Skip to main content

Chiến lược Marketing là gì? Các mô hình chiến lược Marketing

15 Tháng Tám, 2022

Cùng tìm hiểu các lý thuyết về marketing như: chiến lược marketing là gì, vai trò của chiến lược marketing đối với thương hiệu, các mô hình chiến lược marketing phổ biến cần biết và hơn thế nữa.

Chiến lược Marketing là gì
Chiến lược Marketing là gì? Các mô hình chiến lược Marketing

Bằng cách thích ứng nhanh với các chiến lược Marketing mới, thương hiệu sẽ có nhiều cơ hội hơn để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, vượt qua đối thủ và hơn thế nữa. Vậy chiến lược Marketing là gì và có những kiểu mô hình chiến lược Marketing phổ biến nào.

Các nội dung sẽ được MarketingTrips phân tích trong bài bao gồm:

  • Chiến lược Marketing là gì?
  • Chiến lược là gì?
  • Marketing là gì?
  • Vai trò của chiến lược Marketing đối với doanh nghiệp.
  • Các mô hình chiến lược Marketing phổ biến trên thế giới là gì?
  • Một số chiến lược Marketing rất đáng tham khảo cho doanh nghiệp trong 2023.

Bên dưới là nội dung chi tiết.

Chiến lược Marketing là gì?

Chiến lược Marketing được hiểu một cách đơn giản là những bản kế hoạch mang tính định hướng dài hạn cho các hoạt động marketing của doanh nghiệp, liên quan mật thiết đến sản phẩm, thương hiệu hay mô hình kinh doanh của doanh nghiệp.

Mặc dù về cơ bản cũng tương tự như khái niệm về Marketing, sẽ không có bất cứ một khái niệm nào được xem là hoàn hảo hay mang tính khuôn mẫu cho thuật ngữ Chiến lược Marketing (Marketing Strategy).

Trong khi với hiểu truyền thống, các chiến lược nói chung và chiến lược marketing nói riêng thường gắn liền với yếu tố thời gian, tức “dài hạn”, một số tư duy hiện đại cho rằng đây không còn là yếu tố quan trọng trong bối cảnh kinh doanh mới khi mọi thứ bao gồm cả hành vi của khách hàng đang thay đổi quá nhanh.

Cho dù bạn là người làm marketing, người làm kinh doanh hay thậm chí là chủ doanh nghiệp, năm mới là thời điểm quan trọng nhất để nhìn lại và thiết lập các mục tiêu marketing mới, cùng các chiến lược mới.

Bên cạnh những câu chuyện thương hiệu (brand story) hấp dẫn, kết nối trực tuyến nhiều hơn với khách hàng, chủ động nắm bắt các kênh marketing mới và đẩy mạnh hoạt động thử nghiệm, dưới đây là chi tiết một số chiến lược bạn có thể tham khảo.

Chiến lược là gì?

Chiến lược trong tiếng Anh (và được sử dụng rộng rãi) có nghĩa là Strategy, thuật ngữ dùng để chỉ các bản kế hoạch (Plan) tổng thể hay các định hướng chung được xây dựng để đạt được một hoặc nhiều các mục tiêu khác nhau trong dài hạn, trung hạn và ngắn hạn.

Chiến lược chính là các bản kế hoạch dài hạn mang tính định hướng tổng thể được thiết kế để giúp doanh nghiệp đạt được các mục tiêu khác nhau trong những điều kiện bất ổn và mơ hồ (VUCA) khác nhau.

Chiến lược mô tả các nguồn lực sẵn có (thường bị hạn chế) được sử dụng để đạt được các mục tiêu (thường không bị hạn chế) trong tương lai.

Khái niệm chiến lược nói chung thường liên quan đến việc xây dựng và thiết lập các mục tiêu (Goals) và ưu tiên, xác định các hành động cần thực hiện để đạt được mục tiêu và các nguồn lực cần thiết để thực hiện các hành động đó.

Cuối cùng, thuật ngữ chiến lược thường liên quan đến các thuật ngữ khác như kế hoạch chiến lược (Strategic Planning), tư duy chiến lược (Strategic Mindset, Strategic Thinking) và quản trị chiến lược (Strategic Management).

Marketing là gì?

Theo góc nhìn của MarketingTrips, Marketing là hoạt động tìm kiếm lợi nhuận thông qua việc đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng so với đối thủ cạnh tranh.

Khái niệm này đã bao gồm rất nhiều quy trình của hoạt động Marketing như: nghiên cứu thị trường để tìm hiểu được nhu cầu thực sự của khách hàng (insights), nghiên cứu sản phẩm, nghiên cứu về giá, phân phối và tất nhiên kể cả những hoạt động xúc tiến (quảng cáo, PR, khuyến mãi, marketing trực tiếp, bán hàng cá nhân) và hơn thế nữa.

