Tương lai của nghề marketing – Sự hài hoà giữa marketing, dữ liệu, công nghệ và kỹ thuật số
Sau một năm với nhiều lần bị ‘khoá cửa’, nhiều nhà marketers đang suy nghĩ về tương lai của nghề marketing cũng như các cách thức làm việc mới.
‘Đại dịch đã làm thay đổi mọi thứ’. Từ cuộc sống, cách sinh hoạt đến cả cách mà chúng ta đang giao tiếp và làm việc.
Trong bối cảnh đầy sự bất ổn đó, một câu hỏi mà nhiều người trong chúng ta đang đặt ra là, tương lai công việc của chúng ta sẽ thay đổi như thế nào?
Làm thế nào tôi có thể đưa ra những lựa chọn nghề nghiệp phù hợp hơn với tôi, cho sự nghiệp của tôi và cho cả nơi mà thế giới đang hướng đến?”
Mặc dù tôi không phải là một chuyên gia về tư vấn nghề nghiệp, nhưng với tư cách là một người làm marketing có kinh nghiệm, tôi từng trải qua những cuộc khủng hoảng buộc tôi phải cân nhắc lựa chọn nghề nghiệp của mình – và chứng kiến những gì xảy ra sau đó.
Ngay bây giờ đây, khi ngành marketing đang thay đổi nhanh chóng với vô số những thứ mới, tôi cũng đang phải suy nghĩ cho nghề nghiệp của mình trong những giai đoạn sắp tới.
Rốt cuộc nghề marketing của tôi sẽ đi về đâu và chúng sẽ thay đổi như thế nào?
Phần mềm đã ‘xâm chiếm’ thế giới và bây giờ nó tiếp tục ‘xâm chiếm’ ngành marketing.
Vào năm 2011, nhà đầu tư mạo hiểm ở Thung lũng Silicon (Silicon Valley) và cũng là người sáng tạo ra Netscape, Ông Marc Andreessen đã viết một bài luận với tên gọi “Why Software is Eating the World” (Tạm dịch: Tại sao phần mềm lại có thể ‘xâm chiếm’ thế giới).
Một trong những điểm đáng chú ý trong bài luận, là ông mô tả cách các doanh nghiệp mới được xây dựng trên những phần mềm tiên tiến đang ‘xâm chiếm’ và ‘phá vỡ’ cả những tập đoàn vốn thống trị trước đây.
Có lẽ, Andreessen đã biết trước tương lai. Ông viết rằng “trong 10 năm tới, các trận chiến sẽ diễn ra giữa những tên tuổi lớn vốn đang thống trị và những đội quân mới nổi được trang bị đầy những phần mềm tiên tiến”, ông đặc biệt đề cập đến những cái tên như Google, Netflix, Square, Spotify, PayPal và Salesforce.
Ý tưởng rằng một số doanh nghiệp ‘bám chặt’ với phần mềm và công nghệ trong năm 2011 sẽ là các doanh nghiệp dẫn đầu và thống trị thị trường trong tương lai theo một cách mà bạn không thể tưởng tượng được.
Đại dịch Covid-19 đã đẩy đi nhanh hơn một sự thật rằng ‘phần mềm đang xâm chiếm thế giới’. Andreessen đã viết vào năm 2011 rằng “Amazon là một công ty phần mềm – năng lực cốt lõi của nó là có những công cụ phần mềm tuyệt vời để có thể bán hầu như tất cả mọi thứ trực tuyến”.
Ít nhất cho đến nay, Andreesen đã được chứng minh là ông đã đúng – ngay cả trong marketing. Khi hầu hết những việc chúng ta làm trong marketing đều có liên quan đến hoặc gắn liền trực tiếp với các yếu tố phần mềm hoặc công nghệ.
Những nhà marketers ngày nay có nhiều công cụ công nghệ hơn, nhiều thông tin hơn và nhiều sức mạnh tính toán hơn cả các CEO của các công ty lớn nhất thế giới cách đây khoảng 2 thập kỷ trước.
Vào năm 2011, Ông Scott Brinker đến từ trang tin chuyên về công nghệ marketing, Chief Martech đã cố gắng tìm kiếm tất cả các công ty chuyên về công nghệ marketing (MarTech) mà ông có thể tìm thấy.
