cụ AI nhắm đến các quốc gia và khu vực không nói tiếng Anh, như Nhật Bản và Đông Nam Á. Choi chia sẻ công ty đang đàm phán với đối tác toàn cầu về việc mở rộng dịch vụ và sẵn sàng đối mặt với những thay đổi mới do AI tạo ra.

Tuy nhiên, nhà phân tích nghiên cứu cấp cao Dalton Investments James Lim cho rằng Naver vẫn đang chậm một bước so với các công ty toàn cầu khác.

Ngoài ra, Naver đang hợp tác phát triển chip với Samsung Electronics để hỗ trợ trong quá trình huấn luyện AI. Đây không chỉ là việc thương mại hóa công nghệ, Naver cần một con chip bán dẫn hiệu quả có chi phí thấp để cải thiện chất lượng dịch vụ của mình, Kim nói.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Hà Anh  | MarketingTrips   

Yahoo Nhật Bản có thể chấm dứt thoả thuận hợp tác với Google

Theo đó, theo thông tin mới đây từ Nikkei, Yahoo Nhật Bản đang cân nhắc việc lựa chọn tìm kiếm một đối tác cung cấp công nghệ tìm kiếm (search engine technology) khác thay cho Google hiện tại.

Yahoo Nhật Bản có thể chấm dứt thoả thuận hợp tác với Google
Yahoo Nhật Bản có thể chấm dứt thoả thuận hợp tác với Google

Hợp đồng của Yahoo với Google sẽ hết hạn vào cuối tháng 3 năm 2025. Để xác định xem có nên gia hạn tiếp thỏa thuận hay không, Yahoo Nhật Bản đã bắt đầu một cuộc kiểm tra kỹ thuật nội bộ có tên là “bucket test”.

Z Holdings, chủ sở hữu của Yahoo Nhật Bản, đã công bố kế hoạch đưa Yahoo và LINE vào dưới sự bảo trợ của mình vào tháng 10 và thành lập một công ty mới có tên là LINE Yahoo.

Cổ đông chính của LINE Yahoo sẽ là Naver, một gã khổng lồ cung cấp các dịch vụ Internet của Hàn Quốc, hiện chiếm hơn 60% thị phần trong thị trường tìm kiếm của nước này.

Trong bối cảnh hiện tại, Naver đang nỗ lực phát triển công nghệ tìm kiếm kết hợp với AI tổng quát nhằm mục đích “xuất khẩu” công cụ tìm kiếm sang Nhật Bản và các quốc gia mà LINE đang rất phổ biến.

Theo báo cáo tài chính của Z Holdings, Yahoo đã ký hợp đồng với Google Châu Á Thái Bình Dương (APAC) từ tháng 7 năm 2010.

Theo các điều khoản của thỏa thuận, Yahoo Nhật Bản được phép tự do phát triển và kết hợp các chức năng bổ sung để phân biệt kết quả tìm kiếm của mình với kết quả tìm kiếm của các đối thủ cạnh tranh khác.

Ở một khía cạnh khác, chính phủ Nhật Bản cũng đang theo dõi tác động của việc Yahoo thay đổi đối tác. Với sự phát triển nhanh chóng của các công cụ tìm kiếm kết hợp với trí tuệ nhân tạo (AI), các nhà cung cấp công nghệ tìm kiếm cũng có thể ảnh hưởng rất lớn đến việc bảo vệ quyền riêng tư của người tiêu dùng và cả an ninh kinh tế.

Cụ thể, liên quan đến việc sáp nhập LINE và Yahoo, vào năm 2021, LINE bị phát hiện là đã cho phép một doanh nghiệp có liên kết với Trung Quốc truy cập dữ liệu cá nhân của người dùng trong nước.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Nam Nguyen | MarketingTrips

Kakao và Naver thay đổi cơ chế làm việc để giữ chân nhân viên

Kakao và Naver, hai hãng công nghệ thông tin hàng đầu Hàn Quốc, giới thiệu hệ thống làm việc linh hoạt hơn, bắt đầu từ tháng sau để giữ chân nhân tài.  

Từ ngày 4/7, nhân viên Kakao có thể làm việc 4 ngày/tuần, nghỉ thứ Sáu mỗi hai tuần và làm việc từ bất kỳ nơi nào. Trong khi đó, nhân viên Naver lựa chọn giữa hai chế độ: Làm việc từ xa hoàn toàn hoặc làm việc tại văn phòng 3 ngày/tuần.

Kakao sẽ thí điểm chính sách mới từ tuần đầu tháng 7. Công ty khuyến nghị nhân viên gặp mặt tuần một lần và giao tiếp trực tiếp để giải quyết các vấn đề không xử lý được bằng các hình thức trực tuyến.

Với những người đã làm cho Kakao 3 năm trở lên, chế độ làm việc hiện hành – trong đó nhân viên có tối đa 30 ngày nghỉ phép mỗi năm – sẽ tiếp tục.

Một nhân viên họ Kang cho biết, chính sách vẫn còn mới mẻ và mọi người chỉ mới làm quen với nó. “Tôi không biết mọi người có hài lòng không nhưng chắc chắn sẽ vui mừng vì được nghỉ thêm một ngày”.

