“Chung thủy” với một công việc suốt nhiều năm liệu có đem lại “trái ngọt” cho sự nghiệp?
Lựa chọn gắn bó với một công ty suốt nhiều năm liền với hy vọng ngày nào đó sẽ nhận lại “trái ngọt” liệu có thật sự là quyết định đúng đắn, hay chỉ mang lại cho bạn kết quả không mong muốn sau nhiều năm đợi chờ lãng phí?
Việc trung thành với một công ty, đặc biệt trong thời đại “nhảy việc” ngày nay, hoàn toàn không phải là một điều dễ dàng.
Chỉ có một số ít ỏi cá nhân vẫn còn gắn bó với duy nhất một công ty ngay từ khi tốt nghiệp đại học.
Tuy nhiên, để lựa chọn cho mình một bước đi an toàn và nhẹ nhàng, họ chấp nhận “chung thủy” với một nơi làm việc duy nhất trong khi bạn bè xung quanh liên tục nhảy sang nhiều môi trường mới chỉ sau hai, ba năm ngắn ngủi.
Việc đánh đổi “tuổi xuân” cho một công ty là điều hiếm hoi hiện nay, thế nhưng, liệu đó có phải là bước đi đúng đắn hay là lựa chọn sai lầm trong con đường sự nghiệp?
Được gì khi trở thành “lão làng” nơi công sở?
Để trả lời cho câu hỏi liệu chung thủy với một công ty là đúng hay sai, hãy bắt đầu từ việc cân nhắc đến những lợi ích nếu như bạn trở thành một “cây đại thụ” của công ty.
Việc gắn bó 10 năm, 20 năm với một môi trường làm việc không có nghĩa là bạn mãi “ôm” chiếc bàn giấy để làm suốt một vị trí hay công việc.
Ngay cả trong nội bộ một công ty, bạn cũng có thể phát triển ở nhiều mảng khác nhau, nhiều phòng, ban và nhiều vị trí thăng tiến nếu như bạn đủ nhanh nhẹn, linh hoạt và biết nắm bắt cơ hội.
Không nhiều bạn trẻ hiện nay nhận ra ưu thế vàng của việc lựa chọn làm việc trọn đời: bạn thành công bởi công sức bỏ ra cũng nhiều như thành quả bạn đạt được.
Nếu bạn cố gắng đủ lâu, khi các lãnh đạo đều nhận ra bạn là nhân viên thâm niên duy nhất phù hợp cho vị trí cấp cao, bạn sẽ được cất nhắc để ngồi vào “ngai vàng”.
Có không ít những CEO nổi tiếng hiện nay đã từng đi lên từ vị trí nhỏ nhoi trong công ty. Một ví dụ tiêu biểu là Tổng giám đốc CTCP Sữa Vinamilk Mai Kiều Liên.
Gia nhập từ năm 1976 với vị trí là Kỹ sư công nghệ, hiện giờ nữ CEO đã trở thành 1 trong 50 doanh nhân nữ quyền lực nhất Châu Á (Theo Forbes).
Tận tụy cống hiến với một công ty hàng chục năm trời không có nghĩa là bạn sẽ không nhận lại được gì. Đôi khi, những gì bạn cần đó là sự kiên nhẫn và thời cơ thích hợp để hưởng “trái ngọt” mà thôi.
Khi nào thì sự “chung thủy” sẽ trở mặt với bạn?
Tuy nhiên, việc chung thủy với một công việc đôi khi lại đâm ra phản tác dụng khiến bạn lãng phí cả thời gian và tiềm lực bản thân.
Quá trình này sẽ ăn mòn bạn từ từ cho đến một ngày, bạn nhận ra mình không thể tiếp tục cố gắng nữa vì chẳng có thành quả nào đạt được. Sự cố chấp với một nơi làm việc, đặc biệt khi nơi ấy không phù hợp với bản thân, sẽ kìm hãm nghiêm trọng sự phát triển cũng như năng lực cá nhân.
Đừng tự hỏi vì sao bạn đã cống hiến gần chục năm tuổi xuân cho công ty nhưng vẫn là “người thua cuộc” so với những cá nhân chỉ mới nhảy vào làm được hai, ba năm. Cái bạn thua không phải là thời gian mà là những yếu tố khác như sự phù hợp, khả năng hay thậm chí là cơ hội.
