Skip to main content

Brand Marketing là gì? Brand Marketer là ai và làm gì?

1 Tháng Bảy, 2022

Là một trong những vị trí đảm nhận các công việc liên quan đến marketing, Brand Marketer hay nhà tiếp thị thương hiệu là người chịu trách nhiệm các công việc về Brand Marketing tức tiếp thị thương hiệu. Tuỳ thuộc vào từng doanh nghiệp khác nhau có quy mô và ngành nghề kinh doanh khác nhau mà các Brand Marketer có thể linh hoạt thực hiện các công việc và nhiệm vụ khác nhau. Cùng tìm hiểu Brand Marketing là gì, các khái niệm xoay quanh thuật ngữ Brand Marketing, các công việc chính mà một Brand Marketer thường làm là gì và hơn thế nữa qua bài viết dưới đây.

brand marketer
Brand Marketer là ai? Chân dung của một Brand Marketer

Brand Marketer là gì? Nằm trong vị trí tổng thể là Marketer, Brand Marketer hay các nhà tiếp thị thương hiệu là những người thực hiện công việc chính là Brand Marketing hay tiếp thị thương hiệu, một phạm vi công việc thường là song song với Performance Marketing.

Các nội dung sẽ được MarketingTrips phân tích trong bài bao gồm:

  • Brand Marketer là gì hay họ là ai?
  • Brand hay thương hiệu là gì?
  • Marketer là ai?
  • Brand Marketer làm những công việc chính là gì?
  • Brand Marketing là gì?
  • Vai trò của các Brand Marketer với thương hiệu và trong doanh nghiệp.
  • Có gì trong JD của một Brand Marketer.
  • Lộ trình trở thành một Brand Marketer chuyên nghiệp.
  • Các vị trí thường thấy trong doanh nghiệp liên quan đến Brand Marketing.
  • Các kỹ năng cơ bản cần có của một Brand Marketer là gì?

Bên dưới là nội dung chi tiết.

Brand Marketing là gì? Brand Marketer là gì hay họ là ai?

Như đã phân tích ở trên, Brand Marketer trong tiếng Việt có nghĩa là nhà tiếp thị thương hiệu, những người thuộc bộ phận marketing hoặc thương hiệu chuyên làm các công việc liên quan đến Brand Marketing hay tiếp thị thương hiệu.

Mặc dù cũng như các vị trí khác thuộc ngành marketing, tuỳ vào từng doanh nghiệp khác nhau, các công việc mà Brand Marketer phụ trách có thể rất khác nhau.

Ở khía cạnh tổng thể, Brand Marketer là một vị trí hay một kiểu Marketer.

Brand hay thương hiệu là gì?

Ở góc nhìn tổng thể, thương hiệu có thể được định nghĩa là tất cả những giá trị hữu hình lẫn vô hình dùng để nhận diện hay phân biệt một sản phẩm, dịch vụ, cá nhân hay tổ chức nào đó với những đơn vị còn lại.

Theo khái niệm này, thương hiệu có thể bao gồm từ các yếu tố hữu hình như logo, màu sắc thương hiệu, các kí hiệu hay slogan gắn liền với thương hiệu, bao bì, nhãn mác, đến các yếu tố vô hình như tính cách thương hiệu (brand personality), hình ảnh thương hiệu (brand image) hay tình cảm thương hiệu (brand love).

Dưới đây là một số định nghĩa khác về thương hiệu.

Theo Investopedia, thuật ngữ thương hiệu hay Brand đề cập đến một ý tưởng trong phạm vi kinh doanh và marketing được sử dụng để giúp mọi người xác nhận một sản phẩm, cá nhân hay doanh nghiệp cụ thể.

Thương hiệu là vô hình, có nghĩa là bạn không thể sờ hay chạm vào được nó mà chỉ có thể cảm nhận hay ghi nhớ về nó trong tâm trí.

