10 bước đơn giản để bắt đầu xây dựng một thương hiệu
Trong bối cảnh mới dưới sự ảnh hưởng của các nền tảng mạng xã hội, người làm marketing cần suy nghĩ lại về cách xây dựng thương hiệu hay độ nhận diện của một thương hiệu (Branding).
Khi nói đến khái niệm Branding, không ít người vẫn thường gắn liền nó với logo, slogan, tên thương hiệu hay những bộ nhận diện thương hiệu khác, tuy nhiên trong bối cảnh kỹ thuật số mới, người làm marketing cần phải có những góc nhìn mới.
Người tiêu dùng ngày nay là những người tiêu dùng luôn được kết nối (Connected Consumer), nghĩa là để xây dựng thương hiệu, các doanh nghiệp phải tìm ra những cách thức mới sâu sắc hơn và có ý nghĩa hơn để kết nối với họ.
Dưới đây là 10 bước đơn giản mà bạn có thể tham khảo để bắt đầu xây dựng thương hiệu của mình trong kỹ nguyên số.
Bước 1 – Đặt nền móng.
Cũng tương tự như bất cứ hoạt động marketing hay kinh doanh nào, để có thể xây dựng một thương hiệu thành công trong một thị trường nào đó, trước tiên bạn cần phải hiểu về ngành của mình.
Nghiên cứu các thương hiệu đối thủ trong lĩnh vực mà bạn đang kinh doanh là bước quyết định đầu tiên trong hành trình xây dựng thương hiệu của bạn.
Bạn cần so sánh các dịch vụ hay điểm khác biệt (USP) của đối thủ, từ các hoạt động xây dựng thương hiệu đến các nỗ lực marketing và bán hàng của họ.
Trong khi việc nhìn vào các thương hiệu lớn hiện đã thành công (nếu có) trong ngành có thể giúp bạn hình dung về những gì bạn cần làm và hướng tới, khả năng quan sát các thương hiệu nhỏ hơn có thể giúp bạn định vị mình tốt hơn trong thị trường hay phân khúc thị trường hiện tại.
Nghiên cứu thị trường tiếp đó là một phần không thể thiếu trong quá trình xây dựng thương hiệu và sẽ ảnh hưởng đáng kể đến các chiến lược trong tương lai.
Trong giai đoạn này, có một lời khuyên cho tất cả các marketer đó là đừng chỉ quan tâm đến các câu chuyện thành công, thay vào đó cần phân tích và học hỏi nhiều hơn từ các thương hiệu đã thất bại hoặc chưa làm tốt vai trò của mình.
Việc nhìn ra từ sớm những sai lầm của người khác có thể giúp bạn hạn chế mắc phải những sai lầm tương tự trong tương lai.
Bước 2 — Xác định và khác biệt hoá.
Bước tiếp theo, để có thể trở thành một thương hiệu thành công, bạn cần có khả năng phân biệt mình so với đối thủ cạnh tranh.
Và một trong những cách để làm điều đó là thông qua việc xác định giá trị của thương hiệu của bạn. Điều gì làm cho bạn khác biệt với các đối thủ còn lại trên thị trường.
Bạn cung cấp những dịch vụ hay lợi ích nào mà các công ty khác không có? Sứ mệnh và giá trị của bạn so với các doanh nghiệp khác trong ngành của bạn là gì và hơn thế nữa, việc đặt ra nhiều câu hỏi tương tự và đi tìm câu trả lời là chìa khoá chính ở giai đoạn này.
Sự khác biệt giữa một ý tưởng hay và sự thành công trong kinh doanh (thương mại hoá) là bối cảnh, nó chính là sự hiểu biết về cách một sản phẩm được sản xuất cho một nhóm người nhất định, hiểu xem khách hàng thực sự muốn gì, tại sao họ sẽ quan tâm đến những gì mà thương hiệu cung cấp và hơn thế nữa.
Bước 3 – Xác định đối tượng mục tiêu cần tiếp cận.
Đối tượng mục tiêu (Target Audience) là khái niệm căn bản và hết sức quen thuộc của hầu hết người làm marketing, và ở bước 3 này, bạn cần bắt đầu với nó.
Hãy xác định xem đâu là nhóm đối tượng hay khách hàng mục tiêu chính của thương hiệu, họ bao nhiêu tuổi? giới tính của họ là gì? thu nhập của họ như thế nào, họ có gia đình chưa, họ thường mua sắm ở đâu (và vì sao)? Hay hiện có bất cứ đối thủ nào đang nhắm mục tiêu (Targeting) đến nhóm đối tượng này hay chưa?
Về bản chất, bạn càng có thể xác định đối tượng của mình cụ thể và chính xác bao nhiêu thì càng dễ dàng tạo ra một thương hiệu có liên quan bấy nhiêu.
Hãy nhớ rằng, một trong những điểm mấu chốt thành công của bất cứ thương hiệu nào đó là yếu tố cộng đồng, bạn cần kết nối từng cá nhân hay đối tượng mục tiêu đến một cộng đồng, nơi họ có thể tìm thấy chính họ thông qua việc kết nối với những người khác.
Bước 4 – Tìm kiếm tiếng nói của thương hiệu (Brand Voice).
Một khi bạn đã tìm thấy được đối tượng khách hàng mục tiêu của mình và bắt đầu tìm hiểu về họ, bạn cần xây dựng tiếng nói hay giọng điệu mà bạn sẽ dùng để đối thoại với họ.
