Đu đỉnh kinh doanh theo Trend: Rộn ràng khai trương rồi ngậm ngùi chịu lỗ
Từ cà phê muối đến bánh đồng xu phô mai hay trà chanh giã tay đều khiến cả người bán và người mua quay cuồng trong thời gian qua. Chỉ kỳ vọng lợi nhuận lớn trong thời gian ngắn, nhiều chủ cửa hàng bán đồ ăn theo trend đang phải gồng lỗ mỗi ngày khi xu hướng hạ nhiệt dần.
“Đu đỉnh” ăn trái đắng
“Có những ngày em bán vỏn vẹn được gần chục ly cà phê, hôm nào khá khẩm hơn chút cũng chỉ loanh quanh hai, ba chục ly. Chắc sắp tới em nghỉ bán, thanh lý xe đẩy này cho người khác rồi đi kiếm việc khác làm”, Hoàng Thanh (23 tuổi), một chủ xe đẩy bán cà phê muối ở khu vực Cầu Giấy chia sẻ.
Cũng giống như nhiều chủ xe bán cà phê muối khác, Thanh bắt đầu kinh doanh loại đồ uống này sau khi xem nhiều clip về các xe đẩy cà phê muối trên TikTok. “Thấy người ta bán được cả trăm ly mỗi ngày, em cũng thấy ham. Chưa kể, chi phí và dụng cụ để làm cà phê muối cũng không quá khó và không phải đầu tư kỳ công như mở một cửa hàng nghiêm chỉnh nên em cũng làm theo”.
Quả thực những ngày đầu Thanh cũng thu về kha khá khi việc kinh doanh tương đối thuận lợi. Thế nhưng, chỉ sau hơn một tháng, ngày càng có nhiều chiếc xe đẩy cà phê muối xuất hiện trên đường phố trong khi lượng người mua chỉ còn lác đác.
“Mới hôm trước em còn phải về sớm vì đứng mấy tiếng đồng hồ chỉ bán được 5 ly, chưa kể trong đó có một ly em tự thưởng cho mình”, Thanh nói.
Từ cà phê muối, bánh đồng xu phô mai cho đến trà chanh giã tay hay mới nhất là trà sữa nướng đều là những trend ăn uống của năm nay. Chỉ trong thời gian ngắn, khi trào lưu này chưa kịp nguội thì các trào lưu khác lại nở rộ, khiến các chủ cửa hàng bị xoay như chong chóng.
Một chủ quầy bán bánh đồng xu phô mai ở Cầu Giấy chia sẻ việc kinh doanh chỉ thuận lợi một, hai tháng đầu. “Trước đây khách đến mua phải xếp hàng dài thì giờ đây, chỉ lác đác vài người đến mua”. Chưa kể, số tiền bỏ ra để mua máy móc, thuê mặt bằng và nhân công thì cao trong khi khách ngày càng ế ẩm khiến chị phải cắn răng gồng lỗ.
Rủi ro của kinh doanh theo trend
Nhiều chuyên gia nhận định, việc kinh doanh theo trend có thể giúp người đầu tư thu lời một cách nhanh chóng. Thế nhưng, bên cạnh nguồn tiền ngắn hạn, xu hướng kinh doanh theo trend cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Người tiêu dùng “cả thèm chóng chán” với những đồ ăn, thức uống theo trend trong khi các cửa hàng thì liên tục mọc lên như nấm khiến các chủ hàng hiện tại rơi vào cảnh khó khăn.
Trong chia sẻ với truyền thông, chuyên gia kinh tế, TS Huỳnh Thanh Điền cho biết bản chất của các xu hướng và trào lưu chỉ tồn tại trong một thời gian nhất định, hay nói cách khác là có vòng đời ngắn. Những người tạo ra các món theo trend dễ kiếm được lợi nhuận cao trong thời gian đầu nhưng sau khi nhiều người sao chép, nguồn cung sẽ vượt qua cầu, khiến cho món ăn theo trend dần bị thoái trào.
Trong khi điểm mấu chốt của kinh doanh là giữ được khách hàng trung thành với mình. Thế nhưng, đối với việc kinh doanh chạy theo xu hướng, về bản chất, các loại đồ ăn thức uống theo trend này không hề khó với công thức chế biến tràn lan trên mạng xã hội và ai cũng có thể làm được. Thành thử đồ của cửa hàng nào cũng na ná nhau, không có điểm nhấn riêng biệt để giữ chân khách hàng sau những lần thử đầu tiên.
Chị Thu Thảo, một chủ kênh TikTok chuyên review đồ ăn, chia sẻ: “Khi trend bánh đồng xu phô mai mới nổi lên, mình phải xếp hàng tận 2 tiếng đồng hồ mới được thưởng thức. Thế nhưng sau khi ăn rồi mình thấy món này không có gì đặc sắc và cũng chẳng ăn lại lần thứ hai. Với mấy trend trên mạng xã hội, mình chỉ đến quán với tâm lý thử cho biết, chứ cũng không kỳ vọng gì nhiều”.
Khi thị trường đang quan tâm với sản phẩm, thì đó cũng là lúc đỉnh của trend và sẽ sớm bước vào giai đoạn thoái trào. Đây cũng là lúc các nhà đầu tư nên thận trọng, không nên “đu đỉnh” hoặc nếu đã đầu tư thì các chủ cửa hàng nên dần dịch chuyển sang mô hình kinh doanh mới, hoặc nghiên cứu cải tiến sản phẩm để tạo sự độc đáo, “gây nghiện” giữ chân khách hàng lâu dài, các chuyên gia nhận định.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin tức trực tuyến về Marketing, Digital Marketing, Thương hiệu, Quảng cáo và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer