CEO có phải nên là người đưa ra quyết định tối thượng
Nói về vai trò của CEO, một quan niệm sai lầm phổ biến là họ là người ra quyết định cuối cùng và một trong những khía cạnh rõ nét nhất để họ thể hiện quyền lực đó là có quyền đưa ra mọi quyết định. Trên thực tế, vai trò của CEO thiên về định hình hơn là đưa ra quyết định.
Về tổng thể, có một yếu tố mang tính nền tảng giải thích cho kết luận trên đó là, trong hầu hết các tổ chức (doanh nghiệp), CEO hay nhà lãnh đạo doanh nghiệp phải đối mặt với vô số các quyết định thường nhật và sẽ không thể có một CEO nào đủ thời gian và khả năng để tham gia vào từng quyết định đó.
Khi CEO càng cố gắng để làm như vậy, họ sẽ càng làm chậm toàn bộ hoạt động vận hành và thậm chí có thể khiến doanh nghiệp dừng lại. Do đó, thay vì trực tiếp đưa ra quyết định, vai trò thích hợp của CEO là cho phép người khác đưa ra quyết định mà CEO có thể hỗ trợ.
Tất nhiên, có những lúc CEO phải là người đưa ra quyết định cuối cùng hay tối thượng, cách tiếp cận phù hợp nhất cho CEO vẫn nên là càng ít quyết định thì càng tốt.
Thay vì yêu cầu cấp dưới phải như thế này hay thế kia, các CEO có thể định hình các quyết định bằng cách sắp xếp mọi người (nhân viên) cùng làm việc và hướng tới một mục đích chung, CEO là người đưa ra các ưu tiên và mục tiêu của tổ chức.
Các quyết định cũng có thể được định hình bằng cách phát triển một chiến lược phát triển doanh nghiệp rõ ràng, áp dụng các cơ chế cho phép nhân viên đưa ra quyết định và chịu trách nhiệm, đồng thời không ngừng nuôi dưỡng một nền văn hóa tăng trưởng mạnh mẽ.
Một hệ thống đo lường và khen thưởng hiệu suất rõ ràng cũng mang lại rất nhiều lợi ích.
Trong khi bối cảnh đưa ra quyết định là khác nhau ở từng doanh nghiệp, nền tảng của việc đưa ra quyết định vẫn có những điểm chung nhất định.
Các quyết định được đưa ra phải dựa trên chiến lược (strategy), cơ cấu, văn hóa, con người, sản phẩm, đầu tư, lợi nhuận có được…v.v.) và cấp độ của tổ chức mà quyết định có thể ảnh hưởng tới ví dụ cấp doanh nghiệp, cấp đơn vị kinh doanh, cấp chức năng, và một số cấp độ nhỏ hơn khác nếu có.
Dù có thể không phải là người chỉ định tối cao hay người đưa ra quyết định cuối cùng, các CEO đều phải tham gia vào quá trình định hình của việc ra quyết định. Từ việc thiết kế quy trình, tham gia vào quy trình, định hình cách ra quyết định, đến việc giám sát hiệu quả sau các quyết định.
Thiết kế quy trình ra quyết định.
Các CEO có thể tác động đến bất kỳ quyết định nào bằng cách thiết kế nên một quá trình ra quyết định. Điều này liên quan đến việc thiết lập các thông số như ai sẽ tham gia, câu hỏi nào cần được trả lời, loại thông tin nào cần được thu thập, những rào cản nào cần phải ghi nhớ, khi nào nên quyết định điều gì và ai sẽ là người đưa ra quyết định.
Các CEO có thể đóng vai trò chính trong việc thiết kế nên quy trình ra quyết định (cấp doanh nghiệp hoặc rất quan trọng) này nhưng cũng có thể chỉ là người tham gia góp ý trong những quy trình khác.
Tùy thuộc vào từng vấn đề cụ thể mà CEO phải chọn các thông số khác nhau trong quy trình ra quyết định ví dụ: ai sẽ thực hiện nhiệm vụ gì, đặt mục tiêu ra sao, khung thời gian nào cần được thiết lập và mục tiêu nào cần phải đạt được.
Tham gia vào quy trình ra quyết định.
Sau khi xây dựng các quy trình, các CEO phải lựa chọn mức độ mà họ muốn tham gia vào các giai đoạn khác nhau có trong quá trình ra quyết định. CEO có thể chủ động ở mọi bước, thỉnh thoảng kiểm tra hoặc đơn giản là tham gia vào một thời điểm cụ thể nào đó, chẳng hạn như phần đầu, phần giữa hoặc phần cuối.
Mức độ can thiệp của các CEO vào quá trình ra quyết định thường sẽ phản ánh mức độ mà họ mong muốn các cấp dưới của họ chủ động tương tác, ra quyết định và chịu trách nhiệm.
Hoặc là họ sẽ hướng dẫn và định hình cách nhân viên của họ ra quyết định, hoặc là họ sẽ gây ảnh hưởng một cách công khai đến cách nhân viên phải đưa ra quyết định.
Tất cả những điều này vốn đã nằm trong quy trình ra quyết định đã được thiết kế trước đó (như đã đề cập ở trên).
