Thị trường Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn của hàng hóa Trung Quốc
Trước sự bùng nổ của thương mại điện tử xuyên biên giới, thị trường Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn của hàng hóa Trung Quốc với lợi thế giá thành và tốc độ giao hàng.
Đầu tháng 10, ứng dụng thương mại điện tử (ecommerce) Temu âm thầm tiến vào thị trường Việt Nam và Brunei, qua đó nâng phạm vi phủ sóng tại Đông Nam Á lên 5 quốc gia.
Temu là phiên bản quốc tế của Pinduoduo, gã khổng lồ TMĐT lớn thứ 2 Trung Quốc. Khác với các sàn TMĐT trong nước hiện nay như Shopee, Lazada, mô hình của Temu thiên về B2C (doanh nghiệp tới tay người tiêu dùng) với nguồn hàng chủ yếu đến từ nhà bán Trung Quốc.
Giai đoạn đầu, phiên bản website và ứng dụng của Temu tương đối thô sơ, không cung cấp lựa chọn tiếng Việt và chỉ chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng cũng như chưa hỗ trợ ví điện tử địa phương. Tuy nhiên trong thời gian ngắn, ứng dụng này liên tục bổ sung thêm nhiều tính năng phù hợp cho thị trường Việt Nam.
Không chỉ tung ra hàng loạt ưu đãi kích thích mua sắm như miễn phí giao hàng, cho phép trả hàng hoàn tiền lên tới 90 ngày, Temu sẵn sàng chia hoa hồng “khủng” lên tới 30% cho hoạt động tiếp thị liên kết nhằm đẩy mạnh số lượng người dùng mới.
Cách hàng Trung Quốc đổ bộ Việt Nam
Vài năm trở lại đây, hoạt động TMĐT xuyên biên giới giữa Trung Quốc và Việt Nam phát triển với tốc độ chóng mặt. Với khoảng 1.500 km biên giới đất liền, hàng hóa từ Trung Quốc đang ồ ạt tràn vào Việt Nam thông qua những nền tảng như Temu.
Đối với nhà bán hàng Trung Quốc, thị trường Việt Nam là “mảnh đất màu mỡ”. Thống kê từ hãng nghiên cứu Momentum Works cho thấy Việt Nam là thị trường TMĐT có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất năm 2023. Với tốc độ mở rộng gần 53% so với cùng kỳ lên 13,8 tỷ USD, Việt Nam cũng vượt qua Philippines để trở thành thị trường TMĐT lớn thứ 3 trong khu vực.
Trước Temu, sàn TMĐT 1688 của tập đoàn Alibaba cũng bắt đầu hỗ trợ tiếng Việt. Đây là động thái đầy bất ngờ khi suốt hàng chục năm qua, nền tảng này chỉ áp dụng duy nhất tiếng Trung, thậm chí chưa tích hợp ngôn ngữ Anh.
1688 vốn là nền tảng bán buôn phục vụ thị trường nội địa Trung Quốc. Đối tượng chính của nền tảng là người mua số lượng lớn và chủ yếu là B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp).
Thay vì thông qua các đầu mối mua hộ, trung gian vận chuyển Việt – Trung, 1688 nay trực tiếp hỗ trợ người dùng Việt Nam mua và vận chuyển hàng hóa.
Tương tự, Taobao – một nền tảng TMĐT khác của Alibaba – cũng đã mở dịch vụ giao hàng tận tay người dùng tại Việt Nam.
Trên thực tế, trước khi những “tay chơi” mới tiến vào Việt Nam, vài năm trở lại đây, các sàn TMĐT dẫn đầu thị phần trong nước hiện nay như Shopee, Lazada hay TikTok Shop đã cho phép người dùng Việt mua hàng Trung Quốc thông qua tính năng gian hàng quốc tế.
Với hàng loạt chính sách trợ giá, hỗ trợ thanh toán hay cung cấp nền tảng giao dịch cho nhà bán lẻ quốc tế, các sàn TMĐT đã thu hẹp đáng kể khoảng cách giữa hàng hóa Trung Quốc với người tiêu dùng Việt Nam.
Qua theo dõi 4 sàn TMĐT lớn mà người bán nước ngoài đang khai thác, Bộ Công Thương ghi nhận trên dưới 1 tỷ USD giá trị hàng nhập khẩu qua kênh TMĐT mỗi tháng, tính đến đầu tháng 6 vừa qua.
Mặt khác, các công ty logistics lớn của Trung Quốc như Best Express, J&T Express cũng đóng vai trò quan trọng trong quy trình giao hàng chặng cuối về Việt Nam.
Hồi đầu năm, Viettel Post trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên ký kết thỏa thuận tăng cường kết nối, phát triển logistics xuyên biên giới cùng chính quyền và các doanh nghiệp Trung Quốc tại 2 TP Nam Ninh và Bằng Tường, bao gồm việc xây dựng 2 trung tâm logistics lớn tại 2 địa phương và hợp tác khai thác vận tải đa phương thức tuyến Yên Viên – Đồng Đăng – Bằng Tường – Nam Ninh.
Nhà bán lẻ Việt Nam đánh mất lợi thế tốc độ
Theo công ty phân tích dữ liệu thương mại điện tử Metric, sự gia nhập của Temu hay các sàn TMĐT giá rẻ khác vào Việt Nam đang tạo ra nhiều áp lực cạnh tranh.
