Người Việt chi hơn 40.000 tỷ đồng để sắm Tết trực tuyến năm 2024
Ước tính doanh thu bán hàng trên 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam đạt 40.000 tỷ đồng, tăng 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2023. Tổng cộng đã có hơn 437 triệu sản phẩm được bán ra.
Theo báo cáo mới đây của nền tảng phân tích dữ liệu thương mại điện tử Metric, bất chấp những dự báo về một năm kinh tế ảm đạm, doanh thu bán hàng trên 5 sàn thương mại điện tử (eCommerce) lớn nhất Việt Nam gồm Shopee, TikTok Shop, Lazada, Tiki, Sendo trong 2 tháng đầu năm đã vượt 40.000 tỷ đồng.
Con số này đã tăng 51% so với cùng kỳ năm ngoái và 110% so với cùng thời điểm năm 2022.
Trong đó, người tiêu dùng có xu hướng đẩy mạnh mua sắm vào giai đoạn đầu và cuối tháng 1. Bước sang tháng 2, càng về sát Tết, doanh thu bán hàng trên các sàn thương mại điện tử càng giảm dần và chạm đáy 2.000 tỷ đồng trong tuần nghỉ Tết (8-14/2). Tuy nhiên, chỉ sau 2 tuần làm việc trở lại sau Tết, con số này đã tăng lên gấp 3 lần.
Tổng cộng trong 2 tháng đầu năm, đã có hơn 437 triệu sản phẩm được bán ra từ 441.000 gian hàng khác nhau.
Trong quý II sắp tới, Metric dự báo doanh thu bán hàng trên 5 sàn thương mại điện tử có thể đạt 65.000 tỷ đồng (GMV), tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023. Sản lượng bán hàng trong mùa mua sắm hè năm nay cũng có thể tăng 28% lên 650 triệu sản phẩm.
“Tình hình kinh tế 2024 vẫn được cho là ảm đạm và người tiêu dùng ngày càng nhạy cảm hơn về giá. Nhìn chung mức tăng trưởng về doanh thu sẽ thấp hơn mức tăng về sản lượng”, đại diện Metric chia sẻ.
Nhìn lại năm 2023, hầu hết ngành hàng đều chứng kiến doanh thu tăng trưởng. Một số ngành hàng như làm đẹp, thời trang, điện gia dụng, mẹ và bé thậm chí có tốc độ tăng trưởng doanh thu 50-60% so với năm 2022.
Tuy nhiên, nghịch lý cho thấy số lượng gian hàng phát sinh lượt bán đang có xu hướng giảm dần. Chỉ một số ngành hàng như nhà cửa – đời sống, điện thoại và máy tính bảng, máy tính/laptop và thiết bị văn phòng, ôtô – xe máy, giày dép nữ vẫn gia tăng số lượng gian hàng nhưng không đáng kể.
Năm vừa rồi, phân khúc giá 100.000-200.000 đồng và 200.000-500.000 đồng tiếp tục đem về doanh thu nhiều nhất cho các gian hàng. Trong đó, phân khúc 100.000-200.000 đồng tăng trưởng doanh thu 40% so với năm ngoái, còn phân khúc 200.000-500.000 đồng tăng trưởng 37%.
Song, sự tăng trưởng doanh thu của phân khúc 100.000-200.000 đồng phần nào phản ánh rằng người tiêu dùng ngày càng nhạy cảm về giá và quan tâm nhiều hơn tới các chương trình khuyến mại.
Thực tế, tính trên 4 sàn Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, mức giá trung bình của người mua hàng đã giảm từ 100.344 đồng trong năm 2022 xuống 98.781 đồng vào năm ngoái.
Special Offer từ MarketingTrips:
- Tham khảo giải pháp Agency Listing từ MarketingTrips: Agency Networks
- Đăng bài không giới hạn trên MarketingTrips với chi phí chỉ bằng 1 bài đăng (Booking): Content Partner
- Đăng ký (dành cho Agency): Sign up
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin tức trực tuyến về Marketing, Digital Marketing, Thương hiệu, Quảng cáo và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Theo ZNews