Net Zero là gì? Tất cả những gì cần biết về Net Zero
Trong phạm vi bài viết này, hãy cùng MarketingTrips tìm hiểu về một trong những thuật ngữ rất phổ biến hiện nay trong bối cảnh chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp đó là Net Zero hay Net Zero Carbon Emissions (lượng phát thải ròng bằng 0). Vậy thực chất Net Zero là gì và mục tiêu của các doanh nghiệp khi theo đuổi chiến lược Net Zero Carbon Emissions là gì?
Trong khi biến đổi khí hậu vẫn tiếp tục là thách thức không chỉ với doanh nghiệp mà còn cả với các tổ chức chính phủ và phi chính phủ, các mục tiêu về giảm phát thải khí carbon, trung hoà carbon hay phát thải bằng 0 (Net Zero) tiếp tục là ưu tiên hàng đầu cần theo đuổi và đạt được.
Net Zero là gì?
Là khái niệm được sử dụng trong bối cảnh kinh tế, Net Zero (lượng phát thải ròng bằng 0) là trạng thái lý tưởng trong đó lượng khí nhà kính (GHG) được thải vào bầu khí quyển trái đất được cân bằng với lượng GHG bị loại bỏ. Những nỗ lực khử carbon (Net Zero Carbon Emissions) là nền tảng cần thiết để đạt được mục tiêu Net Zero hay lượng khí thải bằng 0.
Hiểu đúng về khái niệm Net Zero trong phạm vi kinh tế và môi trường.
Nếu bạn thường xuyên theo dõi các tin tức hay nội dung về các chủ đề như tính bền vững (Sustainability) và biến đổi khí hậu (Climate Change), bạn có thể đã nghe thấy thuật ngữ Net Zero, tuy nhiên, để thực sự hiểu được khái niệm này, bạn cần biết nhiều hơn chỉ là về mặt thuật ngữ hay tên gọi đơn thuần.
Lượng khí thải nhà kính (GHGs) vào bầu khí quyển đạt mức bằng 0 tức Net Zero khi mức phát thải khí nhà kính thải vào khí quyển ít nhất là bằng với lượng khí thải đó bị loại bỏ. Trung hòa carbon theo đó cũng là khái niệm mô tả điểm cân bằng này.
CO2 (khí Carbon) là một loại khí (gas) được tìm thấy trong bầu khí quyển của Trái đất — và nó là một phần của không khí trên hành tinh, cùng với các loại khí khác như nitơ, oxy hay metan. CO2 có thể giúp giữ nhiệt, nhưng nếu nó có quá nhiều có thể gây ra các vấn đề, chẳng hạn như các đợt nắng nóng hoặc lũ lụt.
Tất cả các ngành công nghiệp khác — không chỉ riêng ngành năng lượng — theo đó cần phải đạt được mục tiêu Net Zero để tránh một hành tinh bị ảnh hưởng hay thậm chí là bị huỷ hoại.
Khử hay trung hoà carbon là gì?
Khử carbon là giảm thiểu, ngừng hoặc giảm lượng khí carbon trong khí quyển. Nó đạt được bằng cách chuyển sang các nguồn năng lượng hoặc vật liệu thải ra ít carbon hơn.
Hạn chế sự tích tụ khí nhà kính trong khí quyển sẽ là cần thiết để ngăn chặn sự nóng lên vĩnh viễn của hành tinh và những hậu quả thảm khốc khác liên quan đến vấn đề môi trường. Những nỗ lực này được gọi là quá trình khử carbon.
Ở nhiều doanh nghiệp, quốc gia và tổ chức khác hiện đã cam kết khử carbon hoặc thực hiện chuyển đổi dần về mức Net Zero trong những năm tới. Trong khi các ngành công nghiệp như điện, dầu khí và vận tải thường được coi là những ngành phát thải lớn nhất, tất cả các ngành khác cũng đều cần nỗ lực hướng tới quá trình khử carbon này.
Do nhiều yếu tố cấp bách, mục tiêu Net Zero có ý nghĩa quan trọng ở cấp độ toàn cầu. Bảy hệ thống năng lượng và có sử dụng liên quan đến tài nguyên đất chính là điện, công nghiệp, di chuyển, xây dựng, nông nghiệp, lâm nghiệp và chất thải hiện liên đới nhiều nhất đến việc phát thải và do đó tất cả các ngành này sẽ cần phải trải qua quá trình chuyển đổi, khử carbon và cuối cùng là đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero).
Bên cạnh các giải pháp trực tiếp, những hành động thay thế khác như sử dụng nguồn năng lượng phát thải ít carbon, chẳng hạn như năng lượng mặt trời và năng lượng gió thực sự rất hữu ích.
Tận dụng tính tuần hoàn (nền kinh tế tuần hoàn) cũng có thể là một đòn bẩy đáng kể cho quá trình khử carbon này.
Quá trình đạt được mục tiêu Net Zero hay chuyển đổi dần về Net Zero sẽ liên quan đến điều gì?
Khi nói về khái niệm Net Zero hay mô tả quá trình chuyển đổi lượng khí thải ròng bằng 0, dưới đây là 6 đặc điểm chính có liên quan:
- Sức ảnh hưởng toàn cầu. Tất cả các hệ thống năng lượng và sử dụng tài nguyên đất sẽ cần phải được chuyển đổi, điều này ảnh hưởng đến mọi quốc gia và mọi lĩnh vực của nền kinh tế, dù là trực tiếp hoặc gián tiếp.
