Skip to main content

Người Mỹ thích mua sắm trên Temu và Shein của Trung Quốc

18 Tháng Mười Hai, 2023

Nhu cầu bùng nổ của phương Tây đối với hàng thời trang nhanh và thương mại điện tử được bán bởi Temu và Shein đang thúc đẩy giá cước vận tải hàng không. Đồng thời, tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt giữa các công ty hậu cần vận chuyển từ châu Á.

Người Mỹ thích mua sắm trên Temu và Shein của Trung Quốc
Người Mỹ thích mua sắm trên Temu và Shein của Trung Quốc

Người tiêu dùng ở Mỹ và châu Âu bắt đầu mua sắm nhiều hơn trên các nền tảng thương mại điện tử của Trung Quốc trong thời kỳ đại dịch nhờ sự phát triển của các tuyến vận chuyển, một số đơn hàng có thể được giao trong vòng một tuần.

Khi nhu cầu của người tiêu dùng chưa giảm xuống, đồng nghĩa giá cước vận tải hàng không vẫn được giữ ở mức cao, hỗ trợ các công ty logistics trong thị trường.

Theo lãnh đạo doanh nghiệp trong ngành, trong một số trường hợp, các nền tảng thương mại điện tử sẵn sàng trả gần gấp đôi số tiền mà khách hàng phải trả để đảm bảo đủ năng lực giao hàng.

“Các ứng dụng như Temu, Shein là trong số những ứng dụng được tải xuống nhiều nhất ở Mỹ và hàng của họ đều được vận chuyển bằng đường hàng không”, Jacob Cooke, Giám đốc điều hành của WPIC Marketing + Technologies cho biết. Đây là công ty chuyên xử lý hậu cần thương mại điện tử cho các thương hiệu ở Châu Á.

Nhiều lãnh đạo trong ngành vận tải hàng không đánh giá sự bùng nổ thương mại điện tử (eCommerce) đến từ Trung Quốc đã tạo ra tác động lớn đối với ngành. Giá cước vận tải hàng không đã tăng lên rõ rệt vào nửa cuối năm 2023 và giá cước vận chuyển hàng hóa  đường biển đã giảm mạnh kể từ khi chuỗi cung ứng gặp gián đoạn trong đại dịch.

Theo dữ liệu hải quan chính thức, trong nửa đầu năm nay, Trung Quốc đã vận chuyển lượng hàng hóa thương mại điện tử trị giá 155 tỷ USD, tương đương khoảng 5,5% tổng giao dịch hàng hóa của quốc gia tỷ dân.

Neil Wilson, biên tập viên của nhà cung cấp dữ liệu vận tải hàng không TAC Index, cho biết giá cước vận tải hàng không trên các tuyến xuyên Thái Bình Dương từ Hong Kong và Thượng Hải đã tăng đều đặn trong thời gian giao hàng cao điểm vào dịp Giáng sinh.

Giá cước vận tải đường biển, trong đó có cả các tuyến thương mại xuyên Thái Bình Dương, đã giảm kể từ đại dịch. Theo công ty tư vấn hàng hải Drewry, giá mỗi container 40ft toàn cầu đã giảm 35% từ tháng 12 năm ngoái đến cuối tháng trước.

Wilson cho biết thương mại điện tử có thể chiếm khoảng 40% đến 50% khối lượng vận chuyển hàng hóa trên hầu hết các tuyến và lên tới 70%, tuỳ vào trường hợp.

Chandler So, Giám đốc vận tải hàng hóa Bắc Á của Geodis, cho biết các nền tảng như Temu và Shein, đã thu hút khách hàng phương Tây với những thiết kế thời trang nhanh giá rẻ. Ông nói: “Mô hình thương mại điện tử đó cũng tạo ra nhu cầu về vận tải hàng không mà chúng tôi chưa từng thấy trước đây”.

Các hãng vận tải hàng hóa toàn cầu đang tăng cường đầu tư vào quản lý thương mại điện tử và tái phân bổ máy bay để theo kịp nhu cầu ngày càng tăng, trong khi các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc đã mở rộng dịch vụ vận chuyển hàng hóa và một số nhà sản xuất trong nước đang thuê máy bay để vận chuyển hàng hóa của họ.

Theo công ty tư vấn hàng không Ishka, công ty con về hậu cần của JD.com hiện có đội bay riêng gồm ít nhất 5 máy bay, trong khi hãng vận tải hàng hóa tư nhân có trụ sở tại Hải Nam là Central Airlines thực hiện khoảng 6 chuyến bay/tuần từ Thâm Quyến đến Paris.

Dịch vụ hậu cần Cainiao của Alibaba cho biết họ khai thác trung bình 170 chuyến bay thuê hoặc thỏa thuận không gian mỗi tuần. “Tóm lại, thị trường này có tính cạnh tranh khốc liệt vì các lĩnh vực vận tải hàng không khác có những điểm yếu nhất định,” Tom Owen, giám đốc hàng hóa của Cathay Cargo Hong Kong cho biết.

Owen ước tính rằng vận chuyển hàng cho sàn thương mại điện tử chiếm khoảng một nửa lượng vận chuyển hàng không mà Cathay Cargo vận chuyển qua Hong Kong, đồng thời cho biết thêm rằng công ty đã tăng tốc đầu tư vào thương mại điện tử và miền nam Trung Quốc để theo kịp nhu cầu.

Tuy nhiên, sự phụ thuộc ngày càng tăng vào thương mại điện tử của Trung Quốc cũng gây lo ngại cho các công ty hậu cần. Một giám đốc điều hành hãng vận tải hàng không ở châu Á cho biết: “Nếu đột nhiên có một số phán quyết pháp lý ở Mỹ nói rằng có vấn đề với Shein hoặc một số công ty thương mại điện tử khác ở  Trung Quốc thì điều đó sẽ có tác động lớn.”

Trước lo ngại đó, một số tập đoàn vận tải hàng hóa lâu đời tự tin rằng nhu cầu về thương mại điện tử và thời trang nhanh sẽ tiếp tục tạo đà thuận lợi. Tobias Meyer, Giám đốc điều hành của Tập đoàn DHL, cho biết: “Tôi cũng kỳ vọng vào năm tới, thị trường vận tải hàng không sẽ chấm dứt tình trạng suy thoái trên toàn cầu. Chúng tôi dự tính sẽ chứng kiến ​mức tăng đột biến vì một số thị trường nhất định cho thấy nhu cầu đặc biệt.”

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin tức trực tuyến về Marketing, Digital Marketing, Thương hiệu, Quảng cáo và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

 

Theo Doanh nghiệp và Kinh doanh

Bài viết liên quan

Nổi bật

Mới nhất

Volkswagen dự kiến sa thải hàng chục ngàn nhân viên

25 Tháng Mười Hai, 2024
Nhà sản xuất ôtô hàng đầu châu Âu Volkswagen đạt thỏa thuận với công đoàn trong việc cắt giảm hơn…

Đọc nhiều

Ứng dụng video Bigo Live bị xoá khỏi App Store

10 Tháng Tư, 2023
Bigo Live, ứng dụng chuyên về livestream phổ biến tại Việt Nam, không còn xuất hiện trên kho ứng …