Skip to main content

Thẻ: thanh toán

TikTok đang đối mặt với những phản ứng dữ dội của các nhà sáng tạo

Các nhà sáng tạo nội dung (content creator) đang tỏ ra rất bức xúc với mô hình thanh toán thiếu chính xác của TikTok.

TikTok đang đối mặt với những phản ứng dữ dội của các nhà sáng tạo

Theo đó, một số nhà sáng tạo có tiếng tăm trên nền tảng đang đặt ra những câu hỏi về các tùy chọn kiếm tiền đồng thời nêu bật một số sai sót chính trong quy trình thanh toán hiện tại của TikTok.

Theo TikToker Hank Green, Quỹ nhà sáng tạo (Creator Fund) hiện tại của TikTok được phân bổ 200 triệu USD để trả cho những nhà sáng tạo với các video có hiệu suất cao nhất (dành cho những người có tổng lượt xem trên 100.000 mỗi tháng), tuy nhiên quá trình phân bổ lại không công bằng cho những người sáng tạo hàng đầu vì số tiền thanh toán là cố định, trong khi số lượng người dùng và nhà sáng tạo vẫn liên tục tăng.

Theo giải thích của Green:

“Về bản chất, vì số tiền có trong quỹ là cố định trong khi ngày càng có nhiều nhà sáng tạo hơn đăng ký mới vào quỹ, điều này có nghĩa là TikTok sẽ chi trả cho số lượng người nhiều hơn và hiển nhiên số tiền mà mỗi nhà sáng tạo sẽ bị ít đi.”

Điều này hoàn toàn trái ngược với YouTube, nơi nhà sáng tạo được trả tiền dựa trên số lượt xem quảng cáo mà nội dung thực tế của họ đã tạo ra.

TikTok không thể mang lại doanh thu bằng cách này vì khó có thể chèn quảng cáo vào giữa hoặc đầu các video ngắn chỉ tính bằng giây, vì vậy, họ cần tính toán lại các phương án hấp dẫn hơn cho các nhà sáng tạo.

Tương tự như lý do sụp đổ của ứng dụng video dạng ngắn Vine, điều này đang đặt ra một thách thức không hề nhỏ cho TikTok.

Theo thông tin từ WSJ, công ty mẹ ByteDance của TikTok đã mang về 34,3 tỷ USD doanh thu vào năm 2020 và mặc dù không phải tất cả doanh thu đó đều đến từ TikTok, nhưng thị phần thì đang được thúc đẩy nhiều nhất bởi sự tăng trưởng của TikTok.

Trước nhiều bất ổn gần đây liên quan đến phương thức kiếm tiền của các nhà sáng tạo, TikTok đã đưa ra một tuyên bố mới:

“Chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục lắng nghe và tìm kiếm các phản hồi từ cộng đồng những nhà sáng tạo đồng thời phát triển các tính năng mới của mình để cải thiện trải nghiệm cho những nhà sáng tạo đã tham gia chương trình.”

“Chúng tôi hy vọng mọi thứ sẽ sớm trở nên ổn định.”

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Giang Nguyễn

Thanh toán số Đông Nam Á bứt tốc trong đại dịch

Thanh toán số lên ngôi là dấu hiệu khả quan cho thương mại điện tử Đông Nam Á, giúp nâng cao trải nghiệm người dùng, tăng tính an toàn, tiện lợi khi mua sắm.

Thanh toán số

Thanh toán số hiện là một trong ba nhánh chủ chốt cấu thành hệ sinh thái thương mại trực tuyến, cùng với các sàn thương mại điện tử và hệ thống logistics.