Bên cạnh vấn đề giá thành, việc tốc độ giao hàng xuyên biên giới được rút ngắn tương đương tốc độ vận chuyển nội địa cũng là “cơn đau đầu” với các nhà bán lẻ địa phương.
Theo một chuyên gia trong ngành fulfillment (thực hiện đơn hàng), quy trình logistics tại Trung Quốc khá hoàn thiện và được cải tiến từng ngày, đặc biệt là mạng lưới giao thông. Nhờ đó, mỗi đơn hàng từ Trung Quốc về Việt Nam nay chỉ tốn 4-6 ngày, ngang thời gian vận chuyển từ TP.HCM ra Hà Nội.
Số liệu từ CEIC Data cho biết tính đến năm 2022, quốc gia tỷ dân đã hoàn thành 177.000 km cao tốc, tăng 84% so với 10 năm trước. Trung Quốc cũng đang sở hữu hệ thống đường sắt lớn nhất thế giới với tổng chiều dài lên tới 42.000 km, gấp 62 lần thời điểm năm 2008.
Trong chiến lược phát triển TMĐT xuyên biên giới, chính phủ Trung Quốc cũng khuyến khích và hỗ trợ một loạt địa phương, doanh nghiệp xây dựng các tổng kho rộng hàng chục nghìn m2 sát biên giới Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á, tập trung tại 4 địa phương là Hà Khẩu, Bằng Tường, Đông Hưng và Quảng Châu.
Các tổng kho này có chức năng nhận hàng hóa từ nhà cung cấp, xử lý, hoàn thành các khâu fulfillment và xuất đi trong thời gian ngắn nhất.
Đầu năm 2020, Trung Quốc đã hoàn thành giai đoạn 1 của dự án Khu thí điểm thương mại điện tử Trung Quốc – ASEAN tại huyện Hà Khẩu (tỉnh Vân Nam) với khoảng 150 công ty hoạt động và đang triển khai tiếp giai đoạn 2 tại phía Bắc, giáp với tỉnh Lào Cai, cách Hà Nội 295 km và cách cảng Hải Phòng 416 km.
Sau khi hoàn thành, trung tâm này có năng lực xử lý 50.000 bưu kiện/ngày, tương đương trọng lượng khoảng 800 tấn, qua đó đưa khối lượng giao dịch hàng năm dự kiến vượt 2 tỷ nhân dân tệ (280 triệu USD).
Hiện Khu thí điểm thương mại điện tử Trung Quốc – ASEAN, phân khu Hồng Hà cách cửa khẩu đường bộ Hà Khẩu (Cửa khẩu số I) 3 km. Tổng diện tích sử dụng đất và xây dựng lên tới 660.000 m2 với quy mô mức đầu tư là 3,68 tỷ nhân dân tệ (khoảng 525 triệu USD).
Ở huyện Đông Hưng (tỉnh Quảng Tây), chính quyền nơi đây cũng đang phát triển Khu thương mại biên giới Đông Hưng thành khu thương mại biên giới lớn nhất Quảng Tây.
Ngoài các tổng kho trung chuyển này, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết các công ty Trung Quốc cũng đang vận hành khoảng 2.500 kho hàng ở nước ngoài với tổng diện tích 30 triệu m2, bao gồm cả Việt Nam. Trong đó, có hơn 1.800 kho hàng chuyên phục vụ TMĐT xuyên biên giới với tổng diện tích 22 triệu m2.
Trong 5 năm qua, TMĐT xuyên biên giới của Trung Quốc đã tăng trưởng hơn 10 lần và trở thành động lực thúc đẩy thương mại đối ngoại.
Tính riêng quý I/2024, tổng giá trị hàng hóa TMĐT xuyên biên giới đạt 577,6 tỷ nhân dân tệ (khoảng 80 tỷ USD), tăng gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giá trị xuất khẩu tăng 14% lên 448 tỷ nhân dân tệ (khoảng 63 tỷ USD).
Thời gian tới, Bộ Thương mại Trung Quốc cũng có kế hoạch tận dụng 165 khu thí điểm TMĐT xuyên biên giới để mở rộng số lượng doanh nghiệp tham gia vào chuỗi thương mại quốc tế, nuôi dưỡng các công ty chủ chốt trong ngành để dẫn đầu quá trình số hóa chuỗi cung ứng và thúc đẩy hợp tác, đàm phán TMĐT xuyên biên giới trong các cuộc đàm phán hiệp định thương mại tự do.
Hiện Trung Quốc có hơn 120.000 đơn vị TMĐT xuyên biên giới, đồng thời sở hữu hơn 1.000 khu công nghiệp TMĐT xuyên biên giới.
Special Offer từ MarketingTrips:
- Tham khảo giải pháp Agency Listing từ MarketingTrips: Agency Networks
- Đăng bài không giới hạn trên MarketingTrips vớfi chi phí chỉ bằng 1 bài đăng (Booking): Content Partner
- Đăng ký (dành cho Agency): Sign up
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin tức trực tuyến về Marketing, Digital Marketing, Thương hiệu, Quảng cáo và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Theo Znews