Thị trường mỹ phẩm Việt Nam trị giá hàng tỷ USD
Thị trường mỹ phẩm Việt Nam đang trên đà phát triển với một tốc độ ổn định, không chỉ phái yếu mà ngay cả phái mạnh cũng ngày càng chú ý nhiều đến ngoại hình và đầu tư nhiều hơn vào những sản phẩm làm đẹp.
Người tiêu dùng Việt Nam đang ngày càng chú trọng tới thẩm mỹ và sức khỏe, khiến nhu cầu sử dụng mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc da tăng cao. Đây cũng là lĩnh vực không bị ảnh hưởng bởi đại dịch hay thăng trầm của thị trường.
Công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu Mintel, tổng giá trị thị trường mỹ phẩm tại Việt Nam đang vào khoảng 2,63 tỷ USD và được dự đoán tăng trưởng với tốc độ 3,32% hàng năm đến năm 2027. Trong đó, các sản phẩm chăm sóc da được ưa chuộng nhất, với hơn 60% người tiêu dùng sử dụng mỗi ngày.
Thị trường nội địa nhiều tiềm năng.
Mới đây, Công ty nghiên cứu thị trường Q&Me đã công bố kết quả cuộc khảo sát năm 2022 với đối tượng là nữ giới trong độ tuổi 16 – 40 tuổi ở hai thành phố lớn là TP.HCM và Hà Nội về mức chi tiêu cho lĩnh vực làm đẹp.
Theo đó, 93% phụ nữ từ 25 – 32 tuổi sử dụng các sản phẩm chăm sóc da thường xuyên. Họ mua mỹ phẩm ở chủ yếu ba kênh: cửa hàng của thương hiệu, chuỗi cửa hàng chăm sóc sức khỏe & sắc đẹp và trang thương mại điện tử.
Số tiền trung bình mà phụ nữ Việt chi tiêu cho mỹ phẩm chăm sóc da là 436.000 đồng mỗi tháng: sản phẩm chăm sóc da được sử dụng nhiều nhất là sữa rửa mặt (77%), nước tẩy trang (66%), kem chống nắng (45%), kem dưỡng ẩm (37%), toner (36%), serum (28%).
Trước đó, vào tháng 12/2022, triển lãm quốc tế Beautycare Expo 2022 đã “trình làng” những sản phẩm, công nghệ mới nhất tại Hà Nội.
Tại đây, các nhà quản lý và chuyên gia nhận định, tính riêng thị trường sản phẩm chăm sóc da Việt Nam đạt giá trị gần 770 triệu USD năm 2020 và dự kiến đạt 1,92 tỷ USD vào năm 2027.
Đồng thời, thị trường mỹ phẩm Việt Nam đang tăng trưởng với tốc độ nhanh hàng đầu khu vực. Tiêu dùng cho sản phẩm, dịch vụ làm đẹp hiện trở thành khoản chi cố định và ngày càng gia tăng, trở thành nhu cầu thiết yếu của các gia đình.
Bên cạnh đó, tại Việt Nam, xu hướng làm đẹp cho nam mới cũng đã bắt đầu bùng nổ, với giá trị thị trường mỹ phẩm dành riêng cho nam giới đạt khoảng 30 triệu USD – theo kết quả khảo sát của Men Stay Simplicity (MSS).
“Gen Z, đặc biệt là nam giới không chỉ quan tâm đến mặc đẹp mà còn quan tâm đến việc chăm sóc da, giữ dáng”, CEO của Men Stay Simplicity, nhận định.
“Đó là một sự thay đổi lớn, hứa hẹn sự bùng nổ của thị trường có giá trị dự kiến đạt 30,8 tỷ USD trên toàn cầu, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm 9,1% từ năm 2022 – 2030, theo số liệu của Grand View Research”.
Với mức doanh thu không ngừng tăng trong hai thập niên qua, thị trường mỹ phẩm Việt Nam được đánh giá là một thị trường đầy tiềm năng và trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều thương hiệu mỹ phẩm nước ngoài.
Nhiều doanh nghiệp hàng đầu châu Âu và châu Á, như Anh, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, đang tích cực tìm kiếm cơ hội gia nhập và mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
Với các chiến lược kinh doanh khác nhau, các thương hiệu sẽ đưa ra những mô hình kinh doanh phù hợp nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng từ nguồn khách hàng Việt.
Theo báo cáo tổng quan ngành hàng làm đẹp Việt Nam trên các sàn thương mại điện tử năm 2022 của nền tảng số liệu ecommerce Metric.vn, trung bình mỗi tháng ngành hàng làm đẹp đem về doanh thu hơn 1.500 tỷ đồng và gần 17 triệu sản phẩm được bán ra.
Nhu cầu của ngành hàng này trải đều trong năm khi doanh thu qua các tháng chênh lệch không quá nhiều. Tuy nhiên, tháng 11 và 12/2022 đạt doanh thu cao nhất, hơn 1.600 tỷ đồng. Các thương hiệu có doanh thu cao phần lớn đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Âu, Mỹ và Nhật Bản…
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Hà Anh | MarketingTrips