Vai trò của chiến lược Marketing đối với doanh nghiệp.

Vốn được xem là một trong những “tài sản vô hình” quý giá của doanh nghiệp, những gì mà môt bản chiến lược marketing đúng đắn mang lại cho doanh nghiệp là vô cùng lớn.

  • Đảm bảo doanh nghiệp phát triển bền vững trong dài hạn.

Trong bối cảnh kinh tế thị trường vốn rất cạnh tranh và thay đổi nhanh chóng như hiện tại, việc doanh nghiệp có thể phát triển hay tồn tại được trong ngắn hạn là chưa đủ.

Bằng cách xây dựng các chiến lược marketing mới và điều hướng doanh nghiệp theo những xu hướng phù hợp hơn trong tưng lai, bạn có thể đảm bảo rằng bạn không chỉ có khả năng thích nghi được trong hiện tại mà còn có thể tiếp tục phát triển bền vững trong tương lai.

Mặc dù các chiến lược marketing hướng đến những thứ mới mẻ hơn ở phía trước, những thứ mà khách hàng hay “người tiêu dùng mới” của họ đang mong đợi, đừng quên rằng các USP hay giá trị lõi của doanh nghiệp sẽ hiếm khi hoặc không bao giờ thay đổi.

Lấy một ví dụ thế này, nếu doanh nghiệp của bạn không có chiến lược marketing tổng thể, các bộ phận nhỏ chẳng hạn như quảng cáo Facebook sẽ chỉ tối ưu hiệu quả dựa trên những gì họ đang có, nhưng nếu một chiến lược đã được xây dựng, kết quả khi này sẽ là bạn sẽ đưa những cách tiếp cận mới vào công việc hiện tại hoặc xa hơn là xây dựng những kênh quảng cáo mới tiềm năng hơn và tức thời hơn.

  • Góp phần xây dựng lợi thế cạnh tranh so với đối thủ.

Bạn cứ thử hình dùng rằng, doanh nghiệp của bạn sẽ đi đâu về đâu hay cạnh tranh với đối thủ (cả các đối thủ hiện tại lẫn các đối thủ tiềm ẩn trong tương lai) như thế nào nếu bạn chỉ thực thi các hành động hay chiến thuật marketing theo từng tuần hay tháng.

Thông qua các nghiên cứu thị trường và hiểu rõ bối cảnh cũng như đối thủ cạnh tranh, doanh nghiệp cần hoạch định một điểm đến xa hơn, nơi họ có nhiều lợi thế hơn (chẳng hạn như đáp ứng các nhu cầu mới), và từ đó mở rộng thị phần nhiều hơn.

  • Giảm thiểu các rủi ro tiềm ẩn.

Bởi một phần bản chất của chiến lược nói chung và chiến lược marketing nói riêng là dự báo và hoạch định trước những gì cần làm và những gì cần đạt được, doanh nghiệp rõ ràng là có thể chuẩn bị trước để giúp giảm thiểu tối đa những rủi ro khi thị trường biến động.

Doanh nghiệp sẽ không bao giờ có được điều này nếu chỉ hoạt động hay vận hành theo các bản kế hoạch tuần hay tháng hoặc thậm chí là những chiến thuật quá chi tiết.

Các mô hình chiến lược Marketing phổ biến nhất trên thế giới là gì?

Như đã phân tích ở trên, không có bất cứ một mô hình chiến lược marketing nào được xem là khuôn mẫu chung cho các doanh nghiệp.

Tuỳ thuộc vào từng giai đoạn kinh doanh khác nhau, quy mô doanh nghiệp khác nhau, ngành nghề khác nhau và nhiều yếu tố khác, họ có thể lựa chọn những chiến lược hay cách tiếp cận khác nhau.

Các mô hình chiến lược marketing là công cụ mà các nhà tiếp thị (marketer) và doanh nghiệp sử dụng (hoặc tham khảo) để hiểu được sức mạnh và tiềm năng doanh thu của một sản phẩm, thương hiệu hay một doanh nghiệp cụ thể.

Các mô hình chiến lược marketing này cũng đóng vai trò như là kim chỉ nam cho các hành động, quyết định hay chiến thuật marketing được thực hiện sau đó.

Dưới đây là một số mô hình xây dựng chiến lược marketing mà bạn có thể tham khảo.

1. Mô hình SWOT và TOWS.

swot
Marketing Model là gì? Mô hình SWOT.

SWOT và TOWS đều là những từ viết tắt của điểm mạnh (S – Strengths), điểm yếu (W – Weaknesses), cơ hội (O – Opportunities) và mối đe dọa (T – Threats).

