8 câu hỏi giúp ứng viên ‘đánh giá ngược’ nhà tuyển dụng trong buổi phỏng vấn
Trong buổi phỏng vấn, Nhà tuyển dụng thường dùng những câu hỏi, tình huống để đánh giá xem đây có phải là ứng viên tiềm năng của công ty hay không. Một số bạn vì chưa chuẩn bị kỹ nên dễ rơi vào thế bị động, chỉ biết lắng nghe và trả lời khiến cho cuộc phỏng vấn có xu hướng diễn ra “một chiều”.
Là một người tìm việc đã bao giờ bạn nghĩ đến chuyện nên đặt câu hỏi ngược để đánh giá công việc và Nhà tuyển dụng trong buổi phỏng vấn hay không?
1. Một ngày làm việc của nhân viên trong vị trí này diễn ra như thế nào?
Là một ứng viên và là nhân viên tương lai của công ty, bạn cần tìm hiểu kỹ cụ thể những công việc hằng ngày sẽ diễn ra như thế nào.
Tất cả những công việc trên bản mô tả (Job Description) chỉ đại diện một phần nào đó những nhiệm vụ bạn phải hoàn thành thôi.
Do đó bạn cần thêm những thông tin chi tiết hơn từ người phỏng vấn, điều này sẽ giúp bạn dễ dàng hình dung công việc sắp đến, đồng thời đánh giá xem vị trí này có thật sự phù hợp với kỹ năng và kinh nghiệm của mình hay không.
2. Nhân viên sở hữu những tính cách gì thì phù hợp với văn hóa hiện tại của công ty?
Đây là dạng câu hỏi giúp ứng viên đào sâu và có cái nhìn cận cảnh hơn về văn hóa công ty. Bạn sẽ hiểu thêm những giá trị ẩn sâu bên trong được cho là quan trọng nhất với toàn công ty và cho mỗi cá nhân làm việc tại đó.
Môi trường văn hoá của doanh nghiệp còn tác động đến tinh thần, thái độ, động cơ lao động, sự gắn bó lâu dài của nhân viên. Nếu cơ sở vật chất và trang thiết bị là “phần xác” của doanh nghiệp, thì văn hóa doanh nghiệp là “phần hồn” của doanh nghiệp, do đó bạn cần hiểu rõ văn hóa để tránh bị “shock” khi làm việc tại đây.
3. Anh/chị nghĩ gì về nơi làm việc hiện tại?
Bạn nên khéo léo hỏi về những nhận xét hay ý kiến của người phỏng vấn về nơi làm việc hiện tại.
Sau đó, cẩn thận quan sát thái độ của họ khi trả lời câu hỏi này, nếu họ trả lời với một sự thoải mái và nhiệt tình, đó là dấu hiệu cho thấy bạn đang ở môi trường làm việc lý tưởng khiến nhân viên vui vẻ. Nếu ngược lại, bạn nên cân nhắc về sự lựa chọn của mình.
4. Đâu là thang đo đánh giá sự thành công tại vị trí này?
Câu hỏi này giúp bạn hiểu rõ hơn về cách công ty đo lường, đánh giá công việc, cũng như lộ trình thăng tiến trong tương lai.
Qua đó, bạn sẽ hiểu thêm những thông tin hữu ích như KPI và người đánh giá công việc của bạn. Đồng thời bạn cũng nên hỏi thêm về tần suất, thời gian đánh giá, chỉ tiêu đo lường…
5. Cơ hội phát triển nghề nghiệp ở đây diễn ra như thế nào?
Ở câu hỏi này, người phỏng vấn sẽ chia sẻ cho bạn biết rõ hơn về các chính sách đào tạo và phát triển mà công ty dành cho nhân viên.
Là một sinh viên mới tốt nghiệp, có lẽ bạn không biết rằng, nếu không có cơ hội phát triển thì tinh thần và động lực của nhân viên sẽ bị suy giảm. Và kết quả là, họ có thể không tập trung vào công việc và không cố gắng làm tốt công việc hơn, thậm chí hơn 60% nhân viên sẽ chán nản muốn nghỉ việc nếu không có cơ hội thăng tiến.
Do đó, bạn nên suy nghĩ lại nếu công ty không có lộ trình thăng tiến và đào tạo nhân viên rõ ràng.
6. Ai sẽ là người làm việc trực tiếp với bạn?
Bạn không nên chỉ quan tâm đến sếp của mình mà còn nên biết thông tin về những đồng nghiệp bạn sẽ làm việc cùng, bởi họ đóng góp vai trò vô cùng quan trọng tới hiệu suất công việc của bạn và cả quá trình đánh giá chéo.
Sẽ rất tuyệt vời nếu bạn được cộng tác với những người năng động, vui vẻ và có tinh thần làm việc nhóm tốt.
7. Điều gì gây khó khăn và thách thức nhất ở vị trí công việc này?
Là một nhân viên trong vị trí mới bạn nên hiểu rõ những thách thức và khó khăn mà công việc này mang lại. Điều này sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quát về những vấn đề mà mình có thể sẽ gặp, hiểu được mức độ, quy mô để có sự chuẩn bị tốt nhất cho bản thân trong thời gian sắp đến.
8. Hỏi xem Nhà tuyển dụng đánh giá bạn như thế nào và họ có nghĩ bạn phù hợp với vị trí này hay không?
Câu hỏi này giúp Nhà tuyển dụng thấy được bạn có sự đầu tư rất cao đối với vị trí này. Bạn sẽ khiến bản thân ở vị thế chủ động hơn trong cuộc hội thoại, để Nhà tuyển dụng đưa ra những nhìn nhận khách quan về mình và từ đó có cơ sở phấn đấu, đáp ứng những kỳ vọng của công ty.
Bên cạnh đó, qua nhận xét chuyên môn của Nhà tuyển dụng bạn cũng sẽ biết được mình có bao nhiêu phần trăm cơ hội được chấp nhận để có sự chuẩn bị cho bản thân.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Hà Anh | MarketingTrips
Tham khảo: timviecnhanh