Các doanh nghiệp hay thương hiệu thường sử dụng các điểm nhận diện riêng để tạo ra các bản sắc thương hiệu trên thị trường, những gì thương hiệu hướng tới là lợi thế cạnh tranh so với các thương hiệu hay doanh nghiệp khác hiện có để từ đó bán được nhiều hàng hơn.

Marketer là ai?

Marketer, mặc dù không được chính xác và rõ nghĩa khi dịch ra tiếng Việt tuy nhiên nó có nghĩa là Nhà tiếp thị, tức đề cập đến những người làm các công việc về Marketing.

Trong khi cũng tương tự như các khái niệm hay công việc về marketing, vị trí marketer trong thực tế cũng khá đa dạng với nhiều “chân dung” khác nhau.

Có thể ở doanh nghiệp này, marketer là những người chạy quảng cáo, nhưng cũng có thể ở các doanh nghiệp khác, marketer lại đóng tròn vai hơn.

Brand Marketing là gì?

Nằm trong khái niệm lớn là Marketing và Brand tức Thương hiệu, Brand Marketing hay Tiếp thị thương hiệu là thuật ngữ đề cập đến tất cả các hoạt động marketing với mục tiêu cuối cùng là xây dựng tài sản thương hiệu hoặc các sản phẩm hay dịch vụ liên quan.

Brand Marketing liên quan nhiều các hoạt động xây dựng mối quan hệ giữa thương hiệu với người tiêu dùng đồng thời marketing đến người tiêu dùng các thuộc tính của thương hiệu (brand attributes), những thứ mà người tiêu dùng “cần” hình dung ra khi nghĩ về một thương hiệu cụ thể nào đó.

Brand Marketer làm những công việc chính là gì?

Thông thường ở các doanh nghiệp lớn hoặc các doanh nghiệp có cơ cấu tổ chức nhân sự chuyên nghiệp, các Brand Marketer sẽ làm việc song song với các Performance Marketer, tức khi này, marketing sẽ có thể được phân chia thành Brand Marketing và Performance Marketing.

Trong khi các Performance Marketer tập trung vào các hoạt động tiếp thị hiệu suất nhằm mục tiêu mang lại khách hàng tiềm năng và doanh số (trực tiếp hoặc gián tiếp), Brand Marketer quan tâm nhiều hơn đến hiệu suất tổng thể của thương hiệu hay các chỉ số gắn liền với sức khoẻ thương hiệu như độ nhận biết thương hiệu (Brand Awareness) hay mức độ trung thành của khách hàng với thương hiệu (Brand Loyalty).

Tuỳ vào từng cấp độ vị trí cụ thể hoặc yêu cầu của từng doanh nghiệp, các Brand Marketer có thể thực hiện các công việc hay sứ mệnh khác nhau, dưới đây là một số công việc chính họ thường làm.

Xây dựng chiến lược thương hiệu.

Cũng tương tự như các vị trí khác thuộc marketing hay nhiều ngành nghề khác, trước khi thực hiện bất cứ công việc cụ thể nào, chiến lược là yêu cầu được đặt ra đầu tiên.

Về cơ bản, chiến lược chính là kim chỉ nam cho những mục tiêu mà bạn muốn hướng tới, những định hướng mà bạn sẽ làm và hơn thế nữa.

Trong trường hợp này, với các Brand Marketer, mục tiêu của họ khi xây dựng chiến lược thương hiệu là tìm ra những lối đi của thương hiệu trong dài hạn, những định hướng mang tính chiến lược (thường là dài hạn hoặc trong một khoảng thời gian tương đối dài) hay nói một cách dễ hiểu, họ muốn thương hiệu của họ ở đâu trong tương lai và nó là gì trong tâm trí của người tiêu dùng mục tiêu (TA).

Chiến lược thương hiệu thường được xây dựng bởi các vị trí quản lý thương hiệu chẳng hạn như Brand Marketing Manager.

Tiếp thị sản phẩm hoặc ra mắt sản phẩm mới.

Brand Marketer
Một trong những công việc của các Brand Marketer là ra mắt sản phẩm mới.