Mức độ tham gia của CEO tới quá trình ra quyết định ngoài ra cũng phản ánh mức độ họ tin tưởng nhân viên của họ, mức độ nghiêm trọng của các quyết định và hơn thế nữa.
Giám sát công việc.
Tiếp đó, các CEO cũng phải chọn mức độ họ muốn đích thân tham gia giám sát các công việc liên quan. Cung cấp các phản hồi cần thiết trong quá trình làm việc và ra quyết định cũng là một yếu tố quan trọng trong vai trò của CEO.
Trong trường hợp phải đưa ra các bản đánh giá về nhân viên, các CEO phải là người giám sát, phải kiểm tra để đảm bảo mọi thứ đi đúng hướng và tổ chức (đội nhóm) đang thực hiện theo đúng kế hoạch.
Trong các trường hợp khác, CEO đóng vai trò như một người huấn luyện, hướng dẫn mọi người, đưa ra những phản hồi mang tính xây dựng và giúp cải thiện hiệu suất, trong khi thực sự không cố tình để gây ảnh hưởng đến các quyết định cuối cùng.
Bằng cách giám sát quá trình ra quyết định một cách cá nhân, các CEO đặt ra các tiêu chuẩn, khuyến khích sự phối hợp và cho phép điều chỉnh định hướng nếu cần thiết.
Trong một số trường hợp, CEO có thể gặp nhân viên của họ thường xuyên hơn để theo dõi tiến độ. Ngược lại, họ chỉ thỉnh thoảng kiểm tra để đảm bảo mọi thứ đang đi đúng hướng.
Một lựa chọn quan trọng trong khi giám sát quá trình ra quyết định đó là mức độ mà CEO muốn tham gia. Các CEO có thể chọn tham gia ở cấp độ cao hoặc đi sâu vào chi tiết.
Đưa ra quyết định.
Đối với một số vấn đề lớn, chẳng hạn như việc đặt ra các mục tiêu hoạt động tổng thể của doanh nghiệp, CEO có thể là người đưa ra quyết định chính, đưa ra quyết định cuối cùng sau khi tiếp nhận một loạt các phản hồi hay góp ý.
Trong các tình huống khác, CEO có thể chọn tham khảo ý kiến từ các lãnh đạo chủ chốt trong doanh nghiệp.
Hoặc, chẳng hạn như các quyết định về xây dựng chiến lược của một đơn vị kinh doanh nào đó (SKU, BU…), CEO có thể để những người khác, chẳng hạn như người đứng đầu đơn vị kinh doanh tự đưa ra quyết định và sau đó CEO là người phê duyệt nó.
Các yếu tố chính mà CEO cần xem xét khi lựa chọn mức độ tham gia vào quá trình ra quyết định.
Như đã có phân tích ở trên, các CEO thường sử dụng nhiều tiêu chí khác nhau để xác định mức độ tham gia cá nhân của họ vào quá trình ra quyết định.
Nó bao gồm tầm quan trọng của quyết định: Liệu nó có quan trọng đối với các ưu tiên chính của CEO và có ý nghĩa lâu dài đối với những định hướng, tầm nhìn hoặc sứ mệnh của doanh nghiệp hay không? Các quyết định chiến lược cấp cao hầu như luôn cần đảm bảo sự tham gia trực tiếp của CEO.
Các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đó là những tác động của quyết định đối với tình hình tài chính của doanh nghiệp, về mặt doanh thu, chi phí hoặc lợi nhuận; các rủi ro liên quan đến quyết định đó, hoặc có thể làm tổn hại đến danh tiếng của thương hiệu.
Nếu một quyết định liên quan đến việc phân bổ hoặc tái phân bổ các nguồn lực quan trọng – như đầu tư vốn hoặc nguồn nhân lực – thì quyết định đó có thể đảm bảo sự giám sát của CEO.
Nếu một quyết định trải rộng trên nhiều bộ phận của tổ chức hoặc có khả năng dẫn đến sự bất đồng hoặc xung đột nội bộ đáng kể, CEO cũng nên tham gia nhiều hơn và cân nhắc đưa ra quyết định cuối cùng.
Những quyết định khẩn cấp, đặc biệt là những quyết định phải được thực hiện nhanh chóng để giải quyết những thách thức trước mắt hoặc tận dụng các cơ hội, sự tham gia kịp thời của CEO cũng rất cần thiết.
Tóm lại, vai trò của CEO không phải là đưa ra mọi quyết định mà là tạo ra một môi trường trong đó các quyết định được đưa ra một cách hiệu quả. Bằng cách định hình các quyết định thay vì đưa ra quyết định, các CEO có thể trao quyền cho đội nhóm hay nhân viên của họ nhiều hơn, thúc đẩy sự linh hoạt và khả năng đóng góp cá nhân nhiều hơn.
CEO cũng có thể được ví như một người chỉ huy, điều phối nhiều bộ phận khác nhau để tạo ra kết quả cuối cùng tốt nhất có thể. Thay đổi quan điểm về việc ra quyết định theo đó là nền tảng của mọi CEO trong bối cảnh bất ổn này.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Hà Anh | MarketingTrips