2. Mô hình chiến lược quản trị Marketing tích hợp: R-STP-MM-I-C.

R-STP-MM-I-C là một trong những mô hình quản trị marketing toàn diện nhất khi mô hình đi từ những yếu tố căn bản của quá trình làm marketing như nghiên cứu thị trường (R – Research) đến phân khúc (S – Segmentation), lựa chọn thị trường mục tiêu (T – Targeting), định vị thương hiệu (P – Positioning) tới các chiến lược tiếp thị hỗn hợp (MM – Marketing-Mix), thực thi hoạt động marketing (I – Implementation) và kiểm tra kết quả (Checking).

3. Mô hình chiến lược Marketing 3Cs.

Sự cạnh tranh này sẽ làm cho chi phí để có được một khách hàng mới ngày càng tăng. Làm giảm tỉ lệ lợi nhuận, tệ hơn nữa là thương hiệu sẽ dần mất thị phần.

Chìa khóa để các thương hiệu tìm ra hướng đi đúng đắn, chính là mô hình 3Cs: Company – Competitors – Customers.

Khi tiếp cận theo mô hình này, các chiến lược marketing tối ưu là các chiến lược được xây dựng dựa trên sự kết hợp của doanh nghiệp, đối thủ và khách hàng. Các hành động hay chiến thuật được đưa ra nên thoả mãn hay nằm ở giao điểm của cả ba yếu tố này.

Các chiến lược Marketing cho thương hiệu trong năm 2023.

Trong những năm gần đây, sự trỗi dậy của các nền tảng như TikTokInstagram Reels hay Shorts là những minh chứng rõ ràng nhất của một thời kì khi mà các định dạng video dạng ngắn trở thành ưu tiên ‘tiêu thụ’ hàng đầu của người tiêu dùng.

Người làm marketing giờ đây có thể thu hút sự chú ý của khách hàng bằng những câu chuyện ngắn hơn, chân thực hơn và ít bóng bẫy hơn, định dạng video cũng góp phần loại bỏ đi nhiều yếu tố bán hàng đồng thời giúp nhân bản hoá thương hiệu nhiều hơn.

Nếu bạn còn có bất cứ nghi ngờ nào về điều này, thì hãy biết rằng theo báo cáo số liệu từ Google, YouTube hiện đang tiếp cận nhiều người từ 18 đến 49 tuổi nhất so với tất cả các mạng truyền hình cáp khác ở Mỹ.

Cũng theo các nguồn dữ liệu khác, người dùng đang tỏ ra thích thú hơn, tương tác nhiều hơn với video thay vì các định dạng nội dung khác như hình ảnh hay văn bản (textual).

Nếu thương hiệu hay doanh nghiệp của bạn vẫn chưa thích ứng hay tận dụng tối đa sức mạnh của video trong việc xây dựng các mối quan hệ bền chặt và trung thành với khách hàng, 2023 là năm để bạn làm điều đó.

  • Tập trung vào yếu tố cá nhân hoá.

Chiến lược marketing 2023: Tập trung vào yếu tố cá nhân hoá.

Sau hàng loạt đợt giãn cách xã hội do đại dịch, người tiêu dùng đang ngày càng quan tâm nhiều hơn đến việc được thương hiệu lắng nghe, ‘nhìn thấy’ và tương tác qua lại.

Khách hàng của bạn muốn cảm thấy họ là một phần (không thể tách rời) của cộng đồng rộng lớn hơn của thương hiệu.

Xuất phát từ những đòi hỏi này, những nội dung được cá nhân hoá, nhắm mục tiêu ở cấp độ con người hay các chương trình khuyến mãi và giảm giá phù hợp được xem là những chiến lược tiếp cận thông minh mà thương hiệu có thể khai thác.

Khi cá nhân hóa nên là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược marketing của doanh nghiệp vào năm 2023, thương hiệu có thể chủ động phân khúc khách hàng thành các phân khúc khác nhau, mỗi phân khúc đại diện cho một nhóm bao gồm những ‘chân dung’ riêng.

Với mỗi nhóm chân dung khách hàng, hãy xây dựng một loạt các chiến lược nội dung phù hợp, tập trung vào nhu cầu và động cơ mua hàng của chính họ.

Trong thế giới mới, thương hiệu càng hiểu và kết nối với khách hàng ở cấp độ con người và gần gũi thì càng có nhiều cơ hội phát triển hơn.

Khi nói đến chiến lược marketing lấy khách hàng làm trọng tâm, khách hàng nên là nơi bắt đầu và kết thúc của mọi câu hỏi, tuy nhiên vẫn có những sự khác biệt giữa việc hiểu được khái niệm ‘khách hàng là trọng tâm’ và cách áp dụng nó vào thực tế.

