Lợi nhuận của Mixue cao hơn cả Highlands và gấp nhiều lần Phúc Long hay Starbucks
Lợi nhuận sau thuế của Mixue tăng mạnh đạt hơn 200 tỷ đồng, tăng hơn 200% so với năm 2022, bỏ xa các đối thủ khác như Phê La lãi khoảng 50 tỷ đồng.
Mixue là tên thương hiệu đồ uống đang trở nên ngày càng phổ biến ở Việt Nam, đặc biệt đối với người trẻ. Với mức giá trà sữa chỉ dao động 25.000 – 35.000/cốc, kem ốc quế 10.000 đồng/chiếc, nhiều người trẻ với mức thu nhập trung bình dễ dàng chi trả.
Mixue là chuỗi cửa hàng nổi tiếng từ Trung Quốc, được thành lập vào năm 1997 bởi Zhang Hongchao (Trương Hồng Siêu). Theo giới thiệu trên website, đến năm 2023, có ít nhất 21.581 cửa hàng Mixue đã hoạt động ở Trung Quốc và ở ít nhất 12 quốc gia khác ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Mixue có mặt tại thị trường Việt Nam vào năm 2018, chỉ sau chưa đầy 5 năm, Mixue đã đạt được quy mô khủng hiếm thương hiệu F&B nào tại Việt Nam đạt được. Giữa tháng 4/2023, Mixue thông báo chạm mốc 1.000 cửa hàng tại Việt Nam.
Cùng với tốc độ tăng trưởng cửa hàng, doanh thu và lợi nhuận của Mixue cũng đạt tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc.
Theo số liệu của Vietdata, tại Việt Nam, Mixue đã đạt được tốc độ tăng trưởng doanh thu ấn tượng trong năm 2023 với doanh thu gần 1.260 tỷ đồng, tăng hơn 160% so với năm 2022, trong khi các thương hiệu khác doanh thu chỉ từ vài chục tới vài trăm tỷ.
Lợi nhuận sau thuế của Mixue cũng tăng mạnh đạt hơn 200 tỷ đồng, tăng hơn 200% so với năm trước, bỏ xa các đối thủ khác như Phê La lãi khoảng 50 tỷ đồng và Koi Thé gần 25 tỷ đồng.
So với các ông lớn chuỗi cà phê, năm 2023, doanh thu của Mixue ngang ngửa với Starbucks (hơn 1.300 tỷ đồng) và thấp hơn Phúc Long (1.500 tỷ), Highlands Coffee (gần 4.000 tỷ). Tuy nhiên, xét về lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế của Mixue còn cao hơn cả Highlands và gấp nhiều lần Phúc Long, Starbucks.
Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế cao hơn tốc độ tăng trưởng doanh thu thuần, cho thấy rằng doanh thu từ nhượng quyền thương hiệu đang đóng góp rất lớn vào hiệu quả tài chính của công ty.
Công thức mở rộng nhanh chóng Mixue áp dụng tại các thị trường đó là sử dụng mô hình nhượng quyền. Do đó, Mixue không phát sinh nhiều các chi phí liên quan đến hoạt động của cửa hàng như tiền thuê, cho phép hãng tạo ra tỷ suất lợi nhuận tương đối cao.
Doanh thu của chuỗi trà sữa này vì thế chủ yếu đến từ phí nhượng quyền, phí quản lý, chi phí bán máy móc và nguyên vật liệu. Do vậy, Mixue cũng được biết đến như là nhà cung cấp nguyên liệu chứ không phải là nơi cung cấp các cốc trà sữa đã được pha cầu kỳ.
Đồng thời, thay vì chọn các mặt bằng tại các vị trí đắc địa, Mixue tập trung luồn lách vào các con phố đông dân cư, các thành phố, thị trấn nhỏ, với chi phí thuê mặt bằng tương đối dễ chịu. Cũng nhờ nhượng quyền, Mixue đã nhanh chóng chạm mốc 1.000 cửa hàng, trở thành cái tên dẫn đầu chuỗi đồ uống tại Việt Nam về số lượng.
Tuy nhiên, mặt trái của chiến lược nhượng quyền ồ ạt khiến mật độ cửa hàng dày đặc, nhiều con phố có tới 2-3 địa điểm. Điều này khiến chính các cửa hàng của cùng thương hiệu phải cạnh tranh với nhau, gây bức xúc cho nhà đầu tư.
Chính sách giảm giá, khuyến mãi của Mixue cũng là con dao 2 lưỡi, từng vấp phải làn sóng phản đối của các nhà đầu tư nhượng quyền – vì khiến lợi nhuận của cửa hàng bị bào mòn. Điều này cũng đặt ra câu hỏi về tính bền vững, khả năng tạo ra lợi nhuận lâu dài cho người mua nhượng quyền.
Với mức giá được đánh giá là khá rẻ so với sản phẩm tương đương trên thị trường, Mixue lấy yếu tố giá cạnh tranh đánh vào tệp khách hàng học sinh, sinh viên.
Trong báo cáo Ngành hàng F&B do Cốc Cốc công bố mới đây được thực hiện dựa trên nghiên cứu cơ sở dữ liệu của hơn 30 triệu người dùng trình duyệt và công cụ tìm kiếm Cốc Cốc, kết hợp cùng hình thức khảo sát trực tuyến với 1.999 đáp viên trên phạm vi toàn quốc, Mixue dẫn đầu bảng xếp hạng về chuỗi cà phê/trà, hơn cả những “ông lớn” như Highlands Coffee hay Phúc Long.
Mixue là thương hiệu được bình chọn nhiều nhất ở cả hai nhóm tuổi dưới 18 và từ 18-24 (tỷ lệ lần lượt là 36% và 44%).
Đồng thời, theo số liệu của Momentum Works, thương hiệu Mixue đã trở thành chuỗi F&B lớn thứ tư thế giới.
Ngoài ra, Mixue cũng được xem là thương hiệu Trung Quốc đầu tiên lọt vào Top 5 chuỗi F&B lớn nhất – nơi vốn được thống trị bởi các thương hiệu đến từ Mỹ. Nếu tiếp tục duy trì tốc độ như vậy, Mixue có thể vượt qua McDonald’s chỉ sau 1-2 năm nữa.
Special Offer từ MarketingTrips:
- Tham khảo giải pháp Agency Listing từ MarketingTrips: Agency Networks
- Đăng bài không giới hạn trên MarketingTrips vớfi chi phí chỉ bằng 1 bài đăng (Booking): Content Partner
- Đăng ký (dành cho Agency): Sign up
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin tức trực tuyến về Marketing, Digital Marketing, Thương hiệu, Quảng cáo và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Theo ANTT