Trong năm 2021, toàn Đông Nam Á đã và đang trải qua cuộc chuyển đổi số mạnh mẽ về nhiều mặt nhờ sự thúc đẩy từ các trở ngại do dịch bệnh gây ra, hạn chế về mặt đi lại, tiếp xúc…

Chỉ trong giai đoạn 2017-2020, thống kê từ Techwire Asia cho thấy đối tượng dùng ví điện tử toàn cầu đã bùng nổ từ 500 triệu lên 2,8 tỷ người. Tốc độ tăng trưởng kỹ thuật số mỗi quốc gia là khác nhau, song đều ghi nhận bứt tốc mạnh mẽ trong những năm gần đây.

Nổi bật trong có Đông Nam Á khi từng là thị trường phát triển nhanh nhất thế giới về thanh toán số. Trên thực tế, khu vực này đã được các chuyên gia fintech xem là một trong những cường quốc thanh toán kỹ thuật số của thế giới.

Theo một báo cáo mới của IDC được ủy quyền bởi nền tảng thanh toán toàn cầu 2C2P, toàn thị trường Đông Nam Á đang trải qua một cuộc chuyển đổi tài chính thúc đẩy bởi thanh toán kỹ thuật số.

Đầu tiên, báo cáo ước tính rằng chi tiêu cho thương mại điện tử sẽ tăng 162%, đạt 179,8 tỷ USD vào năm 2025 trong toàn khu vực. Trong đó, thanh toán kỹ thuật số chiếm 91% giao dịch.

Các báo cáo gần đây của Google, Temasek Holdings và Bain & Company cũng chỉ ra rằng hiện có hơn 75% dân số ở 6 quốc gia Đông Nam Á lớn đã truy cập internet và phần lớn trong số họ đã mua sắm trực tuyến ít nhất một lần.

Trong đó, có hơn 60 triệu người sử dụng dịch vụ kỹ thuật số đầu tiên do ảnh hưởng Covid-19. Một phần ba số đó thậm chí chỉ mới mới làm quen với internet trong nửa đầu năm 2021.

Theo IDC, sự gia tăng này sẽ còn tiếp tục được thúc đẩy bởi sự thay đổi xu hướng tiêu dùng, bán lẻ, khi ngày càng có nhiều tùy chọn thanh toán toàn diện hơn.

Với sự bùng nổ của thương mại điện tử với 222 triệu người dùng vào năm 2020, IDC ước tính ngành này dự kiến chạm mức khoảng 411 triệu người dùng vào năm 2025, nhờ sự xuất hiện của các phương thức thanh toán mới.

Các phương thức thanh toán mới như ví điện tử và mô hình “mua trước trả sau” (buy now, pay later) đã dần khiến người dùng toàn cầu dịch chuyển hành vi giao dịch từ hình thức truyền thống, tiền mặt sang không tiền mặt.

Trong đó, “mua trước trả sau” chiếm 1% tổng thanh toán thương mại điện tử năm 2020. Con số này ước tính sẽ tăng lên 5% vào năm 2025 và tăng gấp 9,7 lần giá trị chi tiêu.

Mặt khác, IDC cũng nhấn mạnh về sự tăng trưởng đáng kinh ngạc của Đông Nam Á nhờ thị trường thương mại điện tử ngày càng dễ tiếp cận hơn.

Báo cáo của họ ước tính sẽ có 188,6 triệu người dùng mới vào năm 2025. Các thị trường lớn và tiềm năng cho lĩnh vực thanh toán thương mại điện tử tại khu vực này gồm có Indonesia (83 tỷ USD), Việt Nam (29 tỷ USD) và Thái Lan (24 tỷ USD).

Ngoài ra, với sự gia nhập của hàng trăm triệu người tiêu dùng thương mại điện tử mới, họ cũng đòi hỏi nhiều loại hình dịch vụ thanh toán hơn.

Philippines, Việt Nam và Thái Lan cũng được dự báo sẽ có những thay đổi đáng chú ý trong 5 tới, khi người dân tại đây ngày càng hạn chế sử dụng tiền mặt và chuyển sang thanh toán số.