Naver cũng áp dụng chế độ làm việc linh hoạt “Connected Work” từ thứ Hai, 4/7. Họ đưa vào hai hệ thống – Type O và Type R – để nhân viên lựa chọn. Mỗi 6 tháng, nhân viên có thể chuyển đổi hệ thống tùy thuộc vào nhu cầu của mình.

Những người chọn Type R sẽ làm việc từ xa hoàn toàn, còn Type O làm việc tại văn phòng 3 ngày/tuần.

Những người chọn Type O có thể chọn ngày nào làm việc trên văn phòng, còn người chọn Type R có thể thi thoảng đến văn phòng nếu cần và ngồi tại một không gian chia sẻ.

Naver còn phát triển một chương trình xổ số, trong đó 10 nhân viên được lựa chọn ngẫu nhiên mỗi tuần để làm việc từ xa tại các văn phòng ở Chuncheon, Gangwon và Tokyo trong tối đa 5 ngày.

Một nhân viên họ Suh bày tỏ hài lòng với hệ thống mới của Naver. “Một số nhân viên sống cách xa trụ sở, thời gian đi làm mất hơn 1 tiếng. Làm việc tại nhà sẽ tiết kiệm nhiều thời gian và mọi người tập trung hơn tại những nơi họ thấy thoải mái”.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Du Lam (Theo Korea Times) | ICT News

Từ hai bàn tay trắng, nhà sáng lập Kakao trở thành người giàu nhất Hàn Quốc

Giá trị cổ phiếu tăng vọt giúp Kim Beom-su, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Kakao trở thành người giàu nhất Hàn Quốc, qua mặt cả thái tử Samsung Lee Jae-yong.

Tính đến ngày 22/6, cổ phiếu công ty công nghệ Kakao đã tăng hơn 110% trong năm 2021, giúp tài sản của nhà sáng lập Kim Beom-su tăng thêm 5,6 tỷ USD.

Nhờ đó, theo tính toán độc lập của cả tạp chí Forbes và tờ Bloomberg, Kim Beom-su đã trở thành người giàu nhất Hàn Quốc với khối tài sản khoảng 16,3 tỷ USD.

Xếp sau Kim Beom-su là Seo Jung-jin (13,2 tỷ USD), đồng sáng lập hãng dược phẩm Celltrion và thái tử Lee Jae-yong (12,2 tỷ USD), người thừa kế đời thứ ba của tập đoàn Samsung.

Ông Kim Beom-su, 55 tuổi, là con thứ ba trong một gia đình nghèo năm anh em, có bố làm công nhân và mẹ là phục vụ khách sạn.

Thời trẻ, ông có 5 năm làm việc ở bộ phận IT của Samsung trước khi lập ra Hangame, một nhà phát triển game nổi tiếng mà sau đó sáp nhập với ‘gã khổng lồ’ tìm kiếm Naver.

Năm 2010, ở tuổi 44, Kim Beom-su lập ra Kakao và ứng dụng nhắn tin KakaoTalk đã nhanh chóng vươn mình trở thành nền tảng dịch vụ di động số một Hàn Quốc.

Điều này biến Kakao trở thành tập đoàn lớn mạnh sáng ngang với các chaebol như Samsung, Hyundai, SK hay LG, tức những tập đoàn gia đình khổng lồ của Hàn Quốc.

Mảng kinh doanh số của Kakao đã rất thuận lợi trước khi Covid-19 bùng phát và càng thuận lợi hơn trong mùa dịch. Dịch vụ KakaoTalk hiện có 45 triệu người dùng và chiếm 95% thị phần ở Hàn Quốc, theo Counterpoint Research.

kakao talk

Kakao hiện còn đang kinh doanh quảng cáo, thương mại điện tử, bản đồ trực tuyến, game và dịch vụ tài chính. Công ty còn có thêm webtoon, một dạng truyện tranh cuốn chiếu xuất bản trên mạng rất được ưa chuộng không chỉ ở Hàn Quốc mà còn trên thế giới.

Mở rộng sang mảng tài chính, Kakao Pay hiện đang hợp tác với Ant Group của Alibaba để cải tiến công nghệ QR, nhận dạng khuôn mặt và nền tảng thanh toán.

Một mảng kinh doanh khác là Kakao Games đã gọi được vốn 320 triệu USD sau khi lên sàn vào tháng 9/2020. Tháng tới, Kakao tiếp tục kỳ vọng thu về 1,8 tỷ USD khi Kakao Bank mở bán cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO).

Mảnh đất tiếp theo mà Kakao nhắm tới là B2B2C (doanh nghiệp tới doanh nghiệp tới khách hàng) như dịch vụ đám mây của Amazon hay Microsoft.

Công ty cũng có ý định mở rộng sang lĩnh vực giải trí với Kakao Entertainment và vận tải với Kakao Mobility. Cả hai dự kiến IPO vào năm sau.

Mục đích cuối cùng của Kakao sau khi thâu tóm và sáp nhập hơn 100 công ty khác nhau chính là tạo ra một hệ sinh thái, siêu ứng dụng giống như WeChat.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Giang Nguyễn | MarketingTrips