Lý do khiến thị trường thương mại điện tử Việt Nam hấp dẫn nhất trong khu vực
Người tiêu dùng cởi mở và sẵn sàng với các dịch vụ kỹ thuật số là một trong những động lực giúp Việt Nam trở thành một trong những thị trường thương mại điện tử (eCommerce) hấp dẫn nhất khu vực.
Báo cáo SYNC Đông Nam Á do Meta (Facebook) vừa công bố nhận định Việt Nam được đánh giá là nước đứng đầu về tỷ lệ tiếp nhận công nghệ tương lai. “Tại Việt Nam, gần 8/10 dân số tiêu biểu là người tiêu dùng kỹ thuật số”, báo cáo nhận định.
Việt Nam đang trở thành thị trường lớn thứ 2 khu vực Đông Nam Á với dân số trẻ và lượng người dùng Internet đông đảo. Theo số liệu của các cơ quan quản lý, Việt Nam có khoảng 75 triệu người dùng Internet và nhiều người tiêu dùng sẵn sàng với dịch vụ kỹ thuật số.
Số lượng người tiêu dùng trực tuyến ở Việt Nam tăng nhanh qua từng năm. Năm 2020 tại Việt Nam, có khoảng 49,3 triệu người tiêu dùng tham gia mua sắm trực tuyến.
Từ khi bắt đầu đại dịch đến nửa đầu năm 2021, Việt Nam có thêm 8 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới. Trong đó, có tới hơn một nửa đến từ các khu vực không phải thành phố lớn.
Ước tính, số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến ở Việt Nam lần đầu tiên có thể chạm mốc 60 triệu, chiếm tới gần 74,8% số người sử dụng Internet.
Với con số này, Việt Nam là thị trường có tỷ lệ người tiêu dùng mua sắm trực tuyến cao thứ 2 trong khu vực.
Trở lại với nghiên cứu của Meta, đóng góp trung bình của thương mại điện tử (eCommerce) vào tổng bán lẻ đã tiếp tục tăng ở mức 15% trong năm qua, với tỷ trọng trực tuyến trên tổng bán lẻ là 6%.
Tổng lượng hàng hóa (GMV) của Việt Nam dự kiến tăng từ 10 tỷ USD năm 2021 lên 12 tỷ USD vào năm 2022, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm khoảng 28% từ năm 2022 đến năm 2027.
Gần 3 năm sau đại dịch, nghiên cứu cho thấy người tiêu dùng đang ở một giai đoạn phát triển mới, ưu tiên trải nghiệm mua sắm tích hợp kết hợp hiệu quả giữa các dịch vụ trực tuyến và trực tiếp.
Sau đại dịch, 10% người Việt Nam được khảo sát đã chuyển ít nhất một trong các danh mục mua sắm của họ từ kênh trực tuyến sang kênh trực tiếp vì yếu tố “giao diện” mà các kênh bán hàng trực tiếp mang lại.
Tuy vậy, vẫn có nhiều danh mục mua sắm nhất định vẫn được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn “chốt đơn” online, cho thấy mua sắm trực tuyến tiếp tục đóng vai trò là một kênh quan trọng đối với người mua sắm kỹ thuật số trong nước.
Đây là giai đoạn người tiêu dùng kỹ thuật số Việt Nam sử dụng nhiều nền tảng hơn bao giờ hết với sự thống trị của thị trường thương mại điện tử chiếm 51% chi tiêu trực tuyến, trong khi các mạng xã hội chiếm gần một nửa lượng khám phá trực tuyến, bao gồm hình ảnh (16%), video trên mạng xã hội (22%) và các công cụ liên quan như nhắn tin (9%).
Nghiên cứu của Meta cũng nhận định, người tiêu dùng kỹ thuật số Việt Nam ngày càng hiểu biết hơn, chuyển đổi các thương hiệu thường xuyên hơn và tăng số lượng nền tảng mà họ sử dụng để tìm kiếm giá trị tốt hơn, với 22% số đơn hàng trực tuyến được thực hiện trên các nền tảng thương mại điện tử khác nhau.
Giá trị là một trong những yếu tố chính thúc đẩy hành vi này khi “giá tốt hơn” được chọn là lý do hàng đầu để chuyển đổi nền tảng, tiếp theo là chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng nhanh hơn. Số lượng nền tảng trực tuyến được người tiêu dùng Việt Nam sử dụng, từ 8 nền tảng năm 2021 lên 16 nền tảng trong năm 2022.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Nam Nguyen | MarketingTrips