TikTok chen chân vào thị trường giao đồ ăn có giá trị hàng chục tỷ đô
Trước đó, Douyin – phiên bản tiếng Trung của TikTok đã từng bước thử nghiệm tính năng giao đồ ăn trong bối cảnh nền kinh tế địa phương đang bắt đầu phục hồi hậu Covid-19 tại Trung Quốc.
Theo CNBC, chủ quản của mạng xã hội TikTok là công ty ByteDance đang thử nghiệm dịch vụ giao đồ ăn tại Trung Quốc, thông qua ứng dụng phiên bản nội địa có tên Douyin. Phía ByteDance dự kiến sẽ bước vào thị trường giao đồ ăn nếu quá trình thử nghiệm thành công.
Cụ thể, trong mỗi buổi livestream của Douyin, nhà bán hàng có thể tung các chương trình giảm giá hoặc voucher đồ ăn cho người xem. Sau đó, người xem có thể sử dụng ưu đãi đó và chọn thời gian trong vòng hai ngày để thực phẩm được giao đến nhà.
Cách làm này của ByteDance được đánh giá là khác biệt so với 2 ông lớn là Meituan và Ele.me (Alibaba). Cả hai đều là dịch vụ giao đồ ăn theo yêu cầu, giống như Uber Eats.
Phía ByteDance tham vọng sẽ có được vị thế trên thị trường giao đồ ăn đạt giá trị tới 66,4 tỷ USD vào năm 2022, theo công ty nghiên cứu IMARC Group.
Giữa năm ngoái, Douyin đã từng bước thử nghiệm tính năng giao đồ ăn trong bối cảnh nền kinh tế địa phương đang bắt đầu phục hồi hậu Covid-19.
Tại nhiều nhà hàng ở các thành phố lớn của Trung Quốc, bao gồm cả Thượng Hải, người dùng đã có thêm tùy chọn đặt đồ ăn. Tuy nhiên, các nhà hàng này phải có đội ngũ giao hàng riêng, hoặc tài xế của dịch vụ khác mà không phải của Douyin.
Trước đó, Douyin đã thành lập mảng kinh doanh đồ ăn có tên: “Heartbeat Takeaway” với khẩu hiệu “Heartbeat Takeaway, Eat What You Love” (tạm dịch: Ăn những gì bạn thích).
“Heartbeat Takeaway” được mở đầu tiên tại các thành phố cấp một và cấp hai, sau đó sẽ dần dần lan rộng ra các thành phố trên cả nước. Bên cạnh đó, định hướng trước mắt của dự án cho phép các bên bán cung cấp hàng độc lập, sử dụng tài nguyên chung như các ứng dụng giao đồ ăn thường thấy.
Nhiều chuyên gia lo ngại, việc Douyin nhập cuộc thị trường giao đồ ăn sẽ một lần nữa tạo ra cuộc đua về giá – điều thường thấy mỗi khi có thêm một tay chơi mới gia nhập thị trường, bởi đây là công cụ hữu dụng để giành lấy thị phần.
Meituan và Ele.me trước đây thường cạnh tranh về giá, nhưng kể từ sự vụ Didi, Chính phủ Trung Quốc đã mạnh tay và cấm các cuộc đua giá rẻ. Nếu không thể giảm giá dịch vụ, Douyin chỉ có thể thu hút người bán bằng cách giảm phí sử dụng và mở các tính năng của nền tảng.
Tại Việt Nam, lượng người dùng ứng dụng TikTok trên 18 tuổi hiện lên tới gần 40 triệu người. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy công ty sẽ tung ra dịch vụ gọi đồ ăn tại nước ta.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer