Nghiên cứu: Sự đồng cảm là kỹ năng lãnh đạo quan trọng nhất
Sự đồng cảm luôn là một kỹ năng quan trọng đối với các nhà lãnh đạo. Bên cạnh việc kỹ năng này mang nhiều ý nghĩa trong cách giao tiếp, nó cũng có thể thúc đẩy kết quả kinh doanh tốt hơn đáng kể.
Bạn luôn biết rằng việc chứng minh sự đồng cảm là điều tích cực đối với hầu hết mọi người, nhưng nghiên cứu mới cho thấy nó có tầm quan trọng trên rất nhiều khía cạnh, từ sự đổi mới đến duy trì lòng trung thành của nhân viên.
Khả năng lãnh đạo tuyệt vời đòi hỏi sự kết hợp nhuần nhuyễn của tất cả các loại kỹ năng để tạo điều kiện cho sự gắn bó, hạnh phúc và hiệu suất, sự đồng cảm đứng đầu trong danh sách những điều mà các nhà lãnh đạo cần phải làm đúng.
Sức ảnh hưởng của sự căng thẳng.
Lý do khiến sự đồng cảm đang trở nên cần thiết hơn là vì mọi người đang trải qua nhiều sự căng thẳng và dữ liệu cho thấy điều này bị ảnh hưởng bởi đại dịch và cách cuộc sống cũng như công việc của chúng ta đã bị đảo lộn.
- Sức khỏe tinh thần. Một nghiên cứu toàn cầu của Qualtrics cho thấy 42% số người đã bị suy giảm sức khỏe tinh thần. Cụ thể, 67% số người đang trải qua sự gia tăng căng thẳng, 57% cho sự lo lắng và 54% bị kiệt sức về mặt cảm xúc. 53% số người đang rất buồn, 50% khó chịu, 28% khó tập trung, 20% mất nhiều thời gian hơn để hoàn thành công việc, 15% gặp khó khăn trong suy nghĩ và 12% gặp thử thách khi phải gánh vác các trách nhiệm mới của họ.
- Cuộc sống cá nhân. Một nghiên cứu trên tạp chí khoa học sức khỏe nghề nghiệp cho thấy giấc ngủ của chúng ta bị ảnh hưởng khi chúng ta cảm thấy căng thẳng trong công việc. Nghiên cứu tại Đại học Illinois cho thấy khi nhân viên nhận được những email khiếm nhã tại nơi làm việc, họ có xu hướng cảm thấy tiêu cực và ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân của họ. Ngoài ra, một nghiên cứu tại Đại học Carleton cho thấy khi mọi người trải qua sự bất lực trong công việc, họ có xu hướng cảm thấy mình có ít khả năng hơn và kém cỏi hơn (kể cả trong các khía cạnh khác ngoài công việc).
- Hiệu suất, Doanh thu và Trải nghiệm Khách hàng. Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Học viện Quản lý cho thấy khi mọi người đang dần nhận ra sự thô lỗ hay khiếm nhã trong công việc, hiệu suất của họ bị giảm sút và họ ít có khả năng giúp đỡ người khác hơn. Và một nghiên cứu mới tại Đại học Georgetown cho thấy tình trạng bất lực tại nơi làm việc đang gia tăng và có sức ảnh hưởng rất lớn, bao gồm cả việc giảm hiệu suất và sự cộng tác, từ đó làm giảm trải nghiệm của khách hàng và doanh thu.
Sự đồng cảm mang đến những kết quả tích cực.
Nhưng khi chúng ta trải qua những giai đoạn khó khăn, phải đấu tranh hoặc cảm thấy khó khăn trong việc tìm thấy sự hạnh phúc trong công việc, sự đồng cảm có thể là liều thuốc mạnh mẽ nhất, nó đóng góp vào những trải nghiệm tích cực cho cả các cá nhân và tập thể.
Một nghiên cứu mới trên 889 nhân viên của Catalyst cho thấy sự đồng cảm có một số sức ảnh hưởng mang tính xây dựng đáng kể:
- Sự đổi mới. Khi mọi người biết lãnh đạo của họ là người đồng cảm, họ có nhiều khả năng hơn cho sự đổi mới. 61% nhân viên làm việc với các nhà lãnh đạo có sự đồng cảm có khả năng đổi mới so với chỉ 13% nhân viên làm việc với các nhà lãnh đạo ít có sự đồng cảm hơn.
- Sự gắn bó. 76% những người nhận được sự đồng cảm từ lãnh đạo của họ cho biết họ sẽ gắn bó với doanh nghiệp so với mức chỉ 32% từ những người có ít sự đồng cảm hơn.