Theo Scott, ông đã tìm ra hơn 150 logo của các công ty công nghệ marketing khác nhau, điều đang thể hiện một sự bùng nổ đầy cảm hứng của yếu tố phần mềm trong markeing.
Và sự thật sau đó là, mọi thứ đã vượt ra những gì ông có thể tưởng tượng! Từ con số chỉ 150, Scott cho rằng hiện đã có hơn 8.000 công ty mà ông có thể tìm thấy đang cung cấp những phần mềm hoặc giải pháp về công nghệ marketing.
Từ năm 2011 đến nay, đó là mức tăng trưởng kỷ lục với 5,233%.
Cũng như Scott chỉ ra, Châu Âu hiện có nhiều công ty công nghệ marketing nhất, cụ thể, số lượng nó đang có bằng con số của toàn bộ thế giới vào năm 2016.
Các nền tảng Adobe Marketing Cloud, SalesForce Marketing Cloud, Google Marketing Platform – vốn rất mới mẻ và chưa hoàn chỉnh cách đây 10 năm. Bây giờ họ có thể chi phối không nhỏ đến thế giới marketing toàn cầu.
Khả năng dự báo – đặc biệt là về tương lai – thực sự rất khó!
Thật khó để có thể dự đoán được bao nhiêu phần mềm và công nghệ sẽ ‘xâm chiếm thế giới vào năm 2011 và mãi sau đó. Hầu hết các dự báo về những gì có thể xảy ra đều dựa trên ‘lý thuyết mơ mộng’ và những thành kiến trong nhận thức.
Các nhà dự báo khá an toàn khi nói rằng sẽ không ai có thể gọi tên họ trong thời gian 10 năm tới và nói với họ rằng họ đã sai.
Vậy có cách nào để lập kế hoạch sự nghiệp của chúng ta mà không cần lắng nghe những suy nghĩ viển vông từ những dự báo này không?
Tôi nghĩ rằng có một số bằng chứng có thể giúp chúng ta. Hãy bắt đầu với những gì chúng ta có thể đảm bảo từ yếu tố công nghệ.
Năm 1965, Gordon Moore, người sáng lập của Intel, đã đưa ra dự báo – điều mà ngày nay được gọi là ‘Định luật Moore’ – rằng sức mạnh của máy tính sẽ tăng gấp đôi sau mỗi 18 đến 24 tháng – và / hoặc giảm một nửa về giá.
Định luật Moore cũng được chứng minh là đúng với hầu hết các công nghệ dựa trên thông tin khác như chip, điện toán đám mây, cảm biến, robot và di truyền. Điều này có nghĩa là tương lai sẽ không tuyến tính – trực tiếp – từ vị trí của chúng ta hôm nay.
Tất cả chúng ta đều suy nghĩ theo thuật ngữ tuyến tính vì đó là những gì chúng ta đã quan sát được về cách thế giới tự nhiên được vận hành và đó là cách chúng ta đưa ra dự báo về tương lai trong hàng thiên niên kỷ tới.
Nhiều người đọc sẽ tỏ ra nghi ngờ ý tưởng này về một thế giới theo cấp số nhân, tin rằng vì phần lớn mọi thứ trên thế giới này không phát triển theo cấp số nhân và, ngay cả khi nếu chúng có, thì cũng không thể phát triển vô hạn.
Tuy nhiên với những bằng chứng về sự phát triển của phần mềm như đã nói và cách nó mở rộng quy mô của nó, cho thấy niềm tin này của nhiều người là không đúng.
Để dễ hiểu hơn và thú vị hơn, hãy nghĩ đến iPhone. Nhiều người trong số chúng ta có thể nhớ iPhone đời đầu khi nó ra mắt.
Nếu bạn giống tôi, bạn có thể đã cười nhạo nó và nói các câu kiểu như, “Tôi sẽ gắn bó với Blackberry của tôi thôi” hay “Nó thật điên rồ…”.
Chiếc iPhone đầu tiên vào năm 2007 có màn hình 3,5 inch, chỉ nặng 2g – không có ứng dụng và không có camera. 3G và app store xuất hiện sau đó vào năm 2008 và máy ảnh xuất hiện vào năm 2010.
Hãy lấy điện thoại thông minh của riêng bạn ra ngay bây giờ. Và xem điều gì đã xảy ra với suy nghĩ của chúng ta cách đây khoảng 14 năm.