Lấy khách hàng làm trọng tâm có nghĩa là đặt khách hàng lên hàng đầu và luôn coi họ là trung tâm của tất cả những gì thương hiệu định làm. Nó không chỉ dừng lại ở việc tất cả các thành viên trong đội nhóm luôn hứa sẽ đặt sự hài lòng của khách hàng lên hàng đầu.

Nó còn là về việc thương hiệu cần thực sự hiểu khách hàng của mình, họ là ai, họ cần gì từ thương hiệu hay các sản phẩm dịch vụ, đâu là cách thương hiệu có thể giúp họ có được những trải nghiệm ý nghĩa nhất.

Các thương hiệu thực sự lấy khách hàng làm trung tâm sẽ tạo ra một nền văn hóa xoay xung quanh khách hàng. Họ xem xét đến khía cạnh khách hàng trong mọi quyết định kinh doanh hay chiến lược trong tổ chức.

  • Nghĩ nhiều hơn về trải nghiệm khách hàng (CX) và ít hơn về trải nghiệm người dùng (UX).

Chiến lược thứ 3 trong 5 chiến lược marketing bạn cần quan tâm trong 2023 đó là hãy nghĩ nhiều hơn về trải nghiệm khách hàng (CX) và ít hơn về trải nghiệm người dùng (UX).

Trải nghiệm người dùng (UX) là một trong những từ khoá thông dụng và dần trở thành điểm quan trọng trong mọi quyết định liên quan đến sản phẩm, website hay ứng dụng của doanh nghiệp.

Nhiều nhà phát triển web hay nhà phát triển giao diện tương tác với người dùng không ngừng thử nghiệm và tối ưu để tìm ra cái gọi là ‘trải nghiệm người dùng hiệu quả’.

Tuy nhiên, UX nếu có thì chỉ là một phần (nhỏ) trong các trải nghiệm khác của khách hàng với thương hiệu.

Trải nghiệm khách hàng (CX) theo đó mang độ bao phủ cao hơn, bao gồm toàn bộ nhận thức, ấn tượng hay cảm nhận có được trên tất cả các điểm tiếp xúc của khách hàng với thương hiệu – từ thời điểm họ biết đến một thương hiệu cho đến khi mua hàng.

Mặc dù UX là một phần của CX, việc hiểu được một bức tranh đầy đủ và lớn hơn cho phép thương hiệu có nhiều cơ hội để kết nối hơn với khách hàng.

  • ‘Nội dung vẫn là Vua’ trong các chiến lược Marketing của doanh nghiệp trong 2023.

Như đã phân tích ở trên, trong bối cảnh kinh doanh mới, khách hàng sẽ ngày càng tỏ ra dè chừng hơn với các quảng cáo hay ý định bán hàng từ thương hiệu.

Nội dung (content) đã, đang và sẽ tiếp tục là một chiến lược tuyệt vời để kết nối với khách hàng, cung cấp giá trị, trao giải pháp, cũng như xây dựng lòng tin với thương hiệu.

Theo thời gian, khách hàng sẽ không còn tìm đến thương hiệu chỉ để có được những sản phẩm hay dịch vụ phù hợp, thương hiệu khi này trở thành nguồn tìm kiếm các câu trả lời hay thông tin liên quan về một chủ đề hoặc ngành cụ thể nào đó mà khách hàng quan tâm.

Vào năm 2023, một chiến lược tiếp thị nội dung (content marketing) hiệu quả sẽ là bàn đạp để thương hiệu tiếp tục kết nối và tăng trưởng.

Sẵn sàng nâng cao hiệu suất chiến lược Marketing của thương hiệu.

Hãy bắt đầu một năm mới với các chiến lược marketing hiệu quả, giữ khách hàng ở vị trí trọng tâm, nắm lấy các yếu tố con người, cá nhân hóa trải nghiệm để thúc đẩy tăng trưởng doanh nghiệp, tập trung vào nội dung và hơn thế nữa.

Kết luận.

Như đã phân tích ở trên, mọi hoạt động hay chiến thuật marketing sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu nó không xuất phát từ một chiến lược marketing đúng đắn. Bằng cách hiểu rõ chiến lược marketing là gì cũng như cách ứng dụng nó vào hoạt động kinh doanh, bạn đang mang lại nhiều cơ hội phát triển hơn cho doanh nghiệp của mình.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Nam Nguyen | MarketingTrips

Bài viết liên quan

Nổi bật

Mới nhất

Funding Societies của Singapore vừa huy động được 25 triệu USD

22 Tháng Mười Hai, 2024
Funding Societies, công ty khởi nghiệp về công nghệ tài chính (fintech) ở Singapore, vừa huy động…

Đọc nhiều

Ứng dụng video Bigo Live bị xoá khỏi App Store

10 Tháng Tư, 2023
Bigo Live, ứng dụng chuyên về livestream phổ biến tại Việt Nam, không còn xuất hiện trên kho ứng …