- Khả năng giữ chân nhân viên. 57% phụ nữ da trắng và 62% phụ nữ da màu cho biết họ khó có thể nghĩ đến việc rời bỏ doanh nghiệp nếu họ cảm thấy mình được tôn trọng và có giá trị. Tuy nhiên, trong một điều kiện ngược lại, chỉ có 14% phụ nữ da trắng và 30% phụ nữ da màu cho biết họ không nghĩ đến việc nghỉ việc.
- Tính toàn diện. 50% những người làm việc với các nhà lãnh đạo có sự đồng cảm cho biết nơi làm việc của họ có tính toàn diện và đa dạng, so với mức chỉ 17% ở các doanh nghiệp mà lãnh đạo của họ thiếu đi sự đồng cảm.
- Công việc và Cuộc sống. Khi mọi người cảm thấy các nhà lãnh đạo của họ có nhiều sự đồng cảm hơn, 86% cho biết họ có thể điều hướng các yêu cầu của công việc và cuộc sống một cách hiệu quả hơn so với mức 60% ở những nhà lãnh đạo có ít đồng cảm.
Hợp tác cũng là một yếu tố quan trọng khác. Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Evolution Biology, khi sự đồng cảm được đưa vào quá trình ra quyết định, nó sẽ làm tăng sự hợp tác và thậm chí sẽ khiến mọi người trở nên đồng cảm hơn.
Kết nối cho sự đồng cảm.
Ngoài ra, sự đồng cảm dường như là bẩm sinh. Trong một nghiên cứu của Đại học Lund, trẻ em dưới hai tuổi đã thể hiện một sự đánh giá cao rằng những người khác có quan điểm khác với quan điểm của chúng.
Và nghiên cứu tại Đại học Virginia cho thấy khi mọi người nhìn thấy bạn bè của họ bị đe dọa, họ cũng có những trải nghiệm tương tự trong não bộ như khi họ bị đe dọa. Mọi người dành tình cảm cho bạn bè và đồng đội của họ sâu sắc như họ cảm thấy cho chính mình.
Tất cả những điều này làm cho sự đồng cảm trở thành một phần quan trọng tại nơi làm việc và cả trong cuộc sống cá nhân của chúng ta.
Dẫn dắt bằng sự đồng cảm.
Các nhà lãnh đạo có thể thể hiện sự đồng cảm theo hai cách. Đầu tiên, họ có thể xem xét suy nghĩ của người khác thông qua sự đồng cảm trong nhận thức của chính mình (Nếu tôi ở vị trí của anh ấy/cô ấy… tôi sẽ nghĩ gì?).
Các nhà lãnh đạo cũng có thể tập trung vào cảm xúc của một người bằng cách sử dụng sự đồng cảm về cảm xúc (Ở vị trí của anh ấy/cô ấy, tôi có cảm thấy tương tự không).
Nhưng các nhà lãnh đạo sẽ thành công nhất không chỉ khi họ xem xét hay cân nhắc quan điểm của người khác, mà khi họ bày tỏ mối quan tâm và thắc mắc về những thách thức một cách trực tiếp, sau đó lắng nghe phản hồi của nhân viên.
Các nhà lãnh đạo không cần phải là chuyên gia về sức khỏe tinh thần để chứng tỏ họ đang quan tâm và chú ý đến mọi người. Họ chỉ cần kiểm tra, đặt câu hỏi và nhận các gợi ý từ nhân viên về mức độ mà họ muốn chia sẻ là đủ.
Các nhà lãnh đạo tuyệt vời cũng đòi hỏi sự hành động. Mọi người sẽ tin tưởng những nhà lãnh đạo, cảm thấy gắn bó và cam kết hơn khi có sự phù hợp giữa những gì mà nhà lãnh đạo nói và làm.
Tất cả những hiểu biết về hoàn cảnh của người khác sẽ biến thành lòng trắc ẩn và hành động. Đồng cảm trong hành động là khi bạn hiểu được những khó khăn của nhân viên và đề nghị giúp đỡ. Đó là khi bạn đánh giá cao quan điểm của một người và tranh luận một cánh lành mạnh nhằm tạo ra những giải pháp tốt hơn.
Sự đồng cảm góp phần vào các mối quan hệ tích cực, văn hóa tổ chức và nó cũng có khả năng thúc đẩy các kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Đồng cảm có thể không phải là một kỹ năng hoàn toàn mới, nhưng nó có những tầm quan trọng mới và những nghiên cứu mới này đặc biệt làm rõ ràng rằng sự đồng cảm là năng lực lãnh đạo cần phát triển nhiều nhất ở hiện tại và cả trong tương lai của công việc.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Nam Nguyen