Điều gì tạo nên một nhà lãnh đạo hiệu quả trong tổ chức (Phần cuối)
Một nhà lãnh đạo hiệu quả không nhất thiết phải là người tuân theo một khuôn mẫu hay công thức sẵn có nào đó, thay vào đó là người theo đuổi các nguyên lý nền tảng để trở thành một nhà lãnh đạo thực sự am hiểu tổ chức và dẫn dắt hiệu quả.
Trong thế giới VUCA, cùng với sự bất ổn của nền kinh tế, và sự phát triển nhanh chóng của các yếu tố công nghệ, một nhà điều hành hay lãnh đạo hiệu quả không nhất thiết phải là người tuân theo các công thức rập khuôn sẵn có, thậm chí họ càng tuân theo những thứ có sẵn thì họ càng đối mặt với khó khăn khi mọi thứ đã trở nên lỗi thời.
Trên thực tế, không có bất cứ một hình mẫu lý tưởng nào dùng để miêu tả một nhà lãnh đạo hiệu quả. Họ có thể là nam, có thể là nữ, có thể là người hướng nội hay cũng có thể là người hướng ngoại. Mỗi người trong số họ cũng có các điểm mạnh và điểm yếu hoàn toàn khác nhau.
Vậy điểm chung nếu có giữa họ là gì, hay nói cách khác liệu có bất cứ nguyên tắc (không phải công thức thành công) nào mang tính định hướng chung cần có hay không. Câu trả lời là có, dưới đây là 8 nguyên tắc cơ bản mà bạn có thể thực hiện nếu thực sự mong muốn đi trên con đường trở thành nhà lãnh đạo hiệu quả.
8 nguyên tắc đó bao gồm:
- Họ hỏi: “Cần phải làm gì?”
- Họ hỏi: “Điều gì là phù hợp với doanh nghiệp?”
- Họ đã phát triển các kế hoạch hành động (Action Plan).
- Họ chịu trách nhiệm với các quyết định.
- Họ nhận trách nhiệm cho các giao tiếp.
- Họ tập trung vào cơ hội hơn là vấn đề.
- Họ điều hành các cuộc họp một cách hiệu quả.
- Họ nghĩ và nói “chúng ta” hoặc “chúng tôi” thay vì “tôi”.
2 nguyên tắc đầu tiên giúp nhà lãnh đạo có được những hiểu biết và kiến thức cơ bản về tổ chức. 4 nguyên tắc tiếp theo sẽ giúp nhà lãnh đạo biến kiến thức thành các hành động hiệu quả. Và 2 nguyên tắc cuối cùng có thể đảm bảo rằng toàn bộ tổ chức hay con người trong tổ chức đều cảm thấy có trách nhiệm và chịu trách nhiệm với vai trò của mình.
(Bạn có thể tìm và đọc phần 1 và 2 trên MarketingTrips.com và dưới đây là phần cuối)
Nhà lãnh đạo hiệu quả tập trung vào các cơ hội hơn là vấn đề.
Những nhà lãnh đạo giỏi tập trung vào các cơ hội hơn là vấn đề. Tất nhiên, các vấn đề cũng cần phải được giải quyết, nhưng việc giải quyết vấn đề dù cần thiết đến đâu thì bản chất nó vẫn là xử lý những thứ đang tồn tại, tức nó không giúp mang lại kết quả (mới) như cách các cơ hội có thể.
Trên hết, những nhà lãnh đạo hiệu quả coi sự thay đổi (quản trị sự thay đổi) là một cơ hội hơn là một mối đe dọa. Họ xem xét một cách có hệ thống những thay đổi bên trong và bên ngoài doanh nghiệp và tự hỏi: “Làm thế nào chúng ta có thể khai thác sự thay đổi này như một cơ hội cho doanh nghiệp của mình?”
Cụ thể, các nhà lãnh đạo có thể xem xét các tình huống sau để tìm kiếm cơ hội:
- Những thành công hay thất bại ngoài mong đợi trong doanh nghiệp, trong đối thủ cạnh tranh hoặc trong ngành nói chung;
- Khoảng cách giữa những gì hiện có và những gì có thể có trong một thị trường, quy trình, sản phẩm hoặc dịch vụ nhất định.
