Skip to main content

Thẻ: strategic thinking

Strategic Thinking: Cách thể hiện kỹ năng tư duy chiến lược của bản thân

Phát triển kỹ năng tư duy chiến lược (Strategic Thinking) là không đủ để giúp bạn thăng tiến. Học cách thể hiện chúng với người khác cũng là những gì bạn cần trang bị.

Cách thể hiện kỹ năng tư duy chiến lược của bản thân
Cách thể hiện kỹ năng tư duy chiến lược của bản thân

Tất cả chúng ta đều biết rằng việc phát triển các kỹ năng tư duy chiến lược là rất quan trọng, nhưng nhiều người không nhận ra rằng việc thể hiện những kỹ năng này với sếp và các nhà lãnh đạo cấp cao khác cũng có ý nghĩa quan trọng không kém đối với sự thăng tiến nghề nghiệp của một cá nhân.

Việc thể hiện các kỹ năng tư duy chiến lược tới sếp của bạn giúp họ biết rằng bạn có thể tự suy nghĩ và đưa ra quyết định mang tính định vị tổ chức trong tương lai.

Nó đảm bảo với họ rằng bạn không đưa ra quyết định một cách vu vơ và cảm tính, thay vào đó bạn luôn xem xét các tác động của các quyết định đến các bộ phận khác nhau trong và ngoài doanh nghiệp.

Strategic Thinking hay tư duy chiến lược là gì?

Hiểu một cách đơn giản, Strategic Thinking hay tư duy chiến lược là một kiểu tư duy trong đó hướng đến yếu tố dài hạn và có tính toán kỹ lưỡng.

Thay vì suy nghĩ theo kiểu các yếu tố có thể tác động hay ảnh hưởng trong ngắn hạn hoặc đơn lẻ, người có tư duy chiến lược thường tính toán một cách toàn diện và đa chiều hơn.

Hãy trở thành “người đa năng” (Generalist).

Quá trình phát triển các kỹ năng tư duy chiến lược đòi hỏi bạn phải tiếp xúc với các vai trò chiến lược khác, tổng hợp thông tin rộng rãi từ nhiều phía, tự trang bị cho mình tính cách tò mò và liên tục trau dồi các kinh nghiệm mới.

Điều này giải thích lý do tại sao các chương trình phát triển khả năng lãnh đạo hay nhà lãnh đạo tiềm năng thường bao gồm các hoạt động như luân chuyển công việc, thực hiện chéo các dự án và thường xuyên làm việc với các nhà lãnh đạo cao cấp khác – tất cả đều hướng tới mục tiêu là thúc đẩy khả năng tư duy chiến lược.

Bạn cần đóng nhiều vai.

Mặt khác, thể hiện tư duy chiến lược đòi hỏi bạn phải đồng thời là một marketer, một nhân viên bán hàng và là một hạt nhân của mọi sự đổi mới.

Khả năng chủ động truyền đạt các nỗ lực chiến lược và cả những ý tưởng chiến lược mới là những động thái khiến sếp và những đồng nghiệp khác chú ý đến bạn.

Người có Strategic Thinking đưa ra một quan điểm rõ ràng và mạch lạc.

Các nhà lãnh đạo của bạn muốn biết khi đứng trước một vấn đề gì đó, bạn nghĩ gì và họ sẽ xem xét mức độ xứng đáng để thăng tiến của bạn thông qua lăng kính về mức độ bạn sẵn sàng đưa ra những quyết định lớn hơn và khác biệt hơn.

Bằng cách tự hỏi bản thân, “Liệu mọi người có biết tôi đang đại diện cho điều gì và đảm nhận sứ mệnh gì không?” bạn có thể rèn luyện khả năng thể hiện kỹ năng này.

Nam, một lãnh đạo cấp cao điều hành một chuỗi chức ăn nhanh có tiếng đang muốn được đề bạt lên ví trí cao hơn, tuy nhiên, trong những năm gần đây anh bị các giám đốc điều hành cùng nhiều nhân viên khác cho rằng anh không đủ khả năng tư duy chiến lược, họ cho rằng anh có thể điều hành và giữ cho công việc của mình trở nên ổn định nhưng lại không thể có đủ tầm nhìn để đưa doanh nghiệp phát triển đến một nấc thang mới.