Công việc tiếp theo mà các Brand Marketer có thể sẽ phải làm đó là tiếp thị sản phẩm (Product Marketing) hoặc ra mắt các sản phẩm mới.

Vì bản chất, các nhà tiếp thị thương hiệu làm những công việc gắn liền với thương hiệu hay sản phẩm (thứ mà người dùng sẽ mua), không ít các công việc liên quan đến quá trình tiếp thị cho sản phẩm như quảng cáo, PR hay xây dựng các chương trình khuyến mãi là những gì họ phải làm.

Tiếp đó, trong quá trình kinh doanh, nếu doanh nghiệp ra mắt các sản phẩm mới, các Brand Marketer cũng sẽ phải thực hiện các công việc như xây dựng kế hoạch ra mắt, kênh truyền thông sẽ sử dụng, chiến thuật ra mắt sản phẩm hay cả việc sử dụng những người có ảnh hưởng (Influencer) để thúc đẩy hiệu ứng của sản phẩm hay thương hiệu.

Xây dựng, quản trị, thực thi và giám sát các công việc liên quan đến truyền thông thương hiệu.

Dù cho đó là thông qua các agency hay đội nhà làm (in-house team), một công việc quan trọng khác của các nhà tiếp thị thương hiệu đó là xây dựng nội dung, thực thi và giám sát toàn bộ các công việc liên quan đến truyền thông thương hiệu (Brand Communications).

Dù cho đó là việc phải làm việc với các cơ quan truyền thông báo chí, các đối tác thương hiệu (Brand Partnership) hay các chiến dịch thương hiệu, các Brand Marketer chính là người chịu trách nhiệm xây dựng và đánh giá kết quả.

Phân tích và đánh giá hiệu suất hay sức khoẻ của thương hiệu.

Ở góc nhìn tổng thể, các Brand Marketer là những người chịu trách nhiệm tổng thể về hiệu suất hay sức khoẻ của thương hiệu.

Các chỉ số gắn liền với quá trình này thường là ngân sách đã chi tiêu, mức doanh số đạt được, mức độ cải thiện của sức khoẻ thương hiệu như độ nhận biết thương hiệu, yêu thích thương hiệu hay mức độ trung thành (mua lại) của khách hàng.

Vai trò của các Brand Marketer với thương hiệu và trong doanh nghiệp là gì?

Song song với các vị trí khác như Digital Marketer hay Content Marketer, các Brand Marketer đóng một vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của thương hiệu và doanh nghiệp trong dài hạn.

Dưới đây là môt số vai trò chính của các Brand Marketer.

Xây dựng độ nhận biết thương hiệu.

Khi nói đến quá trình xây dựng thương hiệu hay vai trò của những nhà tiếp thị thương hiệu, độ nhận biết hay nhận thức của khách hàng về thương hiệu là yêu cầu đầu tiên.

Trong khi có nhiều yếu tố khác nhau ảnh hưởng đến việc ra quyết định mua hàng của khách hàng trong suốt hành trình mua hàng, biết về thương hiệu hay thậm chí là hiểu thương hiệu là điều kiện đầu tiên.

Bạn cứ thử hình dung rằng, bạn có sẵn sàng mua một sản phẩm hay thương hiệu nào đó mà bạn chưa từng nghe nói về nó hay không? Và nếu có thì tỷ lệ hay xác suất là khoảng bao nhiêu phần trăm?

Các sản phẩm có giá trị càng cao thì quá trình mua hàng càng lâu và phức tạp và mức độ nhận thức của khách hàng về thương hiệu càng quan trọng.

Xây dựng lòng trung thành của khách hàng với thương hiệu.

Ngày nay, trong bối cảnh khi khách hàng ngày càng có thể tiếp cận thông tin môt cách dễ dàng và nhanh chóng hơn, khi họ có nhiều lựa chọn hơn, mức độ trung thành của họ với thương hiệu càng thấp hơn.

