Harvard: 5 kiểu thao túng tâm lý phổ biến chốn công sở
Phát hiện ra các kiểu hay hành vi thao túng tâm lý của người khác giúp bạn có lựa chọn sáng suốt trong công việc, thay vì bị lợi dụng.
Bạn có dự cảm xấu về dự án nhưng vẫn đồng ý hỗ trợ thực hiện? Đồng nghiệp hoặc đối tác công việc khẳng định có cùng quan điểm với bạn nhưng thực tế lại gây rối? Ở mức độ nào đó, bạn có thể nhận thấy nguy cơ sai lầm nhưng cuối cùng vẫn làm. Vậy chuyện gì đã diễn ra?
Nhiều biến số ảnh hưởng đến việc đưa ra quyết định hàng ngày của chúng ta. Bằng các chiến thuật khác nhau, một số người có thể ru ngủ, lừa dối hoặc thậm chí ép buộc chúng ta ra các quyết định có lợi cho mục đích riêng của họ.
Nói cách khác, họ thành thạo trong cách thao túng tâm lý đồng nghiệp, khiến đối phương mà họ nhắm đến ra các quyết định sai lầm như chấp nhận những dự án thiếu sáng suốt, ủng hộ những ý tưởng kém hoặc thực hiện các khoản giao dịch, đầu tư không đủ tiêu chuẩn.
Về đặc điểm chung, người thao túng cần bạn công nhận 3 giả định là sự thật – ngay cả khi chúng không rõ ràng, gồm: những người có liên quan cũng tin điều họ nói; ý kiến của họ không chỉ thực tế mà còn phù hợp với bạn; và lợi ích của bạn bị đe dọa khi muốn thách thức với quan điểm đó.
Thao túng tâm lý là gì?
Trên thực tế, “thao túng tâm lý” (gaslighting) đã lan rộng trong nhiều năm. Ông Peter Sokolowski, Tổng biên tập của Merriam-Webster, cho biết: “Đây là từ tiếng Anh được tìm kiếm rất nhiều, đặc biệt trong 4 năm qua, đến nỗi nó thực sự gây ngạc nhiên cho tôi và nhiều người”, AP dẫn lời. Người đứng đầu Merriam-Webster cũng nhận định “thao túng tâm lý” là từ được tra cứu thường xuyên mỗi ngày trong năm.
Định nghĩa của Merriam-Webster về gaslighting (danh từ) là “hành vi thao túng tâm lý của ai đó, thường kéo dài trong một khoảng thời gian dài, khiến nạn nhân nghi ngờ tính xác thực của suy nghĩ, nhận thức về thực tại hoặc ký ức của chính họ và thường dẫn đến nhầm lẫn, mất mát, nạn nhân nghi ngờ về sự tự tin và lòng tự trọng, không chắc chắn về cảm xúc hoặc tinh thần ổn định, phụ thuộc vào kẻ thao túng tâm lý”.
Gaslighting là công cụ ghê tởm thường được những kẻ lạm dụng sử dụng trong các mối quan hệ. Nó có thể xảy ra trong chính trị hoặc mối quan hệ tình cảm, gia đình hoặc bạn bè.
Các kiểu thao túng tâm lý phổ biến trong công việc hay ở chốn công sở.
Đánh cắp tín nhiệm.
Sarah, giám đốc một công ty chuyên tổ chức hội nghị công nghệ, cần tìm diễn giả cho sự kiện sắp tới. Khi ấy, một chuyên gia tham gia ứng cử, cho biết từng làm việc với Amazon, PayPal, Stripe và những thương hiệu lớn khác. Anh cũng muốn truyền cảm hứng cho các nhà sáng lập xuất thân từ tầng lớp trung lưu.
Quá ấn tượng, Sarah mời anh làm diễn giả. Nhưng sau vài phút thuyết trình, cô thấy hối hận. Chuyên gia không đưa ra lời khuyên nào cho khán giả mà lại giới thiệu các dịch vụ của bản thân. Thậm chí, anh còn tung chương trình “giảm giá đặc biệt một lần” cho dịch vụ ấy.