Nhận thức được vấn đề của mình, Nam đã bắt đầu thay đổi bằng cách, trước các cuộc họp khoảng 30 phút, anh dành toàn bộ thời gian đó để liệt kê ra những quan điểm, định hướng, đường lối, những thứ mà anh sẽ thảo luận cùng các đồng nghiệp khác.

Giờ đây, thay vì chỉ đóng vai trò đưa ra ý kiến và thảo luận trong các cuộc họp, Nam có thể tham gia vào các cuộc thảo luận mang tính định hướng tới tương lai, về các cơ hội tận dụng chiến lược và phát triển kỹ năng lãnh đạo cho đội nhóm của mình.

Chứng tỏ rằng bạn có tư duy chiến lược là một cách chắc chắn để khiến các nhà lãnh đạo và cộng sự khác chú ý đến bạn.

Chứng tỏ rằng bạn có thể khởi xướng cho sự đổi mới và những thay đổi mang tính chiến lược.

Để được xem như một nhà tư tưởng chiến lược, bạn cũng phải chứng minh rằng bạn có thể sử dụng kiến ​​thức của mình để đưa những ý tưởng mới và biến nó thành hiện thực.

Bất kể trình độ của bạn là gì, bạn có thể thể hiện tư duy chiến lược bằng cách thực hiện một dự án sáng tạo cho thấy hiểu biết của bạn vượt ra ngoài vị trí hiện tại của bạn.

Quay lại câu chuyện của Nam, để tiếp tục thể hiện năng lực tư duy chiến lược của bản thân, anh đã chủ động đề xuất những chương trình mới cho các chuỗi cung ứng của công ty.

Anh đã thông báo rõ ràng về dự án và các mốc quan trọng khác của dự án trong toàn bộ tổ chức, điều này giúp các nhà lãnh đạo khác trong tổ chức thấy rằng anh có thể khởi xướng, dẫn dắt và điều hành những sự thay đổi mới.

Việc mạnh dạn đề xuất những thay đổi có thể tăng thêm giá trị cho doanh nghiệp là một sự thay đổi đáng hoan nghênh đối với cả Nam và các đồng nghiệp của anh.

Nam giờ đây cảm thấy mình có khả năng kiểm soát vấn đề tốt hơn, nhiều tự tin hơn vì anh ấy không còn chỉ đơn giản là phản ứng lại với các đề xuất và vấn đề của người khác nữa, thay vào đó anh chủ động đổi mới, dẫn dắt và định hướng mọi người.

Nam được thăng chức lên vai trò mới một năm sau đó!

Xem thêm:

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Nam Nguyen

Strategic Thinking: Các nhà lãnh đạo nên đầu tư nhiều hơn vào tư duy chiến lược

Tư duy chiến lược là năng lực then chốt của một nhà lãnh đạo – tuy nhiên đối với nhiều người, họ đã không dành đủ thời gian và không gian để phát triển nó.

tư duy chiến lược
Source: ShutterStock

Hầu hết các nhà lãnh đạo đều muốn dành nhiều thời gian hơn cho tư duy chiến lược (strategic thinking).

Trong một cuộc khảo sát được công bố bởi HBR với 10.000 nhà lãnh đạo cấp cao, 97% trong số họ nói rằng ‘có chiến lược’ là năng lực lãnh đạo quan trọng nhất đối với sự thành công của tổ chức của họ.

Và trong một nghiên cứu khác từ StrategySkills, 96% các nhà lãnh đạo được khảo sát cho biết họ thiếu thời gian để phát triển tư duy chiến lược.

Phần lớn lý do được các nhà lãnh đạo này đưa ra là họ quá bận rộn với các cuộc họp, các nhiệm vụ hằng ngày, hàng loạt email cần xử lý…và nhiều thứ khác.

Trong khi các nhà lãnh đạo phải dính chặt với các công việc thường nhật, đó hiếm khi là công thức để phát triển tư duy chiến lược sáng tạo.

Trên thực tế, theo một nghiên cứu của Pew Research được công bố trên trang CNBC, năng suất sẽ giảm dần đối với những người làm việc hơn 50 giờ mỗi tuần.

Theo một nghiên cứu khác của Đại học Stanford, các hoạt động ngoài trời như đi bộ hay đạp xe thực sự có thể thúc đẩy tư duy sáng tạo của con người.