Với tư cách là các Brand Marketer, vai trò của bạn là làm cho khách hàng tương tác nhiều và thường xuyên hơn với thương hiệu (không nhất thiết là với các nội dung bán hàng), yêu thích thương hiệu nhiều hơn, liên tưởng đến thương hiệu nhiều hơn, và cuối cùng là mua và mua lặp lại nhiều hơn.

Trong khi các nghiên cứu cho thấy rằng chi phí bỏ ra để có được một khách hàng mới trung bình cao hơn khoảng từ 3-5 lần so với việc duy trì khách hàng cũ, lòng trung thành của khách hàng với thương hiệu ngày càng trở nên cấp thiết hơn.

Theo dõi, cải thiện và giám sát sức khoẻ của thương hiệu (Brand Health).

Để khách hàng luôn cảm thấy hài lòng với những giá trị của thương hiệu, các Brand Marketer cần không ngừng theo dõi các phản ứng hay cảm xúc của khách hàng với một thương hiệu hay sản phẩm nhất định.

Khi mạng xã hội có thể nhanh chóng lan truyền những nội dung bất lợi cho thương hiệu, nhiệm vụ của các nhà tiếp thị thương hiệu là theo dõi và có các hành động xử lý kịp thời để từ đó giúp hạn chế tối đa các tác động xấu đến sức khoẻ của thương hiệu.

Nếu khách hàng của bạn tập trung nhiều trên các nền tảng mạng xã hội, các công cụ lắng nghe mạng xã hội hay Social Listenting là những gì bạn cần.

Thúc đẩy doanh số bán hàng.

Khi “có thương hiệu” là một trong những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định mua hàng của khách hàng, một thương hiệu được xây dựng tốt hiển nhiên có thể giúp doanh nghiệp bán được nhiều hàng hơn và mang về doanh số lớn hơn.

Suy cho cùng, các mục tiêu như độ nhận biết thương hiệu hay yếu thích thương hiệu cũng sẽ không có ý nghĩa gì nếu không bán được hàng, thương hiệu được xây dựng là để bán hàng chứ không phải chỉ để cảm nhận hay nằm trong tâm trí của khách hàng.

Có gì trong JD của một Brand Marketer.

Có gì trong JD của một Brand Marketer.
Có gì trong JD của một Brand Marketer.

Tuỳ thuôc vào từng cấp độ cụ thể ở các doanh nghiệp với các ngành hàng khác nhau, các Brand Marketer cơ bản sẽ chịu những trách nhiệm hay làm những công việc khác nhau.

Dưới đây là các bản mô tả công việc (JD) của một số vị trí Brand Marketer khác nhau gắn liền với từng ngành hàng nhất định.

JD của một trưởng phòng Brand Marketing mảng thời trang.

Mô tả công việc:

1. Quản lý triển khai các hoạt động marketing, PR phục vụ việc xây dựng thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ của Công ty:

  • Xây dựng, quản lý nhận diện thương hiệu cho các nhãn hàng thuộc Công ty. Kiểm soát các bộ quy trình, quy chuẩn về truyền thông thương hiệu.
  • Lên kế hoạch, ngân sách & giám sát triển khai các công việc liên quan đến kế hoạch phát triển thương hiệu bao gồm: xây dựng các kênh truyền thông, campaign truyền thông online/offline, PR, event, Sponsor, Co-Brand …
  • Sản xuất nội dung content: hình ảnh/bài viết/Clip/TVC trên các phương tiện truyền thông Online/Offline
  • Phối hợp cùng bộ phận Trade – Visual để triển khai ấn phẩm truyền thông thương hiệu cho các sản phẩm
  • Quản lý thực thi & tối ưu hoá các quảng cáo Digital (Facebook ads, Google ads, SEO, …) trên các nền tảng truyền thông của công ty
  • Xây dựng & triển khai các quy trình/kế hoạch/hoạt động CSKH của công ty
  • Thiết lập mối quan hệ với các cơ quan ban ngành, đối tác chiến lược, đơn vị truyền thông, báo chí… và xử lý khủng hoảng truyền thông (nếu có)
  • Báo cáo, tham vấn Ban Giám đốc về thực tế vận hành, tình hình thị trường và xu hướng các hoạt động truyền thông, quảng cáo phù hợp với định hướng phát triển của Công ty

