Google: Thế giới Marketing sẽ như thế nào vào năm 2032
Với những gì đã xảy ra trong năm 2022, với sự thay đổi nhanh chóng của thế giới marketing, kinh doanh, cũng như hành vi của người tiêu dùng, các hoạt động marketing vào năm 2032 được dự báo là sẽ rất khác.
Trong thế giới mới, khi marketer phải liên tục đối mặt với những sự bất ổn, khả năng sáng tạo, sự nhanh nhẹn và sẵn sàng thay đổi hay nhu cầu về sự thích ứng nhanh dựa trên insight đang trở nên cấp bách và quan trọng hơn bao giờ hết.
Từ góc nhìn này, bằng cách ghi nhận ý kiến của các chuyên gia marketing hàng đầu, Google vừa xuất bản các dự báo về cách marketing sẽ được thực thi trong năm 2032 tức 10 năm sau tính từ thời điểm hiện tại.
Làm thế nào thương hiệu sẽ có được lòng trung thành của khách hàng vào năm 2032? Doanh nghiệp có thể xây dựng niềm tin với thương hiệu ra sao hay khi nói đến các hoạt động quảng cáo, chúng rồi sẽ như thế nào?
Bên dưới là nội dung chi tiết theo ghi nhận từ MarketingTrips.
Trải nghiệm kỹ thuật số và vật lý sẽ hợp nhất trên các điểm tiếp xúc.
“Tương lai của sự thành công đối với các hoạt động quảng cáo sẽ được thiết lập thông qua việc xây dựng các mối quan hệ với khách hàng dựa trên sự tin tưởng, hỗ trợ và giá trị.
Khi các định nghĩa về sự hợp nhất giữa kỹ thuật số và vật lý cũng như trải nghiệm của người tiêu dùng ngày càng trở nên hoà hợp hơn, người mua sắm sẽ mong đợi các tương tác thống nhất, liền mạch với các thương hiệu trên nhiều điểm tiếp xúc (Brand Touchpoint) khác nhau.
Những điểm tiếp xúc này sẽ cần được xây dựng dựa trên các nền tảng về quyền riêng tư, công nghệ, mục đích và tính bền vững.”
Trao quyền kiểm soát nhiều hơn cho người tiêu dùng đồng nghĩa với việc thương hiệu sẽ tạo ra nhiều tương tác có ý nghĩa hơn.
“Những người làm marketing sẽ cần phải khám phá và kích hoạt những trải nghiệm mới, thứ có thể giúp người tiêu dùng bắt đầu tính đến chuyện hành động.
Những lo ngại về quyền riêng tư vẫn còn đó; điều cần thiết là doanh nghiệp phải tạo ra một chiến lược dữ liệu phù hợp, vừa cho phép người tiêu dùng kiểm soát dữ liệu của họ vừa có thể thu thập được những dữ liệu đủ để tạo ra những kết nối có ý nghĩa hay được cá nhân hoá với họ.
Điều này cũng có nghĩa là doanh nghiệp phải sử dụng các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học (Machine Learning) để cung cấp những trải nghiệm phù hợp.
Tất cả các thương hiệu sẽ cần phải đảm bảo rằng mục đích và sứ mệnh của thương hiệu được thể hiện rõ qua từng quyết định của tổ chức.
Quảng cáo sẽ trở nên đơn giản hơn và hữu ích hơn.
“Khi tôi còn làm việc với vai trò là Marketing tại Unilever, các viên nang bột giặt “tất cả trong một” là một trong những thành phần quan trọng nhất.
Nhưng tôi lại cảm thấy hào hứng hơn với công nghệ laze có thể tẩy sạch các vết bẩn trên áo! Nhìn lại, tôi luôn tin tưởng vào sức mạnh của công nghệ với khả năng làm cho cuộc sống này trở nên tốt đẹp hơn và khai phá tiềm năng của con người nhiều hơn.
Hôm nay, với tư cách là nhân viên của Google, tôi cũng cảm thấy phấn khích về tiềm năng của AI. Với các công cụ được hỗ trợ bởi AI (AI-powered tools), chúng tôi ngày càng có thể truyền tải các thông điệp thương hiệu một cách chính xác đến đúng đối tượng mục tiêu (Target Audience) vào đúng thời điểm trên quy mô lớn, đồng thời cũng tôn trọng quyền riêng tư và lựa chọn của người tiêu dùng.
Quảng cáo hiệu suất tối đa (Performance Max) hiện có trong Google Ads của chúng tôi là một trong những minh chứng cho điều này, nó cho phép nhà quảng cáo sử dụng các công cụ tự động hóa trong quá trình lựa chọn nội dung quảng cáo, đặt giá thầu, thiết lập ngân sách, và hơn thế nữa.
Vào năm 2032, chúng tôi sẽ có nhiều bước tiên hơn nữa với ngành quảng cáo: một thế giới nơi quảng cáo là nguồn thông tin hoàn toàn phù hợp cho mọi người, đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn cao nhất về quyền riêng tư. AI đã và đang mang lại những giá trị to lớn và các công cụ marketing sẽ thay đổi với tốc độ chóng mặt.”