Một rào cản khác khiến mọi người bị hạn chế với tư duy chiến lược đến từ các suy nghĩ bên trong của chính họ. Một nghiên cứu cho thấy, sự bận rộn đang được coi là một dấu hiệu của địa vị xã hội.

Bà Silvia Bellezza, Phó Giáo Sư của Trường Kinh doanh Columbia cho biết: “Bằng cách nói với người khác rằng chúng ta bận rộn và làm việc mọi lúc mọi nơi, chúng ta đang ngầm gợi ý rằng chúng ta là những người có địa vị và đang được săn đón.”

Do đó bằng cách loại bỏ các rào cản hay suy nghĩ về lòng tự trọng hay địa vị đến từ bên trong, các nhà lãnh đạo sẽ có nhiều cách hơn để phát triển tư duy chiến lược của họ.

Dưới đây là một số cách khác các nhà lãnh đạo có thể sử dụng để tạo ra cho mình nhiều thời gian và không gian hơn trong quá trình này.

Đầu tiên, điều quan trọng nhất cần nhớ là tư duy chiến lược không nhất thiết đòi hỏi phải bỏ ra nhiều thời gian; điều này có nghĩa là, các nhà lãnh đạo không phải chờ đến khi họ có thật nhiều thời gian thì mới có thể phát triển tư duy chiến lược.

Một chuyên gia về hiệu suất làm việc chia sẻ: “Bạn không cần nhiều thời gian để có một ý tưởng hay, bạn chỉ cần không gian…. bạn sẽ không mất quá nhiều thời gian để có một ý tưởng sáng tạo hoặc đưa ra quyết định, nhưng nếu bạn không có đủ không gian (tức về mặt tinh thần), mọi thứ khác dường như là vô nghĩa”.

Ngay cả khi bạn đang bận rộn với vô số các trách nhiệm và thời gian thì có hạn, việc tư duy một cách chiến lược sẽ dễ dàng hơn rất nhiều nếu bạn có thể làm những việc đơn giản như viết ra tất cả các nhiệm vụ còn tồn đọng của bạn trên một mẫu giấy nhỏ nào đó để bạn có thể phân loại chúng một cách hợp lý và không bị gián đoạn bởi những thứ khác.

Thứ hai, sẽ rất hữu ích nếu bạn biết rõ thời gian của mình đang được sử dụng như thế nào. Để hiểu rõ hơn về cách thời gian của tôi đã được “tiêu xài”, tôi quyết định dành ra vài tháng để theo dõi cách tôi sử dụng nó.

Kết quả mà tôi có được là hiểu chính xác hơn về vị trí và cách tôi sử dụng thời gian, tôi loại bỏ những công việc ít giá trị và tập trung nhiều hơn vào những thứ mang nhiều giá trị.

Trong quá trình này, bạn cũng có thể phát hiện ra rằng bạn có thể giao cho nhân viên hoặc thuê ngoài hoặc cắt bớt những công việc “vô hình” nào đó và cho mình nhiều thời gian hơn.

Cuối cùng, một khi chúng ta nhận thức được sự sai lệch của khái niệm “Bận = Quan trọng” cũng như những mối nguy tiềm ẩn của nó, việc thiết lập một mô hình tư duy chiến lược mới cũng dễ dàng hơn rất nhiều.

Một doanh nhân từng cho rằng: “Bạn chỉ bận rộn khi bạn làm theo lịch trình do người khác giao phó.”

Bằng cách thay đổi cách chúng ta nghĩ về sự bận rộn – từ các dấu hiệu của địa vị đến các dấu hiệu của tầm quan trọng – chúng ta có thể loại bỏ nhiều rào cản từ mặt tâm lý đến các hành động cụ thể và rồi chúng ta luôn có đủ không gian và thời gian cho những thứ chiến lược nhất.

Thực hành và phát triển tư duy chiến lược không phải là một công việc dễ dàng, tuy nhiên thông qua việc áp dụng nó vào cuộc sống hàng ngày, tận dụng từng khoảnh khắc nhỏ để phát huy nó, các nhà lãnh đạo sẽ dần xây dựng được cho mình nhiều năng lực cạnh tranh hơn trong bối cảnh kinh doanh đang thay đổi nhanh chóng này.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Giang Nguyễn