2. Xây dựng & triển khai chính sách chăm sóc khách hàng:

  • Quản trị dữ liệu khách hàng thân thiết
  • Xây dựng, đề xuất và vận hành chính sách KHTT
  • Xây dựng, đề xuất và triển khai các chương trình chăm sóc khách hàng
  • Quản lý việc tương tác với khách hàng trên các kênh phụ trách theo từng thời kỳ
  • Phụ trách kênh truyền thông SM.

3. Phân công và kiểm soát thực hiện công việc của nhân viên phụ trách nhằm đạt hiệu quả cao: Phân bổ công việc, xây dựng quy trình đánh giá, KPIs, quản lý nhân viên trong team.

4. Thực hiện các báo cáo theo định kỳ hoặc đột xuất liên quan đến Visual Control.

JD của một chuyên viên Brand Marketing mảng BĐS.

MÔ TẢ CÔNG VIỆC.

  • Phụ trách quản lý thương hiệu
  • Xây dựng chiến lược Marketing Mix, kế hoạch, mục tiêu…
  • Xây dựng kế hoạch các hoạt động marketing launching sản phẩm mới
  • Nghiên cứu và đề xuất các hoạt động truyền thông để xây dựng hình ảnh của công ty với thị trường và khách hàng mục tiêu;
  • Xây dựng bộ nhận diện thương hiệu – hướng dẫn quản trị truyền thông Thương hiệu, ấn phẩm truyền thông về thương hiệu & sản phẩm; bảo vệ thương hiệu mà công ty đang quản lý.
  • Tham gia lập kế hoạch hành động và ngân sách cho các hoạt động quảng cáo, truyền thông marketing, truyền thông báo chí, sự kiện PR, nhằm xây dựng thương hiệu & các dòng sản phẩm
  • Thực hiện các chương trình/chiến dịch phát triển nhận thức và am hiểu về các thương hiệu cùng với truyền thông nội bộ.
  • Theo dõi xu hướng thị trường, khảo sát ý kiến khách hàng và tìm hiểu chiến dịch của đối thủ.
  • Phân tích thị trường để định vị thương hiệu và xác định insight của khách hàng mục tiêu.
  • Xử lý & dự báo khủng hoảng thương hiệu và khủng hoảng truyền thông có thể phát sinh và kế hoạch ngăn chặn.

Kết luận.

Nếu bạn đã xác định marketing là con đường mà mình đã chọn, bên cạnh những công việc khác như đánh giá năng lực của bản thân hay mức độ phù hợp của vị trí công việc với sở thích cá nhân, việc hiểu rõ phạm vi công việc hay trách nhiệm gắn liền với từng vị trí cũng hết sức quan trọng.

Bằng cách hiểu Brand Marketer là ai, họ làm những công việc chính là gì hay họ có vai trò như thế nào trong doanh nghiệp, bạn đã sẵn sàng để chinh phục một chặng đường mới hoặc ít nhất có thể làm tốt hơn vai trò hiện tại của mình.

Xem thêm:

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Nam Nguyen | MarketingTrips

Bài viết liên quan

Nổi bật

Mới nhất

Ứng dụng gọi xe Bolt sắp vào Việt Nam tuyên bố sẽ đánh bại Grab

21 Tháng Một, 2025
Tại nhiều thị trường quan trọng của Grab, ứng dụng gọi xe công nghệ Bolt đã vươn lên đe doạ vị th…

Đọc nhiều

Top 10+ xu hướng Marketing sẽ thống trị trong năm 2025 (từ Kantar)

18 Tháng Một, 2025
Theo báo cáo từ Kantar Media (một công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu thị trường,…