Gen Z sẽ có những tiêu chuẩn cao hơn đối với các thương hiệu đang cố gắng tiếp cận họ.
“Được cho là thế hệ đa dạng và khác biệt nhất cho đến nay, Gen Z sẽ thực sự là những người trưởng thành vào năm 2032.
Như chúng ta đã thấy ở Gen Z, những người tiêu dùng này có kỳ vọng cao về cách thức và nơi họ sẽ chi tiêu. Gen Z và Gen Y (millennial) cũng quan tâm nhiều hơn đến các giá trị cộng đồng, những người tương tự như họ.
Các thế hệ này mong muốn các doanh nghiệp và sản phẩm có thể phản ánh được các giá trị và cộng đồng của họ, từ chính cách các doanh nghiệp đang hoạt động đến các nội dung quảng cáo hay thông điệp được truyền tải ra bên ngoài.
Mọi thứ sẽ trở nên khó khăn hơn với các doanh nghiệp hay thương hiệu không liên kết được sứ mệnh của họ đối với sản phẩm, các hoạt động marketing và công chúng bên ngoài. Một mẫu quảng cáo chỉ đơn giản là hấp dẫn không thể “chiến thắng” được các thế hệ này.
Các câu chuyện thương hiệu sẽ không được kể chỉ bằng quảng cáo, mà là từ tất cả những gì thương hiệu đã và sẽ làm.
Trong vài năm qua, tính xác thực hay khái niệm Authentic Marketing đã trở thành một từ khoá thông dụng đối với những người làm marketing nói chung.
Đến năm 2032, các thương hiệu thành công sẽ là những thương hiệu có thể cam kết thực hiện tính xác thực thực sự thông qua việc xác định họ là ai, họ đại diện cho điều gì, cũng như cách họ coi trọng và thể hiện sự đa dạng.
Các mẫu quảng cáo sai sự thật sẽ không chỉ ảnh hưởng hay liên quan trực tiếp đến sản phẩm mà còn cả các nhận diện thương hiệu (Brand Identity).
Nền kinh tế của sự chú ý (attention economy) sẽ trở thành nền kinh tế của sự tận tâm (enthusiasm economy.
“Các nền tảng vốn kiếm tiền từ sự chú ý ngày nay sẽ trở thành hoặc bị phá (Disruption) vỡ bởi các nền tảng kiếm tiền từ sự nhiệt huyết, năng động, đa tương tác và tận tâm thông qua bán hàng trực tiếp (direct sales), các nền tảng thị trường (marketplace) hay mô hình đăng ký có trả phí (subscriptions).
Tất cả những điều này sẽ làm giảm sự phụ thuộc của các nền tảng vào quảng cáo thương hiệu (Brand Advertising). Trong bối cảnh đó, sự khác biệt lớn nhất giữa các quảng cáo ở hiện tại và trong tương lai sẽ là:
- Bản sắc âm thanh của thương hiệu (Brand Sonic): Âm thanh của thương hiệu sẽ trở nên quan trọng như cách “hình ảnh thương hiệu” (Brand Visual) đang có hiện nay.
- Giá trị của đội ngũ nhân sự làm về sáng tạo sẽ chuyển từ việc xác định các giải pháp sáng tạo (ví dụ: nội dung, trải nghiệm, chiến dịch) sang việc xác định các vấn đề một cách sáng tạo (ví dụ: sử dụng các tình huống điển hình (use case) liên quan đến sản phẩm và dịch vụ).
- Khi tầm quan trọng của các nội dung có thương hiệu (Branded Content) giảm dần, các không gian có thương hiệu – vật lý và ảo, sẽ trỗi dậy mạnh mẽ.
Đối với những người tiêu dùng thế hệ mới, mọi điểm tiếp xúc đều có giá trị.
“Đã qua lâu rồi cái thời mà các thương hiệu đóng vai trò gửi và kiểm soát mọi thứ — và người tiêu dùng chỉ là bên nhận thông điệp. Người tiêu dùng ngày nay muốn trò chuyện và đồng sáng tạo với thương hiệu.
Từ việc tương tác trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội đến sự hỗ trợ có được thông qua các trải nghiệm, mối quan hệ giữa thương hiệu và khách hàng trong tương lai sẽ được xây dựng dựa trên mọi điểm tiếp xúc: từ những gì thương hiệu nói đến những gì thương hiệu làm.”
Vào 2032, Marketing sẽ trở lại đúng bản chất của nó: Kết nối.
Trong năm 2032 và xa hơn nữa, cũng như cách mà người dùng sẽ có toàn quyền kiểm soát các thương hiệu mà họ nhận được thông báo từ trung tâm quảng cáo của Google, mối quan hệ giữa người tiêu dùng và thương hiệu sẽ phải thay đổi.
Tôi tin rằng nó sẽ đưa Marketing trở lại đúng bản chất của nó, đó là kết nối thương hiệu và sản phẩm với người tiêu dùng. Nhưng để làm được như vậy, niềm tin phải là yếu tố cốt lõi của mọi mối quan hệ.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Nam Nguyen | MarketingTrips