Vào năm 2011, khoảng một phần tư toàn cầu, khoảng 1,8 tỷ người, được kết nối với Internet. Vào tháng 1 năm 2021, 4,66 tỷ người trên thế giới sử dụng Internet, tăng 316 triệu người (7,3%) trong một năm.
Tỷ lệ thâm nhập của internet (internet penetration) toàn cầu hiện đạt gần 60% – trong đó phần lớn là trên điện thoại thông minh với màn hình có độ phân giải cao.
Nếu bạn đọc tin tức về marketing và quảng cáo – và xem xét góc nhìn dựa trên những người tự xưng là marketers, bạn có thể nghĩ rằng việc phụ thuộc vào công nghệ marketing (Martech) hay Digital là một điều gì đó rất tồi tệ.
Tuy nhiên, nếu bạn xem xét trên một góc nhìn chuyên nghiệp hơn, từ những người làm marketing thực thụ, khi các doanh nghiệp đang khuyến khích đo lường và quản lý hoạt động marketing bằng công nghệ thì mọi thứ sẽ hoàn toàn khác.
Các CEO và CFO ngày nay không thể quản lý “sự sáng tạo” hay “sự dũng cảm” đơn thuần, họ chỉ có thể nhìn với kết quả, bằng những con số để giải thích cho vấn đề.
Những điều duy nhất chúng ta có thể đảm bảo trong 10 năm tới trong lĩnh vực marketing.
- Nhiều công nghệ hơn sẽ giúp thúc đẩy mọi doanh nghiệp.
- Nhiều công nghệ hơn sẽ giúp thúc đẩy các hoạt động marketing.
- Nhiều công nghệ hơn sẽ thúc đẩy việc đo lường và quản lý hiệu suất.
- Nhiều người trên Internet hơn sẽ truy cập qua màn hình điện thoại di động.
- Ít TV tuyến tính (linear TV) hơn và thay vào đó là TV thông minh (Smart TV).
Vào đầu những năm 1950, Chủ tịch của NBC, Ông ‘Pat’ Weaver đã phát minh ra các chương trình ‘hoành tráng’ và xa hoa kéo dài hơn một giờ với mục tiêu sẽ lấp đầy một buổi tối của mọi người xem. Cái mà thời điểm đó ông gọi là magazine format (định dạng tạp chí).
Là tác giả của hai trong số những cuốn sách hàng đầu về quảng cáo ‘The Anatomy of Humbug’ và ‘Why Does the Pedlar Sing?’, Paul Feldwick nói từng nói:
“Các nhà quảng cáo có thể mua các chương trình này nhưng không phải bằng cách tài trợ toàn bộ mà bằng cách mua thời gian phát sóng theo từng phút một, điều này cho phép nhà mạng cung cấp một chương trình chất lượng và đắt giá hơn nhiều.”
“Việc lựa chọn một phút làm thời lượng bán hàng là tùy ý; sự thay đổi này về bản chất của các quảng cáo truyền hình không phải là để làm cho bản thân quảng cáo trở nên hiệu quả hơn, mà bởi mục tiêu gia tăng lượng khán giả và doanh thu quảng cáo thông qua việc tài trợ cho các chương trình đắt giá hơn.”
Fedwick tiếp tục: “Truyền hình Anh sử dụng thời lượng phút làm đơn vị cơ bản, nhưng theo thời gian, ba mươi giây đã trở thành tiêu chuẩn mới.”
Trở lại với nghề marketing. Mọi thứ cũng đang thay đổi. Dưới đây là các công việc thường có của một số Giám đốc Marketing (Marketing Director/CMO/Head of Marketing) ở một số các ngành hàng khác nhau.
- Chịu trách nhiệm lãnh đạo, chiến lược và thực thi tất cả các hoạt động marketing của doanh nghiệp (hoặc thương hiệu).
Nó bao gồm việc phát triển và thực hiện chiến lược, B2C và B2B Marketing, vận hành marketing, sáng tạo quảng cáo, phân tích marketing, điều phối với chiến lược chung của công ty, chuyển đổi số doanh nghiệp, dự báo nhu cầu của khách hàng…
- Phát triển và quản lý chiến lược tiếp thị hiệu suất – Performance Marketing.