- Có ý nghĩa rất quan trọng. Chi tiêu cho các tài sản vật lý, những thứ có thể giúp đạt mục tiêu Net Zero sẽ cần phải tăng từ mức 3,5 nghìn tỷ USD chi tiêu mỗi năm hiện nay lên 9,2 nghìn tỷ USD mỗi năm. Tổng chi tiêu đến năm 2050 có thể đạt 275 nghìn tỷ USD.
- Mức chi tiêu sẽ giảm dần. Chi tiêu cho tài sản vật lý có thể nhiều hơn đáng kể trong giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi, có khả năng tăng lên gần 9% GDP toàn cầu từ năm 2026 đến năm 2030 (so với mức dưới 7% vào năm 2022), tuy nhiên con số này sau đó sẽ giảm dần. Tương tự, giá điện có thể tăng trong một khoảng thời gian trước khi ổn định hoặc giảm dần.
- Không đồng đều. Các lĩnh vực chiếm khoảng 20% nền kinh tế toàn cầu sẽ chịu ảnh hưởng kinh tế nhiều nhất từ quá trình chuyển đổi về Net Zero. Ngoài ra, các nước đang phát triển và các khu vực giàu nhiên liệu dễ bị ảnh hưởng hơn trước những thay đổi về sản lượng, trữ lượng vốn và việc làm vì các lĩnh vực dễ bị ảnh hưởng chiếm phần tương đối lớn trong nền kinh tế của họ.
- Nhiều rủi ro. Quá trình chuyển đổi có thể dẫn đến yếu tố giá cả và nguồn cung năng lượng không ổn định nếu không được quản lý một cách cẩn thận.
- Nhiều cơ hội. Quá trình chuyển đổi phát thải ròng bằng 0 hay Net Zero sẽ tạo ra nhiều cơ hội mới và thị trường mới cho các sản phẩm có lượng phát thải thấp.
Làm thế nào các nhà lãnh đạo doanh nghiệp có thể tạo ra giá trị trong quá trình chuyển đổi về mục tiêu Net Zero?
Khi động lực hướng tới Net Zero là mục tiêu không thể thay thế, các nhà đầu tư, khách hàng và cơ quan quản lý đã bắt đầu nâng cao kỳ vọng của họ đối với các doanh nghiệp.
Gần 90% lượng khí thải hiện đang được đặt mục tiêu giảm theo các cam kết về mức bằng 0 và các tổ chức tài chính chịu trách nhiệm về vốn hiện có hơn 130 nghìn tỷ USD đã cam kết rằng họ sẽ quản lý những tài sản này theo lộ trình tương tự.
Để theo kịp xu hướng này, thay vì chỉ đơn giản là quan sát và ủng hộ, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần chuyển sang thế tấn công, nỗ lực đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về các sản phẩm và dịch vụ thân thiện với khí hậu cũng như ưu tiên cho năng lượng xanh trong quá trình sản xuất.
Để có thể có nhiều cơ hội hơn, dưới đây là các chiến thuật mà doanh nghiệp có thể áp dụng:
- Chuyển đổi danh mục đầu tư kinh doanh, đặc biệt chú ý sang các phân khúc ngành hàng có tiềm năng tăng trưởng cao.
- Xây dựng các mảng kinh doanh xanh cho phép doanh nghiệp thâm nhập sớm vào các thị trường mới.
- Tạo ra sự khác biệt bằng các sản phẩm xanh và các đề xuất giá trị mới (USP) trên các thị trường hiện tại để từ đó giành thị phần và bán với giá cao hơn.
- Thực hành khử carbon trên các chuỗi cung ứng hiện có.
Còn yếu tố công nghệ khí hậu thì sao?
Công nghệ khí hậu (Climate Technology) là bất kỳ công nghệ nào có tác dụng giảm lượng khí thải hoặc giải quyết các tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu. Nó bao gồm nhiều hạng mục khác nhau, tất cả đều nhằm mục đích làm chậm quá trình nóng lên toàn cầu và chuyển đổi các hoạt động sang trạng thái xanh hơn, tức hướng tới mục tiêu Net Zero.
Hiện nay, đa phần các công nghệ giảm phát thải vẫn đang ở giai đoạn nghiên cứu và phát triển (R&D).
Dưới đây 5 lĩnh vực chính mang lại nhiều hứa hẹn khi nói đến công nghệ môi trường và biến đổi khí hậu:
- Điện khí hóa: bao gồm pin xe điện (EV) và hệ thống quản lý tòa nhà hiệu quả hơn.
- Nông nghiệp: bao gồm các thiết bị nông nghiệp không phát thải và các nỗ lực kỹ thuật sinh học.
- Hydro hoá: bao gồm cả nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng và tạo điều kiện cho các hoạt động sản xuất với chi phí thấp.
- Các công nghệ khử carbon trong các lĩnh vực khó giảm thiểu hoặc loại bỏ lượng khí thải nhà kính ra khỏi bầu khí quyển.
- Tính tuần hoàn (nền kinh tế tuần hoàn): nghĩa là tái sử dụng các sản phẩm khi chúng kết thúc vòng đời sử dụng của nó.
Về tổng thể, các công nghệ khí hậu vừa giúp cải thiện các quy trình hiện có nhằm giảm lượng carbon vừa đưa ra các cách mới để tích cực ngăn chặn lượng khí được phát thải vào khí quyển hoặc loại bỏ carbon ra khỏi khí quyển.
Khi nóng lên toàn cầu vẫn là chủ đề được quan tâm nhất từ cả khía cạnh quản trị doanh nghiệp lẫn chính phủ, các chiến lược hay mục tiêu đạt được Net Zero sẽ ngày càng được coi trọng.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer