Nhận diện chân dung của một nhà lãnh đạo độc hại
Với tư cách là nhân viên, việc bạn chọn làm việc cho một doanh nghiệp có văn hoá lành mạnh hay độc hại sẽ ảnh hưởng rất lớn đến con đường sự nghiệp sau này. Hãy nhận diện chân dung của một nhà lãnh đạo độc hại trong bài viết này.
Những hành vi độc hại của các nhà lãnh đạo không chỉ làm ảnh hưởng xấu đến doanh nghiệp của họ hay nơi họ công tác mà còn làm suy giảm chính năng lực của họ.
Suy cho cùng, lãnh đạo tất cả là về việc thúc đẩy các mối quan hệ lành mạnh giữa con người với nhau để cùng nhau tạo ra những thành tựu to lớn cho tổ chức. Và để lãnh đạo xuất sắc, nhà lãnh đạo cũng cần phải tự học hỏi các kỹ năng tốt đồng thời loại bỏ các hành vi độc hại với nhân viên của mình.
Dưới đây là một số hành vi độc hại mà nhà lãnh đạo nên loại bỏ hoặc nếu là nhân viên, bạn xem đây là những dấu hiệu để nhận diện và “tránh xa” họ.
1. Quản lý vi mô là dấu hiệu nhận diện đầu tiên về một nhà lãnh đạo độc hại.
Những nhà lãnh đạo hay người quản lý luôn cố gắng để thống trị con người, các quyết định và quy trình cuối cùng sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến tinh thần làm việc của nhân viên.
Người quản lý vi mô là những người luôn làm theo cách của họ dựa trên lợi thế về quyền lực và quyền lực chính là sự kiểm soát. Và với sự kiểm soát này, nỗi sợ hãi là điều khó tránh khỏi với hầu hết nhân viên.
Thay vì tập trung vào việc kiểm soát, các nhà lãnh đạo lành mạnh sẽ tập trung nhiều hơn vào việc khuyến khích quyền tự chủ và tự do để nhân viên có thể phát huy tối đa tiềm năng, nỗ lực giải phóng bản thân và hơn thế nữa.
Theo nghiên cứu của WorldBlu, các tổ chức hoạt động theo phương pháp lãnh đạo tự chủ hơn và tự do hơn đã chứng kiến “mức tăng trưởng doanh thu trung bình cao hơn tới 7 lần trong khoảng thời gian 3 năm so với các doanh nghiệp khác”.
2. Thích đè bẹp ý tưởng của người khác.
Nhiều nhà lãnh đạo nói rằng họ muốn có một đội ngũ hoặc văn hóa đổi mới nhưng sau đó chính họ lại quay lưng và sẵn sàng loại bỏ bất kỳ ý tưởng mới nào được đưa ra đang phá hoại quá trình sáng tạo của doanh nghiệp.
Thay vào đó, nhà lãnh đạo cần cách tiếp cận theo hình thức hỗ trợ và nuôi dưỡng sự đổi mới từ những người muốn đóng góp ý tưởng và tạo ra sự khác biệt.
3. Không tích cực lắng nghe.
Lắng nghe mà cụ thể là lắng nghe tích cực là một trong những kỹ năng lãnh đạo quan trọng hàng đầu để nhà lãnh đạo có thể thấu hiểu về con người và tổ chức của họ.
Lắng nghe tích cực, tôn trọng và giao tiếp hai chiều theo đó là điều xa vời với các nhà lãnh đạo độc hại. Họ vốn không muốn lắng nghe ý kiến, quan điểm và phản hồi mang tính xây dựng của người khác.
4. Bỏ qua mong muốn tự nhiên của con người đó là được phát triển.
Đối xử với nhân viên như những con ong thợ với con đường sự nghiệp bế tắc, không quan tâm đến cơ hội phát triển hay thiếu sự gắn kết là những dấu hiệu thường thấy của các nhà lãnh đạo độc hại.
Ngược lại với các nhà lãnh đạo độc hại, những nhà quản lý giỏi có kỹ năng lãnh đạo xuất sắc sẽ đầu tư lâu dài vào những nhân viên tiềm năng bằng cách cung cấp các cơ hội học tập và phát triển liên tục.
Họ tạo ra một môi trường làm việc nơi mọi người luôn có đủ không gian để học hỏi và cống hiến. Họ cũng thường xuyên trò chuyện với nhân viên hoặc tìm hiểu về việc liệu nhân viên có đang có đủ cơ hội để phát huy bản thân hay không.
5. Thiếu hành động cũng là dấu hiệu để nhận diện một nhà lãnh đạo độc hại.
Cuối cùng, một nhà lãnh đạo độc hại là người nói và cam kết rất nhiều tuy nhiên họ lại vắng mặt hoặc trở nên vô hình ở những thời điểm cần họ hành động.
Một người quản lý hay nhà lãnh đạo thiếu hành động luôn tìm cách để tránh các tương tác cá nhân, đặc biệt là khi mọi thứ đang trở nên tồi tệ. Họ thường thích quản lý bằng email và tin nhắn, đồng thời tránh giao tiếp trực tiếp vì sợ phải đối mặt với xung đột.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Hà Anh | MarketingTrips