Sau thất bại này, Sarah điều tra xem bản thân bỏ lỡ điều gì về anh ta. Cô biết khách hàng của anh thực sự là nhân viên của Amazon, PayPal, Stripe nhưng không phải là các công ty đó. Chuyên gia mà Sarah mời đã gắn bản thân với các thương hiệu mà anh biết sẽ gây ấn tượng với cô, đồng thời gắn uy tín của họ cho mình.
Kinh nghiệm rút ra từ trường hợp này là khi có ai đó tự giới thiệu các quan hệ của mình, bạn nên kiểm tra tính xác thực. Hãy đặt nghi vấn chính xác mối liên hệ của người đó với những thương hiệu hay nhân vật mà họ đề cập là gì. Nếu không, bạn có thể rơi vào bẫy của những người thích đánh cắp tín nhiệm.
Chiếm sự ủng hộ bằng nỗi sợ.
Tuy thường có thiện cảm với người cùng sở thích, chúng ta lại có xu hướng thích ngay lập tức người có cùng quan điểm tiêu cực. Vì vậy, cần lưu ý rằng việc có chung cảm xúc tiêu cực có thể gắn kết mọi người nhưng cũng có thể bị lợi dụng để thao túng tâm lý.
Hãy xem xét kỹ bất kỳ chiêu trò nào liên quan đến mối đe dọa chung. Ví dụ, nếu ai đó nói về nỗi sợ của họ giống như bạn; hay khẳng định cũng bất bình đối với người, tình huống, hoặc thương hiệu mà bạn đối diện thì nên cảnh giác.
Cách họ sử dụng mối đe dọa chung rất quan trọng. Họ đề cập đến nó, do đó chính là vấn đề họ thực sự muốn giải quyết? Hay mối đe dọa chung này không có mục đích nào khác ngoài việc giúp họ gắn kết với bạn? Nếu ai khơi dậy sự tức giận hay nỗi sợ của bạn chỉ để thể hiện đồng quan điểm, họ đang khiến bạn phải chấp nhận bất cứ điều gì họ sẽ nói tiếp theo.
Giả mạo xác nhận thị trường.
Sau khi hợp tác với một thương hiệu mà không đạt hiệu quả doanh số, Jordan, một giám đốc Marketing, đã xem lại các nghiên cứu thị trường của thương hiệu này nhằm tìm hiểu vấn đề sai ở đâu. Anh nhận thấy các nghiên cứu chỉ mang tính giả thuyết và không nêu tên khách hàng thực tế. Thương hiệu này cũng khoe có lượng người truy cập lớn trên mạng xã hội nhưng mức độ tương tác lại thấp, cho thấy có thể có những người theo dõi “ảo”.
Đối với những người thao túng, làm giả xác nhận thị trường là mục tiêu dễ đạt. Họ hiểu có lượng khách hàng đông đảo hay bản thân nổi tiếng sẽ dễ gây được lòng tin của đối phương. Và họ hy vọng chúng ta sẽ tin những thông tin này là thật.
Hãy dành thời gian điều tra nguồn số liệu thị trường chi tiết mà đối tác công việc của bạn chia sẻ để tạo hình ảnh có lợi cho họ. Ứng dụng các công cụ, phương pháp thống kê, định lượng và phân tích dữ liệu web để xem mức độ tương tác trên mạng xã hội của đối tác đó, hơn là tin vào số lượt người theo dõi (follower).
Hạ uy tín đối thủ cạnh tranh.
Michael, giám đốc bán hàng của thương hiệu đồ uống dinh dưỡng, muốn hợp tác với một nhà phân phối địa phương. Nhưng có thương hiệu khác nhảy vào và nhà phân phối chỉ có thể chọn một để ký hợp đồng độc quyền.
Vì thế, Michael xuất chiêu. Anh nói với nhà phân phối rằng nhãn hiệu kia sẽ là lựa chọn mạo hiểm vì sản phẩm không được hiệp hội khoa học dinh dưỡng tin dùng và nhiều người xem nó “không an toàn”. Bằng cách đó, anh ngụ ý hợp tác sẽ có hại đến danh tiếng của nhà phân phối và thậm chí vướng trách nhiệm pháp lý.
