Nhảy việc: Thời điểm NÊN và KHÔNG NÊN!
Nhảy việc cuối năm là đánh đổi tất cả những cố gắng của bạn trong suốt một năm qua. Điều này là đúng hay sai? Nhảy việc thời điểm nào thì sẽ phù hợp?
Đến hẹn lại lên, không ít bàn dân công sở lại cảm thấy “đau đầu” với bài toán muôn thuở: Nên nhảy việc cuối năm hay không? Nóng vội dẫn đến những quyết định cảm tính đôi khi sẽ dẫn đến sai lầm.
Nhưng trì hoãn và cứ mải đắn đo thì cơ hội sẽ chẳng đợi chờ. Vậy thời điểm nào và khi nào mới thích hợp để nhảy việc?
Thời gian nhảy việc phù hợp
Các chuyên gia về tuyển dụng và nhân sự trên thế giới cho rằng ở bất cứ quốc gia nào và thị trường lao động nào, các doanh nghiệp hầu như đều ít nhiều gặp biến động về nhân sự thời điểm đầu năm hoặc sau kỳ nghỉ Tết dài.
Thực tế nếu xét về góc độ thời gian, có lẽ đây là lúc khá phù hợp nếu bạn đang có dự định nhảy việc bởi một vài lý do như:
Một là, bạn đã trải qua một kỳ nghỉ Tết đủ dài để refresh bản thân và đang rất sẵn sàng cho một nơi làm việc mới với những đồng nghiệp mới.
Hai là, nếu nghỉ vào giữa năm hoặc cuối năm, bạn rất khó để nhận được khoản thưởng Tết một cách trọn vẹn. Do đó, đầu năm mới sẽ là thời điểm thích hợp nhất đi kèm với tâm lý “năm mới sẽ dễ dàng để bắt đầu một điều gì đó mới mẻ một cách thuận lợi hơn”.
Ba là, đầu năm là thời điểm các công ty tuyển dụng sôi nổi, việc làm cũng nhiều hơn đồng nghĩa với việc cơ hội để bạn lựa chọn công ty phù hợp nhất với nguyện vọng của bản thân cũng rộng mở hơn.
Tuy nhiên, nếu không phải vì khoản thưởng Tết hấp dẫn thì cuối năm cũng có thể xem là thời điểm đáng xem xét nếu bạn đã có một offer tốt hơn từ nơi làm mới. Bởi lẽ đây là thời điểm là “tỷ lệ chọi” thấp nhất trong năm khi nhu cầu tuyển dụng vẫn có nhưng hồ sơ thì lại rất hiếm hoi.
Trong khi đó, việc bạn chuyển công ty vào những tháng cuối năm cũng sẽ giúp bạn hoàn thành 2 tháng thử việc trong năm cũ và sẽ thuận lợi cho việc tính thưởng Tết đủ tháng làm việc chính thức/năm ở công ty mới.
Quyết đoán nhảy việc vì “nước đã tràn ly”
Thời gian chỉ là vấn đề cần cân nhắc khi bạn có một khoản thưởng đủ lớn và thực sự vẫn chưa tìm được một nơi làm việc mới đủ sức hấp dẫn. Ở câu chuyện của cảm xúc có lẽ sẽ có nhiều việc đáng bàn.
Nghỉ việc không phải là chuyện nhỏ, đặc biệt là khi bạn đã qua tuổi 30 hoặc đã có gia đình với nhiều mối lo về kinh tế.
Nhưng nếu ngay lúc này, dù có đang ở thời điểm nào đi chăng nữa, dù bạn đã có thâm niên với công ty đi chăng nữa nhưng vẫn cảm thấy không có tiếng nói chung với quản lý và đồng nghiệp trong công việc, không cảm thấy bản thân được ghi nhận và những nỗ lực của bạn dường như không có nhiều giá trị đối với nơi làm việc ấy.
Hãy chấp nhận sự thật và dũng cảm tìm một nơi làm việc mới.
Đặt câu hỏi: “Tương lai của mình 2-3 năm nữa tại nơi này sẽ như thế nào?” Nếu không thể thăng tiến về cấp bậc thì mức độ thăng tiến về chuyên môn, kỹ năng và mối quan hệ của bạn có đi lên hay vẫn đi ngang?
Việc đi làm chỉ trở nên có động lực khi bạn được học hỏi những điều mới mẻ, các vấn đề về lương bổng được đáp ứng ở mức xứng đáng.
Bạn biết mỗi ngày sẽ phải làm gì, mình tạo ra được những giá trị gì và hạnh phúc vì sau mỗi giai đoạn nhìn lại sẽ thấy bản thân giỏi giang, trưởng thành hơn.
Nếu một công ty không tạo cho bạn cơ hội để làm được những điều đó, để phát triển bản thân thì rõ ràng ra đi để tìm một cơ hội mới là điều nên làm.
Cuối cùng, lương bổng cũng chính là yếu tố rất quan trọng. Bạn đã làm ở một công ty đủ lâu nhưng không nhận lại được mức thù lao xứng đáng? Bạn đã nhiều lần đề xuất nhưng vẫn chỉ ở “diện xem xét” hoặc mức tăng quả thật không làm bạn hài lòng?
Có quá nhiều vấn đề về văn hóa doanh nghiệp khiến bạn cảm thấy không thể hòa nhập? Vậy thì việc nấn ná ở lại không có nhiều ý nghĩa dù là ở thời điểm nào.
Hãy nhớ rằng, chỉ nên hành động khi đã có định hướng
Bạn có thể chờ đầu năm mới nhảy việc. Bạn cũng có thể nhảy việc vào một tháng rất lưng chừng như tháng 6, tháng 7, thậm chí là tháng 9, tháng 10. Thế nhưng, điều mà bạn rất cần phải có ngay thời điểm phát sinh suy nghĩ nghỉ việc là: Mình sẽ làm gì tiếp theo?
Hãy tìm hiểu trước về vị trí mới và công ty mới để tìm một công việc phù hợp. Thậm chí, nếu bạn là type người theo “chủ nghĩa an toàn” thì hãy chắc chắn đã tìm được một công việc mới rồi mới quyết định nghỉ việc tại công ty cũ.
Bạn có thể đi làm ngay sau khi nghỉ, cũng có thể dành ra một khoảng thời gian để tận hưởng, nghỉ ngơi hoặc thực hiện những dự án cá nhân. Dù thế nào cũng cần phải có định hướng cụ thể cho tương lai rồi mới nghỉ việc.
Bởi xét cho cùng, nhảy việc là để tìm một nơi mới thích hợp hơn, tìm những đồng nghiệp mới phù hợp hơn, một mức lương mới khiến bạn hài lòng hơn và một cuộc sống mới giúp bạn “dễ thở” hơn.
Mong bạn dù là ở thời điểm nào và ra đi trong trạng thái cảm xúc ra sao thì vẫn sẽ tìm được niềm vui, sự tận hưởng ở nơi làm việc mới và không hối tiếc về quyết định của mình. Đó mới là thời điểm nhảy việc lý tưởng nhất.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Cathy Nhung | MarketingTrips
Theo HR Insider