Cuối báo cáo, IDC lưu ý rằng các tùy chọn thanh toán số tại khu vực này được ưa chuộng hơn vì có thể áp dụng dễ dàng trên khắp Đông Nam Á.

Trong giai đoạn 2020-2025, ví điện tử và “mua trước trả sau” tại đây dự kiến sẽ tăng trưởng lần lượt là 30% và 58%. Tổ chức này cũng tuyên bố Indonesia sẽ dẫn đầu toàn khu vực khi chào đón hơn 100 triệu người dùng ví điện tử mới vào năm 2025.

Thái Nghiên (Theo Techwire Asia)

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh

Tham vọng trong mảng thanh toán của Gojek Việt Nam

Gojek gần như đã hoàn thiện hệ sinh thái của mình tại Việt Nam, bên cạnh dịch vụ gọi xe, giao đồ ăn và giao hàng, sắp tới sẽ có thêm các dịch vụ thanh toán.

Gojek Việt Nam và Visa vừa công bố hợp tác đưa tính năng thanh toán số qua thẻ Visa vào ứng dụng Gojek, đẩy mạnh hoạt động thanh toán của cả 2 công ty trên nền tảng số.

Bà Đặng Tuyết Dung – CEO Visa tại Việt Nam và Lào cho biết, việc cung cấp hình thức thanh toán điện tử trên ứng dụng Gojek sẽ giúp Visa nâng cao trải nghiệm của khách hàng và tăng cường sự an toàn cho tất cả mọi người.

Về phần mình, Gojek Việt Nam ngày một tỏ rõ tham vọng về tính năng quan trọng nhất mà Gojek sẽ ra mắt trong năm nay tại Việt Nam là ví điện tử.

Trước đó, vào khoảng tháng 8/2020, Gojek Việt Nam đã thâu tóm thành công Công ty TNHH Dịch vụ Thanh toán WePay.

WePay, tiền thân là SohaPay – một sản phẩm của VCCorp, được cấp giấy phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán của Ngân hàng Nhà nước vào tháng 3/2017.

WePay cung cấp các dịch vụ hỗ trợ thanh toán và hiện đã hợp tác với 4 nhà phát hành thẻ quốc tế, 24 ngân hàng bản địa và hơn 1.000 người bán hàng trên nền tảng của họ, được cấp phép hoạt động ví điện tử từ năm 2017.

Nhờ đó, Gojek đã hoàn thiện hệ sinh thái của mình tại Việt Nam, bên cạnh dịch vụ gọi xe, giao đồ ăn và giao hàng.

“Nỗ lực này cũng phù hợp với định hướng của chính phủ Việt Nam, thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.

Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng các tính năng thanh toán kỹ thuật số, bao gồm sớm ra mắt ví điện tử, để hàng triệu người Việt Nam có thể tận hưởng lợi ích của nền kinh tế số”, CEO Phùng Tuấn Đức nói.

Việt Nam đã chứng kiến ​​sự tăng trưởng đáng kể của thương mại điện tử, với gần 30% tổng số doanh nghiệp tiếp nhận đơn đặt hàng qua các kênh trực tuyến trong năm 2020, tăng so với mức 19% của năm 2019.

Xu hướng này được củng cố khi các công nghệ dành cho nền tảng ứng dụng ngày càng trở nên phổ biến vào năm 2020, đặc biệt trong các lĩnh vực vận chuyển, giao nhận, kinh doanh ẩm thực và bán lẻ.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, thương mại kỹ thuật số sẽ càng trở thành xu thế khi người tiêu dùng buộc phải thích nghi với nhiều thói quen tiêu dùng mới trên nền tảng số.

“Vào những thời điểm then chốt, các nền tảng như Gojek đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cho người tiêu dùng có thể thường xuyên sử dụng các dịch vụ mà họ cần trong cuộc sống hàng ngày”, ông Phùng Tuấn Đức – CEO Gojek Việt Nam chia sẻ.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Giang Nguyễn