- Sự đổi mới trong quy trình, sản phẩm hoặc dịch vụ, dù ở bên trong hay bên ngoài doanh nghiệp hoặc ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp;
- Những thay đổi về cơ cấu ngành và cơ cấu thị trường (market structure);
- Đánh giá tình hình về nhân khẩu học;
- Những thay đổi trong tư duy, giá trị, nhận thức, tâm trạng hoặc ý nghĩa; Và
- Những kiến thức mới hoặc một công nghệ mới có thể hỗ trợ hoặc thúc đẩy sự tăng trưởng của doanh nghiệp.
Nhân sự là một khía cạnh quan trọng khác của chiến lược tập trung vào cơ hội. Những nhà lãnh đạo hiệu quả sẽ luôn tìm cách đặt những người giỏi nhất vào những cơ hội hơn là vào những vấn đề.
Một cách để nhân viên nắm bắt cơ hội là yêu cầu mỗi thành viên trong đội nhóm quản lý không ngừng tìm kiếm và báo cáo các cơ hội cho toàn bộ doanh nghiệp (và một danh sách những người có khả năng làm việc hiệu quả nhất trong toàn doanh nghiệp.)
Một nhà lãnh đạo hiệu quả cũng là người có thể khiến cho các cuộc họp trở nên hiệu quả.
Nhiều nghiên cứu về ngày làm việc của các nhà lãnh đạo hay giám đốc điều hành đều phát hiện ra rằng ngay cả các giám đốc điều hành cấp trung và các chuyên gia cũng phải làm việc với những người khác – tức là ít nhất phải tham gia một cuộc họp nào đó.
Ngay cả một cuộc trò chuyện chỉ với một người khác cũng là một cuộc họp. Do đó, nếu muốn có hiệu quả, các nhà lãnh đạo phải tổ chức các cuộc họp một cách hiệu quả.
Chìa khóa để điều hành một cuộc họp hiệu quả là quyết định trước loại cuộc họp nào sắp diễn ra. Các loại cuộc họp khác nhau đòi hỏi những hình thức chuẩn bị và kết quả mong đợi khác nhau, dưới đây là một số loại cuộc họp bạn có thể tham khảo:
Cuộc họp để chuẩn bị một tuyên bố, một thông báo hoặc một thông cáo báo chí.
Một cuộc họp để đưa ra thông báo — ví dụ: thay đổi cơ cấu tổ chức.
Cuộc họp này nên được giới hạn trong một thông báo và một buổi thảo luận về nó.
Một cuộc họp trong đó có một thành viên báo cáo.
Chỉ đơn giản là tập trung thảo luận về báo cáo đó.
Một cuộc họp trong đó một số hoặc tất cả các thành viên phải báo cáo.
Nếu một cuộc họp mà tất cả những người tham dự đều yêu cầu được báo cáo, hãy giới hạn một thời lượng nhất định cho mỗi người. Tất cả họ đều hiểu điều này và chuẩn bị nội dung báo cáo sao cho phù hợp.
Cuối cùng một nhà lãnh đạo hiệu quả sẽ nói “chúng ta” thay vì “tôi”.
Những nhà lãnh đạo hay điều hành hiệu quả biết rằng họ là người có trách nhiệm cao nhất trong tổ chức, trách nhiệm này không thể được chia sẻ hay ủy quyền.
Nhưng họ có quyền chỉ vì họ có được sự tin tưởng của tổ chức. Điều này có nghĩa là họ phải nghĩ đến nhu cầu và cơ hội của tổ chức trước khi nghĩ đến nhu cầu và cơ hội của chính cá nhân họ. Điều này nghe có vẻ đơn giản; nhưng không phải vậy, trong thực tế có rất nhiều nhà lãnh đạo đã không thể cam kết được điều này vì nhiều lý do khác nhau ví dụ như thành kiến cá nhân hoặc sự thiên vị.
Kết luận.
Trên đây là tất cả các phương pháp lãnh đạo hiệu quả mà một nhà lãnh đạo hay giám đốc điều hành có thể tham khảo và thực hành.
Những nhà lãnh đạo hiệu quả vốn rất khác nhau về tính cách, điểm mạnh, điểm yếu, giá trị và niềm tin. Tất cả những gì được coi là điểm chung nếu có đó là họ đều hướng tới mục tiêu hoàn thành công việc và sứ mệnh của tổ chức. Trong khi một số người khi sinh ra đã có tố chất lãnh đạo sẵn có, một số khác lại không ngừng thực hành một cách kỷ luật để đạt được sự tiến bộ, điều này là hết sức bình thường.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer