Thị trường chuỗi quán cà phê tại Việt Nam rất nhộn nhịp
Thị trường chuỗi quán cà phê (Coffee Shop) tại Việt Nam hiện đang nhộn nhịp hơn bao giờ hết với sự có mặt của hàng chục thương hiệu.
Theo Báo cáo thị trường chuỗi các thương hiệu quán cà phê năm 2022 do Vietdata công bố mới đây, quy mô của thị trường chuỗi nhà hàng và đồ uống tại Việt Nam hiện được ước tính lên đến khoảng 1,3 tỷ USD mỗi năm.
Tuy nhiên, tỷ lệ thâm nhập của các chuỗi F&B (Food & Beverage) vào thị trường mới chỉ đạt mức 5%. Nguyên nhân là do văn hóa ẩm thực của người Việt ưa thích những quán nhỏ, thuận tiện ở ven đường. Chi tiêu cho thức uống phục vụ tại cửa hàng vẫn còn thấp so với những nước Đông Á, tạo nên cơ hội tăng trưởng mạnh trong tương lai.
Vietdata đánh giá, bất chấp những ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, năm 2023 vẫn là một năm đầy sôi động của thị trường F&B Việt Nam. Sau hai năm khó khăn do đại dịch Covid-19, những thương hiệu đồ uống vẫn tồn tại và tìm cách mở rộng quy mô cửa hàng cũng như tăng thị phần trên thị trường.
Dữ liệu từ Vietdata cho thấy số lượng cửa hàng cà phê tại Việt Nam trong năm 2023 đã tăng đáng kể, nhờ vào sự mở rộng mạnh mẽ từ các thương hiệu nổi tiếng như Highlands, Phúc Long và Trung Nguyên E-Coffee.
Từ năm 2019 đến nay, số lượng cửa hàng cà phê đã tăng từ 816 lên 1657 cửa hàng. Chỉ trong vòng hai năm gần đây, từ tháng 3 năm 2021 đến tháng 2 năm 2023, tổng số lượng cửa hàng của ba thương hiệu dẫn đầu về thị phần như Highlands Coffee, Phúc Long và Starbucks đã mở thêm hơn 1.000 điểm bán mới.
Không chỉ có sự xuất hiện của các thương hiệu lớn, sự bứt phá của các thương hiệu mới trên thị trường đồ uống Việt như Mixue, Phê La, Katinat, Cheese Coffee… đang khiến cuộc cạnh tranh ngày càng trở nên không thể dự đoán và khốc liệt hơn.
Gần đây, vào tháng 4 năm 2023, Mixue đã đạt mốc 1.000 cửa hàng tại Việt Nam chỉ sau 5 năm tham gia thị trường. Phê La cũng đã tạo ra sự ngạc nhiên khi mở thêm một chi nhánh mới tại Hội An và giới thiệu những bộ sưu tập độc đáo trên mạng xã hội.
Một “ngôi sao mới” đáng chú ý là Katinat Saigon Cafe, đã thu hút nhiều sự chú ý khi vượt qua cả Phúc Long và Starbucks trên bảng xếp hạng các chuỗi đồ uống được quan tâm nhất trên mạng xã hội. Đồng thời, thương hiệu này cũng đã đạt thành tựu 50 cửa hàng, tất cả đều nằm ở vị trí đắc địa và thu hút nhiều khách hàng.
Trong các thương hiệu coffee shop tại Việt Nam hiện thì Trung Nguyên Legend và Highlands Coffee vẫn là hai thương hiệu dẫn đầu
Cà phê Trung Nguyên ra đời năm 1996, đến nay, Trung Nguyên E-Coffee đã có hơn 700 cửa hàng khắp các tỉnh thành trong nước, hơn 1.000 hợp đồng nhượng quyền được ký kết thành công, góp phần hiện thực hóa giấc mơ khởi nghiệp thành công của cộng đồng đam mê cà phê trong suốt thời gian qua. Năm 2022 Trung Nguyên E-Coffee đạt gần 6200 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận đạt gần 435 tỷ đồng.
Trong khi đó, với Highlands Coffee, tính đến tháng 5/2023, thương hiệu này đã có 635 cửa hàng và có sự chênh lệch lớn giữa Hà Nội (144 cửa hàng) và TP. HCM (201 cửa hàng).
Doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Highlands Coffee, năm 2022, thương hiệu ghi nhận 3500 tỷ đồng doanh thu và gần 270 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Theo Lê Sáng | Markettimes