Skip to main content

Gen Z & văn hóa ‘thích thì nghỉ’: Đánh đồng hay thực trạng?

17 Tháng Sáu, 2021

Gen Z – thế hệ trẻ đang chiếm sóng thị trường việc làm nhưng lại gây ra quá nhiều tranh cãi. Không bàn về tài năng, chỉ nói đến thái độ thì bạn nghĩ thế nào?

Gen Z & văn hóa “thích thì nghỉ”: Đánh đồng hay thực trạng?

Gen Z (thế hệ sinh từ năm 1996 trở về sau) đang bắt đầu bước vào các môi trường làm việc khác nhau. Đây là thế hệ tiếp xúc với công nghệ và mạng xã hội từ rất sớm.

Và gần đây, cũng trên chính mạng xã hội bắt đầu dấy lên những câu chuyện về gen Z và văn hóa “thích thì nghỉ”.

Đi làm – nghỉ làm là việc chẳng mấy lạ. Nhưng nghỉ làm đột ngột, điện thoại không được, nhắn tin không phản hồi, không lời tạm biệt hoặc nghỉ không cần báo trước.

Quá nhiều sự phàn nàn khiến chính các nhà tuyển dụng cũng không khỏi băn khoăn trước câu hỏi: Văn hóa nghỉ việc của gen Z là do chúng ta đánh đồng hay là thực trạng thực tế?

Vì sao gen Z lại thường “thích thì nghỉ”? 

Gen Z “vào đời” với quá nhiều cơ hội việc làm 

Đó là điều không thể phủ nhận. Xã hội càng hiện đại, các ngành nghề càng phát triển, cơ hội việc làm cho người lao động càng nhiều. Đặc biệt là khi gen Z được tiếp xúc với nền giáo dục tiên tiến hơn rất nhiều so với các thế hệ trước (mà tiêu biểu nhất chính là ngoại ngữ và tin học).

Các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam không ít và trào lưu start-up cũng nở rộ. Thời đại mà các bạn Z đang bước vào là một thế giới phẳng và mọi thứ đều có thể hội nhập. Do đó, cơ hội việc làm dành cho các bạn là cực kỳ lớn.

Nhiều cánh cửa chào đón, “tỷ phú thời gian”, không áp lực về tài chính, không áp lực về gia đình nên “nhảy việc” liên tục với tần suất cao là điều dễ hiểu.

Trong suy nghĩ của một người trẻ, họ muốn được tự do. Họ nghĩ rằng bản thân có nhiều thời gian và cơ hội để thử cho đến khi thực sự chọn được một nơi phù hợp.

Chịu nhiều tác động từ mạng xã hội .

Bạn có nghĩ rằng mạnh xã hội thì cũng ảnh hưởng đến “văn hóa đi làm”? Hoàn toàn có thể. Mạng xã hội là nơi mà hàng ngàn hội nhóm “mọc” lên, hàng triệu người bày tỏ ý kiến.

Tiếp xúc với quá nhiều nguồn thông tin từ mạng xã hội cũng khiến thế hệ Z chịu sự chi phối về tư tưởng, suy nghĩ và cuối cùng là cách hành động.

Những xu hướng được mạng xã hội tung hô như: Sống vì bản thân chứ đừng sống vì suy nghĩ hay ước muốn của người khác, hãy làm những điều mình thích, thanh xuân mỗi người chỉ được vài năm… nếu không được hiểu một cách thấu đáo, kín kẽ thì rất dễ gây nên những cách hành xử bồng bột và sai lầm.

Gen Z cũng là thế hệ cực kỳ nhạy cảm về mặt cảm xúc. Chính vì được sống trong xã hội mà ý kiến cá nhân ngày càng được xem trọng và ai đang dần thoải mái bày tỏ cảm xúc cá nhân lên mạng xã hội nên gen Z rất nhạy cảm, thậm chí là dễ tổn thương.

Những câu trách móc của cấp trên, sự khó chịu từ ánh mắt của đồng nghiệp (mà rất có thể là do các bạn đã quá nhạy cảm với vấn đề ấy), áp lực công việc quá nhiều ảnh hưởng đến những chuyến du lịch… Gen Z nếu không tìm được những người khiến họ có động lực và được truyền cảm hứng thì rất khó để phát huy bản thân hay gắn bó lâu dài.

Nhưng đó không phải là thực trạng của cả một thế hệ.

Không ít nhà tuyển dụng phàn nàn về thái độ nghỉ việc “kém văn minh” của số lượng không nhỏ thuộc về gen Z. “Đi thưa” nhưng “về không gửi”.

Có thể bạn nghĩ rằng hành động của mình không quá nghiêm trọng, song kỳ thực nó lại gây ra những tổn thất nhất định cho doanh nghiệp.

Hơn thế nữa, cách hành xử ấy khiến bạn gần như không còn “cửa” để trở lại làm việc cùng môi trường ấy hay người quản lý ấy.

Nhưng nói đi cũng nên nhìn lại. Có lẽ từ cương vị của những nhà tuyển dụng, nếu liên tục gặp phải những trường hợp như thế, chúng ta cũng nên một lần nhìn lại những lý do khác.

Văn hóa làm việc không phù hợp? Sự kết nối với nhân viên mới chưa tốt? Hay các bạn trẻ đang gặp vấn đề với người quản lý trực tiếp – mà thường là những quản lý cấp giữa?

Và quan trọng hơn, không nên đánh đồng cả một thế hệ bởi gen Z suy cho cùng vẫn đang cho thấy họ là một thế hệ thực sự tài năng, năng động, sáng tạo và nhanh nhạy. Các bạn có tư duy của một thế hệ hội nhập cả trong và ngoài nước.

Các bạn có những suy nghĩ riêng và không ngại tìm cách thể thực hiện những suy nghĩ hoặc ý tưởng đó. Các bạn ngày càng trở nên bản lĩnh, đa năng, dám nghĩ dám làm và độ tuổi thành công cũng vì thế mà ngày càng trẻ hóa.

Thế nên, gen Z không đáng bị đánh đồng với văn hóa nghỉ việc kém văn minh. Ở thế hệ nào cũng sẽ có những cá nhân thế này và những cá nhân thế khác. Điều quan trọng vẫn là chúng ta nhìn thấy được thực trạng, hiểu được một phần nguyên nhân từ cả 2 phía và khắc phục.

Chẳng hạn với thế hệ gen Z, trước khi thành công bài học lớn nhất là thành nhân.

Trước khi học văn bài học đầu tiên là học lễ. Ứng xử văn minh, có kỷ luật và có trách nhiệm là tôn trọng người tuyển dụng, công ty, đồng nghiệp và tôn trọng chính uy tín của bản thân bạn.

Đối với người tuyển dụng, có lẽ cần cân nhắc và xem xét lại về việc tăng tính kết nối để không tạo khoảng cách, nhất là khoảng cách thế hệ với những nhân viên mới như gen Z.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Đan Linh | MarketingTrips

Bài viết liên quan

Nổi bật


Đọc nhiều

Ứng dụng video Bigo Live bị xoá khỏi App Store

10 Tháng Tư, 2023
Bigo Live, ứng dụng chuyên về livestream phổ biến tại Việt Nam, không còn xuất hiện trên kho ứng …