Bạn muốn thương hiệu của mình đối thoại với khách hàng qua những kênh nào và bạn muốn giao tiếp với những khách hàng đó ra sao?
Có thể, bạn sẽ cần xây dựng một giọng điệu chuyên nghiệp nếu bạn muốn tiếp cận các chuyên gia hoặc nếu bạn muốn tiếp cận những người trẻ, chẳng hạn như Gen Z, những ngôn ngữ gần gủi hay “hợp xu hướng” có thể là chìa khoá.
Tiếng nói thương hiệu hiệu quả là tiếng nói gắn liền với từng nhóm đối tượng mục tiêu của thương hiệu, thứ có thể giúp họ tiếp tục tương tác và kết nối với thương hiệu.
Bước 5 – Xây dựng tính cách cho thương hiệu (Brand Personality).
Thương hiệu cũng giống như con người, chúng cũng có những tính cách cụ thể.
Bên cạnh các yếu tố căn bản của một thương hiệu như lợi ích, tính năng hay công dụng, những giá trị tinh thần xoay quanh thương hiệu cũng vô cùng quan trọng.
Người tiêu dùng ngày nay không chỉ đơn giản là cần một sản phẩm và họ cũng không muốn các thương hiệu tiếp cận họ với mục tiêu bán hàng, cái mà họ thực sự cần là một “thương hiệu” có đầy đủ các yếu tố cảm xúc mà họ có thể cảm nhận được mỗi khi sử dụng hay sở hữu.
Trong khi người tiêu dùng mong muốn các sản phẩm hay dịch vụ có thể đáp ứng được nhu cầu (vượt kỳ vọng) của họ, họ cũng mong muốn tương tác với thương hiệu ở cấp độ con người thay vì là thương mại.
Bạn phải quyết định xem thương hiệu của bạn mong muốn trở thành một người như thế nào, bạn muốn thương hiệu của mình tỏa ra năng lượng vui vẻ, tích cực hay trầm tính.
Bạn đang muốn trở nên hiện đại và tiên tiến, hay cổ điển và truyền thống.
Bước 6 – Chia sẻ câu chuyện.
Bước tiếp theo trong quá trình xây dựng thương hiệu là không ngừng nỗ lực chia sẻ các câu chuyện của thương hiệu.
Người tiêu dùng là những người thực và họ cũng muốn có thể liên hệ chính bản thân họ với những câu chuyện hay con người thực khác.
Có một sai lầm thường thấy đối với các doanh nghiệp đó là cố tình chỉnh sửa các thông điệp (Content Marketing) theo từng chiến dịch khác nhau mà không tuân theo bất cứ một câu chuyện gốc, tính cách hay giọng điệu nào của thương hiệu.
Đối tượng mục tiêu một khi không thể hiểu câu chuyện của bạn, họ không thể kết nối sâu hơn với thương hiệu của bạn.
Bước 7 – Kiểm tra và tinh chỉnh.
Là một marketer, bạn phải thừa nhận rằng, sẽ không có bất cứ một công thức xây dựng thương hiệu thành công nào được áp dụng cho các thương hiệu khác nhau.
Nhiệm vụ của bạn khi này là không ngừng thu thập phản hồi từ phía khách hàng để xem liệu họ đang cảm nhận được những gì mà thương hiệu đang truyền tải hay không, việc trao đổi thương xuyên với khách hàng cũng giúp thương hiệu tìm thấy những cơ hội hay cách thức xây dựng thương hiệu mới mà doanh nghiệp có thể là chưa từng nghĩ đến trước đó.
Bước 8 — Sáng tạo, tích hợp và tái tạo một cách chuyên nghiệp.
Khi bắt đầu xây dựng các tài sản cụ thể cho thương hiệu, từ logo, bộ nhận diện thương hiệu hay các hình ảnh trên website, hãy cố gắng giữ cho các tài sản này chuyên nghiệp nhất có thể khi nó là một phần thể hiện giá trị của thương hiệu.
Mọi tài sản bạn cung cấp cho người tiêu dùng đều phải đại diện cho thương hiệu và để gia tăng sức ảnh hưởng, những tài sản này nên được nhân rộng, sáng tạo, quảng bá và chia sẻ một cách thường xuyên.
Bước 9 – Nhất quán là từ khoá không thể thiếu khi xây dựng thương hiệu.
Ngay từ đầu — mọi tài sản liên quan đến hình ảnh của thương hiệu như logo, hình ảnh quảng cáo hay các bài đăng trên các nền tảng mạng xã hội đều cần phải được thể hiện một cách nhất quán.
Mục tiêu cuối cùng của bạn với điều này là khiến mọi người nhận ra thương hiệu ngay từ những ánh nhìn đầu tiên. Thương hiệu của bạn càng dễ được nhận biết thì sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn càng dễ được nhận ra và bạn càng tiến gần hơn với mục tiêu “khiến cho mọi thứ dần trở nên quen thuộc”.
Bước 10 – Tận hưởng từng thành công nhỏ.
Vậy là bạn đã hoàn tất những bước căn bản nhất để bắt đầu xây dựng một thương hiệu.
Đây chính là khoảng thời gian bạn nhìn lại toàn bộ những gì mình đã làm và có được, dù là thuận lợi hay chưa thuận lợi, thứ mà bạn đã có lúc bấy giờ chính là kinh nghiệm, là những bài học, hay ít nhất là bạn đã chọn cách làm đúng ngay từ đầu.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Nam Nguyen | MarketingTrips