Skip to main content

Google, Facebook, Netflix…nộp 1.200 tỷ tiền thuế tại Việt Nam

8 Tháng Mười, 2022

Các nền tảng xuyên biên giới như Google, Facebook, Netflix… đã nộp hơn 1.200 tỷ đồng tiền thuế ở Việt Nam, chỉ 6 tháng sau khi cổng khai và thu thuế trực tuyến đi vào vận hành.

Google, Facebook, Netflix và các doanh nghiệp ngoại khác nộp 1.200 tỷ tiền thuế tại Việt Nam
Google, Facebook, Netflix và các doanh nghiệp ngoại khác nộp 1.200 tỷ tiền thuế tại Việt Nam

Số thu thuế từ các nền tảng xuyên biên giới trong 9 tháng năm 2022 đã bằng mức trung bình hàng năm, khi các doanh nghiệp này tự khai và nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử dành cho các nhà cung cấp nước ngoài.

Cổng thông tin khai và nộp thuế được vận hành hồi tháng 3, giúp các nhà cung cấp nước ngoài thực hiện việc đăng ký, kê khai, nộp thuế trực tiếp từ bất cứ đâu trên thế giới.

Sau hơn 6 tháng triển khai, đã có 36 nhà cung cấp nước ngoài bao gồm các nền tảng quảng cáo lớn như Google, Facebook, TikTok hay Microsoft, Netfix, Apple… tiến hành đăng ký, khai và nộp thuế qua cổng. Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Thuế, các nền tảng nước ngoài đã khai, nộp trên 1.200 tỷ đồng.

Advertisement

Việt Nam có 139 đơn vị chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử (eCommerce), trong đó có 41 sàn thương mại điện tử bán hàng, 98 sàn thương mại điện tử cung cấp dịch vụ, 3 công ty đối tác của các nhà cung cấp nước ngoài được thay các đơn vị này trả tiền cho các tổ chức, cá nhân có quan hệ giao dịch, tương ứng với số lượng khách hàng trung bình truy cập các sàn khoảng 3,5 triệu lượt khách/ngày.

Thống kê của cơ quan Thuế cũng cho thấy, số thu từ hoạt động thương mại điện tử thông qua các tổ chức tại Việt Nam khai thay, nộp thay thuế nhà thầu từ năm 2018 đến giữa tháng 7/2022 đạt 5.458 tỷ đồng, tốc độ thu bình quân đạt 130%, số thu trung bình đạt khoảng 1.200 tỷ đồng/năm.

Trong đó, một số nhà cung cấp nước ngoài được khai thuế, nộp thuế thay với số thu lớn như: Facebook là 2.076 tỷ đồng; Google là 2.040 tỷ đồng; Microsoft là 699 tỷ đồng.

Với mức tăng trưởng hai con số mỗi năm, các nghiên cứu cho thấy, doanh thu thương mại điện tử Việt Nam có thể đạt 39 tỷ USD vào 2025 và là một trong những thị trường thương mại điện tử hấp dẫn nhất trong khu vực.

Advertisement

Tuy nhiên, hoạt động thương mại điện tử và dịch vụ số xuyên biên giới phát triển nhanh cũng đặt ra nhiều vấn đề, đặc biệt là liên quan đến quản lý thuế do những khó khăn trong quản lý đầy đủ các nguồn thu, đối tượng nộp thuế, xác định căn cứ tính thuế…số thuế nộp ngân sách nhà nước từ kinh doanh thương mại điện tử chưa tương xứng với tiềm năng, gây thất thu và cũng khiến cạnh tranh chưa cùng một mặt bằng.

Mới đây, Chính phủ yêu cầu nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số.

Trong đó nhấn mạnh tới việc hoàn thiện thể chế quản lý thuế; xây dựng, cập nhật và liên thông cơ sở dữ liệu giữa các bên để phục vụ cho công tác quản lý hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.

Ngoài ra, việc quản lý được dòng tiền cũng là một trong những nội dung được đề cập. Theo đó, các ngân hàng, trung gian thanh toán thực hiện việc cung cấp thông tin của các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam, tổ chức, cá nhân có thu nhập phát sinh từ các nền tảng xuyên biên giới theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của cơ quan thuế.

Advertisement

Trong khi đó, các sàn thương mại điện tử đang hoạt động tại Việt Nam cũng sẽ phải kê khai và nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh và hộ kinh doanh trên sàn theo quy định tại dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 126 (năm 2020).

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Nam Nguyen | MarketingTrips

Bài viết liên quan

Nổi bật

Advertisement

Advertisement