Tiếp thị hiệu suất hay performance marketing có thể thực hiện qua quảng cáo tìm kiếm có trả phí, SEO, đối tác chiến lược (Strategic Partnerships), tiếp thị liên kết (Affiliates) và các phương tiện truyền thông mạng xã hội (social media).
Quản lý danh tiếng thương hiệu cả trực tuyến (Search, Social…) và ngoại tuyến (PR) bằng cách liên tục tối ưu thông điệp thương hiệu và thiết kế sáng tạo trên tất cả các kênh để thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững lâu dài.
Hiểu, theo dõi hành vi và xây dựng các chiến lược marketing được nhắm mục tiêu phù hợp trên tất cả các kênh.
- Chịu trách nhiệm về chiến lược kỹ thuật số.
Đối với các hoạt động Tìm kiếm (Search), Mạng xã hội, Display, Video, Programmatic Ads…để mang lại hiệu suất cao, hiệu quả chi tiêu tốt và tính nhất quán của chiến dịch.
Tuỳ vào mỗi ngành hàng hay chiến lược cụ thể trong từng giai đoạn của doanh nghiệp hoặc thương hiệu mà các công việc của từng Giám đốc Marketing là khác nhau.
Qua nhiều nghiên cứu từ các doanh nghiệp khác nhau, nhu cầu về các nhà marketers đa năng vẫn còn, nhưng các yêu cầu để thành công thì đang thay đổi.
Các doanh nghiệp đang tìm kiếm các nhân tài có chuyên môn sâu về nền tảng kỹ thuật số (digital) và tiếp thị (marketing).
Họ đang tìm kiếm những người có chuyên môn kỹ thuật (technical) trong tất cả các khía cạnh của hoạt động digital. Họ đang tìm kiếm những người làm (do-ers) – thay vì chỉ là những người nghĩ (think-ers).
Tương lai của vai trò marketing.
Quay lại với câu hỏi ban đầu mà các nhà marketer đã tự hỏi: “Làm thế nào tôi có thể đưa ra những lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với tôi, cho sự nghiệp của tôi và cho cả thứ mà thế giới đang hướng tới?”
Tương lai của vai trò marketing trong 10 năm tới là sự kết hợp hài hoà giữa các yếu tố chiến lược, marketing, dữ liệu và công nghệ.
Marketing sẽ được thực hiện thông qua sự hỗ trợ của các yếu tố phần mềm và công nghệ, vì vậy những người làm marketing không thể không hiểu công nghệ cũng như các thành phần liên quan đến nó.
Thị trường muốn bạn có kiến thức chuyên môn sâu về marketing – nhưng cũng phải có kiến thức chuyên môn về công nghệ, dữ liệu và cả kỹ thuật số, cho dù bạn có muốn hay không.
Sự bùng nổ của công nghệ là một khía cạnh cũng tương đối mới đối với ngành marketing, vì vậy không có gì quá ngạc nhiên khi chúng ta nói chung hiện không thể nắm bắt được cách khai thác và quản lý nó một cách thực sự ‘mượt mà’.
Công nghệ trong marketing, không phải là có hay không, tận dụng hay không mà là phải tận dụng nó như thế nào.
Các thông số kỹ thuật không biết nói dối.
Nếu bạn muốn có một công việc marketing đủ tốt trong tương lai, bạn phải biết rằng công nghệ (technology) cũng như 4 Ps (hoặc 7Ps) hay phân khúc và định vị là đều quan trong như nhau.
Digital không phải là một lĩnh vực tách biệt: hiểu và trở thành một chuyên gia về nó là trọng tâm của marketing.
Hãy cố gắng tận dụng các yếu tố công nghệ, thương mại điện tử, kỹ thuật số vào các hoat động kinh doanh của doanh nghiệp và thương hiệu.
Phát triển kiến thức chuyên môn với các nền tảng marketing. Biết cách một phần mềm ‘hoạt động’. Và nhiều thứ khác.
Mặc dù, dưới một thế giới đầy bất ổn như thế này, rất khó để có thể nói chắc chắn điều gì sẽ xảy ra trong tương lai, tuy nhiên có một thứ mà chúng ta có thể chắc chắn được đó là ‘tương lai sẽ luôn thay đổi’, công nghệ hay marketing cũng sẽ thay đổi.
Điều cuối cùng của chúng ta chỉ là sẵn sàng tiếp nhận và phát triển nó một cách hiệu quả !
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Nam Nguyen