Theo nghiên cứu, những nhân viên ở lại lâu hơn 02 năm được trả ít hơn 50% so với những người rời đi và bắt đầu làm việc ở nơi khác.
Không chỉ vậy, khi gắn bó quá lâu, nhân viên thường mất đi sự nhiệt huyết và sáng tạo ban đầu. Họ thiếu đi tính mới mẻ khi phải lặp đi lặp lại một công việc nhiều năm.
Một môi trường không thể gắn bó lâu thường bao hàm nhiều nguyên nhân. Cơ bản nhất chính là hai yếu tố: Sự phù hợp và cơ hội thăng tiến.
Khi cất nhắc một nơi không hội tụ được cả hai vấn đề này, bạn cần suy nghĩ lại về việc tiếp tục “chung thủy” với công ty ấy. Bạn đang lãng phí không chỉ thời gian mà cả năng lực của chính bản thân mình nếu như vẫn tiếp tục “đâm đầu” vào một lựa chọn sai lầm.
Bao nhiêu năm là đủ lâu để gắn bó với một công ty?
Thông thường, thời hạn 03 – 05 năm là đủ lâu để gắn bó với một nơi làm việc nếu bạn đặt mục tiêu học hỏi và thăng tiến lên những vị trí cao hơn ở công ty ấy.
Tuy nhiên, sau 01 năm mà bạn vẫn ở cùng một vị trí như khi bạn bắt đầu ở 01 năm trước thì nguy cơ con đường sự nghiệp phía trước của bạn trở nên tăm tối là vô cùng cao.
Do đó, nếu đã cán mốc 05 năm ở một công ty nhưng bạn mãi vẫn “dậm chân tại chỗ”, cánh cửa sự nghiệp có thể đóng sập ngay trước mắt bạn nếu bạn tiếp tục ở mãi một công ty.
Vì vậy, đừng tự “buộc đá vào chân” mình khi bạn không thật sự sẵn sàng và không có kế hoạch phát triển dài hạn ở một nơi làm việc duy nhất.
Làm sao để gắn bó lâu dài với một công việc?
Nếu bạn đang gắn bó và có suy nghĩ sẽ ở lại lâu trong công ty, việc đầu tiên bạn cần làm đó là xây dựng một mạng lưới quan hệ rộng lớn.
Trong tương lai, bạn sẽ cần đến sự hỗ trợ từ nhiều cá nhân, nhiều phòng ban khác nhau. Đừng chỉ mãi tập trung ở một phòng ban bạn đang làm việc nếu bạn có kế hoạch thăng tiến lâu dài.
Đôi khi, những mối quan hệ từ những vị trí khác trong công ty chính là cánh cửa cơ hội để bạn đi xa và nhanh hơn trong công ty.
Ngoài ra, khi bạn đã gắn bó lâu với công ty nhưng mãi vẫn không thể thăng tiến, nhưng công ty lại là môi trường làm việc bạn yêu thích và cảm thấy phù hợp.
Khi gặp trường hợp này, đừng vội nản lòng. Hãy vạch ra kế hoạch phát triển cụ thể cho bản thân. Chủ động liên hệ với cấp trên hoặc nắm bắt cơ hội để được đảm nhận những dự án quan trọng hoặc nhiệm vụ có thể giúp bạn học hỏi kinh nghiệm, phát huy năng lực bản thân.
Khi đạt được những thành tích cụ thể, bạn sẽ dễ dàng hơn trong việc trao đổi với cấp trên về vấn đề tăng lương và thăng chức cho mình.
Cuối cùng, đừng tự biến bản thân mình trở thành một người nhàm chán và tẻ nhạt ở công ty nhiều năm liền. Hãy luôn tự làm mới và tìm kiếm động lực sáng tạo ở những công việc bạn đang làm.
Khi bạn không lặp lại mọi trình tự như một chiếc máy tự động, bạn sẽ cảm thấy bản thân có ích hơn, đam mê hơn và quan trọng hơn hết, bạn sẽ tỏa sáng trong mắt cấp trên và có được nhiều cơ hội chứng tỏ bản thân sau một thời gian dài gắn bó.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Hà Anh | MarketingTrips
Theo HR Insider