Không có gì sai khi phê bình chất lượng hay sự phù hợp của sản phẩm cạnh tranh. Nhưng cố gắng hạ bệ uy tín đối thủ chính là thao túng tâm lý. Nếu ai đó chia sẻ những thông tin bất lợi về đối thủ cạnh tranh trong ngành của họ, bạn cần phải phân tích sự thật thông qua các đặc điểm.
Tìm hiểu kỹ nhận định “mọi người nghĩ” hoặc “cộng đồng tin tưởng” nhằm tìm ra ai thực sự nói điều gì. Chính xác những từ họ nói là gì? Họ sử dụng từ “không an toàn”, hay đó chỉ là một cách mô tả? Cách các bên liên quan khác diễn giải thông tin từ nguồn này, và họ có động cơ gì?
Chia rẽ và chinh phục.
Cade, giám đốc chuỗi cung ứng trong một công ty, không được đồng nghiệp tin tưởng vì luôn tham vọng quyền lực. Anh xin phép phó chủ tịch thành lập và điều hành ủy một ban giám sát. Bên ngoài, ủy ban này sẽ bảo vệ công ty khỏi những rủi ro – nhưng cung cấp cho Cade quyền truy cập nhật ký dự án riêng của các quản lý khác. Phó chủ tịch không bị thuyết phục, nhưng nói với Cade rằng sẽ cân nhắc nếu những người khác đồng ý.
Vì thế, Cade trưng cầu ý kiến các trưởng bộ phận. Anh nói với họ rằng bản thân đã nhận được hỗ trợ từ Phó chủ tịch. Các trưởng bộ phận không muốn đụng chạm, vì vậy họ chấp thuận. Sau đó, Cade nói với Phó chủ tịch rằng các trưởng bộ phận đều đồng ý, và ông cũng miễn cưỡng đồng ý.
Mọi người đều cảnh giác khi trao quyền giám sát cho Cade. Nhưng họ không muốn thách thức sếp và đồng nghiệp nên không ai lên tiếng. Vì vậy, Cade cho phó chủ tịch thấy được điều trông giống như “”nhất trí ủng hộ”.
Chiến thuật chia rẽ và chinh phục này trong tâm lý học được gọi là “vô tri đa nguyên”. Nó hoạt động bằng cách gây ra nỗi lo sợ giữa các thành viên trong nhóm khi phản đối một ý kiến tệ vì lầm tưởng bản thân đơn độc chống đối.
Nếu thấy bản thân bị áp lực phải chấp nhận đồng thuận một điều gì đó không ổn, hãy điều tra liệu nó có thực sự được số đông ủng hộ hay không. Hỏi đồng nghiệp xem họ thích điều gì ở ý tưởng này và thấy nó hữu ích như thế nào. Hãy chú ý đến ngữ điệu của họ. Họ hào hứng đầy thuyết phục hay chỉ đơn thuần chấp nhận?
Một số cách có thể áp dụng như tạo cơ hội cho những phản hồi thẳng thắn bằng cách tự nhận bạn cũng đang bối rối: “Tôi không chắc về vấn đề X. Anh/chị có tin đây là hướng đi đúng?”. Khảo sát ẩn danh cũng là một biện pháp.
Cuối cùng, nên lưu ý rằng người thao túng tâm lý đồng nghiệp không sử dụng lý lẽ mạnh mẽ nhất thuyết phục chúng ta. Họ chỉ khai thác nhu cầu ủng hộ và kết nối của chúng ta, hoặc lợi dụng nỗi sợ của chúng ta.
Chúng ta chỉ cần phát hiện những mánh thao túng như thông tin lập lờ, giả định sai lầm, đồng cảm quá mức với các vấn đề tiêu cực. Vì vậy, bạn hãy đặt nghi vấn và kiểm tra thông tin trước khi ra quyết định, khiến hành vi thao túng thất bại. Và nhiều khi, những người khác sẽ cám ơn bạn vì đã tỉnh táo kịp thời.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer